Aa

Bản tin BĐS 24h: Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc xây sai phép tràn lan ở Tam Đảo

Chủ Nhật, 06/12/2020 - 18:50

Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc xây sai phép tràn lan ở Tam Đảo; cơ cấu lại sản phẩm nhà ở; Thanh tra Chính phủ kết luận hàng loạt sai phạm đất đai ở Bắc Giang; là những nội dung chính trong Bản tin BĐS 24h.

Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc xây sai phép tràn lan ở Tam Đảo

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 10015 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trước đó báo chí có phản ánh việc hàng trăm công trình, dự án, khách sạn lớn, homestay xây không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý. Thậm chí "quy hoạch chạy theo nhà đầu tư" có dấu hiệu tiếp tay, làm ngơ của nhiều cán bộ thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo.

“Về vấn đề này Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo” – văn bản nêu rõ.

Theo Vietnamnet, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cũng ký văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật các vi phạm (nếu có).

Kết quả kiểm tra, xử lý đề nghị báo cáo về Bộ Xây dựng (qua Thanh tra Bộ) trước ngày 31/12 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo về hàng trăm công trình, dự án… xây không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo (Ảnh: Tiền phong)

Trước đó, báo chí phản ánh nêu lên về tình trạng ngột ngạt ở Tam Đảo trong đó nêu thông tin theo UBND huyện Tam Đảo, đến thời điểm hiện nay, đã xác định được 15 công trình xây dựng vi phạm tại trung tâm thị trấn Tam Đảo. Cụ thể, khách sạn Camellia xây dựng ngay sát công viên trung tâm và là một trong những khách sạn lớn nhất Tam Đảo hiện nay xây vượt 1 tầng và 1 tum so với giấy phép với diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông.

Khách sạn Century quy mô lớn xây dựng vượt 1 tầng so với giấy phép; khách sạn Thiên Phúc xây dựng không giấy phép; khách sạn Thanh Hải cải tạo nhưng không có giấy phép, cơi nới thêm phần diện tích đất phía sau cao 7 tầng; khách sạn Thắng Lợi không có giấy phép điều chỉnh và đã tự xây dựng thêm 200 m2; khách sạn Hương Sơn xây dựng thêm đơn nguyên mới 5 tầng không phép. Ngoài ra, còn hàng loạt công trình khách sạn khác quy mô lớn xây dựng sai phép, không có giấy phép xây dựng, cải tạo…

Tại khu vực thôn 1 và 2, nhức nhối không kém là tình trạng đua nhau xây hàng trăm căn phòng homestay không phép, xây dựng trên đất canh tác, đất vườn, đất lâm nghiệp.

Cơ cấu lại sản phẩm nhà ở

Những mảng màu "u ám" của thị trường bất động sản 2020 khiến giới đầu tư liên tưởng tới kịch bản năm 2011 - 2013. Đó là thời điểm thị trường ghi nhận hoạt động giao dịch giảm sút mạnh mẽ, lượng cung tồn đọng lớn.

Đến nay, lần đổ vỡ của thị trường bất động sản 2011 - 2013 vẫn còn là nỗi ảm ảnh cho những nhà đầu tư lâu năm. Giao dịch tuột dốc không phanh, cùng sự ảm đạm của những khu đô thị, toà nhà cao tầng dừng thi công đã khiến các nhà đầu tư mất niềm tin.

Chỉ ra nguyên nhân đẩy thị trường vào giai đoạn "đóng băng" thời điểm 9 năm trước, giới chuyên gia đều cho rằng, sự mất cân đối của cơ cấu sản phẩm bất động sản đã góp phần đẩy thị trường vào tình trạng lệch pha cung cầu, mất thanh khoản nghiêm trọng.

Thị trường bất động sản phục hồi từ năm 2014 nhờ chính sách định hướng lại cơ cấu sản phẩm bất động sản.

Một giải pháp khác "cứu" được thị trường trong quá khứ được ông Đính chỉ ra đó là gói kích cầu 30.000 tỷ đồng dành cho người người thu nhập thấp từ Nhà nước. Ông Đính cho rằng, thị trường thiếu gì thì Nhà nước cần khuyến khích sản phẩm đó. Với gói kích cầu 30.000 tỷ đồng, nhu cầu mua nhà để ở trở nên nhộn nhịp, sôi động trở lại. Thị trường từ đó cũng bắt đầu phục hồi nhờ chính sách thúc đẩy dòng sản phẩm bất động sản có tính thanh khoản tốt.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đã bắt đầu rơi vào điểm chững khi phát triển nóng trong giai đoạn dài. Covid-19 trở thành cú bồi, tiếp tục đẩy thị trường vào giai đoạn khó chồng khó.

Nhìn nhận về cơ cấu thị trường bất động sản, báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra: Nếu như trong giai đoạn 2014 trở về trước, thị trường bất động sản chủ yếu chỉ có sản phẩm nhà ở (nhà liền kề, biệt thự) được xây dựng tại các dự án có quy mô nhỏ tham gia thị trường thì giai đoạn 2015 - 2020, sản phẩm và cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản đã có nhiều thay đổi và ngày càng phong phú, xu hướng phát triển của thị trường bất động sản cũng ngày càng đa dạng, ngoài nhà ở thương mại còn có nhà ở xã hội, bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch (biệt thự du lịch, căn hộ du lịch), văn phòng, trung tâm thương mại, mặt bằng cho thuê,...

Trong tổng số 5.000 dự án nhà ở có hơn 1.000 dự án nhà ở xã hội; bên cạnh đó còn có 326 khu công nghiệp, gần 40.000 căn hộ du lịch; trên 6 triệu mét vuông văn phòng cho thuê (tăng gần gấp 3 so với năm 2009)... Nhìn từ cơ cấu sản phẩm bất động sản như hiện tại, báo cáo của Bộ Xây dựng nhận định, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.

Trước nguy cơ thị trường bất động sản có thể bước vào giai đoạn đóng băng, một trong những phương án mà Bộ Xây dựng đặt ra làm nhiệm vụ trọng tâm đó là cơ cấu lại sản phẩm bất động sản, tập trung hướng tới phân khúc nhà ở bình dân và giá rẻ, đáp ứng nhu cầu của phần lớn người dân.

Dự báo về thị trường bất động sản trong những năm tới, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cơ cấu sản phẩm bất động sản sẽ có sự dịch chuyển trong đó phân khúc nhà ở hướng đến nhu cầu ở thực gia tăng.

Nhìn từ bài học giai đoạn 2011 - 2013 có thể thấy nút thắt từ cơ cấu sản phẩm bất động sản nếu được hoá giải sẽ góp phần tạo ra cơ hội phục hồi trở lại của thị trường. Giới chuyên gia cho rằng, việc tái cơ cấu lại nguồn cung bất động sản ở thời điểm hiện tại cũng sẽ tạo bệ đỡ cho thị trường vượt qua giai đoạn khủng hoảng. 

Thanh tra Chính phủ kết luận hàng loạt sai phạm đất đai ở Bắc Giang

Thông báo kết luận Thanh tra nêu rõ, thời kỳ 2006 - 2017, tỉnh Bắc Giang đã có tốc độ tăng trưởng cao, lãnh đạo tỉnh đã chú trọng, quan tâm tập trung phát triển đầu tư hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, nhà ở và hạ tầng xã hội, mang lại những kết quả thiết thực. Tuy nhiên, với tốc độ đầu tư phát triển nhanh, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến nay trên địa bàn tỉnh còn 12.749 thửa đất ở còn tồn tại, vướng mắc chưa được cấp giấy chứng nhận, do các trường hợp đều có nguồn gốc rất phức tạp nên chưa được cấp giấy chứng nhận như hiện trạng sử dụng đất không phù hợp quy hoạch; thửa đất được giao không đúng thẩm quyền; đất đang có tranh chấp; không thực hiện nghĩa vụ tài chính; các trường hợp lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.

Một góc Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang)

Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, ngành Tài nguyên và Môi trường có liên quan.

Về quản lý và sử dụng đất công ích, thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) nêu rõ nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang để quỹ đất công ích phân tán, không quy hoạch thành khu, vùng tập trung mà để rải rác, xen kẹp trong khu dân cư không tách được phần đất công ích và đất giao ổn định lâu dài.

Tình trạng để thôn tự ý ký hợp đồng giao thầu, cho thuê sử dụng đất công ích không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng mục đích sử dụng và thời hạn theo quy định của pháp luật từ trước đây vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Việc thực hiện công tác bàn giao hồ sơ, sổ sách khi thay đổi cán bộ qua các thời kỳ không chặt chẽ dẫn đến hồ sơ về quản lý đất đai không đầy đủ, do đó các địa phương thiếu tài liệu, gặp khó khăn trong việc xác định diện tích đất công ích để quản lý.

Trách nhiệm của việc này thuộc UBND các cấp, ngành Tài nguyên và Môi trường các cấp.

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành kiểm tra, tổng hợp và xử lý đối với diện tích đất công ích trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo rà soát, xử lý và thu hồi các khoản nợ đọng tiền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để nộp ngân sách nhà nước.

Chỉ đạo cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng đã nêu tại phần kết luận thanh tra...

Về xử lý trách nhiệm, TTCP kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tham mưu, đề xuất, thiếu kiểm tra, đôn đốc, chậm phát hiện xử lý các sai phạm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, để xảy ra một số tồn tại, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng.

Căn cứ kết quả kiểm điểm, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với những tập thể, cá nhân có sai phạm.

Phân khúc căn hộ, văn phòng hạng cao cấp vẫn chiếm ưu thế

Số liệu thống kê từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhưng nguồn cung mới sản phẩm căn hộ cao cấp tại thị trường Hà Nội vẫn tăng trưởng. Chỉ tính từ đầu quý III/2020 đến nay, tỷ lệ nguồn cung mới của phân khúc này chiếm tới 14,3% tổng lượng cung mới, phân khúc trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất với 75,3%. Mặc dù vậy, giá căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục gần như đi ngang, phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3 - 5%.

Các chuyên gia cho rằng, tại những đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, khiến cho giá bán không ngừng tăng cao, vì vậy để đảm bảo lợi nhuận các chủ đầu tư thường ưu tiên phát triển những dự án trung - cao cấp. Trong khi đó, phân khúc căn hộ giá thấp (có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2 - PV) và nhà ở xã hội ít được quan tâm, do lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm.

Căn hộ cao cấp và văn phòng hạng A tại Hà Nội vẫn chiếm ưu thế về nguồn cung và vốn đầu tư.

Cùng với phân khúc căn hộ cao cấp, phân khúc văn phòng cho thuê hạng A tại địa bàn Hà Nội cũng được ghi nhận có sự tăng trưởng về nguồn cung, do thị trường có nhu cầu tốt, xuất phát từ xu hướng dịch chuyển của nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam trước những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng được ghi nhận có sự chuyển biến tích cực vào phân khúc này.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng GRDP của Thủ đô Hà Nội vẫn đạt mức 3,27%. Theo kế hoạch, mục tiêu trọng tâm trong quý IV/2020 của TP là tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để bảo đảm tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn cả năm 2020 đạt từ 4% - 4,5%.

Phó Giám đốc đầu tư Savills Hà Nội Hoàng Nguyệt Minh cho biết, ngoài sự tăng trưởng về kinh tế, nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ tác động đến hoạt động thị trường nhờ các cam kết thuế quan, cạnh tranh nâng cao, nguồn vốn FDI mạnh mẽ và tăng trưởng kinh tế nói chung. Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khi ngày càng nhiều công ty đa quốc gia xem xét chuyển dịch sang nước ta. Theo đó, văn phòng chất lượng cao có xu hướng hấp dẫn khách thuê nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, về mặt tài chính, lợi nhuận từ kinh doanh của các tòa văn phòng cũng là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư. Sự quan tâm của nhà đầu tư với thị trường văn phòng ngày càng cao dẫn đến làm tăng giá trị tòa nhà văn phòng ở mức tỷ suất vốn hóa rất hấp dẫn. Tại Hà Nội, tỷ suất vốn hóa cho văn phòng hạng A hiện đang ở mức 6 - 7%.

Bất động sản vẫn là kênh đầu tư ‘sáng’ dù nhiều biến động bởi COVID-19

Theo đánh giá của giới chuyên gia bất động sản, trong 3 quý của năm 2020, hầu hết các loại hình trên thị trường bất động sản đều có sự “biến động” nhất định bởi sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, nhất là đối với nhà mặt phố cho thuê…

Tuy nhiên, trên “nền xám của bức tranh thị trường", bất động sản công nghiệp lại trở thành "điểm sáng" trong năm 2020 và dự báo cho cả năm 2021 bởi những tác động từ các hiệp định thương mại (EVFTA, RCEP); kế hoạch lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Ngoài ra, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để kinh tế có thêm nhiều hy vọng.

Nghiên cứu thị trường quý 3/2020 do Kênh thông tin Batdongsan.com.vn thực hiện cho thấy các khu công nghiệp trên cả nước đều có sự tăng trưởng về lượng tìm kiếm. Trong quý này, cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập (tăng 33 khu công nghiệp so với thời điểm quý 2) và 280 khu công nghiệp đi vào hoạt động (tăng 19 khu công nghiệp so với quý 2/2020).

Đáng chú ý, theo đánh giá của Batdongsan.com.vn, dù đối mặt khó khăn liên tiếp nhưng khảo sát người dùng trên kênh thông tin này thực hiện trong quý 3 cũng cho thấy bất động sản vẫn là kênh đầu tư “sáng” được lựa chọn nhiều nhất.

Cũng theo báo cáo thị trường quý 3, chung cư là loại hình duy trì mức độ quan tâm ổn định và có lượng người quan tâm lớn nhất với 29%, kế đến là đất thổ cư với 23%, nhà riêng 21%. Tuy nhiên, dưới tác động của COVID-19, hành vi tiêu dùng, thị hiếu của người mua nhà cũng có những thay đổi lớn.

Ví dụ như quý 2/2020, nhu cầu tìm kiếm chung cư mini tăng 220% so với quý 1; 64% người được hỏi cho biết sẽ chọn căn hộ chung cư thay vì chọn nhà hẻm nhỏ; chung cư vẫn là lựa chọn được ưu tiên do giá thành, tiện ích, thuận tiện trong đi lại.

Các khu công nghiệp trên cả nước đều có sự tăng trưởng về lượng tìm kiếm. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Số liệu báo cáo dân số và nhà ở của Tổng cục thống kê cũng cho thấy trong vòng 10 năm (2009-2019), số lượng hộ dân thành thị ở nhà chung cư đã tăng trưởng 1,5 lần. Chung cư vẫn được coi là sản phẩm chủ đạo trong định hướng phát triển sản phẩm cho các chủ đầu tư trong những năm tới.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, công nghệ bất động sản đã trở thành cứu cánh cho các doanh nghiệp khi cung cấp các nền tảng bán hàng trực tuyến, giúp kết nối người mua và người bán mà không cần gặp trực tiếp. Việc thay đổi để thích ứng cũng là điều sống còn của các doanh nghiệp trong thời kỳ “bình thường mới”.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top