Aa

Đại dịch và giới tính

Thứ Sáu, 14/08/2020 - 07:00

Trong mùa dịch, nếu có cặp đôi nào đó vốn cơm đã chẳng lành, canh lại chẳng ngọt, rất dễ xảy ra những cuộc đại chiến khó tránh. Nhưng đấy lại là những gì của một câu chuyện khác.

Đại dịch Covid- 19 đã lan nhanh ra đến gần hết các quốc gia trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, nó thực sự là mối hiểm nguy cho tất cả mọi gia đình. Có sự hoảng loạn, có cả sự bình thản đón nhận, nhưng tựu trung, đại dịch đã làm đảo lộn nếp sống thường nhật. Nó tác động thế nào đến đàn ông và phụ nữ? Tôi muốn nói đến vị trí chồng vợ trong mỗi một gia đình.

Đàn ông tất nhiên có thói quen la đà. Trừ ra một số mẫu đàn ông nghiêm cẩn, có trách nhiệm với vợ, thường không bỏ bữa cơm nào cùng gia đình. Nhưng số đó ít lắm. Đa phần đàn ông thích tụ bạ, nhậu nhẹt. Cũng trừ ra những người không biết uống. Số này trong mắt tôi, một nửa là may mắn là hạnh phúc, còn một nửa là đen đủi là bất hạnh khi không được hưởng những khoái lạc của đàn ông.

Dịch ào đến. Thoạt đầu cánh la đà, điếc không sợ súng, vẫn duy trì thói quen cố hữu. Dần dà họ cũng biết sợ nên không đến những tụ điểm đông người mà lui về thành từng nhóm, đánh du kích. Có thể là một quán vắng vỉa hè, nơi không khí thoáng đãng, không sợ lây nhiễm từ thực khách khác. Cũng có thể là họ lui về nhà một ai đó mà người vợ dễ tính hoặc đi vắng. Tóm lại mặc kệ dịch giã, dù cho vào cối nện, họ vẫn tìm ra mọi cách để thỏa mãn mình.

Ngoài nhậu, cánh đàn ông còn vô số thú vui khác như thể thao hoặc thụ hưởng những dịch vụ chỉ cánh đàn ông thích, như karaoke, massage hay chắn, phỏm... Nhưng nói gì thì nói, đàn ông dịp dịch này cũng bớt la cà, bởi có thể không sợ chết nhưng họ cũng có trách nhiệm giữ gìn cho những thành viên khác trong gia đình. Không ít đàn ông dịp này lui về ở ẩn, chọn cho mình sự thụ hưởng… đơn độc.

Với tôi, dịp dịch, tôi chọn cho mình một cách cư xử nhất cử lưỡng tiện, đó là... chuồn khỏi Hà Nội, về một tỉnh miền Trung, nơi chưa có dịch, để bám thực tế viết cái kịch bản. Vừa tránh được cách phải giữ gìn trong dịch bệnh mà vẫn có thể vui vẻ chén chú chén anh với bạn bè. Trong khi đó thì không bị vợ con nhòm ngó là đi chơi. thoát lấy bản thân. bỏ mặc gia đình. Chứ không à, tôi đi làm chứ có chơi bời thăm thú gì ai đâu. Kiếm sống, lý do chính đáng đấy chứ, thắc mắc vào mắt.

Với phụ nữ thì sao? Dịch bệnh hay ngày thường thì họ vẫn là những “từ mẫu” đảm nhiệm hầu hết các công việc gia đình như chợ búa, cơm nước, giặt giũ… đến đưa đón con cái, trừ giai đoạn phong tỏa cách ly trẻ được nghỉ học. Đoạn này, nói cho công bằng, thì đàn ông cũng được chia sẻ công việc. Nhiều ông bố làm tốt nhiệm vụ đón con.

Sống trong đại dịch 1
Sống trong đại dịch.

Dịch bệnh tất nhiên là kinh tế giảm sút với tất cả mọi ngành, mọi nghề, mọi người. Như vợ tôi có trung tâm dạy khí công, thu nhập không nhiều nhưng không phải dựa vào lương bổng. Dịch phải đóng cửa và đây thực sự là một cú đòn chí mạng vào chiếc ví nội trợ. 

Chưa hết, cũng vì dịch mà thói quen của người Việt là hay phòng xa, nên nhà nhà người người đua nhau mua sắm, tích cóp, nhỏ nhất từ cuộn giấy vệ sinh, đến lương thực, thực phẩm dự trữ. Giá cả hiển nhiên là đội lên rất nhiều. Vừa chạy vạy vất vả lại lao tâm khổ tứ chuyện bán mua khiến người phụ nữ lo toan đến rạc người. 

Những chuyện này, chị em phải cắn răng lo liệu một mình, đừng trông hòng gì đến sự trợ giúp của đàn ông. Kiểu như thiên chức giới tính này khiến nhiều chị em có tính dân chủ đã vùng lên và kết quả chia đều cho bi kịch và cách mạng thay đổi ở chiều hướng tốt.

Với phụ nữ, thói quen của họ như làm đẹp, cũng bị uy hiếp nghiêm trọng. Các spa hay đơn giản là tiệm làm tóc, gội đầu chỉ còn lác đác. Vắng khách, một phần quan trọng là ngại dịch. Người nào ham chùa chiền lễ lạt cũng bị ảnh hưởng. 

Cảnh báo dịch khiến nhiều người đành bỏ những thói quen tưởng như là không thể thay đổi được. Cà phê cà pháo, tụ tập tán dóc hay ca nhạc, phim ảnh, đương nhiên là việc không thể chấp nhận giữa mùa dịch với nhiều người. Nói một cách dân dã là tèo toàn tập.

Còn nhiều chuyện khác nữa nhưng mới chỉ liệt kê phần nổi như trên đã thấy rõ sự khác nhau một trời một vực giữa đàn ông và phụ nữ. Bao vất vả lo toan rút cục vẫn chỉ phụ nữ đảm nhiệm. Cái sự vất vả ngày thường suy cho cùng nó khác. Khác nhiều so với nhà có dịch. Bội phần vất vả vẫn trút lên đôi vai gầy phụ nữ. Trong mùa dịch, nếu có cặp đôi nào đó vốn cơm đã chẳng lành, canh lại chẳng ngọt, rất dễ xảy ra những cuộc đại chiến khó tránh. Nhưng đấy lại là những gì của một câu chuyện khác.

Đại dịch với giới tính tạm dừng ở đây đã. Tự nhiên tôi thấy mình may mắn khi được làm đàn ông ở kiếp này. Đích thị là thế!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top