Aa

Câu chuyện Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 và việc giao tài sản cho “trẻ sơ sinh”!

Thứ Tư, 09/12/2020 - 09:00

Chỉ là một tờ giấy A4 thôi nhưng trị giá của nó có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, nếu không minh bạch về sở hữu và sử dụng thì việc tranh chấp tất yếu sẽ xảy ra.

Trả quyền sử dụng đất dự án về đúng chủ

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa ký Quyết định 5269 điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại quyết định 3128 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về việc thu hồi hơn 182ha đất trên địa bàn xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh của huyện Thanh Oai, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 từ Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP (Cienco 5).

Đầu tiên, cần khẳng định rằng, việc điều chỉnh cho đúng tên chủ thể sở hữu quyền sử dụng 182ha đất kia là cần thiết, bởi thương hiệu Cienco 5 mới chính là chủ đầu tư, mới là pháp nhân có năng lực thực hiện những cam kết và chịu trách nhiệm trước các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thực hiện đúng pháp luật tất cả những cam kết đó khi thực hiện dự án.

Xin nêu một dẫn chứng, ngược lại một chút thời gian cách đây ít lâu, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn TP. Hà Nội; trong đó nêu ra hàng loạt sai phạm tại Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ do Cienco 5 làm chủ đầu tư.

Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ từng bị thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm. 

Cụ thể, qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện tại dự án này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay khoảng 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là chưa có cơ sở, dẫn đến việc xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến việc xác định giá trị để giao đất của các dự án khác đối ứng.

Cũng theo kết quả thanh tra, UBND TP. Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc các quy định của hợp đồng BT đã ký kết.

Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “Nhà đầu tư đã chiếm dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) trong thời gian dài đối với số tiền chênh lệch phải nộp ngay vào NSNN là 510 tỷ đồng (tại thời điểm tháng 4/2008). Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc UBND TP. Hà Nội có biểu hiện buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát và đôn đốc nhà đầu tư thực hiện việc thu, nộp tiền theo quy định”. Chính vì thế, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP. Hà Nội yêu cầu Cienco 5 nộp ngay vào NSNN 1.428 tỷ đồng (là khoản chi phí lãi vay và số tiền chênh lệch giữa giá trị tiền sử dụng đất và công trình BT) là giá trị chênh lệch của toàn bộ hợp đồng BT đối trừ vào tiền sử dụng đất của các dự án khác và xác định tiền lãi chậm nộp do chiếm dụng vốn tại các thời điểm để yêu cầu nhà đầu tư nộp NSNN theo quy định.

Đấy, trong vụ việc này đâu có thấy mặt mũi Cienco 5 Land xuất hiện?

Tuy nhiên, trải qua 12 năm kể từ khi được cấp quyết định cũ đến khi thay đổi quyết định mới, hoàn cảnh toàn bộ dự án đã thay đổi một trời một vực, từ sự biến động của thị trường bất động sản đến cơ cấu nội bộ của chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP (đã đổi tên), từ dòng tài chính đầu tư đến bộ máy nhân sự, từ vai trò làm thuê đến vai trò người làm chủ, từ những tham vọng nhợt nhạt của một doanh nghiệp Nhà nước đến ý chí thôn tính mãnh liệt của các tập đoàn tư nhân...

Chính vì thế, việc điều chỉnh tên người sử dụng trên một vùng đất rộng 182ha kia không thể thuần túy chỉ nằm ngay ngắn trong một quyết định hành chính.

Cần phải nhận xét thẳng thắn rằng, sai lầm đầu tiên là của UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Hoàn toàn có đầy đủ thông tin để tường tận rằng, Cienco 5 Land là “công ty con” của Cienco 5, được sinh ra để thực hiện dự án chứ không phải là chủ dự án nhưng tỉnh vẫn hồn nhiên ghi tên “đứa trẻ sơ sinh” này là chủ sở hữu một tài sản trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng này.

Tiếp nữa, đó là sai lầm của “công ty mẹ” Cienco 5. Cũng hoàn toàn có đầy đủ thông tin để tường tận rằng, cái tấm giấy A4 nặng trĩu quyền lực và tiền bạc kia không mang tên mình trong nhiều năm, kể cả khi “dựng vợ gả chồng” cho nó, rồi nó "sinh con đẻ cái" (tức là cho phép cổ phần hóa)... nhưng đều không có ý kiến gì. Điều này đã khiến cho các nhà đầu tư vào Cienco 5 Land khi cổ phần hóa bị nhầm lẫn thông tin khi định giá cổ phần. Trách nhiệm này không thể duỗi bỏ.

Còn về phần các nhà đầu tư khi tham gia cổ phần hóa Cienco 5 Land, do không xác định chính xác đâu là chủ đầu tư và đâu là doanh nghiệp thực hiện dự án nên đã phạm phải sai lầm mà như chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đã ví von là mua phải cái “vỏ rỗng ruột”. Thiệt hại này chắc chắn không hề nhỏ.

Còn về phía UBND TP. Hà Nội, cho dù quyết định sửa đổi tên chủ quyền sử dụng 182ha đất kia về đúng chủ của nó, nhưng cũng cần cân nhắc đến sai lầm của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) mà mình có trách nhiệm kế thừa. Vì thế, mọi hậu quả của sai lầm này cũng cần thấy rõ trách nhiệm của mình chứ không nên chỉ thấy mình đúng lúc này mà quên những sai lầm lúc trước.

Động thái quyết liệt thúc đẩy tiến độ dự án 12 năm vẫn “trên giấy”

Cũng cần phải nhìn nhận lại, dự án Khu đô thi Mỹ Hưng - Cienco 5 đã được giao đất từ năm 2008, tức là đã quan 12 năm. Tuy nhiên, đến nay 182ha đất được giao vẫn là bãi đất trống. Một trong những nguyên nhân khiến dự án này chậm triển khai đã được chỉ ra nhiều năm về trước là do tình hình tài chính của chủ đầu tư khó khăn, thiếu vốn. Với một dự án đã chậm tiến độ tới 12 năm thì Hà Nội hoàn toàn có thể thu hồi ngay nên không cần phải bàn cãi nhiều đến tính đúng sai của việc điều chỉnh quyết định giao đất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù muộn nhưng Quyết định 5269 của UBND TP. Hà Nội  về việc đổi tên người sử dụng đất dự án KĐT Mỹ Hưng - Cienco 5 từ Cienco 5 Land sang Cienco 5, đã thể hiện động thái quyết liệt của UBND TP. Hà Nội trong việc xem xét, rà soát các dự án gây lãng phí nguồn lực đất đai. Quyết định này của TP là căn cứ để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng dự án, phát huy nguồn lực đất đai vốn bị bỏ không cả thập kỷ qua.

Dự án KĐT Mỹ Hưng - Cienco sau 12 năm vẫn là bãi đất trống.

“Cần rà soát lại các dự án chậm triển khai để loại bỏ tình trạng ôm giữ đất. Rà soát lại để xem chủ đầu tư có năng lực để thực hiện dự án hay không. Nếu không, Thường trực HĐND thành phố phải vào cuộc, xem xét chuyển cho nhà đầu tư khác thực hiện, không để tình trạng nhận đất rồi mà để dự án chậm tiến độ, quá thời hạn quy định. Trong thời gian đầu tư, nếu doanh nghiệp đã đầu tư các tài sản trên đất thì các cơ quan định giá tài sản cần tính toán để bồi thường cho doanh nghiệp”, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp chuyên ngành Luật Kinh tế, Khoa Luật, ĐH Quốc Gia Hà Nội kiến nghị.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, phải có động thái quyết liệt thì mới đưa đất đai vào sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Bởi nguồn lợi khổng lồ từ đất đai ai cũng có thể nhìn thấy, nên không thể tránh khỏi có những doanh nghiệp dù “tay không bắt giặc” nhưng vẫn xin dự án, để rồi ôm giữ đất, chờ tăng giá trị, chuyển nhượng kiếm lời. Đây có thể là một trong những lý do khiến nhiều dự án rơi vào trạng thái “chết lâm sàng”. Việc đất bị bỏ hoang nhiều năm không chỉ gây lãng phí mà còn khiến phần chênh lệch địa tô theo thời gian rơi vào túi của nhóm lợi ích. Chức năng tạo vốn của đất đai trong việc phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội coi như thất bại.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, đối với các dự án triển khai theo hình thức liên danh, liên kết hoặc có dấu hiệu chuyển nhượng, mua bán cổ phàn, cũng cần phải rà soát lại và có các quy định pháp lý đầy đủ, rõ ràng để xác định ai là chủ sở hữu thực sự của dự án đó. Khi bán cổ phần, thoái vốn nhà nước phải minh bạch câu chuyện tài chính và các quyền sở hữu tài sản để nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần nắm được để không gặp phải những rủi ro về sau như việc mua phải cái “vỏ rỗng” chẳng hạn.

Tuy nhiên, trên tất cả, các chuyên gia cho rằng, để hạn chế một cách tối đa các hệ lụy có thể xảy đến thì công tác quản lý, giám sát cần phải được thực hiện hiệu quả ngay từ đầu để kịp thời phát hiện các sai phạm và có những chỉnh lý phù hợp. Việc kiểm tra, rà soát thường xuyên cũng là cách để loại bỏ một cách triệt để các dự án treo, chậm tiến độ - vấn nạn nhức nhối đang làm đau đầu các nhà quản lý trong thời gian qua. Tất nhiên, việc kiểm tra, rà soát không đồng nghĩa với hành động nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp, càng kéo lùi tiến độ các dự án./.

Nghe nói, ngày 21/8/2017, giữa Cienco 5 (nhà đầu tư) và Cienco 5 (doanh nghiệp dự án) đã ký Biên bản Thỏa thuận số 10/BBTT về việc thống nhất triển khai thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và dự án khác để hoàn vốn giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.

Trong đó, hai đơn vị thống nhất, đối với phân đoạn 1 của dự án BT (từ Km00 đến Km 19+900) và dự án Khu đô thị Thanh Hà A-B- Cienco 5, doanh nghiệp dự án sẽ tiếp tục triển khai như quy định tại hợp đồng BT… Đối với phân đoạn 2 của dự án BT (từ Km19+900 đến Km 41+500) và dự án Khu đô thị Mỹ Hưng-Cienco 5, nhà đầu tư là chủ thể trực tiếp thực hiện và quản lý Dự án BT- phân đoạn 2 và dự án Khu đô Thị Mỹ Hưng-Cienco5.

Thiết nghĩ, đây một sự thỏa thuận cần thiết để có thể kết thúc những “chuỗi sai lầm” không đáng có này.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top