Aa

Cải thiện chất lượng không khí nhà ở đô thị từ việc quy hoạch kết hợp công nghệ

Thứ Bảy, 28/11/2020 - 16:30

Những giải pháp cải thiện chất lượng không khí nhà ở đô thị không chỉ dựa trên phương diện quy hoạch kiến trúc mà còn từ nhiều góc độ như quản lý môi trường đô thị, ứng dụng công nghệ.

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức Hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở đô thị nhằm tìm các giải pháp giải quyết vấn nạn về ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng không khí trong đô thị.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Việt Nam có 34.232 người tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhất là mật độ xây dựng, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến. Về nguồn gây ô nhiễm không khí, chủ yếu từ các nguồn tại chỗ, như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác…

Riêng tại Hà Nội, ô nhiễm không khí thường tăng cao vào giờ cao điểm, từ 60 - 70% bụi mịn do ôtô, xe máy thải ra. Với những số liệu này, có thể nói, những năm gần đây, quá trình đô thị hóa gia tăng tất yếu dẫn đến nhiều nguy cơ trên nhiều phương diện (kinh tế, xã hội và môi trường…). Trong đó, vấn nạn về môi trường, ô nhiễm không khí đã trở thành bài toán khó giải quyết trên quy mô toàn cầu.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận, thực tế tại Việt Nam vẫn có rất nhiều khu vực thiên nhiên, chất lượng không khí tốt, hay những đô thị chưa có mật độ dân số cao, quy hoạch theo đúng cách, chất lượng không khí vẫn được đảm bảo và không phải vấn đề cần bận tâm.

Tuy nhiên với các đô thị lớn, các yếu tố từ giao thông, xây dựng, mật độ nhà ở đông đúc khiến chất lượng không khí bị ảnh hưởng lớn. Do đó, để giải quyết vấn đề này, cần có thêm giải pháp về quy hoạch và các sản phẩm công nghệ.

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo.

“Kiến trúc cũng là một giải pháp quan trọng trong việc cải thiện chất lượng không khí, nhưng xét trên tầm nhìn vĩ mô, giải pháp về quy hoạch và thể chế kiến trúc mới có thể giải quyết lâu dài được”, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cho rằng, đối với các đô thị lớn, cả về quy hoạch lẫn kiến trúc cần có sự thay đổi, cần có công nghệ hỗ trợ để chúng ta có thể sống chung với mật độ dân số và xây dựng cao, giải pháp thông thoáng ánh sáng tự nhiên, quy hoạch trồng nhiều cây xanh vẫn khả thi nhưng chỉ phù hợp với đô thị nhỏ, còn với đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, ông cho rằng tới đây, về thực trạng chúng ta phải có giải pháp bao trùm từ quy hoạch, kiến trúc, nội thất… cần làm sao để gia tăng chất lượng không khí ngoài nhà một cách tự nhiên. 

"Tôi cũng rất muốn người dân mở cửa ra đón gió, thay đổi không khí", ông Sơn nói.

Trong khi đó, KTS. Nguyễn Tất Thắng, Chuyên gia cao cấp Bộ Xây dựng, đưa ra giải pháp cải thiện chất lượng không khí từ cả khía cạnh văn hoá và kỹ thuật. Trong đó, về văn hóa bằng cách áp dụng các thể chế pháp lý, ban hành những quy định để quản lý chất lượng môi trường không khí, đặc biệt với đất nước đa dạng về văn hoá như Việt Nam.

Còn về khía cạnh kỹ thuật, theo KTS. Nguyễn Tất Thắng nên lồng ghép công nghệ vào các giải pháp thiết kế. Các kiến trúc sư hiện nay thường áp dụng các giải pháp thụ động, để cải thiện chất lượng không khí, nhưng như vậy là chưa đủ.

Vì nhìn chung, các giải pháp này, vẫn lấy không khí trực tiếp từ môi trường, nhưng chất lượng không khí bên ngoài ở các đô thị lớn hiện nay chưa đảm bảo chất lượng. Vậy nên, việc kết hợp giữa giải pháp kiến trúc và công nghệ là rất cần thiết.

“Không khí trong đô thị Việt Nam hết sức ô nhiễm, điều này thường xuyên được nhắc đến trên các báo đài, thông tin đại chúng. Tôi nghĩ rằng để giải quyết vấn đề này trên khía cạnh quy hoạch và kiến trúc cần có những sự thay đổi, đặc biệt cần có sự tiếp tay của công nghệ", ông Thắng cho hay.

Ngoài ra, theo PGS.TS.KS. Naoki Kagi, Khoa Kiến trúc và Kỹ thuật Xây dụng, Học viện Công nghệ Tokyo, Nhật Bản, không khí trong nhà rất quan trọng bởi thời gian hoạt động ở trong nhà của mọi người rất nhiều. Chính vì vậy, việc làm sạch không khí là điều vô cùng cần thiết.

“Chúng ta quan tâm tới nguồn nước uống nhưng lại ít để ý tới không khí xung quanh mà ta hít thở. Chúng ta có xu hướng lấy nước uống từ nguồn nước vệ sinh như vòi nước chẳng hạn. Nhưng việc chúng ta hít thở không khí trong nhà giống như chúng ta lấy nước uống từ bể bơi vậy. Đối với thức ăn và nước uống, chúng ta có quyền lựa chọn thứ mình thích, nhưng đối với không khí, chúng ta chỉ có một sự lựa chọn duy nhất đó là hít thở bầu không khí xung quanh”, ông Naoki Kagi chia sẻ.

Theo đó, ông Naoki Kagi chỉ ra ba phương pháp chính để làm sạch không khí trong nhà: "Thứ nhất là không để các chất ô nhiễm ở bên ngoài lọt vào bên trong, thứ hai là không đặt những nguồn ô nhiễm có thể sản sinh ra chất ô nhiễm ở trong nhà.

Và cuối cùng là loại bỏ những chất ô nhiễm có ở trong nhà bằng cách sử dụng hệ thống thông khí và máy lọc không khí.” 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top