Khởi nghiệp với mo cau, cô gái xứ Tiên tìm đường ra thế giới

Khởi nghiệp với mo cau, cô gái xứ Tiên tìm đường ra thế giới

Thứ Tư, 20/04/2022 - 06:09

Phan Vũ Hoài Vui: “Quyết định trở về quê khởi nghiệp là chấp nhận đi trên một con đường mới nhiều gian khó, nhưng mình quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc".

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 21: Khởi nghiệp với mo cau, cô gái xứ Tiên tìm đường ra thế giới

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Xứ Tiên Phước (Quảng Nam) trong ký ức của nhiều người dân vùng sơn cước này là bạt ngàn những hàng cau, trên mỗi con đường, vườn nhà, kéo dài qua từng xóm nhỏ, rồi lan rộng cho đến khắp núi đồi. Ở mỗi làng quê, cây cau gắn bó với bao kiếp người, từ những điều bình dị nhất, là trái cau miếng trầu dâng cúng tế trong các dịp lễ hội, là vật phẩm tình thâm trao nhau “cho môi đỏ, thắm nghĩa đậm tình”… Thân cau già rắn chắc dùng làm cột nhà, làm kho chứa lúa, lá cau lợp mái nhà che nắng, che mưa qua những ngày ấm lạnh. Và rồi đến chiếc mo cau, tưởng chừng như sẽ bỏ đi, nhưng ngày ấy các bà, các cụ vẫn tận dụng làm quạt, làm cái đài múc nước ở giếng làng…

Ký ức về mo cau cứ ngỡ chỉ còn trong tiềm thức của những thế hệ 5X, 6X thì giờ đây đã được chị Phan Vũ Hoài Vui (32 tuổi, quê xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) chọn để khởi nghiệp bằng cách biến chúng thành những đồ dùng thông dụng và thân thiện với môi trường.

Nghĩ là làm! Người con gái xứ Tiên đã thành lập HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam và từng bước đưa dự án sản xuất và kinh doanh sản phẩm gia dụng từ mo cau vào sản xuất. Đây là dự án duy nhất của tỉnh Quảng Nam lọt vào Vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2021 và nhận được giải thưởng “Chắp cánh tài nguyên bản địa” và nằm trong Top 24 dự án khởi nghiệp tiêu biểu.

MANG TÌNH QUÊ LÊN PHỐ THỊ

Ký ức từ những ngày tấm bé của chị Vui là trưa hè nắng nóng có chiếc mo cau được cắt xén tỉ mỉ và người bà ngồi cạnh bên vung vẩy cánh tay, vỗ về luồng gió mát cho lũ trẻ say giấc nồng bên hiên nhà. Những năm tháng ấy, nhiều nơi ở Tiên Phước còn chưa có điện, sản phẩm là đồ nhựa, quạt máy, điều hòa hiện đại như bây giờ là cái gì đó như câu chuyện cổ tích. Với Hoài Vui, trò chơi ngày ấy trong mắt lũ trẻ con miền sơn cước là tụ tập san sát nhau trên những bẹ cau to rồi hò hét kéo lê đi thật xa. Dần lớn lên, hương cau hòa quyện với hương bưởi trong vườn như đã thấm vào hương tóc, hòa quyện vào tâm hồn của bao thế hệ người dân nơi đây.

Mỗi lần đi trên con đường làng rợp bóng mát từ những hàng cau, Hoài Vui lại thấy mình thật nhỏ bé và luôn mơ về một ngày làm được điều gì đó để quê hương đổi thay.

Khi trưởng thành, Phan Vũ Hoài Vui chọn TP.HCM để học tập và lập nghiệp: Làm kế toán cho một doanh nghiệp và mở một trung tâm tiếng Anh.

Ngày ấy, thấy các đồng nghiệp ăn bữa cơm vội đựng trong hộp xốp, khay xốp, khay nhựa trong các quầy hàng, siêu thị... sau khi dùng xong lại vứt tràn ra môi trường lại khiến chị buồn và trăn trở. Đợt dịch Covid-19 đầu năm 2020 khiến công việc bị gián đoạn, chị về quê để thư giãn và tìm thêm hướng đi mới.

Chiều chiều, nhìn ra hiên nhà thấy chiếc mo cau rụng chị đã nhặt lấy và cầm mê mẩn trên tay, rồi tự đặt câu hỏi: Liệu những chiếc mo cau, bẹ cau này có thể làm nên nhiều thứ khác đẹp đẽ hơn không? Rồi từ đây, chị bắt đầu tìm hiểu, lên kế hoạch, tìm người tư vấn và dồn hết tiền tích góp để rời phố về quê lượm mo cau, bẹ cau… và thành lập nên HTX Nông nghiệp Kỹ nghệ Quảng Nam tại xứ sở “ngàn cau” này.

Tháng 9/2020, chiếc máy dập mo cau đã về đến xứ Tiên, chị Vui bắt tay vào sản xuất. Đây là một thử thách lớn vì từ trước đến giờ chỉ quen làm dịch vụ, giáo dục, nhưng nay chuyển sang làm sản xuất mọi chuyện như một tờ giấy trắng, mọi thứ đều tự tìm tòi, học hỏi từ cơ khí, máy móc, khuôn mẫu… Với chị Hoài Vui, đây không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm với gia đình, quê hương, bà con làng xóm và xa hơn là với môi trường rồi tự nhủ với lòng: Đây chính là áp lực và động lực để mình vững tâm hơn trên hành trình ấy!

“Quyết định trở về quê là chấp nhận đi trên một con đường mới, khởi nghiệp mà muốn làm giàu từ sản phẩm này thì sẽ rất lâu và gian khó lắm. Vẫn biết sẽ phải bước từng bước một với vô vàn khó khăn, nhưng mình tự nhủ sẽ cố gắng gấp trăm lần, không bao giờ bỏ cuộc”, chị Vui bộc bạch.

Mo cau, bẹ cau ở vùng đất Quảng Nam rụng từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Đây cũng là thời điểm người dân thu mua nguyên liệu chở đến HTX bán lại. Công đoạn sản xuất cũng không có nhiều sự phức tạp. Đầu tiên, mo cau khi mới rụng được phơi khô, đưa về xưởng phân loại, sau đó mang vào nước ngâm, rửa sạch. Tiếp theo, cho vào máy ép theo khuôn khác nhau như dĩa tròn, dĩa vuông, chén to, chén nhỏ, thìa...  sau đó đưa vào kiểm tra chất lượng sản phẩm. Sau đó tiếp tục đưa vào máy khử khuẩn để bảo đảm an toàn vệ sinh sản phẩm, cuối cùng là đóng gói nhập kho và phân phối.

Mỗi tháng cơ sở của chị Phan Vũ Hoài Vui tiêu thụ từ 30.000 – 40.000 bẹ, mo cau. Giá mỗi bẹ, mo cau không đáng là bao nhưng với số lượng thu mua nhiều thì mỗi tháng một gia đình ở quê cũng kiếm được một khoản kha khá để trang trải chi phí chợ búa, học hành cho con cái. Trong mỗi quý, giá trị thu mua bẹ, mo cau là 200 triệu đồng, qua đó dự tính trung bình một năm HTX thu mua từ các hộ nông dân từ 300.000 – 400.000 bẹ, mo cau nhằm mang lại lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao giá trị phế phẩm nông dân trồng cau cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn.

Hiện tại, HTX có 16 mẫu sản phẩm gồm khay, chén, đĩa, muỗng, hộp và quạt làm hoàn toàn từ bẹ, mo cau tự nhiên, thay thế hộp xốp, nhựa giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và an toàn cho sức khỏe của người sử dụng. Thoạt nhìn, các sản phẩm làm từ mo cau tựa như hình các sản phẩm làm từ vật liệu nhựa, nhôm nhưng bắt mắt và rất dễ nhìn. Ví dụ như một chiếc khay vuông được làm từ mo cau, các đường nét, điểm gấp khúc khá tự nhiên.

Chiếc mo cau vốn dĩ là bản thiết kế hoàn hảo nhất của thiên nhiên, mỗi chiếc có hình hài độc nhất vô nhị và vì thế không chiếc mo cau nào có thiết kế giống nhau. Đặc biệt, những sản phẩm làm ra đều giữ nguyên hương thơm thoang thoảng của mo cau, đem đến cho khách hàng cảm giác được trở về tuổi thơ, hòa cùng thiên nhiên với những điều bình dị, mộc mạc nhất.

Với sản phẩm này chị đã tìm hiểu thị trường và chọn tập trung vào các thành phố lớn, nơi có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang có thị hiếu thích các sản phẩm làm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường… Hiện sản phẩm từ mo cau của chị Vui đã có mặt ở các thành phố lớn, nhiều khách sạn như Hà Nội, TP.HCM, Hội An… doanh thu cũng tăng dần khi nhiều khách hàng biết đến sản phẩm. Mỗi ngày HTX sản xuất được hơn 1.000 sản phẩm các loại, mỗi sản phẩm chỉ từ vài nghìn đồng và thân thiện với môi trường nên được nhiều cơ quan, các nhà hàng tìm mua.

KHỞI NGHIỆP XANH THỜI ĐẠI DỊCH

Cũng giống như nhiều sản phẩm khởi nghiệp xanh khác trên thị trường, nguồn phân phối cho các sản phẩm từ bẹ, mo cau chủ yếu là đơn vị làm dịch vụ, du lịch như: Homestay, nhà hàng, khách sạn… và các cửa hàng dùng để đựng thực phẩm, rau củ quả. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho thị trường kinh doanh ngưng trệ. Các nhà hàng phải đóng cửa, ngành du lịch cũng đứng yên đã ảnh hưởng rất lớn đến lượng tiêu thụ sản phẩm. Chị Phan Vũ Hoài Vui cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất; thời tiết miền Trung khá khắc nghiệt, xảy ra nhiều bão lũ, mưa giông, ảnh hưởng việc phơi và tích trữ cũng như chất lượng nguyên liệu; nhân công hầu hết là phụ nữ nên mất nhiều thời gian để huấn luyện sản xuất và tác phong làm việc chuyên nghiệp; việc giao nhận hàng hóa gặp nhiều khó khăn và chi phí cao…

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chị Hoài Vui nghĩ thế và đã nỗ lực đưa ra những chiến lược marketing phù hợp với tình hình điều kiện hiện tại để đẩy mạnh kinh doanh, tích cực bán hàng online trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…

“Có lần mình nhận được phản hồi của khách hàng là các bạn dân phượt sử dụng sản phẩm trong mỗi chuyến đi vào rừng mà không phải thải ra rừng xanh hộp xốp như xưa nữa, trong lòng lại dâng lên niềm hạnh phúc”, chị Vui rạng rỡ.

Chia sẻ kinh nghiệm đưa sản phẩm “xanh” sống sót qua đại dịch, chị Vui tâm sự: “Với một người làm sản xuất, ai cũng sẽ muốn làm đơn vị phân phối, bỏ mối cho nhiều khu vực, nhưng cuộc sống thay đổi thì việc kinh doanh buộc phải thích nghi. Mình chọn cách lấy ngắn nuôi dài. Dịch bệnh là lúc nhu cầu thực phẩm tăng cao nên mình chọn các cơ sở thực phẩm để mở rộng hợp tác. Bên cạnh đó, nhận các đơn bán lẻ trên sàn thương mại điện tử, mình trân trọng những đơn hàng dù nhỏ và chắt chiu từng cơ hội sẽ là cách vượt qua giai đoạn khó khăn”.

Trong đại dịch, những nhà sáng lập các sản phẩm khởi nghiệp xanh cần thực sự có đam mê, nhiệt huyết để giải quyết bài toán về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh. Bởi dù mới phát triển, tiềm năng của các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có nhiều, nhưng khi niềm đam mê của các nhà sáng lập đủ lớn sẽ dễ “thu phục” nhà đầu tư và các nguồn tài trợ.

Theo chị Hoài Vui, chỉ có niềm đam mê thôi thì chưa đủ để khởi nghiệp, mà cần phải có kiến thức vững vàng trong lĩnh vực này, có uy tín cũng như khả năng mang lại hiệu quả kinh tế. Nó giống như nguyên tắc 4T của một doanh nghiệp được sắp xếp theo trình tự: “Tâm, Tầm, Tiếng, Tiền”. Bốn chữ T này rất phù hợp với các công ty khởi nghiệp xanh dù là có lợi nhuận hay phi lợi nhuận.

KỲ VỌNG VÀO KHỞI NGHIỆP XANH

Với khởi nghiệp xanh, chị Vui cho rằng, ở thị trường Việt Nam các sản phẩm vẫn chưa đến độ “chín” để phát triển, bởi mọi người chỉ đang nhận diện mà chưa biến thành hành động để thay đổi thói quen. Khó khăn này chưa dễ thay đổi trong xu hướng tiêu dùng toàn cầu, nhưng về lâu dài, chị Hoài Vui kỳ vọng Việt Nam và thế giới sẽ “tìm về với thiên nhiên”, tương lai sử dụng sản phẩm xanh sẽ tăng lên, việc kinh doanh sẽ phát triển tốt.

“Đặc biệt, chúng ta sẽ nhìn thấy xu hướng trong tương lai sau đại dịch lần này và các thiên tai đã trải qua là xu hướng thế giới quan tâm nhiều đến môi trường, sức khỏe, người tiêu dùng tiêu sài hướng xanh hơn để bảo vệ và đơn giản hóa lối sống của mình”, chị Vui lý giải.

Hơn hết, với việc kinh doanh các sản phẩm xanh, nếu chỉ làm bằng sự yêu thích thôi thì chưa đủ mà còn phải đặt ra cho mình một số mục tiêu tài chính, tức là phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, khởi nghiệp xanh đòi hỏi phải thật sự đam mê và kiên trì bền bỉ thì mới tạo ra được lợi nhuận. Như khởi nghiệp từ mo cau, giá trị là việc mang lại lợi ích cho quê hương, biến sản phẩm phế phẩm thành vật dụng hữu ích, bà con trong làng được dư giả chút ít, tác động dần đến việc người tiêu dùng dần thay đổi thói quen dùng đồ xốp, đồ nhựa… Rồi sau đó công ty mới đạt được lợi nhuận, bán hàng không chỉ là bán sản phẩm mà còn phải bán giá trị vì vậy phải thật bền lòng và kiên trì.

Nhắc đến yếu tố thị trường kinh doanh, chị Vui chia sẻ: “Chúng tôi đang lựa chọn cách liên kết với các khởi nghiệp xanh và hỗ trợ lẫn nhau để phát triển sản phẩm, cùng xuất khẩu, duy trì và tìm được chỗ đứng trên thị trường”.

Trong tương lai, mục tiêu của Hoài Vui vẫn là tìm hướng xuất khẩu. Năm 2021, doanh nghiệp đã xuất khẩu đi Hà Lan hàng chục nghìn sản phẩm và nhận được tín hiệu tích cực, thị trường tiêu thụ tốt, thị hiếu người tiêu dùng cũng cao. Vì vậy, chị đang gửi mẫu hàng và tìm cách liên kết với các đối tác khác ở Mỹ, Nhật Bản… với niềm tin thị trường này sẽ mang đến nhiều triển vọng.

“Nếu coi khởi nghiệp xanh là phát triển toàn cầu thì rất cần tư duy mở, doanh nghiệp cần đi ra thế giới xem những startup xanh đã làm gì và đang giải quyết bài toán phát triển thế nào? Bên cạnh đó khi khởi nghiệp các sản phẩm xanh đừng tự đặt giới hạn trong làng, xã, trong quê hương mà phải tìm cách vươn ra toàn cầu, bán cho người tiêu dùng khắp mọi nơi. Đó là cách để sản phẩm xanh định hình được thương hiệu và phát triển bền vững. Từ đây, sẽ tạo thiện cảm đối với bạn bè quốc tế, họ sẽ đến thăm Việt Nam, từ đó kích cầu các hoạt động khác trong nước như du lịch, dịch vụ…”, cô gái xứ Tiên tâm sự.

Tiếp theo là tìm những người cộng sự, vì chuyện không đơn giản là làm việc và trả lương mà cần tìm kiếm những người có chung tình yêu, khát vọng muốn tạo ra những sản phẩm xanh thì việc kinh doanh mới lâu bền. Để rồi truyền năng lượng tích cực, động lực cùng nhau đi tới và đủ sức vượt qua gian khó. Đặc biệt, theo chị Hoài Vui, công nghệ cũng là chiếc chìa khóa chủ chốt. Muốn thành công trong lĩnh vực này các doanh nghiệp phải dùng công nghệ tiên tiến và những công nghệ được chấp nhận trên khắp thế giới. Còn nếu khởi nghiệp xanh mà tư duy chỉ là Made in Vietnam thì doanh nghiệp sẽ không thể thành công.

Ngày nay, giới trẻ truyền tai nhau đến nhiều về câu hát: “Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau/ Cùng lắm thì mình về quê mình nuôi cá và trồng thêm rau” như một sự lựa chọn để “bỏ phố về quê’. Nhưng với chị Hoài Vui, cách khởi nghiệp xanh này không phải là “về quê” và “bỏ phố” mà “mang quê” để “lên phố” phát triển và mang sản phẩm vượt ra hàng cau làng để vươn ra thế giới.

“Mình sống ở TP.HCM và bay ra, bay về quê thường xuyên để chủ động trong việc sản xuất. Sự phồn hoa, phát triển của thành phố lớn sẽ giúp mình tìm thấy nhiều cơ hội, các đối tác và đầu ra cho sản phẩm. Muốn “về quê’ không nhất thiết phải “bỏ phố” mà cần sắp xếp công việc linh động và đi nhiều nơi để khám phá nhiều điều hay, học hỏi cải tiến sản phẩm mo cau xứ Tiên ngày một tốt hơn”, chị Vui nói thêm.

Không riêng gì sản phẩm khởi nghiệp từ mo cau của cô gái xứ Tiên, bất kỳ startup nào cũng phải loay hoay trong tiến trình thành lập, tăng trưởng, quản lý, thu xếp vốn đầu tư. Nhưng riêng về gọi vốn, startup xanh cũng có lợi thế riêng khi tiếp cận được thêm những nguồn tài trợ bền vững từ các chính phủ, các quỹ phát triển, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tập đoàn…

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) – United Way Việt Nam, Trưởng làng Thách thức và Sáng tạo xã hội – Techfest, khẳng định: Hơn 75% nhà đầu tư toàn cầu khẳng định cân nhắc về tiềm năng hoặc ra các quyết định đầu tư cho các doanh nghiệp tập trung vào ESG (môi trường, xã hội và quản trị tổ chức) và coi đó là một phần cốt lõi của chiến lược phát triển doanh nghiệp các nhà đầu tư toàn cầu. Từ đó các nhà đầu tư sẽ đánh giá về độ “xanh” của doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư.

Bằng trí sáng tạo, sự đam mê và nhất là ý thức coi trọng “mẹ trái đất”, ngày càng có nhiều bạn trẻ lựa chọn xu hướng khởi nghiệp xanh như cô gái xứ Tiên. Không cần ý tưởng quá cao siêu hay ứng dụng kỹ thuật làm thay đổi đời sống con người, khởi nghiệp xanh bắt đầu từ ý thức, trách nhiệm sống với môi trường, thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm thân thiện, an toàn nhằm hướng đến hệ sinh thái phát triển bền vững./.

Nhân Nghĩa - Ngọc Trâm
04/19/2022 16:31
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top