Aa

Ý nghĩa Tết Táo Quân và văn khấn tạ cuối năm

Thứ Tư, 03/02/2021 - 18:13

Có Tết thì có lễ Tết. Cúng Ông Công ông Táo là một lễ quan trọng nằm trong lễ Tết

Ý nghĩa của lễ tạ
Có Tết thì có lễ Tết. Cúng Ông Công ông Táo là một lễ quan trọng nằm trong lễ Tết. Đến nay, dân tộc đã đi qua 5000 năm, tuy thế, vì nghiệt ngã của chiến tranh xâm lược từ phương Bắc, vì sự phát triển của cuộc sống hiện đại mà những điều thuộc về Lễ nhiều ít đã bị biến dạng. Văn hóa của tổ tiên chúng ta qua mấy ngàn năm hoàn thiện và truyền lại, nay đã bị mất mát đi nhiều.
Lễ là để tạo ra sự chân thành sâu lắng cần cho việc sửa mình. Sửa mình là để giao tiếp thành công. Và giao tiếp được với người trong lễ mới mong người thuận theo mình. Giao tiếp với Thần linh chính là một đối tượng giao tiếp đặc biệt trong văn hóa tâm linh của người Việt có gốc rễ từ thủa các vua Hùng dựng nước. Thần Linh trên khắp cõi đất Việt ta không ai khác ngoài chính tổ tiên tiền nhân của tộc người Việt trãi dài suốt chiều dài lịch sử.

Nhưng nay, Lễ là một giá trị rất lớn trong sinh hoạt văn hóa của người Việt, còn lại rất nhiều sự tùy tiện, ai hiểu sao thì làm vậy. Chính bởi tùy tiện, chúng ta vô tình càng làm biến dạng một cách đáng báo động về đời sống tín ngưỡng. Từ những năm tháng bỏ đi lễ tục xưa, từ những nhận thức ấu trĩ về lễ về tín ngưỡng và tôn giáo một thời, ưu tiên cho chiến tranh, ưu tiên cho lao động, ưu tiên cho niềm tin vào chủ thuyết vô thần, đến khi trở lại, dựng lại niềm tin đã mất chúng ta đã xây nó trên một cái nền của truyền miệng và những mảnh vỡ chắp ghép.
Chúng tôi sẽ có thời gian đi chuyên sâu hơn về sau, trước mắt xin góp một phần nhỏ cho ngày lễ Tết, từ hiểu biết của mình, gởi đến quý vị bài viết này để quý vị nắm được phần nào về việc Lễ tạ cuối năm. Tạ là bởi ta đã ít nhiều đi qua một năm từ đầu Xuân cuối Đông được an ổn không thể không có sự che chở bảo hộ của người và thần linh tiên tổ.

Táo Vương Chân Kinh


Cúng tạ ai trong lễ cuối năm?
Lễ cúng tạ này thực hiện vào tháng Chạp, gọi là lễ cúng tạ ông Công ông Táo. Cách gọi hay nhất của dân gian là “Tết ông Công ông Táo”. Thờ và cúng ông Táo thì có “Táo Quân Chân Kinh 竈 王 真 經”. Thờ và cúng ông Công thì có “Thổ Địa Chân Kinh 土 地 真 經”. Từ các bản kinh này chúng ta có được thông tin về ngày sinh và ngày hóa (về trời) của Táo Quân. Quan niệm phải cúng trước 12h trưa ngày 23 là sai. Kinh Táo Quân có đề cập đến việc là vào giờ Tý, tức 12h khuya của ngày 23 ông Táo về chầu Ngọc Hoàng, nên giờ 12h đúng ra là 12h khuya của giờ Tý đêm 23.

Chúng tôi xin trích lục ra đây đoạn quan trọng nhất từ bản “Táo Vương Chân Kinh”: “Bát nguyệt sơ tam nhật bảo đản kiền tâm bái chúc. Thập nhị nguyệt, nhị thập tứ nhật, Tý thần, thượng tấu Thiên Tào. Nhị thập tam nhật kiền khiết trai nghi kỉnh tống. Chí tam thập nhật hồi. Vụ nghi thành kính nghinh tiếp” – (八 月 初 三 日 寶 誕 虔 心 拜 祝.十 二 月 二 十 四 日 子 辰,上 奏 天 曹. 二 十 三 日 虔 潔 齋 宜 敬 送.至 三 十 日 回.務 宜 誠 敬 迎 接).

Nghĩa: “Ngày mùng 3 tháng 8 là ngày Đản sinh của Ngài phải thành tâm bái chúc. Tháng 12 , ngày 23, giờ Tý, Ngài thượng tấu lên Thiên Tào. Nên ngày 23 phải thiết lễ thanh khiết kính tiễn Ngài. Đến ngày 30 là Ngài trở về, phải chu đáo thành tâm mà nghinh đón Ngài” 

Nhưng khảo cứu nhiều văn bản và cả dân gian nhiều vùng thì chúng tôi biết là có thể cúng từ 20 đến 25 là được. Tất nhiên, khớp với cổ xưa hơn cả là cúng lễ tạ từ sáng ngày 23 cho đến giờ Tý (12h khuya) cùng ngày. Nhưng ta cũng có thể lễ bắt đầu từ ngày 20 đến ngày 25 tháng Chạp.

Đối tượng để ta thiết lễ cúng tạ, như đã dẫn ở trên là Táo Quân. Ngoài Táo Quân còn có cúng tạ Thổ Công. Nhân đó ta còn lễ tạ Gia tiên. Có nhà cúng tạ Gia tiên vào ngày 30 khi đón Tào hồi gia. Nếu cúng Gia tiên riêng, ngày 23 ta chỉ cúng tiễn Táo Quân và tạ Thổ Công. Có “tiễn” phải có “đón”. Như lễ Giao thừa gọi là “Lễ Tống Cựu Nghinh Tân”. Tiếc thay lâu nay phần đa mọi người đã không làm đúng. Nghĩa là có cúng “tiễn Táo Quân” mà không “đón Táo Quân”. “Táo Quân Chân Kinh” cho chúng ta biết là phải dâng hương hoa trà nước thanh bạch, đúng ngày 30 tháng Chạp thì nhớ cẩn thận khấn thỉnh đón Ngài về như trên đã trích dịch.

Lễ tạ này mang ý nghĩa tri ân chư vị Bổn xứ Thổ địa, ngũ vị linh thần, chư tôn thần, gia đường hương hỏa, tiền chủ hậu chủ đã hộ trì cho mình. Để chuẩn bị vào lễ, quý vị có thể sửa soạn bao sái ban thờ cũng như dọn lòng mình cho thanh tịnh trước khi khởi sự bước vào năm mới. Người xưa nói, “vô tín bất thành lễ”. Trời đất có sự giao thoa. Người và thiên nhiên, giữa vô vàn các nguồn năng lượng lành trong vũ trụ với nhau tương tức, tùy thuộc tương tác của ta mà sinh ra thuận nghịch, được mất. Lễ, không cần mâm cao cỗ đầy. Lễ, chú trọng ở tín tâm và lòng thành kính. Thường lễ phẩm có: Hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Tùy theo điều kiện gia chủ mà sửa soạn bày trí sao cho trang nghiêm, thanh tịnh.

Lưu ý: Lễ tạ gọi đủ và đúng là “Sám Tạ”. Muốn tạ thì phải sám. Đó l à chúng ta phát cái tâm sám hối, tụng kinh, bố thí, phóng sinh để hồi hướng. Tuy nhiên, việc tri ân không bắt buộc.
Cách thực hiện
Bước 1- Quý vị thắp hương lên ban thờ. Khấn vái, hôm nay ngày – tháng – năm, chúng thắp hương khấn xin chư tôn thần tiên linh được bao sái lại ban thờ.
Bước 2 - Quý vị nhẹ nhàng cẩn thận và thành kính thực hiện việc bao sái lau dọn thay chân nhang.
Bước 3 - Dâng hoa hương đèn nến giấy tiền và ngựa mão lên ban thờ cùng thức ăn lễ phẩm.
Bước 4 - Quý vị đọc lời khấn chậm rãi thành kính trước ban thờ. Đọc xong thì rót rượu và trà ra chén cúng. Đợi 30 phút sau ta vào rót thêm lần rượu và trà rồi lạy 2 lạy xin hóa vàng mã. Hóa xong mã ta lạy tạ 3 lạy là xong.

Văn Khấn
Con Nam Mô A Di Đà Phật!
Con Nam Mô A Di Đà Phật!

Con Nam Mô A Di Đà Phật! (Vái 3 vái)

Giờ phút này cuối năm
Tiết trời Đông Canh Tý
Ngày (hai ba) tháng Chạp.
Con thành tâm kính cáo! (Vái 1 vái)

Lễ chung niên hoàn nguyện
Sám tạ chư Tôn thần
Bổn thổ Thổ địa thần
Chư ngũ vị linh thần
Anh linh dòng họ (Võ/Lê/Phạm/Hoàng..)
Là gia đường hương hỏa
Cùng tiền chủ hậu chủ!
Nguyện khói hương thơm này
Cùng ánh nến rực sáng
Và hoa quả phẩm vật
Từ lòng con thanh tịnh
Dâng lên cúng Thiện thần
Cúng anh linh tiên tổ
Cúng tiền chủ hậu chủ
Xin chứng giám cho con
Mà nhận lễ phẩm này
Tâm thành tạ tất niên!

Chúng con ở nơi đây
Tại số nhà ... (mười một)
Phố (Láng Hạ, Giảng Võ)
(Quận Đống Đa, Hà Nội)
Nhờ ân đức phò trì
Của tiền hiền liệt thánh
Tôn linh thần bổn xứ
Chư anh linh tiên tổ
Được quanh năm may mắn
Gặp bốn mùa hanh thông
Nơi viên cư yên thịnh
Chốn gia trung an hòa.
Hương hoa quả nến đèn
Tâm thành lời khấn nguyện
Xin chứng giám tấc lòng
Mà độ trì ban ơn
Cho gia đình dòng họ
Cho thế hệ tương lai
Hưởng no ấm thanh bình
Được hanh thông công việc
Đạt thành trong ý nguyện!

Con nguyện luôn nỗ lực
Nâng cao tầm hiểu biết
Thực hành các việc thiện

Mở rộng lòng yêu thương
Chung tay góp sức mình
Tạo an lạc hạnh phúc
Cho con và tất cả.
Cúi đầu trước chư vị
Thiết lễ tạ tất niên
Tri ân và kính lễ! (Vái 3 vái)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top