Aa

Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo Nghị định gỡ khó cho Quỹ phát triển đất

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 24/04/2024 - 15:00

Quỹ phát triển đất trước đây được thành lập theo quy định của pháp luật đất đai năm 2003 và 2013. Tuy nhiên, việc tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất trong thời gian qua còn những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ và các hoạt động của Quỹ.

Với mục tiêu của Chính phủ quyết tâm đưa Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào cuộc sống, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025, Bộ Tài chính được phân công chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định quy định về Quỹ phát triển đất, thời hạn ban hành là tháng 5/2024.

Theo đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất.

Theo quy định tại Điều 114 Luật Đất đai mới nhất năm 2024, quỹ phát triển đất của địa phương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập để ứng vốn phục vụ các nhiệm vụ thuộc chức năng của tổ chức phát triển quỹ đất, thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Để đánh giá thực trạng hoạt động của Quỹ phát triển đất tại các địa phương, Bộ Tài chính đã rà soát chính sách liên quan và có các Công văn gửi các địa phương để đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất. 

Qua tổng hợp báo cáo của 63/63 địa phương gửi Bộ Tài chính thời điểm năm 2023 cho thấy, có 57 địa phương đã thành lập Quỹ phát triển đất; trong đó có 27 Quỹ hoạt động theo mô hình độc lập, 30 Quỹ hoạt động theo mô hình ủy thác.

Theo báo cáo của các địa phương, việc thành lập và hoạt động của Quỹ phát triển đất là cần thiết, góp phần giúp chính quyền địa phương trong việc tập trung nguồn lực tài chính để kịp thời ứng vốn, thúc đẩy công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả của dự án. 

Thực tế thực hiện cho thấy, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất sạch là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nếu không có một nguồn lực sẵn sàng chi trả để thực hiện các công việc này thì sẽ có ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện các dự án/nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo Nghị định gỡ khó cho Quỹ phát triển đất- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất sẽ góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Việc ra đời của Quỹ phát triển đất đã góp phần đáp ứng các nhu cầu nêu trên.

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất trong thời gian qua còn những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ và các hoạt động của Quỹ. Những khó khăn, vướng mắc chủ yếu như sau:

Chưa rõ nguồn vốn hoạt động của Quỹ gồm những nguồn vốn nào để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ của Quỹ; việc cấp vốn điều lệ cho Quỹ được thực hiện như thế nào (mức vốn điều lệ cấp cho Quỹ, thẩm quyền, thủ tục cấp).

Cơ cấu tổ chức của Quỹ trong trường hợp ủy thác toàn bộ cho Quỹ đầu tư phát triển hoặc Quỹ tài chính khác của địa phương còn có điểm bất hợp lý, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động.

Thiếu cơ chế để bảo đảm nguồn kinh phí chi trả cho hoạt động của bộ máy, quản lý hành chính của Quỹ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của Quỹ theo chức năng, nhiệm vụ được giao...

"Việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về Quỹ phát triển đất theo quy định của pháp luật đất đai năm 2024, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất, tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển đất", Bộ Tài chính cho hay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top