Aa

Chuyên gia: Minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng công cụ mua bán và xếp hạng tín nhiệm

Thuý Quỳnh
Thuý Quỳnh quynhbui.reatimes@gmail.com
Thứ Ba, 03/10/2023 - 06:00

Theo chuyên gia, để tháo gỡ khó khăn cho trái phiếu doanh nghiệp, cần sử dụng hiệu quả công cụ mua bán và bổ sung vai trò xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức để tăng tính thanh khoản và minh bạch thông tin.

Thị trường trái phiếu trầm lắng, doanh nghiệp bất động sản “giật gấu vá vai”

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 22/09/2023, đã có 6 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng với tổng giá trị 7.265 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,75%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 2 - 7 năm.

Để so sánh, cùng thời điểm này năm ngoái, cũng theo dữ liệu do VBMA tổng hợp, tính đến ngày công bố thông tin 23/09/2022, có tổng cộng 20 đợt phát hành riêng lẻ TPDN trong nước với tổng giá trị phát hành là 13.073 tỷ đồng. 

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê, trên thị trường trái phiếu, tính chung 9 tháng, giá trị giao dịch bình quân đạt 5.770 tỷ đồng/phiên, giảm 24,9% so với bình quân năm 2022.

Trong khi đó, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn. Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 104.467 tỷ đồng. Trong đó 36% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 37.647 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 29.161 tỷ đồng (chiếm 27,9%).

Dữ liệu của FiinRatings cũng cho thấy tiếp nối sự trầm lắng của năm 2022, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 vẫn khá nhỏ giọt.

Tính từ đầu năm đến nay, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 140 nghìn tỷ và chủ yếu là hình thức phát hành riêng lẻ. Về quy mô thị trường, đã có sự thu hẹp đáng kể trong 2 năm trở lại đây, giảm khoảng 25% so với đỉnh cuối năm 2021, còn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. 

Sự ảm đạm kéo dài và nóng lạnh thất thường của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây khiến nhiều người tiếc nuối thời kỳ “hoàng kim” 2 - 3 năm về trước, khi mà tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021 đã chạm mốc 623.616 tỷ đồng. 

Theo TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, nếu so sánh với giai đoạn 2020 - 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải nói là rất suy giảm và trầm lắng. Nhưng có lẽ, so sánh như vậy là chưa chuẩn bởi giai đoạn đó không phải là một cột mốc thành công tiêu biểu của trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu được phát hành chủ yếu là trái phiếu riêng lẻ chứ không phải của những doanh nghiệp niêm yết. Nếu muốn so sánh một cách khách quan để thấy được thị trường trầm lắng như thế nào thì nên so sánh với thời kỳ những năm 2016 - 2018, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá ổn định, giá trị phát hành chỉ xoay quanh 200 đến 400 nghìn tỷ đồng và được phát hành bởi những doanh nghiệp lớn. 

TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng. (Ảnh: Reatimes)

Với riêng thị trường trái phiếu bất động sản, TS. Đinh Thế Hiển cũng phân tích, thị trường này trầm lắng là điều dễ hiểu. Bởi chính thị trường bất động sản cũng đang ảm đạm, gần như đóng băng, không có thanh khoản, các phân khúc đều không bán được, thì làm sao doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu trong giai đoạn này? 

“Thời gian qua cũng có những doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu thành công, nhưng thực chất là một hình thức chuyển đổi từ khoản nợ này sang khoản nợ khác. Đó không phải là kiểu trái phiếu mà chúng ta mong muốn, tức là trái phiếu được phát hành mới và có đủ uy tín, chất lượng để nhà đầu tư tin tưởng.” - TS. Đinh Thế Hiển cho biết. 

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM. (Ảnh: NVCC)

Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, hiện nay trên thị trường trái phiếu, các doanh nghiệp nợ đỉnh điểm chủ yếu vẫn là các công ty bất động sản.

Bởi thị trường bất động sản còn chưa hồi phục nên các doanh nghiệp này chưa có doanh thu để trả trái tức và đáo nợ, cho nên chỉ đành “giật gấu vá vai”. Tức là phát hành nợ mới để mua lại nợ cũ, chuyển trái phiếu đến hạn, nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn nhằm giảm áp lực trong một thời gian ngắn. Điều này chỉ có ý nghĩa “cứu trợ” trước mắt, khó có thể nào giúp doanh nghiệp trụ được trong thời gian dài nếu như thanh khoản bất động sản vẫn kém và việc huy động vốn từ các kênh vẫn còn gian nan. 

Minh bạch thị trường bằng công cụ mua bán

Nhận định về nguyên nhân khiến trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu bất động sản “hụt chân” trên đường đua huy động vốn, Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường trái phiếu hiện nay là thiếu thông tin và tính thanh khoản. Hiện nay nhà đầu tư hoàn toàn không có bất cứ một kênh nào để nắm rõ doanh nghiệp hoạt động như thế nào và sử dụng dòng tiền từ trái phiếu để làm gì, ngoại trừ báo cáo tài chính. Nhưng không phải người mua trái phiếu nào cũng biết cách đánh giá doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính. 

Hơn hết, với vai trò là một chủ nợ, người mua trái phiếu đáng lẽ phải được biết rõ về hoạt động tài chính của “con nợ”. Đơn cử như khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay, họ dùng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ để đánh giá khả năng hoàn trả của doanh nghiệp, thậm chí kiểm soát chi tiêu vốn, giải ngân theo hóa đơn. Nhưng người mua trái phiếu thì lại thiếu công cụ, và cũng thiếu nền tảng hỗ trợ để làm điều này. Cho nên, trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường bất động sản đều khó khăn thì tâm lý của nhà đầu tư rất e ngại với trái phiếu doanh nghiệp. 

Ngoài ra, khó khăn còn đến từ tính thanh khoản của trái phiếu. Bởi chưa có công cụ xếp hạng tín nhiệm và nền tảng mua bán trái phiếu cho nên nhà đầu tư cá nhân rất lo sợ với việc đầu tư một khoản tiền lớn để mua trái phiếu nhưng khi cần tiền lại không bán được. Tâm lý đó cũng là một rào cản khiến trái phiếu doanh nghiệp không còn mấy hấp dẫn với người mua. 

Theo Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, khó khăn lớn nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là việc thiếu thông tin minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp, khiến nhà đầu tư lo ngại rủi ro cao. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, chỉ khi nào khả năng trả nợ của doanh nghiệp được thể hiện rõ ràng thì người mua mới tin tưởng để xuống tiền. Đối với riêng thị trường bất động sản, khi nào bất động sản có thanh khoản, chứ chưa nói đến lên giá, thì trái phiếu bất động sản mới có thể vận hành ổn định. 

TS. Đinh Thế Hiển cũng phân tích, thời gian vừa qua Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách nhằm minh bạch thị trường trái phiếu như đặt ra những quy định để bảo đảm trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành phải đáp ứng đúng tiêu chí của vay tín chấp, đồng thời phải có sở giao dịch chứng khoán cho phép niêm yết, giúp cho trái phiếu phát hành sắp tới sẽ minh bạch hơn, an toàn hơn và cho nhà đầu tư cơ sở để tin tưởng mua. 

Có thể trước mắt, Chính phủ vẫn còn “du di” cho doanh nghiệp trong vòng 2 năm 2023, 2024 để có thể có thời gian xử lý nợ trái phiếu, tìm cách đảo nợ hoặc trả nợ bằng nhiều hình thức, nhưng trong tương lai các chính sách, cơ chế sẽ được siết chặt để đảm bảo thị trường trái phiếu phát triển bền vững, lành mạnh. 

Một điểm quan trọng là Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý để đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn giao dịch, tạo điều kiện cần cho thị trường trái phiếu. Điều kiện đủ là doanh nghiệp phải có khả năng trả nợ, có năng lực tài chính rõ ràng, còn điều kiện cần chính là trái phiếu có thanh khoản, có thể buôn bán được, tăng giảm giá trị dựa theo năng lực hoàn vốn của doanh nghiệp. Đó mới là cơ sở của một thị trường trái phiếu đúng nghĩa, sống động. 

TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh, đưa trái phiếu lên sàn giao dịch là giải pháp giúp làm thị trường “thật lên” bằng công cụ mua bán. Trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện, thúc đẩy chính sách này thẩm thấu vào thực tiễn để tăng tính minh bạch và thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp.

TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh, đưa trái phiếu lên sàn sẽ giúp tăng tính thanh khoản và thúc đẩy thị trường trái phiếu hoạt động đúng nghĩa. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cũng cho rằng, niêm yết trái phiếu trên sàn giao dịch là giải pháp rất hay, bởi nó cho phép nhà đầu tư khi cần tiền có thể chuyển nhượng trái phiếu dễ dàng, nghĩa là người muốn bán bán được cho người muốn mua. 

Song song với đó chúng ta cũng cần có một đơn vị cung cấp cho những người tham gia thị trường một cái nhìn trực diện hơn về trái phiếu. Đó có thể là đơn vị xếp hạng lãi suất, bởi lãi suất ảnh hưởng trực tiếp tới giá giao dịch trái phiếu. Lãi suất càng lớn, rủi ro càng cao, người phải chịu rủi ro cao đương nhiên phải được hưởng lãi suất lớn, như vậy mới công bằng. Chúng ta cần có một đơn vị thực hiện công việc tham chiếu, để người mua thực sự hình dung được lãi suất trái phiếu sẽ đi kèm với rủi ro như thế nào. 

Cùng với đó, chúng ta cũng cần vai trò của ngân hàng giám sát được quy định trong luật. Tức là một đơn vị phát hành trái phiếu phải đi kèm với một ngân hàng giám sát, có nhiệm vụ quản lý đích đến của dòng tiền huy động từ trái phiếu, cho nhà đầu tư một cơ sở chắc chắn để biết rằng tiền của họ được dùng để làm gì. Người mua trái phiếu là chủ nợ, cũng là nhà đầu tư, họ chỉ có thể chịu rủi ro kinh doanh chứ không phải rủi ro đạo đức, muốn như vậy thì thị trường phải minh bạch, được kiểm soát chặt chẽ, có sự tham gia của nhiều bên có chuyên môn cao. 

Có thể nói, để trái phiếu trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu bất động sản nói riêng thực sự phát huy được vai trò, sức mạnh của nó trên thị trường vốn, rất cần có kênh thông tin và nền tảng giao dịch đủ uy tín để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Trong thời gian tới, việc đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn giao dịch cũng cần được đẩy mạnh để tăng tính thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy cung - cầu gặp nhau và vận hành theo quy luật của thị trường, giúp nhà đầu tư tránh được những rủi ro không đáng có./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top