Aa

Gần chân đèn không tối

Thứ Sáu, 14/08/2020 - 14:30

Vấn đề là ở cách nghĩ của người mẹ và người cha. Hãy đứng ở vị thế của con mình xem lực học của con đến đâu rồi hãy hướng con theo cách đó. Có thất bại cũng không hề gì.

Tháng 8 là khoảng thời gian bận rộn và căng thẳng đối với các bậc cha mẹ khi họ luôn muốn hướng nghiệp và chọn trường cho con cái của mình. Phía sau những âu lo, phiền muộn kia “dẫu leo kiệt sức vẫn còn vợi cao” (Tạ Minh Châu) thì rất nhiều bạn trẻ đã vượt qua kỳ thi một cách xuất sắc khiến bố mẹ hài lòng. Nhưng không hiếm bạn không leo nổi con dốc thi đại học để cho bố mẹ... mát mặt khoe con. Bệnh thành tích của bố mẹ đã vô tình trở thành áp lực lớn đối với những đứa con. 

Ảnh chụp Màn hình 2020-08-13 lúc 11.46.41

Tâm lý của các bạn ở tuổi mới lớn luôn khác biệt với bậc sinh thành. Và quyền làm cha mẹ lại khiến họ áp đặt áp lực lên vai đứa con và có lẽ ít người cha, người mẹ nào có thể đặt mình ở vị thế đứa con để ngoảnh lại. Mới đây, tận lúc 0 giờ, một người bạn vừa gọi cho tôi vừa nói vừa nức nở: “Con tớ bỏ thi và nhất định không chịu thi đại học, tớ phải làm sao đây?”. Tôi đáp: “Chẳng sao cả, không đi học thì đi làm, cứ theo chữ thuận mà sống”. Bạn tôi giãy nảy lên: “Thuận là sao, không thuận là sao?”

"Thuận là theo ý con, xem nó có sở thích và mong muốn gì. Đời người có hàng trăm nghề, dân thường vẫn sống khỏe còn công chức thì có mấy người? Vì sao khi đứng ở vị trí là người mẹ lại cứ nhất thiết bắt con phải học đại học trong khi bạn ấy học không muốn, rồi thi không đỗ? Mà khi học đại học ra, bạn có tiền để “chạy vào làm Nhà nước đâu? Ối bạn đang chạy xe Grab, rồi ship hàng, làm bưu tá, làm ở công ty vệ sinh môi trường tư nhân, có sao đâu?"

Rồi bạn kể lể nào làm mẹ đơn thân, nào 40 tuổi sinh mụn con, nuôi con khốn khó ra sao? Nghĩa là tràng giang kể khổ với tôi vào lúc 0 giờ. Đêm ấy, tôi mất ngủ, bạn cũng mất ngủ. Vấn đề là ở cách nghĩ của người mẹ và người cha. Hãy đứng ở vị thế của con mình xem lực học của con đến đâu rồi hãy hướng con theo cách đó. Có thất bại cũng không hề gì.

122353_49-13-tre

Tôi nhìn lên trần nhà nhớ phiêu diêu về ngày con mình thi trượt đại học Ngoại ngữ, chỉ vì thiếu nửa điểm. Lúc đó, tôi có người anh họ đang dạy ở trường ấy, liền nảy ra ý định nhờ vả, cố xin cho cháu vào trường. Rất may, tôi hỏi ý con trước, nó nói luôn: “Không, không là không mẹ nhé. Con không muốn mẹ cầu cạnh bác họ, để rồi sau này con sẽ phải cúi đầu mang ơn bác suốt đời vì nửa điểm kia. Ám ảnh thế thì khổ hết đời”. Tôi thấy nó quyết liệt và dứt khoát nên thuận theo ý con. Rồi cháu thừa điểm vào trường Cao đẳng Du lịch học nấu ăn. 

Con học nấu ăn giỏi, biết pha chế cốc-tai. Nhưng lúc đi thực tế tại một đơn vị khách sạn anh hùng, họ yêu cầu phải viết về một đơn vị anh hùng, cháu chỉ ra ba gạch đầu dòng khắc phục và trong đó có cả điểm yếu. Cô giáo yêu cầu nó viết khác đi sự thật và cháu nói cháu không viết được. Sau đó, cô chủ nhiệm liệt nó vào danh sách trượt và chống đối cô giáo. Cháu bỏ học. Tôi đã đứng về phía trung thực của con. Nhưng vẫn tiếc cho sự dở dang học hành khi mà chỉ còn ít tháng nữa thôi là cháu đã ra trường và sẽ có người đón cháu về làm ở một khách sạn 3 sao. 

Dở dang học, cháu đi làm ở văn phòng luật. Được nhận hồ sơ không lâu nhưng rồi văn phòng luật cũng giải tán. Cháu đi chạy bàn rửa chén, mùa đông rét buốt năm ấy khiến 10 ngón tay nhăn nheo vì nước lạnh. Rồi cháu đi bán điện thoại, ít lâu sau lại không chịu được cảnh gian dối của tay kỹ thuật ranh ma sửa chữa ít phụ kiện nhưng lại viện cớ lấy tiền nhiều của khách. Giả dối kèm với bộ mặt lạnh như kem. “Sống gần lừa lọc, con sợ lây nhiễm nên đành bỏ đi chỗ khác vậy”. Rồi con tôi lại bỏ nghề. Cháu quay sang tự đọc sách ngoại ngữ tiếng Anh, nó tự học từ lúc nào không rõ, rồi cũng dịch thêm kiếm tiền và đi dạy thuê. 

Rồi xin làm thêm ở một quán ăn sang trọng. Khi tiếp xúc với đủ tầng lớp “thượng lưu” nhấc mình lên một bữa ăn, với báo giá vài triệu một người. Đám trẻ nhà ở quê lên thành phố chạy bàn rửa chén lại hay nhìn xuống đôi giày đánh giá con người. Con tôi xin mẹ hẳn tháng lương mua đôi giày 5 triệu đồng để đi cho bõ. Và đến khi bọn trẻ chạy bàn thừa nhận anh chàng có đôi giày 5 triệu, nói tiếng Anh và ngoại giao với khách rất được việc thì nó lại bị ốm. Nó nằm viện hai tuần vì sốt xuất huyết. Và nó không có gì bảo trợ, bị loại ra khỏi nhà hàng “vip” kia. 

Có đứa bạn từng chạy bàn với nó, đã đi bộ 5 cây số lên bệnh viện thăm anh với một chai vina đầy nước cốt dừa. "Em nghe người ta bảo anh uống nước dừa sẽ hạ sốt nhưng tháng này em chưa lĩnh lương". Lương của nó 4,5 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuê nhà, gửi biếu mẹ 1 triệu, em chỉ còn có 1,5 triệu đồng ăn uống, đi lại và tiêu pha. Đứa con tôi thương cảm lại dúi cho cậu bé ít tiền đi xe ôm và ăn uống trong vài ngày. Nó nhận ra mình có hẳn nhà và có mẹ lo cho ăn ngủ, còn sướng hơn người bạn biết bao nhiêu, mất việc cũng chả nên so đo làm gì?

Không ngờ đến lúc khỏe lại, nó đi đánh giày, hiệu giày hét giá 300 ngàn đồng tiền bảo dưỡng đánh xi. Nó tiếc tiền, lại chúi mũi vào học đánh giày, bảo dưỡng giầy cao cấp và nó say mê như học tiếng Anh lúc nhỏ. Nó học thâu đêm, suốt ngày mê mẩn với giày. 

Một lần nữa, con lại mơ ước mở quán đánh giày, chữa giày và dạy tiếng Anh tại gia. Nó bảo, ngày xưa, cụ Nguyễn Công Hoan gõ đầu có hai đứa trẻ, mặc quần vá mà vẫn viết “Người ngựa ngựa người” thật hay. Con cũng sống bằng nghề gõ đầu trẻ, nay học tập cụ xem sao. Là dạy học và đánh giày chứ không viết văn như cụ. Mặc dù nó viết cũng đâu ra đấy, nhưng tôi làm mẹ chỉ quan sát, để tự nhiên không ép buộc con chảy theo suy nghĩ của mình. Nó cũng có một cuộc đời như một dòng sông tự chảy. 

Một người bạn của tôi, có con trai từng đỗ thủ khoa 3 trường đại học. Không những thế, cháu còn đạt được học bổng ở Australia. Thời ấy, nhà cháu được cả khu tập thể mừng vì sự ưu tú và tài giỏi. Sau hai năm ở bên Úc, cháu được báo về nhà do trầm cảm và bỏ học. Cháu từng yêu một cô gái người Bắc Âu rồi bị bỏ rơi vì khác biệt văn hóa. Cháu không vượt qua được cú sốc, thế là trượt dốc. Cháu trở về, cứ như vậy trầm cảm đến ngày hôm nay. Thú thật, bệnh tự hào của các bậc cha mẹ về con cái, nào mặc đẹp, nào khoe "phây" (facebook), quyền riêng tư của con người cứ thế mà được phơi lên như thể không phơi không chịu được. Tiếng gáy mà không gáy bằng con gà kia là không xong. 

Từ bệnh tức nhau tiếng gáy của con gà mà con người dẫn đến bao bi kịch khóc không được mà cười cũng chẳng xong. Nhưng không  phải bậc sinh thành nào cũng chấp thuận theo tự nhiên để con cái thoả thích lựa chọn ngành nghề, lựa chọn cách sống độc lập không dựa dẫm vào cha mẹ.

tinngan_033229_162932597_0

Tôi của ngày xưa, chỉ cần có bát cơm gạo trắng với nước mắm, được đọc 1 cuốn sách hay là hạnh phúc lắm. Hãy bắt đầu từ việc nho nhỏ rồi nhìn sâu vào lòng mình, xem mình thực sự muốn làm gì để nuôi thân. Nếu chỉ cần có gạo trắng nước mắm, ăn no rồi nghĩ ra được điều mình thích làm thì như vậy là đủ. Đủ nuôi bản thân theo cách của mình đó cũng là một quan niệm sống tối giản và hạnh phúc.

Tôi viết để bạn gọi tôi lúc 0 giờ, xin hãy thôi nức nở, xin hãy bớt trút phiền muộn sang người khác. Thực chất ở đời, ai ai cũng leo dốc kiệt sức, chỉ có điều bạn phải chọn cách âm thầm như người mẹ vùng trung du không điện thoại, không nhắn tin, không chia sẻ với ai ngoài sự lầm lũi làm ruộng, cấy lúa, sàng sảy hạt gạo nuôi con.

Tôi quý trọng cách sống người mẹ được gọi là bầm trong thơ Tạ Minh Châu hơn người mẹ thành phố hay than vãn kia. Hãy vỗ về con cách đọc sách và cùng thưởng thức những câu chuyện hay của cuộc đời. Hãy cùng con tìm ra đáp số mà chỉ có người mẹ mới giải được. Lượng được sức học của con mình để cho con tự chảy theo suy nghĩ độc lập của nó. Như người đời bảo: “Ở gần chân đèn thì tối”, nhưng tôi tin thời công nghệ 4.0 các bạn trẻ ở gần chân đèn mà không tối. 

Các bạn ấy thông minh và hiểu cha mẹ mình hơn những gì chúng ta vẫn lầm tưởng: “Chúng nó không biết gì”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top