Aa

Cần tái cấu trúc hoạt động hỗ trợ vùng thiên tai

Thứ Hai, 30/11/2020 - 17:00

Chúng ta nói về thời đại 4.0, thì chính là ở lĩnh vực này, hãy áp dụng 4.0 để tái định hình hoạt động hỗ trợ khi có thiên tai, tái phân công chức trách để tận dụng, khơi nguồn, điều hướng các nguồn lực của toàn xã hội.

Lần thứ ba tham gia vào công việc hỗ trợ đồng bào vùng bị bão lụt ở miền Trung đem lại cho tôi bốn cảm nhận.

Thứ nhất: Không thể không xúc động và thấy ấm áp trong lòng khi chứng kiến quy mô của hoạt động cứu trợ, hỗ trợ tự nguyện của đồng bào cả nước. Có những thời điểm, dù là đi về phía Nam hay ngược lên phía Bắc, trên đường hầu như tất cả những xe lớn, cả xe tải, cả xe ca, đều là xe chở người, chở đồ hỗ trợ. Đa số chăng dòng chữ đỏ, một số chữ xanh. Nội dung đều là: "Hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt miền Trung", "Hướng về miền Trung"…

Có đoàn xe là của các tổ chức, doanh nghiệp. Có xe của một xã, một thôn. Có xe của một chùa, có xe của một câu lạc bộ, một nhà trường, một khu phố… Và có nhiều xe không ghi từ đâu đến. Qua biển số xe, ta thấy có xe từ các tỉnh vùng cao phía Bắc, có xe từ Tây Nam Bộ đi ra. Tại vùng lũ, rộn lên xung quanh giọng người từ mọi địa phương.

Chắc chưa ai đếm được có bao nhiêu chiếc xe trong dòng xe ngày đêm, suốt hàng tháng trời đổ về vùng bị bão lụt. Chỉ cảm nhận một cách rõ ràng tình yêu thương của cả nước. Một tình yêu thương lớn lao! Một tấm lòng sâu thẳm! Thật sự xúc động khi chứng kiến tận mắt dòng chảy mãnh liệt ấy của sự đùm bọc. Cho dù có bao sóng gió, bao hỗn loạn của biến đổi xã hội, thì sâu trong con người Việt vẫn là cách sống “Thương người như thể thương thân”.

Thứ hai: Những lần trước, dọc đường vào miền lũ lụt, chúng tôi từng nhận được bao cuộc gọi điện thoại từ bạn bè và cả những người chưa quen. Tất cả đã xuất phát với xe hàng hỗ trợ nhưng rối rít hỏi nhau đi về đâu, chỗ nào cần. Họ đã đi với thôi thúc muốn giúp đồng bào gặp nạn, nhưng chưa rành địa bàn, chưa biết thông tin cụ thể, địa chỉ cụ thể.

Lần này, cũng như các lần trước, chúng tôi thường phân tích, thu thập thông tin, để “lánh” chỗ nhiều đoàn đã hoặc có thể đang đến, để tìm những điểm còn thiếu thốn. Đó thường là những nơi xa. Nhiều khi thay vì đi theo đường 1, chúng tôi đi theo đường cắt lên phía núi để hỗ trợ những bản làng bị chia cắt vì lũ. Những lần trước vào hỗ trợ, chúng tôi thường là nhóm đầu tiên tiếp cận khu vực như vậy. Nhưng lần này thì khác. Kể cả một bản heo hút nhất, khi chúng tôi đến, đã gặp những đoàn cứu trợ khác đến trước rồi. Dọc Trường Sơn, các đoàn cứu trợ len lỏi đến với bà con ngày thường đã túng thiếu, bị lũ lụt còn khó khăn hơn gấp bội. Có những lần, chúng tôi đến rồi lại quay xe đi điểm khác, vì đã có nhiều đoàn đến hỗ trợ rồi.

Các đoàn cứu trợ giờ hoạt động đã khác trước nhiều. Tất nhiên vẫn có những chuyện hàng hỗ trợ ùn về những điểm này điểm kia. Nhưng những nơi khuất nẻo, các đoàn xe vẫn tìm đến. Thời đại internet, thông tin nhiều, các đoàn hỗ trợ tự nguyện đã định hướng tốt hơn về điểm đến trước khi xuất phát. Đa số các đoàn hỗ trợ cũng được tổ chức tốt hơn, có dáng vẻ “chuyên nghiệp” hơn.

Sự phối hợp của các tấm lòng khiến chúng ta ngạc nhiên vì nó quá sáng tạo. Người chở hàng từ xa đến đã có những người tại chỗ tình nguyện chỉ dẫn trước qua mạng Internet. Kể cả thông tin chọn điểm hỗ trợ, kể cả chỗ ăn, chỗ nghỉ miễn phí. Người góp của cộng với người góp công. Hợp lại thành sự tự điều chỉnh như thể có một trung tâm điều phối nào đó vô hình.

Thứ ba: Điểm khác biệt lớn là đã manh nha sự tham gia tự nguyện không chỉ vào công tác hỗ trợ, mà cứu trợ. Có những đoàn thuyền dân chài băng ngược vào đất liền cứu dân bị kẹt trên mái nhà. Các câu lạc bộ thuyền thể thao từ các thành phố du lịch băng về. Các vận động viên thuyền cao su quên mình tham gia cứu nạn. Bạn sẽ gặp nhiều nhóm xe bán tải với những chiếc thuyền cao su cột trên thùng xe lao về vùng lũ. Bạn sẽ thấy các thành viên của các CLB thể thao xông vào khu lũ lụt như các chiến binh thực thụ.

Thứ tư: Chúng tôi đã gặp nhiều cán bộ cấp xã, cấp thôn trong những ngày lũ tàn phá địa phương của họ. Chúng tôi cảm nhận thấy sự tận tâm của họ. Hầu như đã kiệt sức sau những ngày lăn lộn, họ vẫn không mệt mỏi chỉ dẫn cho nhiều đoàn cứu trợ. Qua câu chuyện họ kể, chúng tôi hình dung được những ngày đầu lũ dữ ập vào, họ đã phải đối phó với hiểm nguy để cứu dân như thế nào. Họ nắm chắc hoàn cảnh từng nhà, họ trân trọng và nhiệt tâm phối hợp với công việc của các đoàn thiện nguyện, bất kể lớn hay nhỏ. Hãy loại bỏ ra đôi ba chuyện không hay này nọ, mà nhìn vào thực tế là tuyệt đại đa số các cán bộ địa phương đã thực sự hết mình vì bà con của họ.

Bốn cảm nhận trên, cùng những quan sát từ mấy lần vào miền Trung khi lũ lụt, khiến tôi có ba suy nghĩ.

Thứ nhất: Về cứu trợ khẩn cấp. Ý tôi muốn nói chuyện cứu người. Từ trước đến nay và từ nay về sau, cứu trợ khẩn cấp để bảo vệ tính mạng con người vẫn chủ yếu là công việc của hệ thống Nhà nước. Chỉ Nhà nước mới có lực lượng chuyên trách, huy động lực lượng vũ trang, huy động phương tiện, vật lực lớn để ứng phó khẩn cấp.

Tuy nhiên, một lực lượng tình nguyện có kỹ năng (như các câu lạc bộ thể thao nước, các nhóm có kỹ năng cứu nạn khác) sẽ là sự bổ sung không nhỏ cho công tác cứu hộ. Để an toàn cho công tác cứu hộ, chắc chắn cần có những biện pháp hay quy định nào đó. Nhưng đây là một nguồn lực cần được tổ chức và huy động.

Thứ hai: Thiên tai còn diễn ra (Đáng tiếc trong chuyện này có rất nhiều yếu tố liên quan cách chúng ta đối xử với môi trường nhiều chục năm qua. Đó là câu chuyện rất lớn, và quá đau xót. Tuy nhiên, tạm thời chưa đề cập chuyện này ở đây). Cần đặt trọng tâm hơn nữa vào việc chủ động sơ tán. Sơ tán tốt, sớm, sẽ tránh được những gánh nặng cứu hộ. Để hỗ trợ đồ thiết yếu cho dân vùng nạn, nếu là hỗ trợ đến nơi dân sơ tán ở tạm, sẽ dễ dàng hơn nhiều cho công việc hỗ trợ.

Thứ ba: Chúng ta đều biết Nghị định 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, là một nghị định về thực chất chưa hề được thực hiện kể từ khi nó ra đời. Không thực hiện về phía người đi hỗ trợ, do họ xuất phát từ tấm lòng, họ không thể ngồi im, họ thấy việc vận động nhau, quyên góp, đem đồ cứu trợ đến cho đồng bào là việc làm tự nhiên. Và họ có trách nhiệm phải tự tay chuyển tiền, hàng hỗ trợ theo gửi gắm của cộng đồng đến tay người vùng bị nạn. Không thực hiện được cả về phía bộ máy địa phương. Tôi chưa gặp cán bộ xã nào từ chối đoàn hỗ trợ với lý do theo Nghị định 64 thì phải qua Ban tiếp nhận này nọ. Nghị định này không thực hiện được trên thực tế, vì nó là một quy định trái với tự nhiên.

Vậy cần xây dựng một nghị định mới như thế nào?

Không phải là những sửa đổi kỹ thuật, mà phải định hình lại tư duy chủ đạo. Chúng tôi cho rằng theo Nghị định 64, Nhà nước buộc vài hệ thống (chính quyền địa phương, Mặt trận, Hội Chữ thập đỏ…) phải gánh toàn bộ chức trách tiếp nhận, chuyển tải sự ủng hộ của nhiều triệu người. Cách đó vừa hạn chế nguồn lực và hoạt động của người dân muốn hỗ trợ đồng bào, vừa khiến các bộ máy trên bất lực. Tệ hơn nữa, nó tạo ra mâu thuẫn giữa các bộ máy trên và cộng đồng người muốn hỗ trợ đồng bào.

Khi muốn hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai, cộng đồng cần gì nhất? Cần thông tin. Chỗ nào cần hỗ trợ, hỗ trợ cái gì, hỗ trợ thế nào. Nếu chỗ đó đã có nhiều hỗ trợ thì nên hỗ trợ chỗ nào khác? Thông tin cụ thể lấy ở đâu, trên trang nào. Nếu tại chỗ gặp ai, ai chỉ dẫn? Có thể phối hợp với nhóm nào để chuyển hàng? Có lực lượng nào tại chỗ để liên kết? Bộ máy địa phương (cả chính quyền, Mặt trận, đoàn thể…) mạnh về cái gì nhất? 

Chính là thông tin, những thông tin như kể ở trên.

Chính vì vậy, ngoài cứu hộ khẩn cấp là việc chính quyền làm là chính, về hỗ trợ, hệ thống chính quyền và tổ chức đoàn thể, trước hết là MTTQ các cấp, cần chuyển hướng sang là làm người cung cấp thông tin, cập nhật thông tin. Có thông tin, cộng đồng đủ thông minh để làm điều cần nhất, hiệu quả nhất, sáng tạo nhất.

Thay vì phải gánh việc đứng ra tiếp nhận tất tần tật hàng cứu trợ, bộ máy địa phương hãy tổ chức thật tốt việc nắm, cung cấp và cập nhật thông tin, hỗ trợ thông tin, chỉ dẫn người đến hỗ trợ. Sao cho xuất phát từ Hà Nội hay TP.HCM hoặc từ Tây Nam Bộ hay Trung du phía Bắc, mỗi đoàn hỗ trợ tình nguyện đều có thông tin bà con ở chỗ nào cần gì và đến đó sẽ thực hiện hỗ trợ ra sao.

Có nghĩa là thay vì tự mình tiếp nhận (như NĐ 64 quy định), bộ máy địa phương cung cấp thông tin điều hướng.

Có nghĩa là, theo cách như trên, địa phương dễ phát huy hơn và cộng đồng ủng hộ cũng đỡ vất vả hơn. Người vùng thiên tai sẽ được hỗ trợ nhanh và hiệu quả hơn.

Chúng ta nói về thời đại 4.0. Thì chính là ở lĩnh vực này, hãy áp dụng 4.0 để tái định hình hoạt động hỗ trợ khi có thiên tai, tái phân công chức trách để tận dụng, khơi nguồn, điều hướng các nguồn lực của toàn xã hội.

Không lẽ với tiềm lực hiện nay, không có bộ hay ngành nào đứng ra lập một “bản đồ hỗ trợ và cứu trợ” được cập nhật liên tục và dễ dàng truy cập?

Nghị định mới thay thế Nghị định 64 phải là Nghị định có tư duy 4.0. Không có cách nào khác có hiệu quả hơn đâu!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top