Aa

Bất ngờ Nguyễn Bình Phương

Thứ Sáu, 22/01/2021 - 07:00

Nguyễn Bình Phương luôn tạo ra những bất ngờ thú vị. Như khi nghe tin anh trúng cử Ban chấp hành, tôi mới ớ ra là Phương đã vào Hội nhà văn từ bao giờ.

Đến tận bây giờ, những gì về con người Nguyễn Bình Phương như tuổi tác, nhà cửa, gia đình, sở thích… tôi vẫn mù mờ, dù đã quen anh mấy chục năm và có với nhau không ít kỷ niệm. Phương là nhà văn kiệm lời, lẩn mình, tránh đám đông, nhiều lúc, tôi nghĩ anh không có bạn văn. 

Dạo mới quen, tôi thấy Phương hay đi với Nguyễn Lương Ngọc, một tài năng thơ đoản mệnh, chết vì tai nạn giao thông. Nguyễn Lương Ngọc là bạn cùng học Viết văn Nguyễn Du khóa 4, một khóa nhiều tài năng. Ngọc bấy giờ đã nổi tiếng với những bài thơ rất mới về thi pháp. Nguyễn Bình Phương cũng có giao du với các nhà văn kỳ cựu, cả văn lẫn rượu, như Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh...

Đầu thập niên 90, Phương còn độc thân và ở căn hộ nhỏ tầng 4, khu Thành Công. Đôi lần say, tôi được Phương đưa về “tổ chim” của anh để qua đêm. Phương chưa nổi danh dù đã có các tiểu thuyết “Bả giời”, “Vào cõi” và “Những đứa trẻ chết già”. Tiểu thuyết “Những đứa trẻ chết già” là một bước tiến vượt bậc của anh nhưng giới văn chương tiếp nhận dè dặt.

Nhà văn Nguyễn Bình Phong.

Tôi gặp Nguyễn Bình Phương đang làm biên tập viên NXB Quân đội Nhân dân. Đầu những năm 90, không khí văn chương vui lắm, ngày nhậu nhộn nhịp, đêm về chong đèn cày cuốc. Bản thảo cứ ụn lên căng chật bàn viết. Bấy giờ văn đàn chịu ảnh hưởng của một loạt truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và bộ ba tiểu thuyết giải thưởng Hội nhà văn của Bảo Ninh, Dương Hướng và Nguyễn Khắc Trường. Ra đời sau thời điểm này “Những đứa trẻ chết già” của Nguyễn Bình Phương không gây ra dư luận, nhưng đọc cuốn tiểu thuyết này, ai cũng nể tác giả. Tôi nghiền ngẫm, say mê khám phá lối hành văn ma mị, dẫn nhập đến quái đản. Thứ văn huyền ảo sệt đậm tâm linh phương Đông và thủ pháp phân thân hồn ma bóng quỷ áp vào mọi nhân vật của Nguyễn Bình Phương là cái đích tôi hướng đến trong các sáng tác sau này.

Trại viết do NXB Quân đội Nhân dân tổ chức ở Đại Lải năm 1994. Tôi ở một phòng không ai dám ở bởi đồn đại là có ma. Tôi vốn là lính chiến nên bất chấp. Nguyễn Lương Ngọc thấy thế cũng ở cùng. Được một tối, Ngọc lẳng lặng dọn đồ đi không lời giải thích. Phương đến ở cùng tôi. Tối tối, nhà văn Dương Duy Ngữ trại trưởng giao cho Phương giám sát tôi. Vậy mà một đêm, tôi lẳng lặng đi thẳng xuống hồ nước sâu. Tôi chỉ nhớ láng máng có người rủ tôi đi dạo. Phương và anh Ngữ kịp tóm tôi lôi lên khi tôi đã lội nước ngang đầu gối. Trưa sau, đang ngủ ở phòng, Phương ú ớ không thành tiếng, người ríu lại, tay lần móc các túi đưa hết tiền ra. Phương mơ bị một đám trẻ con quây lại đòi tiền. Tỉnh lại, Phương bảo phòng này có ma thật anh ạ. Hỏi ra, thì ở đây có người đàn bà thắt cổ chết và khu nhà này từng có nhân viên bị mất con. Đến nước đó thì tôi cũng ngại. Căn phòng ấy sau này chỉ làm nơi chứa đồ. Nhân chuyện đó, Phương bảo tôi, sao anh không viết một cuốn tiểu thuyết về ma chiến tranh nhỉ?

Tiểu thuyết "Những đứa trẻ chết già" của nhà văn Nguyễn Bình Phong (Ảnh sưu tầm)

Tôi cứ nghĩ về gợi ý của Phương. Một cốt truyện chiến tranh hình thành rất nhanh. Tôi bỏ luôn hơn trăm trang viết dở để đăng ký cuốn mới. Tiểu thuyết “Tàn đen đốm đỏ”, tôi viết chỉ chừng 3 tháng. Tôi đưa tập bản thảo viết tay, Phương đọc và biên tập cũng rất nhanh. Trong năm 1994, “Tàn đen đốm đỏ” ra đời. Đến giờ, nó vẫn là cuốn sách hiếm hoi viết về thế giới vong hồn do tôi tưởng tượng ra dành cho những người chết  trận vô danh, không mồ mả, không tên tuổi... Tôi biết ơn Nguyễn Bình Phương đã giúp tôi có được cuốn tiểu thuyết này.

Nguyễn Bình Phương vào học Ttrường viết văn Nguyễn Du, vẫn mang quân phục. Ra trường, anh về Đoàn kịch quân đội, rồi NXB Quân đội Nhân dân. Anh đã biên tập sách của nhiều nhà văn viết về chiến tranh. Sau đó, anh chuyển về tạp chí Văn nghệ quân đội và hiện giờ thì là Tổng Biên tập tạp chí này.

Sau “Những đứa trẻ chết già”, Phương tiếp tục cho ra đời một loạt tiểu thuyết cùng phong cách như “Người đi vắng”, “Thoạt kỳ thủy”, “Ngồi”… Mới nhất là cuốn tiểu thuyết “Mình và họ”, có số phận kỳ lạ,. Cuốn tiểu thuyết viết xong năm 2010, các nhà xuất bản từ chối in và được xuất bản ở Mỹ dưới cái tên “Xe lên xe xuống”. Đến năm 2014, Nhà xuất bản Trẻ mới nhận in. Ngay lập tức, “Mình và họ” được hoan nghênh. Đây là cuốn sách đỉnh cao của Nguyễn Bình Phương. Anh lấy bối cảnh cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 - 1984 để chuyển tải một thế giới con người Việt hiện đại, đa dạng và sinh động. “Mình và họ” được Hội nhà văn Hà Nội bỏ phiếu tuyệt đối trao giải thưởng hàng năm.

Dạo này, thấy Nguyễn Bình Phương hay xuất hiện hơn ở một vài đám bạn bè. Cũng lạ, một nhà văn không lấy internet làm phương tiện giao tiếp cũng như tìm hiểu xã hội đương đại, không lấy bạn bè để san sẻ chuyện sáng tác, nhưng tác phẩm của anh lại ăm ắp kiến thức về đời sống hiện đại. Một sự trải nghiệm có lẽ chỉ có ở một nhà văn có tầm.

Nguyễn Bình Phương luôn tạo ra những bất ngờ thú vị. Như khi nghe tin anh trúng cử Ban chấp hành, tôi mới ớ ra là Phương đã vào Hội nhà văn từ bao giờ. Tôi cứ nghĩ Phương không thích hội hè, không thích làm quản lý mà chỉ chuyên tâm vào văn chương. Thật thú vị, người hay vắng mặt ở các đám đông nơi văn đàn, giờ lại ở nơi đông nhất với vị trí Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội và là Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top