Aa

“Đế trụ tướng môn”

Chủ Nhật, 21/03/2021 - 07:00

Trăm năm là một đời người. Ai đế vương ai công hầu khanh tướng, ai tráng sĩ ai nhà thơ, ai võng lọng ngựa xe ai cày sâu cuốc bẫm. Tất cả đều vốn từ những hạt bụi trong vũ trụ rồi lại trở về cát bụi xa xăm.

Đó là âm Hán Việt của bốn chữ nho trên bức đại tự tại từ đường của dòng họ Nguyễn Gia, làng Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh. Đây cũng là nơi thờ cúng danh nhân văn hóa Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều. Dịch ra tiếng Việt bốn chữ do nhà vua ban kia, được hiểu là: dòng tướng của gia tộc này đã làm trụ cột cho triều đình.

Thực tế lịch sử thì dòng họ Nguyễn Gia thôn Liễu Ngạn đã sản sinh ra nhiều công hầu võ tướng phục vụ cho triều đình dưới thời vua Lê - chúa Trịnh thật. Trong gia phả còn lưu lại đến ngày nay có ghi chép đầy đủ. Nhưng người của dòng họ Nguyễn Gia làng Liễu Ngạn mà cả nước Việt Nam biết đến nhiều nhất, không phải ở các võ công oanh liệt nào đó mà lại là những tác phẩm thơ văn còn để lại đến bây giờ. Đó là Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều.

Nguyễn gia thiều
Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (Ảnh sưu tầm)

Nguyễn Gia Thiều sinh ngày 5/2/ Tân Dậu, tức ngày 22/3/1741. Do có mẹ là Quận chúa Quỳnh Liên con gái của chúa Trịnh Cương, nên từ lúc 5 - 6 tuổi ông được nuôi học trong phủ Chúa. Lớn lên ông theo dòng võ nghiệp của gia đình, năm 1759, mới 18 tuổi, ông được phong chức Hiệu úy. Đến năm 1782 đã được giao chức Tổng binh Hưng Hóa và phong tước Ôn Như Hầu. Nhưng hình như võ nghiệp không phải là căn cốt, là con người bản sở của Nguyễn Gia Thiều.

Thời làm Tổng binh Hưng Hóa, ông thường hay về nhà riêng dưới Hồ Tây vui chơi, làm thơ, đàm luận triết học với bạn bè. Ông đặc biệt yêu thích triết. Đã tự xưng danh là Hy tôn tử và Như ý thiền, lấy hiệu là Tâm thi viện tử và Sưu chân. Có lẽ do sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn xã hội đặc biệt của nước Việt: nhà chúa nắm thực quyền, vua có ngôi cao hơn nhưng bù nhìn nên dẫn đến nhiều chuyện trái khoáy nhiễu nhương. Với tầm hiểu biết của một người thức giả, chắc ông cảm thấy chán chính sự nên đã trút hết tâm sự của mình vào thơ ca văn học nghệ thuật.

Bởi ông là một con người đa tài. Ngoài hiểu biết sâu sắc về văn học, sử học, triết học ông còn tinh thông về âm nhạc. Hai bản nhạc còn lưu đến ngày nay là: Sơn trung âm và Sở từ điệu. Bức họa: Tống sơn đồ của ông được người đương thời rất ca ngợi. Ông còn là một nhà kiến trúc đại tài: đã chỉ huy xây dựng tháp Thiên tích ở kinh thành Thăng Long và phụ trách việc trang trí tất cả nội phủ của chúa Trịnh. Rất tiếc những di sản của nói trên của Nguyễn Gia Thiều đã không còn lưu lại đến ngày nay. Mà ngay phần di sản chính còn lại của ông là thơ, cũng không còn nhiều cho hậu thế.

Chỉ còn nguyên bản thơ Nôm: Cung oán ngâm khúc và một số bài thơ chữ Hán. Đó là một sự tiếc nuối lớn lao, khi ta biết rằng tập thơ chữ Hán, Ôn Như thi tập, gồm hơn một nghìn bài. Hai tập thơ chữ Nôm là Tây hồ thi tập và Tư trai thi tập chắc cũng có độ dày không kém.

cung oán ngâm khúc
Cung oán ngâm khúc (Ảnh sưu tầm)

Nhưng chỉ với Cung oán ngâm khúc còn lại đến ngày nay, chúng ta đọc và ngẫm ngợi cũng đã thấy được trái tim rộng lớn, tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ Ôn Như Hầu đa đoan nhân bản đến thế nào. Là một nhà thơ, hiển nhiên ông yêu cái đẹp, nhất là vẻ đẹp của người phụ nữ. Những dòng thơ dành tả vẻ đẹp của mỹ nhân, mà đến nay đọc lại vẫn không ngớt trầm trồ thán phục bởi sự tinh tế và hiện đại trong ngôn ngữ: “Hương trời đắm nguyệt say hoa/ Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình”. Hoặc những câu thơ tả cảnh gái trai ân ái của ông thật gợi tình, hàm xúc mà vẫn đẹp lung linh huyễn hoặc:

“Cái đêm hôm ấy hôm gì

Bóng dương lồng lộng đồ my trập trùng

Chồi thược dược mơ mòng thụy vũ

Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu

Cành xuân hoa chúm chím chào

Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai.”

Nhưng thơ Nguyễn Gia Thiều được người yêu thơ và các nhà nghiên cứu đánh giá cao ở giá trị triết lý nhân sinh sâu sắc. Cũng đúng thôi. Bởi bản thân ông là một nhà triết học, luôn không thôi đau đáu về số phận con người, về kiếp nhân sinh, về sự chuyển xoay của đất trời, sự bao la kỳ diệu của vũ trụ:

“Quyền họa phúc trời tranh mất cả

Chút tiện nghi chẳng trả phần ai

Cái quay búng sẵn trên trời

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.”

Càng đọc, càng ngẫm ngợi, càng thấy thấm thía hay và đồng cảm với ông:

“Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau

Trăm năm còn có gì đâu

Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.”

Vâng. Trăm năm là một đời người. Ai đế vương ai công hầu khanh tướng, ai tráng sĩ ai nhà thơ, ai võng lọng ngựa xe ai cày sâu cuốc bẫm. Tất cả đều vốn từ những hạt bụi trong vũ trụ rồi lại trở về cát bụi xa xăm. Tất cả nhưng giành giật hư danh đều về một nấm mộ cổ mà cỏ thiên thu mọc xanh rì trên hết cả mà thôi. Ấy là chân lý. Thế nhưng cùng với những bậc anh hùng vì dân vì nước lập chiến công để lại danh vọng ngàn đời ca tụng. Thì những văn nhân thi sĩ cũng để lại danh thơm ngàn năm bất hủ cho đời sau bằng những áng thơ văn nức nở vì chúng sinh của mình. Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn đất Kinh Bắc là một người như thế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top