Aa

Biệt thự và 3 loại hình biệt thự phổ biến

Thứ Năm, 23/04/2020 - 13:30

Biệt thự luôn thu hút mọi người bởi tính xa hoa và thẩm mỹ. Ngày nay, đời sống dân cư nâng cao, số lượng biệt thự tại Việt Nam cũng được tăng nhanh. Nhưng ít ai thực sự hiểu rõ về khái niệm và loại hình của biệt thự.

Biệt thự là gì?

Hiện nay có rất nhiều khái niệm về biệt thự. Vậy định nghĩa về nhà biệt thự như thế nào cho chính xác nhất?

Định nghĩa biệt thự theo Bộ Xây dựng

Theo K1Đ3 Thông tư của Bộ Xây Dựng số 38/2009/TT-BXD về hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà biệt thự tại khu vực đô thị có định nghĩa về biệt thự như sau:

“Biệt thự là nhà ở riêng biệt ( hoặc có nguồn gốc là nhà ở đang được dung vào mục đích khác) có sân vườn, có hàng rào và lối ra vào riêng biệt, có số tầng chính không quá 3 tầng (không kể tầng mái che cầu thang, tầng mái và tầng hầm), có ít nhất 3 mặt trông ra sân hoặc vườn, có diện tích không vượt quá 50% diện tích khuôn viên đất, được xác định là khu chức năng trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Định nghĩa chung về biệt thự

Biệt thự (hay còn gọi là villa) là loại nhà được thiết kế và xây dựng trên một không gian có diện tích rộng lớn, tương đối hoàn thiện và biệt lập so với các không gian khác. Bên ngoài biệt thự có hàng rào kiên cố, trong biệt thự thường sẽ có bể bơi, sân vườn... Hay nói dễ hiểu hơn, biệt thự là nhà ở riêng lẻ có sân vườn, có tường rào và lối ra vào riêng.

Biệt thự được chia thành các nhóm nào?

Cũng theo thông Thông tư 38/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì nhà biệt thự được chia thành 3 nhóm chính như sau:

• Nhóm 1: biệt thự gắn với di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc do các cơ quan có thẩm quyền về xây dựng – kiến trúc và văn hoá cấp tỉnh phối hợp xác định, lập danh sách và trình ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt;

• Nhóm 2: biệt thự không thuộc biệt thự nhóm 1 nhưng có giá trị về kiến trúc do các cơ quan có thẩm quyền về xây dựng – kiến trúc cấp tỉnh phối hợp xác định, lập danh sách và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt;

• Nhóm 3: biệt thự không thuộc biệt thự nhóm 1 và biệt thự nhóm 2.

3 loại biệt thự phổ biến hiện nay

Có rất nhiều loại biệt thự sở hữu những phong cách khác nhau. Những mẫu biệt thự được quy hoạch hay phân lô thường cùng chung một kiểu kiến trúc. 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về 3 loại biệt thự phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

Biệt thự đơn lập

Biệt thự đơn lập là biệt thự có kiến trúc độc lập, hình khối riêng biệt tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh.

Bốn mặt biệt thự đều có mặt thoáng nhất định, thường được xây dựng chính giữa một lô đất và xung quanh 4 mặt là cảnh quan cây cối. Kiến trúc của 4 mặt biệt thự này nhìn tổng thể rất hài hòa và có thể chia công năng theo mỗi mặt bao gồm mặt trước, mặt sau, mặt phải, mặt trái. Diện tích mỗi căn thường từ 288m2 đến 497m2.

Biệt thự đơn lập với kiến trúc độc lập với khoảng sân vườn rộng rãi, thông thoáng.

Biệt thự đơn lập thường rất đơn giản, kiến trúc cũng không cầu kỳ. Nét đặc trưng của biệt thự đơn lập chính là tất cả không gian sống, thư giãn đều trong chính căn biệt thự.

Biệt thư đơn lập được xây dựng giữa lô đất có tường rao bao quanh, phần xây dựng không được tiếp giáp với phần tường rào. Khoảng cách từ biệt thự đến tường rào thường đủ rộng để người sử dụng có thể đi lại, sinh hoạt hoặc để trồng cây, tiểu cảnh, sân vườn… Đây là những phần giúp tôn lên vẻ đẹp của căn biệt thự, tạo một không gian tuyệt vời cho người sử dụng.

Biệt thự song lập

Biệt thự song lập là kiểu biệt thự ghép khối gồm 2 nhà tách biệt đối xứng, liền kề và chung nhau kiến trúc. Với ý tưởng là thiết kế một ngôi nhà trên nửa khu đất trước, sau đó thiết kế đối xứng sang ngôi nhà thứ 2. 

Nhìn thoáng qua thì giống như một căn biệt thự nhưng lại là hai căn có thiết kế đối xứng nhau qua một cạnh trái hoặc phải.

Biệt thự song lập là mẫu thiết kế hiện đại, các mặt thoáng của biệt thự đủ rộng để có thể đi lại, trồng cây hoặc làm tiểu cảnh… Kết cấu biệt thự song lập riêng biệt và đối xứng với căn biệt thự bên cạnh nên hai căn biệt thự cạnh nhau phải hài hòa về màu sắc, đường nét và trang trí. Biệt thự song lập tạo ra những ngôi nhà ghép đôi đồ sộ, lộng lẫy.

Đây là lựa chọn thích hợp cho những gia đình nào liền nhau mà đều có mong muốn thiết kế biệt thự. Biệt thự song lập thường chỉ có 3 mặt thoáng và được xây dựng trên diện tích đất nhỏ hơn biệt thự đơn lập, từ 189m2 đến 232m2.

Biệt thự mini

Biệt thự mini ngày càng được các gia đình ưa chuộng. Đây là loại hình biệt thự có diện tích đất sử dụng không quá lớn, từ 80m2 đến 100m2 và có thiết kế vô cùng tinh tế, sang trọng, đầy đủ tiện nghi. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng đầu tư biệt thự mini cũng vừa phải.

Biệt thự mini mang phong cách đặc biệt với đường nét mềm mại, vuông vức.

Biệt thự mini được hiểu là mẫu biệt thự sở hữu diện tích nhỏ được thiết kế hợp lý và tinh tế, tận dụng được hết khoảng diện tích vốn có để phục vụ khoảng không gian thỏa mái cho gia đình. Biệt thự mini thường có sân vườn hẹp, bởi vậy luôn tận dụng tối đa các khoảng xanh ở vườn trước, ban công và sân thượng.

Theo ông Ngô Đình Hãn - Trung tâm Tư vấn doanh nghiệp và phát triển vùng. khoa Kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế TP.HCM: "Thực tế, khi biệt thự mini mà có diện tích xây dựng chiếm gần hết diện tích đất dẫn tới không có khuôn viên tách biệt hay sân vườn thì chỉ có thể gọi là nhà phố mini". Biệt thự mini dù có diện tích nhỏ khoảng 100m2 trở xuống nhưng vẫn phải đáp ứng tiêu chuẩn của một căn biệt thự là diện tích xây dựng chiếm tối đa 50% diện tích đất và 3 mặt tiếp xúc với sân vườn.

Cùng ngắm nhìn một số mẫu thiết kế biệt thự tuyệt đẹp dưới đây:

Mẫu biệt thự hiện đại sang trọng, đẳng cấp.
Biệt thự tân cổ điển hài hòa và lịch lãm.
Biệt thự sân vườn gắn liền với không gian cây xanh, tiểu cảnh đẹp mắt, hồ nước…
Biệt thự sang trọng và đẳng cấp.
Biệt thự liền kề ghép vổi nhau vai kề vai để tạo thành những biệt thự song lập, tứ lập.
Một biệt thự được thiết kế mang dáng dấp nhà ống.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top