Aa

Cuộc sống người lao động ở “khu ổ chuột“ giữa lòng Hà Nội những ngày mùa đông

Thứ Hai, 11/01/2021 - 10:00

Dưới cái lạnh 11 độ C, những người lao động nghèo ở chân cầu Long Biên (Hà Nội) hàng ngày chịu cái lạnh thấu xương, người dân lao động nghèo phải cố gồng mình tìm đủ mọi cách che chắn để vượt qua nghịch cảnh.

Ẩn mình dưới chân cầu Long Biên nhiều năm nay là khu "xóm liều" hay "khu ổ chuột", nơi có những khu nhà trọ xập xệ, dột nát. Khung cảnh đối lập hoàn toàn với cuộc sống đông đúc, ồn ào bên kia cây cầu. Nơi đây im ắng, tĩnh lặng lạ thường vào mùa đông rét mướt, bởi những chiếc xe chở hàng, thùng hàng được khoá lại, dựng dọc hai bên đường. Người dân thì ngồi im trong nhà tránh rét vì "có ra đường cũng chẳng bán được hàng".
Sống dựa vào khu chợ đầu mối Long Biên, những người dân của xóm "ổ chuột" làm đủ mọi nghề, bán sức lao động để kiếm tiền. Người làm khuân vác, kéo xe, làm thuê cho sạp hàng, bán đồ ăn hay thậm chí là nhặt rác.
Công việc của họ chủ yếu về đêm, ban ngày họ nghỉ  ngơi, ngủ hoặc làm thêm những việc khác. Cũng vì lẽ đó mà trong những ngày lạnh giá vừa qua, lượng công việc ở chợ giảm đáng kể, khách mua hàng cũng không nhiều như trước. Những con người bám víu nơi đây đang cố thủ trong nhà để tránh rét. Bởi vào thời điểm này, có ra đường cũng không bán được hàng, không kiếm được tiền...
Dưới chân cầu tập trung chủ yếu người lao động nghèo, dân tứ xứ tha hương cầu thực. Có người thuê được nhà trọ, có phòng mái lợp bằng ngói fibro ximăng thay cho các tấm tôn. Những ngày gió bắc rít từng cơn lại càng làm cái rét tê tái thêm chỗ ở không đủ ấm này.
Chú Hồng (52 tuổi, quê ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) làm nghề kéo xe hàng ở chợ đầu mối Long Biên. Chú chia sẻ: "Hai vợ chồng chú lên Hà Nội làm kéo xe hàng ở Long Biên này đến 15 - 20 năm nay, kiếm từng đồng để trang trải nợ nần khi chú bị tai nạn phải mổ mất nhiều tiền giờ kiếm tiền để trả. Trải qua bao nhiêu mùa đông ở Hà Nội làm công việc này vất vả, khó nhọc, rét buốt đến tê tay".
Trong phòng trọ của vợ chồng chú Hồng, căn phòng chưa đầy 4 mét vuông ."Ngày hè phòng hấp nóng không khác như lò thiêu, đông đến dù đóng kín cửa nhưng gió vẫn lùa vào, cảm nhận cái rét đến tận xương tủy", chú Hồng nói  thêm. 
Nhiều người khác trong khu nghèo làm nghề bốc xếp, thồ hàng, cửu vạn vào ban đêm, ban ngày những xe thồ xếp hàng la liệt.
Người lao động còn nhặt ve chai, bao bì thu gom để bán đồng nát, kiếm thêm thu nhập.

Những căn nhà tạm bợ, xập xệ mà cư dân "khu ổ chuột" tránh trú quanh năm.
Căn nhà xập xệ này là của gia đình chú Tiến (50 tuổi, quê Bắc Giang), chú làm bảo vệ ca đêm từ 12 giờ đến 7 giờ sáng. Chú cho biết: "Người lao động nghèo, vất vả quanh năm như chúng tôi thì chấp nhận ở vậy thôi chứ, đồng lương chẳng đủ ăn với chi tiêu, mỗi miếng đất để dựng lều trọ này đã là 2 triệu rồi nên đành cố gắng để ở".
Những ngôi nhà được chắp vá bằng vải bạt, ván ép để chống rét, không lò sưởi, không bình nóng lạnh nhưng từ năm này qua năm khác, người dân khu "ổ chuột" vẫn cố gắng vượt qua được mùa đông với những đợt rét đậm, rét hại.
Từng đợt gió lạnh cắt da thịt liên tục thốc vào túp lều rộng chưa đầy 10m2 ở dãy chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) của vợ chồng ông Dương Đức Hùng (75 tuổi) và bà Phạm Thị Bích (64 tuổi). 
Bà Bích cho biết hai vợ chống đã gắn bó với khu "ổ chuột" hơn chục năm, quê gốc Hưng Yên do khó khăn nên hai vợ chồng đã dắt díu nhau lên Hà Nội kiếm sống. Không con cái nên cuộc sống của hai vợ chồng già cũng vô cùng tạm bợ. Hàng ngày, hai vợ chồng bà có thể kiếm được 50 ngàn đồng từ tiền bán phế liệu. Nhưng vào những ngày lạnh, người dân ra ngoài chợ ít nên rác cũng chẳng có mà nhặt.
Theo người dân nơi đây, ngoài những người lao động chân tay, khu trọ giá rẻ cũng có những thành phần xấu tìm đến ngụ cư. Nhưng đó chỉ là thiểu số, hầu hết dân cư trong xóm đều là những người lao động chân chính.

Người dân cho biết, khu trọ giá rẻ không có bình nóng lạnh, vì vậy, vào mùa đông nhiều người  đun bếp củi ấm nước nóng để tắm hoặc tắm vội để tránh giá lạnh.
Những cơn gió đông kéo theo mùi hôi thối của rác thải lùa vào những dãy nhà trọ.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top