Hà Nội cần mạnh tay với dự án “ôm” đất hàng chục năm rồi bỏ hoang hóa

Hà Nội cần mạnh tay với dự án “ôm” đất hàng chục năm rồi bỏ hoang hóa

Trần Hồ
Trần Hồ tranvanhobaoin@gmail.com
Thứ Sáu, 02/04/2021 - 15:00

Hiện vùng ven đô Hà Nội có nhiều dự án chậm trễ đã hơn cả thập kỷ nhưng chủ đầu tư vẫn “chây ì” không chịu triển khai xây dựng. Đơn cử như dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai (Hà Nội Westgate) đã được giao đất từ 10 năm nay, qua nhiều lần điều chỉnh, gia hạn tiến độ nhưng đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.

Hà Nội Westgate có quy mô diện tích khoảng 52,5ha thuộc thị trấn Quốc Oai và xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Tại Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 3/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) giao CTCP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp thành viên của GamiLand làm chủ đầu tư dự án.

UBND tỉnh Hà Tây đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, cho phép đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị và có Quyết định số 2431/QĐ-UBND ngày 15/7/2008 về việc giao chính thức 52,5ha đất cho doanh nghiệp.

Đến năm 2018, UBND TP. Hà Nội có Thông báo số 948/TB-UBND về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hà Nội Westgate. Theo đó, tiến độ thực hiện dự án được điều chỉnh, kéo dài thêm 5 năm. Cụ thể, tiến độ thi công xây dựng từ quý IV/2018 và đưa công trình vào khai thác trong quý IV/2023.

Mặc dù dự án đã nhiều lần được điều chỉnh, gia hạn thời gian để thực hiện, nhưng đến nay, tất cả vẫn chỉ là một bãi đất hoang để chăn thả trâu, bò... Trong báo cáo của HĐND TP. Hà Nội (vào ngày 17/7/2018) về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai thì dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai nằm trong số 400 dự án rà soát có vi phạm. Dự án này bị bêu tên vì chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và chậm triển khai.

Tương tự, dự án Khu đô thị mới Nam đường 32 (tên thương mại là Westpoint Nam 32) do CTCP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư, sau cả một thập kỷ vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục xây dựng. Dự án Westpoint Nam 32 có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.700 tỷ đồng, quy mô dân cư khoảng 12.000 người, bàn giao nhà quý IV/2016. Thế nhưng cho đến nay, tiến độ triển khai dự án vẫn “ì ạch”, ngổn ngang và thiếu tính đồng bộ.

Đây là dự án được UBND tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt Quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 từ tháng 2/2008. Ngày 1/4/2010, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 531/TTg-KTN cho biết, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép tiếp tục triển khai dự án Khu đô thị mới Nam đường 32 như đề nghị của Bộ Quốc phòng tại Văn bản 246/BQP-VP ngày 16/1/2010.

Sau đó, đến tháng 8/2010, UBND huyện Hoài Đức có thông báo về việc thu hồi gần 47ha đất trên địa bàn xã Đức Giang, Đức Thượng và thị trấn Trạm Trôi để bàn giao cho CTCP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 thực hiện dự án đầu tư xây dựng dự án Westpoint Nam 32.

Tuy nhiên, vào tháng 2/2015, dự án này đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch tỷ lệ 1/5.000. Lúc này quy mô diện tích được phê duyệt tăng từ gần 47ha lên gần 50ha. 

Dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư mới triển khai xây dựng một số hạng mục nhà ở liền kề và các sàn môi giới vẫn đang rao bán. Hiện dự án có nhiều diện tích đất chưa triển khai, cơ sở hạ tầng vẫn còn ngổn ngang, thiếu tính đồng bộ, nhiều khu vực cỏ mọc um tùm, sắt thép hoen rỉ…

Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời gian 24 tháng, không ít chủ đầu tư vẫn “ôm” đất nhiều năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào.

Để ngăn chặn tình trạng này, vị chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc kiên quyết thu hồi, cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư “chây ì”. Ông Võ cho biết thêm, để xảy ra việc này có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên phải nhắc đến việc lựa chọn nhà đầu tư không bảo đảm yêu cầu. Theo đó, có tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng cố “lách” vào để có đất, sau đó không triển khai dự án mà chuyển nhượng lại.

Còn Ths.KTS. Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, dù Luật Quy hoạch đô thị ra đời từ năm 2009, có hiệu lực năm 2010 đã quy định các nội dung quan trọng: Một là tổ chức lập quy hoạch, hai là tổ chức thực hiện quy hoạch và thứ ba là quản lý đô thị theo quy hoạch được duyệt và dù luật pháp đã quy định chặt chẽ về trình tự thực hiện quy hoach và các tiêu chí bắt buộc của khu đô thị mới nhưng không nhiều khu đô thị mới được hoàn chỉnh theo đúng với những mục tiêu ban đầu. Kể cả những khu đô thị được gắn danh “kiểu mẫu” như Linh Đàm hay Trung Hòa - Nhân Chính cũng đã chìm vào dĩ vãng, từ nơi đáng sống trở thành nơi khó sống, cũng bởi chạy theo sự phát triển thiếu bền vững, bài toán thực thi quy hoạch không được làm tròn. 

"Lâu nay, bất cứ vấn đề gì trục trặc trong quá trình phát triển đô thị đều đổ lỗi cho quy hoạch. Điều đó là bất hợp lý. Vấn đề nằm ở chỗ thực thi quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch", ông Chiến phân tích.

Một thời gian rất dài, các đô thị đã phát triển theo hướng: Trên cơ sở quy hoạch chung, đô thị loang đến đâu thì đánh dấu đến đó, và mỗi vị trí đánh dấu như vậy là một dự án được hình thành. Nhà đầu tư căn cứ vào “dấu chéo” đó, rồi thuê đo đạc xung quanh, làm bản đồ, lập quy hoạch 1/2.000 và 1/500 sau đó khoanh vùng, xác định ranh giới dự án theo phương thức lấy đất trống đưa vào dự án, còn các khu vực làng xóm, dân cư cạnh đó bị bỏ ra ngoài. Điều đó dẫn đến việc hình thành dự án một cách tràn lan, không có trọng tâm, trọng điểm, không xuất phát từ nhu cầu và nguồn lực phát triển đô thị.

"Trong thực thi quy hoạch, ngoài viêc tuân thủ theo quy hoạch thì phải có kế hoạch. Nhưng giai đoạn đó thì không có kế hoạch mà dàn hàng ngang phát triển. Chủ đầu tư chạy đua nhau phát triển dự án, xin ở đâu thì được cấp ở đó. Bất kể ở vị trí nào, chỉ cần nằm trong vết loang đó là đánh dấu. Làm cho đô thị phát triển manh mún không kết nối được hạ tầng, không hình thành được bộ mặt đô thị, rất lãng phí đất đai", ông Chiến nhấn mạnh. 

Ngày 8/3/2021, HĐND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 21/QĐ-HĐND về việc thành lập Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố, tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Theo đó, Đoàn giám sát sẽ làm việc trực tiếp với các sở: Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và UBND các quận, huyện có dự án chậm triển khai và giám sát, khảo sát trực tiếp một số dự án chậm triển khai, chậm khắc phục vi phạm theo kết luận giám sát của HĐND thành phố.

Việc giám sát trên nhằm đánh giá kết quả thực hiện kết luận giám sát HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. Đồng thời, đánh giá về tiến độ, kết quả xử lý các vi phạm và làm rõ các tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế trong tổ chức thực hiện xử lý vi phạm. Từ đó đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhằm sử dụng đất hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và báo cáo kết quả giám sát với HĐND thành phố.

Tại thời điểm giám sát, có gần 400 dự án chậm triển khai, chưa giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thành quy hoạch, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, sử dụng sai mục đích… Các vi phạm này không mới, một số dự án chậm tiến độ kéo dài đã được HĐND thành phố cảnh báo, kiến nghị từ nhiều năm trước, song chưa được tập trung giải quyết triệt để, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhận được nhiều kiến nghị của cử tri.

Trước đó vào năm 2018, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã giám sát vấn đề trên. Theo Thông báo kết luận số 18/TB-HĐND ngày 16/8/2018 của HĐND TP. Hà Nội về Kết luận của Thường trực HĐND thành phố, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, vi phạm về quản lý đất đai, sử dụng đất của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn.

Theo thông tin báo chí đăng tải, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, hàng nghìn héc-ta đất trên địa bàn thành phố bị bỏ hoang phí suốt nhiều năm, do các chủ đầu tư chậm triển khai dự án hoặc vi phạm Luật Đất đai. Trong quá trình rà soát các dự án sử dụng đất chậm triển khai và vi phạm Luật Đất đai, cơ quan này kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư 29 dự án, với tổng diện tích hơn 1.844,3ha đất.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, hiện có hàng nghìn héc-ta đất trên địa bàn thành phố bị bỏ hoang phí suốt nhiều năm, do các chủ đầu tư chậm triển khai dự án hoặc vi phạm Luật Đất đai.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn. Hết thời hạn gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất đối. Sở cũng tổ chức hậu kiểm các dự án và tiếp tục đề xuất UBND TP. Hà Nội gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 18 dự án khác.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan ban ngành, đặc biệt là vai trò của Đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội, dư luận đang chờ đợi sự chuyển động tích cực từ các dự án chậm triển khai, để sớm giải quyết tình trạng hoang hóa, lãng phí đất đai.

2/4/2021 15:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top