Aa

Bất động sản nghỉ dưỡng chuẩn bị vào đà “cất cánh”

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 14/04/2021 - 10:10

Dịch bệnh Covid-19 đã ổn định, yếu tố “mùa vụ” cũng đã xuất hiện khi thời tiết chuẩn bị vào hè, được cho là động lực tăng trưởng trở lại cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước, du lịch nội địa đang chuẩn bị vào mùa cao điểm là mùa nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và tiếp theo là kỳ nghỉ hè kéo dài. Cùng với đó, việc từng bước mở cửa trở lại các đường bay quốc tế với phương án áp dụng hộ chiếu vaccine cũng được đẩy mạnh triển khai.

Hàng loạt điều kiện thuận lợi đang tạo đòn bẩy để lĩnh vực du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng tại nhiều địa phương khởi sắc trong năm nay. Đây cũng được xem là cơ hội cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tái khởi động.

Nói như PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, sau một năm gánh chịu thiệt hại của "cơn bão" Covid-19, từ năm nay, thế giới bước từ giai đoạn phòng thủ sang cầm cự và tấn công trực diện vào "cơn bão" này. Kế hoạch triển khai vaccine đang được đẩy mạnh trên toàn thế giới; các gói cứu trợ được sự đồng thuận cao tại các quốc gia; quan hệ giữa các cường quốc có dấu hiệu cải thiện, dòng dịch chuyển vốn đầu tư trên toàn cầu diễn biến theo hướng có lợi cho Việt Nam.

Riêng tại Việt Nam, quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu "kép" hứa hẹn tiếp tục gặt hái thành tựu trong năm nay, sau một năm trở thành quốc gia duy nhất trong ASEAN ghi nhận tăng trưởng GDP dương. Gói tín dụng giá rẻ 157.000 tỷ đồng dự kiến được đẩy nhanh tiến trình giải ngân trong năm nay để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.

"Mọi thứ đang đi đúng quỹ đạo, chính sách, phản ứng và liệu pháp trong một năm qua về cơ bản đúng và đem lại kết quả tích cực. Nếu tham chiếu thang đo sức khỏe thì thị trường bất động sản hiện ở mức A đến A+", ông Trần Kim Chung đánh giá.

Ghi nhận tại một số địa phương, chương trình kích cầu du lịch đã bắt đầu được tiến hành với nhiều hoạt động. Điển hình như Lào Cai bắt đầu triển khai kế hoạch kích cầu du lịch năm 2021 với chủ đề “Hương sắc Lào Cai” từ tháng 4/2021. Kế hoạch nhằm mục tiêu tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, kích cầu du lịch Lào Cai trên phạm vi toàn quốc, thu hút lượng khách đến Lào Cai tăng đột biến trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 9/2021. Đà Nẵng cũng thực hiện chiến dịch thu hút khách du lịch theo quý. Còn tại Quảng Ninh, điểm nhấn của chuỗi hoạt động kích cầu là các hoạt động của Tuần Du lịch văn hóa Hạ Long 2021. Tại Bình Định, chương trình kích cầu du lịch của tỉnh này gồm gói giảm giá, với sự tham gia của 38 doanh nghiệp, giảm 10 - 30% cho dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận chuyển…

Giới phân tích đánh giá, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang “nóng” dần lên nhờ những chương trình kích cầu du lịch nội địa của các địa phương. Khi hoạt động du lịch khởi sắc và sôi động trở lại thì bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có diễn biến tích cực hơn. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho biết, để trở lại sau dịch, bất động sản nghỉ dưỡng phải phụ thuộc vào thị trường du lịch quốc tế chứ không chỉ riêng nội địa.

Bất động sản nghỉ dưỡng chuẩn bị vào đà “cất cánh”
Bất động sản nghỉ dưỡng chuẩn bị vào đà “cất cánh”.

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE chi nhánh Hà Nội, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là phân khúc chịu nhiều tác động xấu của đại dịch. Lượng khách du lịch giảm, tỷ lệ công suất lấp đầy phòng giảm mạnh, nhiều thị trường du lịch gần như đóng băng trong nhiều tháng liên tiếp… Trong đó, Đà Nẵng, Nha Trang chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhưng từ cuối năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã nhìn thấy dấu hiệu phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát, người Việt Nam đã có thể yên tâm đi du lịch nhiều hơn.

Theo bà An: “Mặc dù đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần 3 nhưng chỉ trong 1 tháng Việt Nam đã có thể ổn định được và các hoạt động của thị trường nghỉ dưỡng lúc đó chưa bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn nếu trước đây chỉ tập trung ở đối tượng khách quốc tế thì từ đầu năm 2021 chỉ có thể nhắm đến dòng khách trong nước. Bởi việc mở cửa cho khách nước ngoài tới Việt Nam du lịch còn hạn chế. Do vậy, có thể phải chờ đến năm 2022, bất động sản du lịch mới có thể hy vọng phục hồi trở lại như giai đoạn trước dịch”.

Trong một toạ đàm được tổ chức mới đây, ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam cũng cho rằng khi thị trường phục hồi, những người Hà Nội vẫn có nhu cầu vào Phú Quốc, Phan Thiết du lịch để đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên, hưởng thụ nền văn hóa đặc sắc của từng vùng miền, hoặc tiếp tục đi nước ngoài.

Sự cạnh tranh sẽ xảy ra và buộc các nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng phải nâng cấp sản phẩm ở mức độ cao hơn, tiếp tục thúc đẩy sáng tạo những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng mới, với chất lượng cao hơn nữa. Việc này sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mới ở những địa phương có tiềm năng du lịch để thu hút nhà đầu tư và cả du khách trong nước và nước ngoài sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới.

Theo báo cáo thị trường quý I/2021 của DKRA, ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung tăng mạnh đối với loại hình biệt thự biển (3,2 lần) và condotel (7,4 lần) so với quý IV/2020. Các dự án tập trung ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc và Bình Thuận.

Dự báo trong quý II/2021, nguồn cung mới condotel có thể sẽ tăng so với quý I/2021, dao động khoảng 800 - 1.000 căn. Nguồn cung mới biệt thự biển tăng nhẹ so với quý trước, dao động ở mức 1.000 - 1.200 căn. Các dự án tập trung ở thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Phú Quốc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top