Aa

Thanh tra toàn diện phát triển nhà ở xã hội cần song hành với tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách

Thứ Năm, 16/05/2024 - 06:05

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, việc thanh tra không có nghĩa "bới lông tìm vết" mà là hoạt động mang tính hỗ trợ, giúp đỡ chủ đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình triển khai xây dựng và phát triển dự án nhà ở xã hội. Đằng sau việc thanh kiểm tra, cũng cần tiếp tục cải thiện các cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp phát triển loại hình này.

Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội 2023 và những tháng đầu năm 2024. Theo đó, báo cáo của Chính phủ đánh giá, thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý. 

Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, theo báo cáo, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Đến nay mới có 30/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 71 dự án. Báo cáo nhấn mạnh trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án; quyết liệt thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Thanh tra toàn diện phát triển nhà ở xã hội cần song hành với tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách- Ảnh 1.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua. Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhìn nhận, thị trường có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Đáng chú ý, trên thị trường xuất hiện tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chung cư tăng giá khoảng 40% so với 5 năm trước.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.

PV: Thưa chuyên gia, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trên đà hồi phục nhưng dường như chưa được như kỳ vọng, ông có đánh giá như thế nào về đề nghị thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, việc thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội sẽ giúp cho thị trường bất động sản phát triển bền vững và minh bạch hơn. Hiện chúng ta đã có Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có sự chuyển biến rõ ràng. Các hoạt động khởi công, đầu tư, xây dựng… cho các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương cũng như các tỉnh thành lớn đang khá "im ắng".

Chính vì vậy, việc thanh tra, kiểm tra, rà soát lại các hoạt động liên quan tới phát triển nhà ở xã hội là điều cần thiết để từ đó chúng ta có một kế hoạch, chương trình rõ ràng, một nguyên tắc cụ thể cho việc phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đặc biệt, những kế hoạch cung cấp nhà ở xã hội trong năm 2023 và đầu năm 2024 vẫn chưa đạt được kế hoạch như Chính phủ đã đề ra. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì việc hy vọng có thể đạt được một nửa trong số 1 triệu căn nhà ở xã hội cũng đã rất khó khăn, chứ chưa nói đến việc hoàn thành được mục tiêu 1 triệu căn nhà.

Thanh tra toàn diện phát triển nhà ở xã hội cần song hành với tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách- Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.

Để đạt được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội là cả một bài toán khó. Chính quyền địa phương phải là phía tích cực, chủ động trong việc xác định dự án nào là dự án nhà ở xã hội để ưu tiên giải phóng mặt bằng nhanh, cung cấp nguyên vật liệu phù hợp và đáp ứng các yêu cầu mà chủ đầu tư mong muốn.

Về nguồn vốn thì gói 120.000 tỷ đồng cũng chỉ là gói tín dụng mang tính hỗ trợ vì đây là cam kết của 4 ngân hàng thương mại lớn trong việc phát triển nhà ở xã hội. Có nghĩa là họ sẽ giảm lãi suất cho vay ở một tỷ lệ nhất định, chứ không phải nguồn vốn để thực hiện 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ chỉ gói gọn trong 120.000 tỷ đồng đó. 

Do đó, nếu không thanh tra, kiểm tra, không có đánh giá đầy đủ thì chỉ riêng kế hoạch ngắn hạn trong năm 2024 cũng khó có thể đạt được chứ chưa nói đến những kế hoạch dài hạn khác. Do đó, việc thanh tra, kiểm tra cần phải được thực hiện ngay, không thể để chậm trễ hơn.

PV: Thanh tra là cần thiết, nhưng liệu có lo ngại quá trình thanh tra sẽ đem lại tác động ngược chiều, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng nguồn cung nhà ở xã hội không, thưa ông?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Cũng cần nhìn nhận rõ rằng việc thanh tra, kiểm tra này sẽ có hai mặt. Về mặt tích cực, thực chất hoạt động thanh tra hướng tới mục tiêu tháo gỡ những khó khăn là chính. Như vậy, việc thanh tra sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp chân chính thực thi tốt hơn, nhanh hơn, có hiệu quả hơn trong hoạt động của họ. Từ đó cũng giúp đẩy nhanh tiến trình thực hiện dự án.

Song bên cạnh đó, nếu như các doanh nghiệp, chủ đầu tư thực thi không đúng với chức trách nhiệm vụ cũng như sai với quy định, yêu cầu của pháp luật thì lúc này cần phải xử lý nghiêm. Và chính điều này sẽ có thể làm chậm lại quá trình phát triển nhà ở xã hội. 

Tuy nhiên tôi cho rằng, điều quan trọng là chậm nhưng đúng còn hơn là nhanh mà sai. Do đó, có thể nhấn mạnh rằng, việc thanh kiểm tra vẫn sẽ mang lại nhiều mặt tích cực cho bài toán phát triển nhà ở xã hội ở nước ta.

Mấu chốt là cần tìm ra những điểm mạnh để từ đó có thể phát huy được thế mạnh của chủ đầu tư, đồng thời phát hiện ra những vướng mắc để cùng với chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn. Đó là mục tiêu chính của việc thanh tra, kiểm tra.

Đây không phải là "bới lông tìm vết" mà là hoạt động công tác mang tính hỗ trợ, giúp đỡ chủ đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình triển khai xây dựng và phát triển dự án nhà ở xã hội.

Thanh tra toàn diện phát triển nhà ở xã hội cần song hành với tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách- Ảnh 3.

Ảnh minh họa: VnExpress

PV: Việc thanh tra nên thực hiện như thế nào để không tạo ra lực cản khi chủ đầu tư phát triển dự án và người mua nhà tiếp cận nhà ở?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện theo hướng cụ thể, chi tiết nhất. Từ chương trình, kế hoạch ra sao, các quy định về hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án như thế nào, nguồn vốn, các nguyên vật liệu được chuẩn bị đến đâu hay các yếu tố quan trọng để đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển các dự án nhà ở. Cùng với đó là tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính phục vụ cho các dự án có đang vướng mắc hay không…

Rõ ràng, trong thời gian tới, chúng ta phải có động thái vào cuộc để thanh tra, kiểm tra ngay vì nếu không, thị trường bất động sản vẫn sẽ tồn tại sự chênh lệch về cung cầu, giá của mọi phân khúc trên thị trường cũng sẽ tiếp tục tăng cao. Nếu không tăng lượng cung nhà ở thì sẽ không giải quyết được bài toán khó về nhu cầu nhà ở của thị trường.

Từ đây, muốn tăng cung thì lại phải giải quyết được những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp… để họ có thể đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm dự án. Việc hoàn thành sớm cũng sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, nếu cứ để cho doanh nghiệp "tự lo" thì rất khó.

Trong câu chuyện phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo và các doanh nghiệp có nhiệm vụ hỗ trợ giúp cho Nhà nước phát triển loại hình này.

PV: Có ý kiến cho rằng bên cạnh việc thanh tra, cần tiếp tục xem xét về cơ chế chính sách dành cho phát triển nhà ở xã hội?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Đúng vậy. Đằng sau việc thanh tra, kiểm tra, cần tiếp tục xem xét và cải thiện các cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội; còn gì chưa phù hợp, còn vướng mắc ở đâu để từ đó tháo gỡ cho các doanh nghiệp ở từng khâu, từng phần cụ thể. 

Điều hành kinh tế mà chúng ta cứ nói chung chung thì sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Nhìn lại thời gian qua, có thể thấy thị trường bất động sản luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở, cung không đủ cầu. Trong đó, các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm chú ý phát triển nhà ở xã hội. Các chủ đầu tư cũng không còn mặn mà đầu tư phát triển nhà ở xã hội do khó khăn về cơ chế, chính sách, đền bù, giải phóng mặt bằng, lợi nhuận thấp. 

Bên cạnh đó, các quy định về ưu đãi nhà ở xã hội đã có nhưng chưa thật cụ thể, rõ ràng nên chủ đầu tư, người mua nhà khó tiếp cận và khó được hưởng các cơ chế này. Những điều đó dẫn đến có tình trạng nản lòng từ cả phía chủ đầu tư và người mua nhà.

Do vậy, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện cung cấp đất sạch; các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… Từ đó hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội để tạo nguồn cung cho thị trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top