Aa

“Bung hàng” nhà ở xã hội sẽ làm thay đổi thị trường địa ốc

Thứ Tư, 18/10/2023 - 14:10

Chuyên gia cho rằng, phải từ cuối quý I và đầu quý II năm 2024 thì thị trường bất động sản mới cho thấy sự thay đổi rõ rệt, khi lượng sản phẩm nhà ở xã hội bán ra thị trường nhiều hơn.

Tăng giao dịch

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) - ông Nguyễn Văn Đính nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang thiếu nguồn cung, giảm cầu, thiếu vốn và thiếu sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương. Những vấn đề này khiến sức khỏe doanh nghiệp địa ốc ngày càng suy yếu, từ quy mô, số lượng, nhân sự đến tiềm lực tài chính. 

Khảo sát của VARS cho thấy, có khoảng 23% doanh nghiệp chỉ “cầm cự” được tới hết quý III/2023, nếu không có thêm chính sách điều hành vĩ mô hay có sự tác động mạnh mẽ hơn từ các chính sách của Chính phủ. 

Sức khỏe doanh nghiệp địa ốc ngày càng suy yếu (Nguồn: vneconomy)

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định, khả năng hồi phục của thị trường địa ốc đang có nhiều chuyển biến tích cực hơn. 

Cụ thể, nguồn cung bất động sản trong quý I/2023 sụt giảm nghiêm trọng, gần như đứng im, giao dịch chỉ khoảng hơn 1.000. Nhưng sang quý II cho thấy sự chào bán trở lại với khoảng 3.700 giao dịch thành công. Sang quý III, trong 2 tháng đầu ghi nhận hơn 5.000 giao dịch thành công và 300 dự án trên toàn quốc đã mở bán. 

Bên cạnh đó, nếu quý đầu năm chủ đầu tư chưa sẵn sàng mở bán sản phẩm mới, thì đến quý III, nhờ niềm tin tăng lên khiến các giao dịch và nguồn hàng cũng tăng hơn. 

Với đà phục hồi này, hiện tượng tăng cung ra thị trường ngày càng rõ rệt, chủ yếu vẫn từ các dự án cũ. Các dự án mở bán đều có dấu hiệu tái cấu trúc sản phẩm và mức giá được điều chỉnh tương đối sát với thị trường, nên giao dịch thực cũng đang tăng lên. 

Trong đó, có 70% giao dịch tới từ các căn hộ chung cư, phân khúc đất nền còn ít giao dịch vì giá bán chưa được điều chỉnh giảm mạnh. 

“Nhưng có thể thấy, điều hành của Chính phủ đã bắt đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian tới cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các luật, cơ chế, chính sách” - Vị chuyên gia nói thêm. 

Niềm tin tăng lên khiến các giao dịch và nguồn hàng cũng nhiều hơn (Nguồn: vnexpress)

Cũng theo ông Đính, trong quá trình chờ đợi những quy định pháp luật có hiệu lực thì nên xem xét giải quyết vướng mắc và thực sự tháo gỡ khó khăn cho các dự án mới nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường. Khi nguồn cung dồi dào thì giá sẽ giảm, giao dịch sẽ tăng. 

"Chúng tôi dự đoán quý IV năm nay là thời điểm bắt đầu phục hồi. Từ quý III năm nay đã có nhiều tín hiệu mừng, tất nhiên so với thời điểm 2018 - 2019 thì vẫn còn xa, chỉ là con số vài nghìn so với vài chục nghìn lượt giao dịch trong quá khứ. Nhưng trong thời điểm khó khăn này, vài nghìn đã là một con số đáng khích lệ, có nhiều tín hiệu đáng mừng để tạo động lực tốt cho thị trường" - ông Đính nêu.

Nhà ở xã hội giúp thị trường đảo chiều?

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu về nhà ở xã hội của các địa phương vào khoảng 2,4 triệu căn. Mục tiêu của Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội là phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ hoàn thành tại các địa phương khoảng 1.062.200 căn. Tính đến ngày 18/6/2023, cả nước hoàn thành được 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với quy mô xây dựng 19.516 căn; hiện đã tiếp tục triển khai 294 dự án, quy mô xây dựng là 288.499 căn.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được khởi công, với tổng quy mô 18.768 căn. Trong đó, có 5 dự án nhà ở xã hội, quy mô 7.730 căn; 3 dự án nhà ở công nhân, quy mô 11.038 căn. Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, tính đến hiện tại, cả nước thực hiện giải ngân được hơn 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay mua, thuê mua NƠXH, nhà ở công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. 

Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội giúp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường (Nguồn: Báo Đầu tư)

Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, thị trường địa ốc hiện tại còn một số động lực để phục hồi. Theo đó, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cùng các bộ ban ngành, đã chỉ đạo sâu sát nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn trên thị trường bất động sản, từ đó gỡ vướng về cả cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, vốn vay… 

Đồng thời, thị trường bất động sản cũng đang trong quá trình tái cấu trúc ở các phân khúc, đặc biệt là nhà ở cao cấp và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng… Các doanh nghiệp địa ốc đang cân nhắc tới việc tập trung nguồn lực vào những dự án khả thi để sớm đưa sản phẩm ra thị trường, thúc đẩy dòng tiền trở lại. Đây là yếu tố quan trọng, cho thấy việc tái cấu trúc trên toàn thị trường và không tập trung vào một phân khúc cụ thể nào. 

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh còn nhấn mạnh, từ năm 2023, Chính phủ đưa ra đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường, đổi mới hoạt động, tăng cường năng lực thị trường một cách nhanh nhất. 

Cũng vì vậy, từ cuối năm 2022 đến nay, toàn quốc ghi nhận hơn 400 dự án nhà ở xã hội được triển khai khiến cơ hội để thị trường bất động sản phục hồi rất lớn. Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc đã tạo ra được sự thay đổi lớn tới nhu cầu của thị trường và người mua nhà. 

Ông Thịnh nhìn nhận: “Sự thay đổi tương đối rõ rệt của thị trường chỉ xảy ra vào cuối quý I và đầu quý II/2024 khi lượng nhà ở xã hội được bán ra thị trường nhiều hơn".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top