Aa

Được phép và không cấm

Thứ Ba, 27/10/2020 - 07:00

Được phép không bao gồm được những điều không cấm. Ngược lại, không cấm mở ra phạm vi vô tận cho những điều được phép làm mà không nhà làm luật tài giỏi nào tìm hết được.

Nhân có cuộc tranh cãi âm thầm về tính pháp lý trong hành động dũng cảm phải nói là tuyệt đẹp của ca sỹ Thủy Tiên, nhiều người chắc chắn sẽ tự hỏi: Giới hạn của những việc mà công dân cảm thấy tốt, cần khuyến khích làm với tính pháp lý của hành động đó nằm ở đâu? Liệu tốt và hợp pháp có khi nào trái ngược nhau? 

Chẳng hạn cho hàng xóm mượn chiếc xe máy, rõ ràng là một việc làm tốt, thể hiện tình làng nghĩa xóm, đáng khen về mặt hành vi sống. Nhưng rất có thể đó là sự khởi đầu cho một vi phạm pháp luật, nếu chẳng may người đó gây tai nạn hoặc chính anh ta bị tai nạn? Những tình huống tương tự như vậy trong đời sống dân sự nhiều tới mức không ai có thể liệt kê hết được. Và nếu công dân cứ luẩn quẩn với những tính toán giữa sai và đúng, thì cuộc sống này sẽ lạnh lùng, tẻ nhạt và vô cảm biết nhường nào.

Nhưng công dân dựa vào đâu khi phải tức khắc đưa ra quyết định mà mình thấy hợp tình và cần phải làm ngay? Bởi vì không thể cứ mỗi lúc lại giở luật ra để đối chiếu xem có khoản nào cấm hành động đó không?

Tất cả chúng ta đều biết, vấn đề mấu chốt nhất của luật là những quy định pháp lý cụ thể cho hành vi công dân. Những gì họ được làm và những gì bị cấm, nếu làm là phạm luật. Đơn giản chỉ thế thôi nhưng trên thực tế vẫn luôn là vấn đề đau đầu của mọi bộ luật. 

Thường thì có hai cách giải quyết. Cách thứ nhất là tìm những việc công dân được phép làm. Những việc không quy định được phép làm nghiễm nhiên là những việc phi pháp. Cách thứ hai là tìm ra những việc bị luật pháp cấm làm. Ngoài những việc bị cấm, thì những việc còn lại công dân đều có thể làm, nếu họ muốn. 

Thoạt nghe có vẻ chúng rất giống nhau nhưng thực chất chúng khác xa nhau như lạc hậu và tiến bộ. Cách thứ nhất biến luật thành bản quy định, trực tiếp tham gia vào từng việc cụ thể. Còn cách thứ hai cho luật cái khả năng điều hành trên phạm vi rộng, điều hành trên nguyên tắc. Cách thứ nhất khiến người chấp hành luật luôn bị đặt vào thế thụ động. Anh ta phải chờ được phép mới dám làm. Cách thứ hai chính là hình thức khích lệ tính chủ động của công dân. 

Xét cho cùng luật pháp phải làm được việc tương hỗ cho mọi ý tưởng đẩy nhanh sự phát triển của xã hội trong an toàn rồi mới đến lượt sự phát triển của xã hội đảm bảo cho tính vững chắc của luật. Hãy làm sao để công dân tự do hành xử theo luật chứ không phải tìm cách tránh luật, lách luật trong cảm giác bị áp đặt, cản trở và rồi không thiếu trường hợp chỉ vì thế mà vi phạm pháp luật.

Hình ảnh cảm động về một cụ già gửi thùng mì chia sẻ với miền Trung.
Chung tay một cách thiết thực chia sẻ với đồng bào miền Trung.

Rõ ràng, luật của chúng ta đang được xây dựng theo cách thứ hai, cách mà thế giới coi là tiến bộ. Nhưng khi đã thành bộ luật, đem ra áp dụng, hầu hết những người thực thi (và cả chính công dân) lại vẫn không cắt được cái đuôi cảm tính “hình như”? 

Đã là luật, thì phải rõ ràng, không có chuyện hình như, không thể suy diễn chủ quan. Đành rằng không khỏi có lúc “tình” nên được xét đến trong một số trường hợp, nhưng chỉ khi cơ sở pháp lý đã được thượng tôn. Còn mọi sự nhập nhèm giữa “lý” và “tình” như một thói quen công vụ, thậm chí còn được coi là một sự “linh hoạt” trong vận dụng luật, thực chất là hành động vô hiệu hóa luật. Chưa có luật đã nguy hiểm, nhưng có luật mà bị vô hiệu hóa còn nguy hiểm gấp bội.

Được phép không bao gồm được những điều không cấm.

Ngược lại, không cấm mở ra phạm vi vô tận cho những điều được phép làm mà không nhà làm luật tài giỏi nào tìm hết được.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top