Aa

Bắc Giang: Yên Dũng xử lý vi phạm đất đai trước khi sáp nhập

Thứ Hai, 26/02/2024 - 11:44

Trước tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là vi phạm trong việc chấp hành các quy định về sử dụng đất nông nghiệp, huyện Yên Dũng đã có những giải pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh, xử lý trước khi sáp nhập với TP. Bắc Giang.

Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là địa phương Yên Dũng đang trong quá trình sáp nhập địa giới hành chính vào TP Bắc Giang, thời điểm “nhạy cảm” này, nguy cơ vi phạm pháp luật về đất đai luôn hiện hữu. Xác định nếu không quyết liệt xử lý sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ lớn, ảnh hưởng đến tình hình KT-XH cũng như an ninh trật tự, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra công tác quản lý và sử dụng đất.

Bắc Giang: Yên Dũng xử lý vi phạm đất đai trước khi sáp nhập- Ảnh 1.

Gia đình ông Thân Ngọc Bích, thôn Thành Công, xã Tiền Phong tự giác tháo dỡ ngôi nhà xây trái phép.

Huyện thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác, tổ giúp việc, giao các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy phụ trách, chỉ đạo đối với BTV Đảng ủy từng xã, thị trấn. Khi xử lý các vi phạm thành lập tổ công tác gồm nhiều thành phần tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Đặc biệt, ngày 21/11/2021, BTV Huyện ủy Yên Dũng ban hành Quy chế đánh giá người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Theo đó, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, nắm chắc các điểm vi phạm để tham mưu, có hướng xử lý kịp thời, dứt điểm những trường hợp vi phạm.

Bám sát Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 11/6/2020 của BTV Tỉnh ủy về việc tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lý các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, qua rà soát, huyện Yên Dũng có 1.551 trường hợp vi phạm, phần lớn xảy ra từ trước ngày 1/7/2014. Sau gần 4 năm quyết liệt xử lý, đến nay còn hơn 100 trường hợp thuộc diện khó khăn, phức tạp chưa xử lý xong. Đáng chú ý là từ thời điểm thực hiện Chỉ thị 19 đến nay phát sinh 37 trường hợp; vi phạm rải rác ở các địa bàn, huyện đã kiên quyết xử lý, giải quyết xong dứt điểm 36/37 trường hợp. Còn duy nhất hộ ông Hà Công Chức (SN 1948) ở tổ dân phố Trại Giữa, thị trấn Tân An đang xử lý.

Qua rà soát theo Chỉ thị số 19-CT/TU, huyện Yên Dũng có 1.551 trường hợp vi phạm. Sau gần 4 năm quyết liệt xử lý, đến nay còn hơn 100 trường hợp thuộc diện phức tạp chưa xử lý xong.

Theo tìm hiểu, ông Chức đã tự ý chuyển 130 m2 đất nuôi trồng thủy sản và 35,9 m2 đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (đất ở) tại khu vực đô thị khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tại đây, ông Chức đã xây dựng nhà ở dạng cấp 4 với tổng diện tích 165,9 m2, dựng khung thép, lợp mái tôn. Hiện trạng công trình chưa hoàn thiện, chưa đưa vào sử dụng.

Ngày 16/1/2024, Chủ tịch UBND huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 16 triệu đồng đối với ông, đồng thời buộc khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 150 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay ông Chức chưa chấp hành, huyện đang hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu gia đình cố tình không chấp hành).

Tại xã Tiền Phong, qua xem xét, 3 trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở trái phép là ông Thân Ngọc Bích, thôn Thành Công; bà Lương Thị Độ, thôn Bình An; bà Thân Thị Vân ở thôn Quyết Tiến. Ban đầu các hộ còn chần chừ, đưa ra nhiều lý do để không phải tháo dỡ công trình. Nhưng với sự kiên quyết, kiên trì phân tích, thuyết phục của lực lượng chức năng, tháng 12/2023, cả 3 gia đình đều tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, không phải cưỡng chế. Đến nay xã Tiền Phong và một số xã trọng điểm của huyện Yên Dũng đã cơ bản giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm, không để phát sinh trường hợp mới.

Bên cạnh vi phạm pháp luật đất đai theo Chỉ thị số 19 còn có những vi phạm khác liên quan đến lĩnh vực thủy lợi. Xã Yên Lư là địa bàn nóng về vi phạm lĩnh vực này. Từ năm 1980 đến năm 2019, xã có 66 trường hợp tự ý lấn chiếm đất xây dựng các công trình, lều, quán, công trình tạm, trồng cây… vi phạm phạm vi bảo vệ kênh Nham Biền và thuộc phạm vi thực hiện dự án Kênh tiêu thoát lũ Nham Biền. Qua tuyên truyền, vận động, đến hết ngày 6/2/2024 đã có 36/66 trường hợp tự giác phá dỡ công trình vi phạm, 8 trường hợp cam kết tự giác phá dỡ sau Tết. UBND huyện đang chỉ đạo UBND xã Yên Lư tuyên truyền 21 trường hợp còn lại; nếu không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Đất đai do Nhà nước giao cho người dân quản lý sử dụng nhưng phải đúng mục đích, đúng pháp luật. Bà Phòng Thị Ngân, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Thời điểm này, khi huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang chuẩn bị sáp nhập rất có khả năng phát sinh vi phạm về đất đai. Phòng sẽ tiếp tục tham mưu, cương quyết không để phát sinh vi phạm mới. Với những trường hợp đã xảy ra, giải pháp của huyện là thành lập tổ công tác, rà soát, xây dựng kế hoạch xử lý cụ thể, xác định rõ lộ trình, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân lên quan, bảo đảm xử lý vi phạm đúng pháp luật nhưng vẫn ổn định tình hình trong nhân dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top