Aa

Đúng, mà vẫn thấy buồn!

Thứ Ba, 29/12/2020 - 07:00

Hình như tiền bạc, một khi được đặt lên hàng đầu, được coi là tiên là phật, thì rất khó để bàn về chuyện đúng sai.

Chuyện làm sai khiến người khác buồn, tổn thương, bực mình, căm ghét… là chuyện chẳng có gì đáng phải bàn, kể cả những việc người làm sai được bao biện phần nào như chuyện bác sỹ nhận phong bì của bệnh nhân, giáo viên nhận tiền mừng của phụ huynh học sinh. Nhưng tôi đang kể với bạn chuyện người khác làm đúng bổn phận, đúng quy định, đúng pháp luật…mà vẫn khiến người khác thấy buồn, thậm chí buồn ảo não.

Tôi nằm trong số những người đưa học giả Nguyễn Trần Bạt về nơi an nghỉ cuối cùng tại Công viên tâm linh Thiên Đức. Từ Hà Nội đến nơi an táng gần 100km. May mà có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nên thời gian chạy trên đường cũng không mất nhiều. Nhưng thời gian dừng lại để đoàn đưa tang lấy vé đường phía Nội Bài, rồi sau đó trả tiền phí khi qua trạm Phù Ninh để vào nghĩa trang, thì mất khá lâu. 

Dịch vụ thu phí trên con đường hiện đại bậc nhất này hóa ra lại thuộc loại khá lạc hậu. Chưa có cổng thu phí không dừng như phần lớn những con đường cao tốc khác. Vì thế, nhiều xe ở phía Nội Bài, sau khi qua được trạm, phải phóng vượt cả tốc độ cho phép khá lâu mới nhập được vào đoàn đưa tang.

Ở đầu trả vé phía Phù Ninh, việc thao tác của nhân viên còn chậm hơn. Chậm như rùa, khiến đoàn xe đưa tang ùn lại hàng chục phút và khi qua trạm thì kéo dài hàng kilomet. Nhưng cố sống cố chết bám theo được đoàn vẫn còn là may. Nhiều xe đưa tang, vì chờ trả vé quá lâu, lại không thuộc đường, nên qua được trạm thì không biết đi đường nào, khi đến được tới Công viên Thiên Đức thì mọi thủ tục hành lễ tiễn biệt người quá cố vào Đài hỏa táng đã xong xuôi từ lâu rồi!

Dịch vụ thu phí còn lạc hậu trên con đường cao tốc hiện đại.
Thái độ ứng xử của một nhân viên rất có thể sẽ ảnh hưởng tới cảm nhận chung của dịch vụ hướng tới.

Nhưng dù đến kịp hay đến muộn, thì hễ cứ đỗ xe vào khuôn viên của nơi luôn được coi là cõi tiên cảnh, ngay lập tức được tiếp đón bởi nhân viên trông xe. Có lẽ quá quen thuộc với cảnh tang tóc, nên mặt của người nhân viên này không còn cảm xúc, chỉ chờ tài xế bước ra khỏi xe là đến, nói bằng thứ giọng lạnh lùng: “Cho xin tiền gửi xe”. Mặc dù chỉ mười lăm ngàn đồng, số tiền rõ ràng là không hề lớn, nhưng chẳng hiểu sao nó cứ khiến người trả tiền cảm thấy buồn bã, bức xúc. Thậm chí nó khá trái mắt khi quan tài người chết còn chưa được đưa khỏi xe tang.

Việc thu tiền vé đường xe đưa tang có lẽ không sai về lý, bởi đã là kinh doanh thì phải sòng phẳng. Anh đi đưa tang người thân, là nhu cầu tình cảm của cá nhân anh, chứ chẳng ai bắt. Vì thế, nhà đầu tư đường không có trách nhiệm phải thể hiện tình cảm bằng cách miễn phí đường cho anh!

Công viên tâm linh cũng là hình thức đầu tư kinh doanh, vì thế, mọi dịch vụ, trong đó có dịch vụ trông xe, đều phải được trả phí, như trả phí gửi xe ở bãi xem phim, bệnh viện hay bất cứ nơi nào khác có đầu tư tiền bạc. Về lý, chả có gì sai ở đây.

Nhưng chả hiểu sao cảm giác buồn, cả cho người trong cuộc, cả cho người xung quanh, thì không thể cất đi đâu được, khi phải đối mặt với những việc làm… đúng ấy? Hình như tiền bạc, một khi được đặt lên hàng đầu, được coi là tiên là phật, thì rất khó để bàn về chuyện đúng sai. Nó cần thứ khác để người ta theo đó, dựa vào đó mà hành xử cho phải lẽ, cho hợp đạo lý, hợp với truyền thống (chẳng hạn truyền thống coi nghĩa tử là nghĩa tận). Nhưng thứ đó lại chả mấy khi tạo ra được bằng tiền bạc, kể cả rất nhiều tiền bạc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top