Aa

Thắng đậm nhờ đầu tư đất nền vùng ven, bà bán bún ốc cũng thành đại gia đất

Thứ Ba, 20/04/2021 - 06:30

Nhiều người nói rằng kinh doanh bất động sản là con đường làm giàu của nhiều “đại gia”. Không sai, thực tế đã có rất nhiều người giàu lên nhờ những “kèo thơm” từ đất.

Đổi đời nhờ đầu tư đất

Anh N.T.Q, quê Nam Định, hiện đang làm kỹ sư xây dựng tại Nha Trang chia sẻ, năm 2010, anh quyết định lựa chọn Nha Trang là nơi lập nghiệp. Với mức lương 10 triệu đồng/ tháng, sau khi trừ hết các chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà cũng không tiết kiệm được bao nhiêu.

Đến năm 2013, anh lập gia đình, việc cần tới 1 ngôi nhà để “an cư lạc nghiệp” là rất cần thiết. Hai vợ chồng dồn hết tiền tiết kiệm và tiền mừng cưới được gần 100 triệu đồng, số còn lại anh vay bạn bè và người thân rồi tiếp tục vừa làm, vừa tiết kiệm trả nợ. Vợ chồng anh mua một mảnh đất nằm sâu trong hẻm, rộng 70m2 với giá 300 triệu đồng và xây dựng căn nhà 2 tầng hết 100 triệu đồng.

Sau 1 năm, anh N.T.Q bán lại căn nhà với giá 600 triệu đồng, lãi 200 triệu đồng. Năm 2014, anh dồn hết số tiền bán căn cũ mua một mảnh đất rộng 80m2, tại mặt đường 8m với giá 7,5 triệu đồng/m2. Mới mua được 2 tháng nhưng có rất nhiều người qua lại hỏi mua mảnh đất, thấy được giá anh đã đồng ý sang tay 1 tỷ 200 triệu đồng, lãi 600 triệu đồng. Sau 2 lần đều có lãi nhiều, anh N.T.Q liên tục tìm những mảnh đất khác để đầu tư.

Anh N.T.Q mỗi năm thu tiền tỷ từ đầu tư đất.
Anh N.T.Q mỗi năm thu tiền tỷ từ đầu tư đất.

“Thấy nhiều người dân mua nhà xây sẵn có thể ở được ngay, vì là kỹ sư xây dựng nên tôi tự thiết kế và xây dựng luôn, vừa tăng được giá trị mảnh đất, vừa đáp ứng được nhu cầu của người mua. Nhưng không phải vì xây bán mà tôi làm ẩu, bởi nếu mình làm cẩn thận, khách hàng họ sẽ tin tưởng giới thiệu thêm người mua khác. Như thế mới có thể phát triển lâu dài”, anh N.T.Q nói.

Chứng kiến nhiều người bạn đã “chôn” tiền tỷ vào chứng khoán, anh N.T.Q cho rằng, đất vẫn là kênh đầu tư an toàn và thu được lợi nhuận cao. Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư anh N.T.Q nói, trước nay chỉ mua đất của người dân, không mua đất dự án, bởi đất dự án sẽ có nhiều rủi do như bị thổi giá, sai phạm,..

“Tôi không cần tới sự đột biến của mảnh đất, mà quan tâm tới việc đảm bảo số vốn và lợi nhuận, lãi ít nhưng nhiều mảnh cộng lại sẽ thành lãi nhiều, đó cũng là lý do từ trước tới nay tôi chưa bị lỗ mảnh đất nào. Hiện tại, cứ 6 tháng tôi lãi 1,5 tỷ đồng từ đầu tư đất”, anh N.T.Q khẳng định.

Sau hơn 7 năm đầu tư, anh N.T.Q tiết lộ, hiện anh đang sở hữu 10 mảnh đất tại Nha Trang, tổng giá trị lên hơn tới hơn 30 tỷ đồng. Trong đó 3 mảnh đất được anh sử dụng làm nhà hàng, còn mảnh đất đẹp nhất cách biển Nha Trang 5 phút đi bộ, rộng 150m2 được anh sử dụng xây nhà ở.

Bán bún ốc vỉa hè, sở hữu tài sản cả chục tỷ

Sinh năm 1978, chị H.Y (Hà Nội) với 20 năm lăn lội kiếm sống ở vỉa hè Hà Nội. Thế nhưng ít ai ngờ tới chị đã sở hữu trong tay gia tài giá trị cả chục tỷ đồng.

Chia sẻ với PV, chị H.Y cho biết mình quê Nam Định, lên Hà Nội làm thuê từ năm 2000. Thời điểm đó, chị làm công nhân cho một công ty may tư nhân gần bến xe Giáp Bát. Đến năm 2003, chị lấy chồng cùng quê, anh chạy chợ bán hoa quả. Sau khi kết hôn, chị nghỉ làm tại công ty, 2 vợ chồng dồn hết tiền mở quán bún nho nhỏ bán tại vỉa hè. May mắn, khách lúc nào cũng đông kín từ sáng tới tối.

“Thời điểm đó, 2 vợ chồng thuê một căn nhà rộng 20m2 ở Định Công giá cũng rẻ. May mắn, quán lúc nào cũng đông khách. Từ 5.000 đồng một bát, trừ hết chi phí ngày nào cũng lãi 200.000 đồng trở lên. Đến khi giá tăng lên 25.000 đồng - 30.000 đồng một bát thì có ngày cao nhất chị kiếm được 2 triệu”, chị H.Y nói.

Đất khu ĐỊnh Công Hoàng Mai
Đất khu Đinh Công, Hoàng Mai từng có giá bán rất rẻ.

Những năm 2000 khu vực Định Công vẫn còn hoang sơ. Đất khi ấy giá rẻ chỉ vài triệu/m2. Hai vợ chồng dồn hết tiền tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng, cố gắng vay mượn thêm bạn bè, họ hàng mua được một mảnh đất rộng 30m2 trị giá 200 triệu đồng ở Định Công để lấy chỗ ở.

“Khi ấy khu này vẫn còn thưa dân lắm, đường vào vẫn là đường đất. Ai cũng bảo tôi mua làm gì, nói khu đó không có tiềm năng, đợi có thêm tiền thì mua vào trung tâm. Nhưng tôi nghĩ chờ tiết kiệm tiếp thì biết bao giờ mới đủ, hơn nữa ở Hà Nội đông người kiểu gì cũng phát triển nên cố vay mượn họ hàng để mua”, chị H.Y chia sẻ.

Mảnh đất chị H.Y mua khi đó đã có sẵn căn nhà cấp 4, để tiết kiệm tiền vợ chồng chị quét vôi ve, sửa sang lại để ở tạm. Để có thêm thu nhập trả nợ ngoài bán bún, chồng chị H.Y khi rảnh rỗi còn chạy xe ôm, chở hàng thuê.

Mỗi tháng, thu nhập của hai vợ chồng cũng khoảng 3 - 4 triệu đồng. Chị dành một phần nhỏ cho chi tiêu sinh hoạt và đóng học cho con, còn bao nhiêu chị dồn hết mua vàng để tiết kiệm.

“Khi ấy, vàng chỉ 500.000 đồng đến 700.000 nghìn đồng một chỉ. Có tháng tôi mua 3 chỉ, có tháng mua được tới 5 chỉ. Đến khi vàng tăng giá, tôi bán lãi cả trăm triệu đồng”, chị H.Y cho biết.

Tiết kiệm được bao nhiêu, chị H.Y đều mang đầu tư đất hết. Do không đủ tiền đầu tư đất tại nội đô, vùng ven và nông thôn là nơi chị lựa chọn để xuống tiền.

“Hàng ngày khách tới ăn bún, tôi hỏi họ về đất tại khu họ sống và quê của họ. Từ những câu chuyện vu vơ tôi biết được giá đất ở nhiều nơi, đất ở đâu có tiềm năng và giá đất ở đâu đang “sốt” để tính mua”, chị H.Y nói.

Năm 2007, tôi tiết kiệm được khoảng 60 lượng vàng, khi đó giá khoảng 1,3 triệu đồng một chỉ, tôi bán hết được 800 triệu đồng và mua được 120m2 đất ở Vĩnh Giang (Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội), khi đó đất ở đây có giá khoảng 8 triệu đồng/m2.

Thời điểm năm 2009 khi cầu Nhật Tân được xây dựng, khiến giá đất ở Đông Anh lập tức “sốt” cao, tăng đến 3 - 4 lần. Mảnh đất của chị H.Y bán được 20 triệu/m2, khoảng 2,4 tỷ đồng.

Ít ai biết chị H.Y bán bún ốc nhưng sở hữu tài sản lớn từ đất
Ít ai biết chị H.Y bán bún ốc nhưng sở hữu tài sản lớn từ đất.

Số tiền lãi từ bán đất, chị H.Y dành 1 nửa để xây dựng căn nhà 4 tầng tại Định Công. Nửa còn lại chị dành mua một mảnh đất tại Hoài Đức. Năm 2015 tiết kiệm được 500 triệu đồng, chị H.Y lại vay thêm bạn bè, người thân mua được 2 lô đất tại Văn Lâm - Hưng Yên, mỗi lô có giá 450 triệu đồng.

“Hai vợ chồng công việc không ổn định nên cần giữ tiền phòng thân, tính đi, tính lại chỉ có đầu tư đất là an toàn nhất. Vì vậy, thay vì gửi ngân hàng tôi đầu tư đất để phòng thân. Đến năm ngoái hai vợ chồng mới trả hết nợ”, chị H.Y kể.

Thời điểm hiện tại, chị H.Y nhẩm tính theo giá thị trường mảnh đất chị đang ở có giá không dưới 3 tỷ đồng, mảnh đất ở Hoài Đức cũng được trả giá 2 tỷ đồng còn 2 lô đất tại Hưng Yên giá cũng khoảng 1,5 tỷ/lô, tăng gấp 3 lần so với thời điểm chị xuống tiền.

“Tôi không hiểu nhiều về bất động sản, chủ yếu là mua đất để phòng thân nên tôi không đầu tư theo cơn sốt hay trào lưu. Nếu mua đất ở đâu tôi sẽ dành thời gian tìm hiểu và hỏi nhà dân xung quanh rồi mới xuống tiền mua”, chị H.Y cho biết.

Đây là hai ví dụ điển hình cho thấy, việc lựa chọn kênh đầu tư nào phụ thuộc vào vốn kiến thức và độ mạo hiểm của mỗi người. Tuy nhiên, may mắn cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Chẳng hạn, so với những nhà đầu tư bất động sản chẳng may đổ tiền vào dự án “ma” thì số lãi ít ỏi khi gửi tiết kiệm ngân hàng đã là quý báu, lại không phải lao tâm khổ tứ. Còn những nhà đầu tư nhỏ lẻ này đã lựa chọn phương án “tích tiểu thành đại”, không mắc vào những cơn sốt đất tỉnh.

Giới chuyên gia cũng khẳng định, không ít nhà đầu tư “nhảy” vào bất động sản trong tâm thế, suy nghĩ “mua đất không bao giờ lỗ, rồi thì nó cũng lên giá”, dẫn đến trả giá đắt. Do vậy, đầu tư đất ở bất cứ khu vực nào cũng cần quan tâm đến yếu tố pháp lý, quy hoạch và tránh xa tâm lý “bầy đàn”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top