Aa

Đà Nẵng: Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn, khai thác giá trị tích cực, hữu ích từ mạng xã hội

Thứ Bảy, 11/11/2023 - 08:00

Sáng 10/11, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, kỹ năng khai thác giá trị tích cực, hữu ích từ mạng xã hội đến cho đoàn viên, thanh niên...

Hội nghị nhằm triển khai Kế hoạch số 77/KH-STTTT ngày 6/2/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông về việc Triển khai công tác quản lý Nhà nước về thanh niên năm 2023, góp phần nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, kỹ năng khai thác giá trị tích cực, hữu ích từ mạng xã hội đến với đối tượng là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, kỹ năng khai thác giá trị tích cực, hữu ích từ mạng xã hội.

Tại hội nghị, ông Lê Tự Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển và Quản trị CNTT, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, đã thông tin một số nội dung về tình hình an ninh mạng hiện nay, các kỹ thuật tấn công mạng của hacker, một số kiểu lừa đảo phổ biến hiện nay, biện pháp phòng chống, kỹ năng xử lý thông tin trên môi trường số, Luật an toàn thông tin, Luật an ninh mạng và xu hướng an ninh thông tin năm 2024 và những thách thức.

6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận sự bùng phát của lừa đảo trực tuyến. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra song số nạn nhân của các vụ lừa đảo vẫn tăng liên tục và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thiệt hại có vụ việc lên đến cả trăm triệu đồng, trong khi hình thức của các vụ lừa đảo ngày càng tinh vi và khó lường. Nổi bật nhất là các vụ lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” bùng phát, đặc biệt khi các đối tượng lừa đảo chuyển dịch “địa bàn” hoạt động từ Zalo sang Telegram. Với mạng Telegram, chúng có thể dễ dàng lập các group có số lượng người đông, không bị giới hạn trong nhóm nhỏ, không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý tại Việt Nam. Với thiết kế của Telegram, khi bị phát hiện, các đối tượng có thể nhanh chóng thu hồi các tin nhắn, hình ảnh, xóa group để không bị truy dấu vết.

Theo thống kê mới nhất vừa được Kaspersky Security Network công bố ngày 6/3/2023, số vụ tấn công trực tuyến tại Việt Nam được phát hiện và ngăn chặn trong năm 2022 là 41.989.163 vụ, giảm 33,8% so với 63.482.728 vụ vào năm 2021. Với con số này, Việt Nam đứng thứ 49 trên toàn thế giới về số lượng các cuộc tấn công trực tuyến vào năm 2022.

So với năm 2022, các cuộc lừa đảo bằng cuộc gọi qua Zalo, Facebook Messenger ngày càng tinh vi, với sự xuất hiện của công nghệ Deepfake khiến cho các nạn nhân dễ bị mắc lừa hơn vì được mắt thấy tai nghe trực tiếp bằng hình ảnh, âm thanh. Không chỉ giả mạo người thân, bạn bè, những đối tượng lừa đảo còn giả mạo cả công an khiến cho nạn nhân không biết đâu là thật, là giả. Các vụ tấn công lừa đảo bằng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn SMS brandname có dấu hiệu chuyển dịch địa bàn hoạt động ra các vùng ngoại thành của các thành phố lớn để lẩn tránh sự truy quét của các lực lượng chức năng. Tuy hình thức và nội dung giả mạo không có yếu tố mới nhưng vẫn nhiều người bị mắc lừa. Bên cạnh việc nâng cao cảnh giác, người dân cũng đang rất mong chờ các biện pháp mạnh tay hơn nữa từ các cơ quan quản lý như khoá sim, số rác, khoá tài khoản ngân hàng rác giúp sớm dẹp vấn nạn lừa đảo, mang lại sự trong sạch cho môi trường mạng.

Công dân trẻ ở Đà Nẵng được trang bị kiến thức sử dụng mạng xã hội hữu ích

Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 200 đoàn viên, thanh niên đại diện cho các công dân trẻ trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Việc tổ chức hội nghị tập huấn lần này giúp đoàn viên, thanh niên nâng cao nhận thức và nhận diện được thông tin giả mạo trên mạng xã hội; đấu tranh, ngăn chặn với các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên sử dụng mạng xã hội đúng mục đích; phòng tránh tiếp nhận thông tin không rõ nguồn gốc, không xác thực; học hỏi kiến thức hữu ích trên môi trường mạng.

Thông qua hội nghị, cán bộ đoàn viên, thanh niên phân biệt được những thông tin sai sự thật, tránh những tác động tiêu cực của mạng xã hội. Qua đó, có thể trang bị, hướng dẫn cho người thân và những người xung quanh các phương pháp tiếp cận thông tin và sử dụng mạng xã hội hiệu quả, đúng đắn; trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho bản thân và cộng đồng khi tiếp cận và nhận diện thông tin trên mạng xã hội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top