Aa

Công trình xanh 2021: Cơ hội từ những thách thức

Thứ Bảy, 05/12/2020 - 06:00

Biến đổi khí hậu và dịch bệnh đã phủ bóng đen lên toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn từ thách thức, các chuyên gia cho rằng, đây chính là giai đoạn khẳng định vị thế của công trình xanh để bước vào chu kỳ phát triển bền vững.

Một năm 2020 sắp qua đi với nhiều sóng gió về dịch bệnh và thiên tai trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 như một lời cảnh báo cho người dân tại đô thị hiểu được tầm quan trọng của môi trường sống xanh, an toàn và bền vững. Cũng từ đây, các sản phẩm bất động sản xanh, sinh thái, gần gũi với thiên nhiên được giới chuyên gia dự báo sẽ là xu hướng chính trong năm 2021.

Thống kê được công bố bởi Batdongsan.com.vn đã chỉ ra rằng, số lượng truy cập đối với các công trình xanh cao hơn so với các công trình thông thường. Có những công trình xanh có lượng truy cập cao gấp 5 lần lượng truy cập trung bình. Điều này thể hiện mức độ quan tâm của xã hội đối với thị trường công trình xanh. 

Với khu vực nhà ở, trước đây, khách hàng khi mua nhà thường quan tâm đến vị trí, nhưng giờ đây họ đã chú trọng nhiều hơn đến tiện ích dự án, đặc biệt là quan tâm yếu tố môi trường, không gian trải nghiệm… Bên cạnh đó, ngày càng nhiều dự án thương mại, công trình dân dụng đa chức năng tại những tỉnh thành lớn được xây dựng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình xanh và được chứng nhận công trình xanh quốc tế.

Ngày càng có nhiều dự án thương mại, công trình dân dụng đa chức năng tại những tỉnh thành lớn được xây dựng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình xanh.

Tuy nhiên, theo thống kê của Chương trình phát triển công trình xanh (Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC), đến quý III/2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở 155 công trình - Một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Như vậy, việc phát triển các công trình xanh, tạo không gian sống xanh, an toàn, tiết kiệm năng lượng, mang hiệu quả kinh tế xã hội đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.

Để hiểu thêm về xu hướng phát triển công trình xanh, Cà phê cuối tuần giới thiệu quan điểm của các chuyên gia: PGS. TS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới; Bà Trần Thị Thu Phương, Sáng lập Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam (EEN-Vietnam), Tổng thư ký Hội Mô phỏng hiệu năng Công trình Xây dựng Việt Nam (IBPSA-Vietnam).

PV: Thưa các chuyên gia, nhìn lại hành trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, các chuyên gia đánh giá đã đạt được những kết quả như thế nào?

PGS. TS Hoàng Mạnh Nguyên: Công trình xanh đã bắt đầu có mặt trên thị trường xây dựng Việt Nam từ năm 2007 và nhận được sự ủng hộ của cả Chính phủ và khu vực doanh nghiệp tư nhân. Một trong những lý do công trình xanh được quan tâm phát triển, bởi Việt Nam là một trong những nước nằm trong danh sách đứng đầu về mức độ chịu rủi ro lớn nhất của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới. Nếu mực nước biển dâng lên 1m thì Việt Nam sẽ mất 12% đất sử dụng - nơi cư trú của 23% dân số (Theo dự báo của World Bank - 2009). 

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nền kinh tế châu Á có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 20 năm qua (bình quân 7,5%). Trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng xây dựng bình quân đạt 12% và tốc độ đô thị hoá là 3,4%/năm, dự kiến đạt ngưỡng 50% vào năm 2025. 

Cũng trong thời gian này, mức năng lượng tiêu thụ đã tăng với tốc độ nhanh hơn mức tăng GDP, bình quân 14%/năm. Các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trung bình 33% điện và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm 1/3 tổng lượng phát thải CO2 - tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu (theo số liệu nghiên cứu của IFC, 2015).

Thực tế đáng báo động về ảnh hưởng của ngành công nghiệp xây dựng với môi trường sống, cảnh quan và hệ sinh thái đã dẫn đến nhu cầu tìm ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp xây dựng theo hướng phát triển bền vững. Bởi đó, công trình xanh xuất hiện và được áp dụng trong thực tiễn, dần trở thành xu hướng phát triển bền vững của nhiều quốc gia.

Thời gian gần đây, Việt Nam phải chịu những tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu  đến tất cả các lĩnh vực: Tài nguyên, môi trường, kinh tế, xã hội. Các tác động nguy hiểm của biến đổi khí hậu đặt Việt Nam trước một viễn cảnh không mấy tươi sáng, đòi hỏi con người phải hành động để giảm nhẹ tác động và thích ứng. 

Trong bối cảnh đó, lĩnh vực xây dựng công trình xanh đóng vai trò lớn để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Từ vài năm nay, tại Việt Nam đã có những nỗ lực tạo ra một hướng đi cho công trình xanh. Trong đó, sự quan tâm đối với điều kiện riêng về kinh tế, văn hoá, khí hậu của từng khu vực dường như là con đường để đưa công trình xanh vào cuộc sống.

Phát triển công trình xanh, hướng dẫn thúc đẩy hoạt động thiết kế xây dựng công trình và đô thị để có thể vận hành theo các tiêu chí xanh là một hoạt động cấp bách. Điều này góp phần sử dụng năng lượng và tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng, hạn chế tác động ô nhiễm tới môi trường để phát triển các đô thị một cách bền vững.

Bà Trần Thị Thu Phương: Trong giai đoạn vừa qua, tình tình phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam có những bước tiến đáng kể.

Cụ thể, về mặt chính sách, Nhà nước đã thống kê và đề ra các mục tiêu cụ thể về sử dụng năng lượng. Theo danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2019, tổng số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm trên toàn quốc là 3.006 cơ sở, trong đó, công trình xây dựng chiếm 466 cơ sở. 

Mục tiêu của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3) đề ra trước năm 2025 hướng tới 100% cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải áp dụng hệ thống Quản lý năng lượng. 80 công trình xây dựng đạt chứng nhận Công trình xanh. 

Thêm vào đó, Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD của Bộ Xây Dựng về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả tiếp tục được cải thiện, cập nhật, phù hợp hơn với thị trường.

Về xu hướng phát triển, hiện nay, trên thị trường Việt Nam có 3 loại chứng nhận công trình xanh được ưa chuộng rộng rãi là: EDGE, LEED và LOTUS. Số lượng dự án công trình xanh đã đạt đến con số 130 (2.680.000m2) và vẫn đang có xu hướng tăng. 

Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư đã nhận ra giá trị thương mại của công trình xanh. Công trình tiết kiệm năng lượng không chỉ tối ưu chi phí mà còn tạo ra cơ hội cạnh tranh, tạo ra xu hướng dẫn dắt thị trường tiềm năng này.

Thêm vào đó, các công trình xanh hiện nay đều có xu hướng áp dụng công nghệ 4.0 vào quá trình thiết kế và xây dựng. Các công nghệ mô phỏng (mô phỏng công trình, mô phỏng năng lượng) đang được ứng dụng rất nhiều vào trong các tòa nhà, công trình hiện đại. Cùng với đó, ứng dụng vật liệu xanh, sử dụng công nghệ tuần hoàn đang được chú ý tới và dự đoán trở thành xu hướng phát triển bền vững cho công trình xanh.

PV: Thời gian qua, các vấn đề về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đã tới mức báo động. Thị trường bất động sản cũng ghi nhận xu hướng lựa chọn bất động sản mới. Các chuyên gia nhận định như thế nào về tiêu chí của người mua nhà hiện nay khi họ lựa chọn không gian sống xanh, công trình xanh tiết kiệm năng lượng?

Bà Trần Thị Thu Phương: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, vấn đề thất nghiệp đang đặt gánh nặng lớn lên toàn xã hội. Đáng chú ý, đã có một sự tăng vọt về mức độ lo lắng của người tiêu dùng về nền kinh tế (31%, tăng 10% so với quý I/2020), và đây cũng là mức cao kỷ lục kể từ quý II/2014.

Qua đây, ta cũng có thể phần nào thấy được gánh nặng tài chính đang đặt lên vai người tiêu dùng, buộc họ phải thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm chi phí. Vào quý II/2020, với mức độ tăng nhẹ (69% đến 72%), Việt Nam là quốc gia vượt lên vị trí đứng đầu với việc có nhiều người tiêu dùng tiết kiệm nhất thế giới, theo sau Hồng Kông (68%) và Singapore (65%).

Đặt vị trí vào người mua nhà hiện nay, tiêu chí hàng đầu được đưa ra đó chính là vấn đề bảo về sức khỏe và tiết kiệm chi phí vận hành, duy trì. Vì vậy, những công trình đáp ứng được tiêu chuẩn về tiện nghi ánh sáng, nhiệt, chất lượng không khí,… và vận hành hiệu quả sẽ được chú ý đến.

Ứng dụng vật liệu xanh, sử dụng công nghệ tuần hoàn đang được chú ý tới và dự đoán trở thành xu hướng phát triển bền vững cho công trình xanh.

PGS. TS Hoàng Mạnh Nguyên: Trước những thách thức lớn của quá trình đô thị hoá và vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh như thời gian qua thì phát triển công trình xanh là giải pháp giúp ngành xây dựng, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển bền vững, có bản sắc, thân thiện với môi trường. Nhu cầu của người mua nhà cũng đang dần thay đổi, họ ưu tiên lựa chọn các công trình có không gian sống xanh mát, tiêu hao ít năng lượng nhưng vẫn thông minh và hiện đại.

Bên cạnh đó, công trình xanh hay đô thị sinh thái cũng chính là giải pháp thông minh để đối phó với biến đổi khí hậu, vừa thích ứng, vừa đáp ứng, dần trả lại cho thiên nhiên những gì đã lấy. Như chúng ta đã biết, khí hậu Việt Nam rất khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, bức xạ mặt trời lớn, đặc biệt ở phía Bắc có mùa đông lạnh với độ ẩm cao. 

Phát triển công trình xanh ở nước ta phải chú ý tới các yếu tố khí hậu đặc trưng như khí hậu vùng núi Đông Bắc Bộ, vùng núi Tây Bắc Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng gió lào miền Trung, vùng ngập lũ Nam Bộ. Điều kiện khí hậu nước ta cũng rất thuận lợi cho việc thiết lập những sắc thái riêng với các thành tố xanh trong quy hoạch và xây dựng công trình xanh, đô thị xanh. 

Việt Nam có cả một bề dày lịch sử chống chọi với thiên tai, việc nghiên cứu những kinh nghiệm thích ứng khí hậu thông qua các công trình kiến trúc truyền thống có thể cho ta biết khả năng thích ứng với khí hậu trong tương lai như thế nào. Phát triển công trình xanh cần đề ra chiến lược, chính sách, các giải pháp quy hoạch, thiết kế xây dựng phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

PV: Các chuyên gia dự báo như thế nào về xu hướng phát triển công trình xanh trong năm 2021 và trong tương lai? Tầm quan trọng của các nhà phát triển bất động sản trong việc phát triển công trình xanh sẽ ra sao?

Bà Trần Thị Thu Phương: Do đại dịch Covid-19 bùng phát, 90% thời gian của người dân đều ở trong nhà, do đó, xu hướng phát triển của công trình xanh - hiệu quả tiết kiệm năng lượng cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Chất lượng không gian sống được chú trọng nhiều hơn để đảm bảo vấn đề an toàn sức khỏe ở trong nhà. Người mua sẽ tập trung nhiều vào các dự án có chất lượng cao về công năng, tiện nghi hơn là các công trình có giá trị nhiều về mặt thẩm mỹ. 

Do vậy, các công trình muốn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cần đảm bảo các vấn đề tiện nghi bên trong (chất lượng không khí, tiện nghi nhiệt, âm thanh, ánh sáng,...), trong khi chi phí vận hành duy trì ở mức thấp.

Các nhà phát triển bất động sản đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển công trình xanh. Công trình lành mạnh (chất lượng sống và thân thiện môi trường) sẽ là động lực tích cực cho các nhà phát triển tham gia vào cuộc đua thương mại. Đóng vai trò dẫn dắt những sản phẩm mới, công nghệ mới đi vào thị trường, các nhà phát triển bất động sản đồng thời còn là đầu mối quan trọng để gắn kết hợp tác giữa các bên có năng lực (chuyên gia tư vấn, nhà cung cấp, chính quyền,...).

Do vậy, cần cho các nhà đầu tư nhìn thấy giá trị tiềm năng của công trình xanh, để từ đó thúc đẩy cạnh tranh thương mại, tạo ra động lực thay đổi xu hướng đầu tư và phát triển của giới bất động sản.

PV: Thưa các chuyên gia, trong năm 2021, để xu hướng công trình xanh được nhân rộng và có nhiều thành tích hơn thì các rào cản về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ về vay vốn… cần được tháo gỡ ra sao?

PGS. TS. Hoàng Mạnh Nguyên: Để có được một thị trường lành mạnh cho công trình xanh, cần thực hiện được 4 công việc không thể thiếu sau:

Xây dựng chính sách: Cần có sự cam kết của cấp lãnh đạo, cần có một hệ thống luật rõ ràng.

Sản phẩm xanh: Cần phải tạo một nguồn cung các sản phẩm xanh dồi dào, phong phú và có chất lượng cao với giá thành hợp lý.

Khách hàng cho sản phẩm xanh: Cần xây dựng một thị trường xanh với các khách hàng xanh

Quản lý và khuyến khích các sản phẩm xanh: Cần xây dựng một hệ thống quản lý và đánh giá các sản phẩm xanh để phát huy công trình xanh một cách thực chất.

Nhiều cơ hội đang mở ra với công trình xanh trong quá trình phát triển tại Việt Nam. Quá trình mở rộng phát triển đô thị là điều kiện tốt cho việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng nền kinh tế hiệu quả về năng lượng và xanh sạch trên tinh thần của công trình xanh.

Mức độ quan tâm của xã hội đối với các dự án xanh cao hơn một cách vượt trội so với các dự án thông thường quanh khu vực. Giá rao bán của các dự án này trải đều theo cả 3 phân khúc cho thấy công trình xanh ở Việt Nam đang có những bước tăng trưởng ấn tượng nhờ sự thúc đẩy từ thị trường và mong muốn nâng cao giá trị bất động sản của chủ đầu tư. 

Như vậy, năm 2021 mở ra rất nhiều cơ hội cho công trình xanh, bền vững.

Các sản phẩm bất động sản xanh, sinh thái, gần gũi với thiên nhiên được giới chuyên gia dự báo sẽ là xu hướng chính trong năm 2021.

Bà Trần Thị Thu Phương: Hiện nay, về vấn đề thực thi Quyết định số 1577/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD của Bộ Xây dựng về các công trình và sử dụng năng lượng hiệu quả vẫn còn nhiều hạn chế do năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ còn thiếu hụt.

Lý do là chưa có sự đồng bộ trong nguồn lực. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, các chương trình nâng cao năng lực dành cho các Sở và Phòng ban cần được bổ sung và phát triển để đủ năng lực đánh giá thẩm định. Thêm vào đó, các Sở, Bộ thi hành luật có thể phối hợp với các hiệp hội, chuyên gia trong ngành để có sự phối hợp tốt nhất trong việc rà soát và quản lý hiệu quả.

Về cơ chế hỗ trợ vay vốn, để công trình xanh được nhân rộng và phát triển thì các cơ chế cho vay, hỗ trợ vay cũng cần được đa dạng hóa. Cụ thể, đối với các dự án cải tạo, cần phải hạ phân khúc thị trường và xây dựng hợp tác đa bên. Bên cho vay cũng cần có những kiến thức nhất định về công trình xanh và tiết kiệm năng lượng để đầu tư đúng và hiệu quả. Do vậy, việc hợp tác với các hiệp hội chuyên môn là việc làm hết sức cần thiết.

Các mô hình khuyến khích đầu tư xanh cũng cần được chú trọng. Chủ đầu tư có thể rót vốn vào các nghiên cứu khoa học có tính áp dụng cao, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, giúp đón đầu xu hướng, hoặc chuyển hướng đầu tư vào các công ty tư vấn, cải tạo công trình để hỗ trợ tham gia thị trường.

Ngoài ra, nâng cao năng lực và nhận thức vẫn luôn là một rào cản lớn. Trước hết, cần nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo. Hiện nay, tại một số trường học của Việt Nam, vật lý công trình vẫn chỉ là một bộ môn nhỏ lẻ, chưa cập nhật nội dung đào tạo cập nhật của thế giới. Do đó, cần có những cập nhật và cải tạo tích cực hơn để người học có kiến thức và vận dụng được trong thực tiễn.

Thêm vào đó, nhận thức về công trình xanh và giải pháp xanh cũng cần được làm rõ. Các giải pháp xanh được đưa ra là để tiết kiệm chi phí đầu tư, tối ưu vận hành, việc chi phí đắt đỏ hay vượt quá chính sách là hoàn toàn sai lệch. Do vậy, cần phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu các công trình, thực hành tốt để chứng minh rằng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng cũng tiết kiệm chi phí và mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Xin cảm ơn các chuyên gia!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top