Aa

6 công trình kiến trúc xanh đẳng cấp thế giới

Thứ Hai, 29/03/2021 - 14:43

Trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu, các tòa nhà có xu hướng chú trọng nhiều vào yếu tố "xanh". Yếu tố môi trường đã ảnh hưởng lớn tới những quyết định về thiết kế, xây dựng và vận hành.

Dưới đây là 6 công trình xanh đẳng cấp thế giới.

Pixel Building (Melbourne, Australia)

Pixel Building
Pixel Building là minh chứng cho thấy "màu xanh lá cây" có thể mang đến những kết hợp thú vị thế nào. Ảnh: Getty Images

Khai trương vào năm 2010, Pixel Building là tòa tháp văn phòng "căn bằng carbon" đầu tiên tại Australia, tự tạo nguồn điện và nước ngay bên trong tòa nhà. Pixel Building được trang bị các tấm năng lượng mặt trời đầy màu sắc và bắt mắt, vừa mang lại bóng râm vừa tối đa hóa ánh sáng tự nhiên ban ngày khi cần. Pixel Building có thiết kế phần mái đặc biệt để thu giữ nước mưa cùng một loạt các tuabin gió dọc thân.

One Central Park (Sydney, Australia)

One Central Park được thiết kế độc đáo với khu vườn theo chiều dọc bề mặt của tòa nhà - Ảnh: Flickr Vision
One Central Park được thiết kế độc đáo với khu vườn theo chiều dọc bề mặt của tòa nhà. Ảnh: Flickr Vision

Chung cư One Central Park, khai trương vào năm 2014, là một công trình xanh đáng chú ý khác tại Australia. Đúng như tên gọi của mình, One Central Park mang đến cho cư dân một "công viên" độc đáo bao phủ dọc thân tòa nhà với hơn 250 loài cây và hoa. Không chỉ đẹp mặt, khu vườn trên cao này còn giúp tòa nhà luôn râm mát.

Theo Skyscraper, One Central Park tiêu thụ năng lượng ít hơn 25% so với các tòa nhà truyền thống cùng quy mô.

Bahrain World Trade Center 1 và 2 (Bahrain)

Hai tòa tháp đôi World Trade Center tại Manama, thủ đô Bahrain, tận dụng tối đa năng lượng gió. Ảnh: Getty Images
Hai tòa tháp đôi World Trade Center tại Manama, thủ đô Bahrain, tận dụng tối đa năng lượng gió. Ảnh: Getty Images

Đi vào hoạt động từ năm 2008, hai tòa tháp Bahrain World Trade Center 1 và 2 có chiều cao gần 240m. Khu phức hợp văn phòng này tận dụng tối đa nguồn năng lượng gió từ sa mạc với 3 tuabin gắn trên cầu nối giữa hai tòa nhà để sản sinh điện.

Hai tòa tháp được thiết kế với hình dạng giống với tàu buồm Ả Rập, giúp tạo ra một phễu gió khổng lồ đưa tới các tuabin, từ đó cung cấp khoảng 15% điện năng tiêu thụ của tòa nhà. Bên cạnh đó, các hồ phản quang dưới chân cũng giúp làm mát cho tòa nhà.

Bảo tàng Ngày mai (Rio de Janeiro, Brazil)

Hình dạng của Bảo tàng Ngày mai (Museum of Tomorrow) được lấy cảm hứng từ cây dứa cảnh tại Vườn bách thảo tại Rio de Janeiro
Hình dạng của Bảo tàng Ngày mai (Museum of Tomorrow) được lấy cảm hứng từ cây dứa cảnh tại Vườn bách thảo tại Rio de Janeiro. Ảnh: Getty Images

Mở cửa vào năm 2015, Bảo tàng Ngày mai được thiết kế với phần mái ngói đặc biệt, các hồ phản quang và kết cấu giống một bộ xương. Tòa nhà có các tấm pin năng lượng mặt trời của tòa nhà được sắp xếp giống như vây cá cùng hệ thống bơm đưa nước lạnh từ vịnh Guanabara gần đó để dùng cho hệ thống điều hòa không khí.

Trung tâm hội nghị Tây Vancouver (Vancouver, Canada)

Trung tâm hội nghị Tây Vancouver được ví như một ốc đảo giữa đô thị sầm uất tại Vancouver. Ảnh: LMN Architects
Trung tâm hội nghị Tây Vancouver được ví như một ốc đảo giữa đô thị sầm uất tại Vancouver. Ảnh: LMN Architects

Trung tâm hội nghị Tây Vancouver khai trương vào năm 2009, là tòa nhà đầu tiên tại Vancouver nhận được hai chứng chỉ LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) hạng bạch kim.

Tòa nhà này có tới 4 tổ mật ong riêng để thụ phấn cho cây cỏ trên mái nhà, từ đó giúp giảm nhiệt tích tụ vào mùa hè và giữ nhiệt vào mùa đông. Bên cạnh đó, mái nhà được thiết kế dốc để hỗ trợ thoát nước và phân phối hạt giống.

Tháp Thượng Hải (Thượng Hải, Trung Quốc)

Thiết kế hình xoắn ốc giúp Tháp Thượng Hải trở thành một điểm đến hút khách. Ảnh: AFP
Thiết kế hình xoắn ốc giúp Tháp Thượng Hải trở thành một điểm đến hút khách. Ảnh: AFP

Khi đi vào hoạt động năm 2015, Tháp Thượng Hải là tòa nhà cao thứ hai thế giới với không gian văn phòng, khách sạn và bán lẻ. Không chỉ gây tượng về chiều cao, Tháp Thượng Hải còn có thiết kế bền vững.

Tòa nhà được lắp đặt 270 tuabin gió ngay bên ngoài vừa sản sinh điện năng, vừa làm hệ thống chiếu sáng bên ngoài. Tháp Thượng Hải còn có một "lớp da thứ hai" bao xung quanh, tạo một lớp đệm giúp lưu thông không khí tự nhiên và giảm tiêu thụ năng lượng. Tòa tháp này cũng nhận được chứng chỉ LEED hạng bạch kim.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top