Aa

Bất động sản Hà Nội: Cung - cầu khởi sắc

Minh Anh
Minh Anh lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 17/02/2024 - 06:00

Sau thời gian dài “đóng băng”, thị trường bất động sản Hà Nội đã đón nhận những “tia lửa nhiệt” đến từ sự khởi sắc của nguồn cung. Kéo theo đó là nhu cầu đầu tư gia tăng, đặc biệt là tại khu vực ven đô còn nhiều tiềm năng.

Các chuyên gia đánh giá, với đà tăng nhiệt của thị trường và những dự báo khả quan về nguồn cung mới khi điểm nghẽn pháp lý được tháo gỡ, thị trường bất động sản Thủ đô đang phục hồi mạnh mẽ trở lại.

Năm 2023, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã cùng với UBND Thành phố, các sở ngành nỗ lực rà soát và tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản tại Thủ đô, nhằm hướng đến phục hồi và phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tổ công tác đã giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của 712 dự án nhà ở, khu đô thị tại Hà Nội. Trong năm 2023, Hà Nội đã chỉ đạo, giải quyết vướng mắc được hơn 400 dự án và đang tiếp tục giải quyết cho gần 300 dự án còn lại.

Để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, Hà Nội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; có giải pháp hạ lãi suất vay vốn để tạo sự cạnh tranh với các kênh đầu tư khác; sửa đổi các quy định về việc xác định tiền sử dụng đất, thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định đối với việc lập quy hoạch các loại hình khu chức năng để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; sửa đổi luật, nghị định về công tác nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch; quy định về điều chỉnh quy hoạch…

Bất động sản Hà Nội: Cung - cầu khởi sắc- Ảnh 1.

Với đà tăng nhiệt của thị trường và những dự báo khả quan về nguồn cung mới khi điểm nghẽn pháp lý được tháo gỡ, thị trường bất động sản Thủ đô đang phục hồi mạnh mẽ trở lại (Ảnh minh họa)

Trong năm 2023, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành nhiều công văn, quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành; UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực quản lý, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ tại quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Trong đó, yêu cầu đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện thủ tục hành chính liên thông; thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4, tuyệt đối không đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản do cơ quan, đơn vị mình chủ trì thực hiện.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã… chủ động rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở dự án, công trình; cấp giấy phép xây dựng; trật tự xây dựng (theo quy định, phân cấp, ủy quyền của thành phố); báo cáo UBND thành phố kịp thời để tháo gỡ vướng mắc cho các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về việc xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đầu tư bất động sản; kịp thời tham mưu, đề xuất báo cáo UBND TP chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện.

Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị chuyên trách đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp ổn định tình hình, giữ cho thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững…

Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay, nếu những dự án bất động sản cứ dở dang, "nằm ở đấy" thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực Nhà nước và gây bức xúc cho người dân.

"Thành uỷ Hà Nội rất quyết tâm, nhưng khó khăn vẫn có và vướng bởi luật, mà chủ yếu là Luật Đất đai. Có những việc phải ra đến Quốc hội mới tháo được "ngòi" vì vướng luật", ông Dũng nhấn mạnh và cho rằng, nếu tháo gỡ được khó khăn cho thị trường bất động sản thì những vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, khi giải quyết được điểm nghẽn với bất động sản sẽ giúp ổn định vĩ mô, khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Thị trường bất động sản Hà Nội bắt đầu đón nhận những tín hiệu tích cực từ tháng 3/2023. Đây là thời điểm Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Nghị quyết đã đặt nền tảng cho việc giải quyết hai vấn đề cơ bản nhất của thị trường bất động sản hiện nay là pháp lý và nguồn vốn. Cũng từ tháng 3, lãi suất cho vay bất động sản bắt đầu hạ. Nhiều dự án theo đó được đẩy nhanh tiến độ triển khai và cho ra mắt thị trường.

Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề thẩm định, phê duyệt mức giá đấu giá đất, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định sửa điều 1 Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND quy định thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, UBND Thành phố phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê với trường hợp thửa đất hoặc khu đấu giá có giá trị (tính theo giá đất cùng mục đích sử dụng quy định trong Bảng giá đất hiện hành của thành phố) từ 30 tỷ đồng trở lên. UBND Thành phố phân cấp cho UBND cấp huyện phê duyệt giá khởi điểm đấu giá các trường hợp còn lại. Quy định này được đánh giá giúp cho các chủ đầu tư dễ dàng hơn trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý.

Ngoài ra, các công trình đầu tư công đang được đẩy mạnh là một xung lực tạo đà phục hồi, phát triển mạnh mẽ hơn cho thị trường bất động sản Hà Nội. Đường Vành đai 4 - động lực cho tăng trưởng kinh tế của Vùng Thủ đô và khu vực Bắc Bộ, mở ra không gian phát triển đầy triển vọng trong tương lai, không chỉ tăng trưởng kinh tế - xã hội mà còn thúc đẩy đô thị hóa, hình thành các vệ tinh giảm tải cho Thủ đô Hà Nội… đã chính thức được khởi công trong năm 2023. Việc phát triển các dự án hạ tầng là một trong những động lực lớn góp phần phục hồi thị trường bất động sản, đặc biệt là khu vực vùng ven.

Trong năm 2023, Hà Nội có thêm nhiều dự án nhà ở đủ điều kiện được phép kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai. Tại quận Thanh Xuân có 2 dự án (Tổ hợp công trình hỗn hợp Pandora ở Triều Khúc và Dự án Khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân Viha Complex ở phố Nguyễn Tuân). Quận Nam Từ Liêm có 2 dự án (Nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc quỹ đất 20% của dự án đầu tư xây dựng nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu, Tòa chung cư U38.1 thuộc lô đất F3-CH02 của dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park). Tại quận Đống Đa có dự án tổ hợp nhà ở và văn phòng Miracle Tower; quận Long Biên có dự án nhà ở cao tầng để bán tại ô đất CT7 phường Phúc Đồng; huyện Thường Tín có dự án nhà ở thấp tầng để bán đối với các ô đất OM.20,OM.24, OM.25, OM.26, OM.27, OM.28 thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất cả lô tại khu đất ký hiệu L.27 (đô thị số 1)...

Tại một số khu vực trên địa bàn các huyện vùng ven Hà Nội, một số dự án bất động sản đang được tái khởi động sau những bước hoàn thiện về pháp lý, thủ tục đầu tư và sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền cơ sở.

Với nguồn nội lực mạnh, hệ thống hạ tầng đang tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại, cùng với những chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường từ phía chính quyền, thị trường bất động sản Hà Nội được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn so với các địa phương khác.

Hàng loạt tín hiệu tích cực từ chính sách vĩ mô và sự khởi sắc của nguồn cung mới đã giúp thị trường bất động sản Hà Nội bắt đầu "tan băng", đặc biệt là vào nửa cuối năm 2023. Các nhà đầu tư từ trạng thái đắn đo, dè chừng đã dần hồi phục niềm tin để tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới.

Chị Văn Thị Nhi (37 tuổi) một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội chia sẻ, gần 1 năm qua, dường như chị không còn quan tâm đến thị trường bất động sản vì thị trường lao dốc, rủi ro cao. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, chị cùng giới đầu tư tại Hà Nội đã bắt đầu rục rịch tìm kiếm các cơ hội đầu tư trở lại, đặc biệt là tại khu vực vùng ven.

"Thị trường đã có dấu hiệu ấm dần lên, một số dự án tại khu vực ngoại thành có tiềm năng, chúng tôi đang cân nhắc việc đầu tư. Tất nhiên, giai đoạn này, các nhà đầu tư cẩn trọng hơn nhiều, ưu tiên hàng đầu vẫn là các dự án đã hoàn thiện pháp lý", chị Nhi cho biết thêm.

Thông tin từ một số sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho thấy, thanh khoản trên thị trường đang có dấu hiệu tăng trở lại, tập trung với loại hình đáp ứng nhu cầu ở thực hoặc có thể cho thuê, kinh doanh. Điều này khiến giới đầu tư kỳ vọng vào kịch bản sớm sôi động trở lại của thị trường bất động sản Hà Nội.

Ông Nguyễn Minh Nghĩa, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 7, khi tác động từ việc giảm lãi suất rõ nét hơn và độ thẩm thấu của các chính sách bắt đầu có hiệu quả, các nhà đầu tư đã bắt đầu rục rịch tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các dự án có tiềm năng.

"Lượng giao dịch nhà đất tại sàn của chúng tôi đang ghi nhận sự tăng dần đều qua các tháng, trung bình 15 - 20 giao dịch/tháng. Trong những tháng đầu năm, đa số khách hàng vẫn giữ thái độ dè chừng, cẩn trọng cân nhắc trước khi quyết định mua; còn hiện nay, tâm lý nhà đầu tư đã có phần thoải mái hơn, khi cảm nhận được sự hồi phục của thị trường. Tất nhiên, ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư hiện nay vẫn là các bất động sản có đủ pháp lý, chứng từ và có tiềm năng tăng giá", ông Nghĩa nhận định.

Bất động sản Hà Nội: Cung - cầu khởi sắc- Ảnh 4.

Hàng loạt tín hiệu tích cực từ chính sách vĩ mô và sự khởi sắc của nguồn cung mới đã giúp thị trường bất động sản Hà Nội bắt đầu "tan băng" (Ảnh minh họa)

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Phát triển Nhà ở CBRE nhấn mạnh, riêng tại thị trường Hà Nội, tốc độ gia tăng dân số cũng như mức độ dân nhập cư rất cao, chính vì vậy nhu cầu mua nhà để ở, để đầu tư vẫn luôn ở mức cao. Các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cùng việc phát triển cơ sở hạ tầng hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản Hà Nội trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội khẳng định, các dự án bất động sản trên địa bàn được tháo gỡ vướng mắc tạo ra tín hiệu sáng cho thị trường Hà Nội và kỳ vọng bước sang năm 2024 thị trường sẽ có sự sôi động hơn. Trong giai đoạn 2023 - 2024, nguồn cung các dự án mới dù được cải thiện nhưng vẫn ở ngưỡng hạn chế so với giai đoạn trước dịch. Các dự án mới có kết nối thuận tiện sẽ thu hút được người mua, cả để ở và đầu tư.

"Việc gỡ vướng thủ tục đầu tư, pháp lý kịp thời cho các dự án đóng vai trò quan trọng cải thiện nguồn cung mới, ổn định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như bình ổn thị trường sau thời gian dài trầm lắng", ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhìn nhận.

Nhu cầu từ người mua tăng, sự phát triển cơ sở hạ tầng cùng thay đổi chính sách về đất đai, tín dụng theo hướng tích cực chắc chắn sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn cho thị trường bất động sản Hà Nội phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.

Tuy nhiên, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản vẫn là yếu tố then chốt và cần tiếp tục được đẩy nhanh để tạo điều kiện cho thị trường hồi phục sớm, nguồn cung mới dần được cải thiện. Các chuyên gia bất động sản cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, các nhà đầu tư nếu chọn được những bất động sản ven Hà Nội, đáp ứng nhu cầu ở thật hoặc có thể tạo ra dòng tiền thì có thể xuống tiền./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top