KTS Hoàng Thúc Hào: Niềm trăn trở giải mã gene vùng miền

KTS Hoàng Thúc Hào: Niềm trăn trở giải mã gene vùng miền

Thứ Năm, 30/01/2020 - 06:06

Không dễ dàng có được cuộc hẹn với KTS. Hoàng Thúc Hào. Anh không “chảnh” như người ta vẫn “mặc định” về một vị KTS rất nổi tiếng tại Việt Nam. Chỉ bởi, anh quá bận và quá mệt trong những chuyến đi kéo dài tới các vùng miền núi xa xôi.

Trở về Hà Nội sau chuyến đi Hà Giang, khuôn mặt anh đượm sự mỏi mệt. Nhưng, nhắc tới triết lý “kiến trúc hạnh phúc”, anh bắt đầu say sưa chia sẻ như cách mà anh thường hay ví von “thiết kế trong tình trạng lên đồng”.

PV: Nhắc đến “KTS. Hoàng Thúc Hào”, người ta thường nghĩ ngay đến những công trình kiến trúc cộng đồng. Anh có thể chia sẻ về công trình đầu tay mang tính cộng đồng của mình?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Công trình đầu tiên có tính xã hội tôi làm là từ những năm tháng sinh viên, dự án quy hoạch bảo tồn và phát triển làng gốm truyền thống Bát Tràng. 

Ngày ấy, chúng tôi đã bàn về vấn đề tiết kiệm năng lượng, ví dụ nhiệt thừa của lò nung gốm được dùng phục vụ sinh hoạt như đun nước, nấu cơm…, hay xỉ thải ra làm gạch xây dựng. Tất cả đều tạo ra sự bền vững trong một chu trình khép kín, có đầu vào đầu ra của sản phẩm, cũng như năng lượng thừa của lò gốm phục vụ dân sinh.

Có lẽ đây là dự án liên quan tới sinh thái đầu tiên tôi làm từ năm 1994 với tiêu chí: “Trả lại cho đất những gì của đất”.

PV: Đến bây giờ, có công trình cộng đồng nào khiến anh vẫn trăn trở?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Tôi từng thiết kế không gian Nhà tù Hỏa Lò thành Quảng trường Khoan dung. Hà Nội là thành phố vì hòa bình, bao nhiêu năm chiến tranh, Nhà tù Hỏa Lò là nơi giam giữ nhiều tộc người, từ châu Phi, Mỹ, Pháp đến các chiến sĩ cộng sản. Tôi muốn nó trở thành quảng trưởng, đến những ngày quốc tế, các cựu chiến binh sẽ diễn thuyết và chia sẻ: “Trong quá khứ, chúng ta đã có những hiểu lầm như vậy…”. Sự hiện diện của tiêu cực được xóa đi. Những bức tường giữ lại “xếp xó”, chỉ qua hình ảnh phản chiếu xuống mặt nước. Phần còn lại là khoảng trống, cây cối, nơi tổ chức nghệ thuật sắp đặt, triển lãm đường phố, chỗ trẻ con chơi, người già tập thể dục.

Sau này là bản vẽ về khu vực Hoàng thành, nhà Quốc hội. Phương án của chúng tôi được đánh giá cao sau phương án của Đức. Ý tưởng nổi bật vì tôn trọng văn hóa, bối cảnh. Hoàng thành như một công viên bao quanh lấy nhà Quốc hội. Công trình Quốc hội khối tích rất lớn nằm giữa quảng trường Ba Đình. Tầng 1 trong suốt, trống và nhẹ tạo điều kiện cho thảm cỏ xanh rộng lớn, đài liệt sĩ vô danh và công viên Hoàng thành có thể đối thoại thân thiện, không bị nhà Quốc hội chắn, ngăn cách.

Sau làm quy hoạch Hồ Gươm, một không gian cộng đồng lớn. Hồ Gươm hay nhất là sự đa dạng nhưng thống nhất về tỷ lệ, màu sắc, lúp xúp trong cây xanh với kiến trúc phố cổ, đình đền chùa miếu mạo phương Đông, nhà thờ phương Tây… Hồ Gươm tạo ra rất nhiều không gian cộng đồng nhỏ, phía Bắc là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, bên phải là vườn Lý Thái Tổ... Một chuỗi liên hoàn hệ thống không gian mở.

Tất cả những ý tưởng này đều được giải thưởng lớn nhưng vẫn nằm trên giấy. Kiến trúc không là bài văn hay bức tranh, ai viết thì viết mà có thể không cần người đọc. Kiến trúc phải có đơn đặt hàng. Bởi, ông kiến trúc sư không thể bỏ 4 - 5 tỷ đồng để xây tác phẩm, cần có sự đầu tư của xã hội. Kiến trúc như một bài hát, người ta có thể nghêu ngao mỗi ngày.

PV: Và anh đã làm gì để hiện thực hóa những bản vẽ mà mình luôn tâm huyết?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Cho đến một ngày, chúng tôi quyết định trở thành chủ đầu tư, tự làm công trình mình toàn quyền quyết hết.

Khi làm chủ đầu tư, tác phẩm bé thôi, vì chúng tôi không đủ tiền làm. Bé nhưng chọn được công trình nào đó cho đáng. Tôi nghĩ nhiều và nhận ra, văn hóa Việt xuất phát từ nông thôn, phải làm gì đó cho nông thôn? Người ta hô hào xây dựng cho nông thôn mà cuối cùng chẳng làm gì. Hoặc rất ít hiệu quả.

Nghĩ rằng làm cho nông thôn rồi, nhưng làm cái gì? Bà con quen ở tranh tre, nứa lá rồi thì không thích ở kiểu thế nữa, họ muốn nhà bê tông. Vậy chúng tôi chọn nhà cộng đồng và không bắt người ta ở đấy. Vì là món quà tặng nên chúng tôi được quyền lựa chọn những vật liệu mà mình thích. Thế mới có nhà cộng đồng Suối Rè làm từ đá, đất, tre phối hợp với nhau. Nhà cộng đồng Suối Rè trở thành công trình tiết kiệm năng lượng đầu tiên của chúng tôi.

PV: Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Hòa Bình), Nhà cộng đồng Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), Làng Homestay Nậm Đăm (Hà Giang)… và rất nhiều công trình mang tính xã hội khác được giới kiến trúc sư bình luận là những tác phẩm tuy không lớn về quy mô nhưng thể hiện rõ nét bản sắc địa phương. Từ khi nào anh đã ý niệm các tác phẩm của mình phải đậm sắc màu văn hóa?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Từ bé đi học, rồi trưởng thành, tôi luôn nghĩ kiến trúc gắn với văn hóa. Kiến trúc là biểu hiện của văn hóa. Nhưng gần đây, chúng tôi xây dựng triết lý kiến trúc hạnh phúc. Đó là kiến trúc vì con người và bảo vệ sự đa dạng văn hóa. Tôi nghĩ nó có mầm mống từ ngày xưa, từ bên trong tự thân con người chính tôi.

PV: Tại sao lại là “kiến trúc hạnh phúc” mà không phải một triết lý nào khác, khi “hạnh phúc” là cụm từ trừu tượng, khó đong đếm?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Khi làm Trung tâm hạnh phúc Bhutan, tôi mới nghĩ: “Tại sao Bhutan lại “đẻ” ra khái niệm hạnh phúc còn thế giới chỉ quan tâm đến GDP”. Đối với họ, hạnh phúc là con đường duy nhất chứ không phải tăng trưởng, không phải GDP. Ban đầu, Bhutan đề xuất tiêu chí này, nhiều nước cười, nhưng rồi các nguyên thủ đều công nhận.

Rồi tôi lại băn khoăn, trong kiến trúc có hạnh phúc không? Hạnh phúc của quốc gia là vậy thì hạnh phúc trong kiến trúc là gì? Dần dần, nhiều năm trôi qua, khi tổng kết lại, tôi mới nghiệm ra bản thân mình đã theo đuổi kiến trúc gắn với hạnh phúc.


PV: Như vậy, phải trải nghiệm qua nhiều công trình, suy ngẫm lại, chính bản thân anh mới “điểm mặt đặt tên”được 4 từ “kiến trúc hạnh phúc”?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Sau hơn 10 năm, chúng tôi bắt đầu tổng kết lại và xem đã làm được cái gì. Quá trình tổng kết giúp chúng tôi nhận ra những điều sâu sắc hơn, có quy luật hơn.

Nhưng tổng kết theo cách nào? Điểm chung nhất trong các loại tác phẩm là gì? Liệu có triết lý nào không? Tôi mày mò, chiêm nghiệm và nhận ra, kiến trúc của mình mang tính hiện đại hóa truyền thống, là ngạc nhiên bền vững. Tôi muốn làm ra một ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, không lai căng.

Tất cả các dự án từ trước tới nay đều do KTS chúng tôi dấn thân làm. Nay tổng kết, so sánh với bên khác, tôi nhận ra: À, từ ngày đi làm, mình đều mong muốn kiến tạo các kiến trúc có văn hóa. Đó là công việc bình thường chúng tôi vẫn làm, làm mỗi ngày nhưng không biết.

PV: Hạnh phúc trong ngôn ngữ kiến trúc của anh nên được hiểu như thế nào?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Khoảng 4 năm trở lại đây, tôi bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn về triết lý kiến trúc hạnh phúc. Đã có rất nhiều công trình mà các giáo sư Havard bàn về hạnh phúc bền vững, không phải hạnh phúc thoảng qua.

Bạn được trả lương hôm nay và hạnh phúc. Nhưng đó chỉ là hạnh phúc một ngày. Đó không phải là hạnh phúc của đời mình.

Hạnh phúc bền vững là gì? Nghiên cứu Havard chỉ ra, hạnh phúc bền vững là hoạt động có chủ ý, ý chí hướng thượng của con người trong dài hạn.

Có thể hiểu đơn giản như thế này, tôi có một cái gene khó thay đổi. Gene chiếm tới 40%, còn hoạt động chủ ý, hướng thượng của con người là 40%, trong khi ngoại cảnh chiếm 15 - 20%. Điều tôi muốn nói, mỗi người có một thiên hướng, một chủ ý, hướng thượng khác nhau. Có người mê leo núi. Có người dành cả đời sưu tầm đồ cổ. Hay như GS. Ngô Bảo Châu đam mê toán học, Bùi Xuân Phái sinh ra chỉ để vẽ.

PV: Làm thế nào để đo lường hạnh phúc trong một công trình thiết kế? Bởi đó là khái niệm không dễ dàng định lượng.

KTS. Hoàng Thúc Hào: Triết lý kiến trúc hạnh phúc phải có 3 trụ cột: Thứ nhất là KTS hạnh phúc, thứ hai là công trình “ngạc nhiên bền vững” và thứ ba là người sử dụng hạnh phúc.

KTS hạnh phúc nghĩa là họ thực hiện công việc có chủ ý, hướng thượng trong thời gian dài.

KTS hạnh phúc hướng tới làm những công trình vì con người, vì sự đa dạng văn hóa. Chủ đầu tư muốn làm nhà cao tầng có mật độ xây dựng cao nhất với số diện tích mét vuông bán ra nhiều nhất. Và họ chính là người trả tiền cho KTS. Nhưng KTS không thể làm như cái máy. Họ có thể nhận được một tỷ đồng tiền thiết kế nhưng niềm hạnh phúc sẽ hết sau một tuần.

Để công trình vì con người, vì văn hóa, KTS phải đối thoại kiên trì với chủ đầu tư. Đó là hoạt động có ý chí, hướng thượng trong thời gian dài.

Đến nay, rất nhiều công trình tôi làm theo đơn đặt hàng của các chủ đầu tư khác nhau nhưng điểm chung, họ đều tôn trọng chúng tôi. Và chúng tôi đã theo nguyên tắc như vậy từ lúc mở văn phòng, khi không có việc đến thời điểm hiện tại, quá nhiều hợp đồng. KTS phải làm ra một công trình vì con người, vì sự đa dạng văn hóa, có trách nhiệm kiến thiết xã hội, và sẵn sàng dấn thân vào kiến trúc xã hội - cộng đồng. KTS hạnh phúc là vậy!

PV: Vậy tính hạnh phúc của một công trình nên hiểu như thế nào?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Công trình hạnh phúc là gì? Một công trình hạnh phúc phải có sự tiếp biến văn hóa. Hạnh phúc là hạnh phúc bền vững, không những đẹp mà còn bền lâu.

Và theo thời gian, công trình đó càng đẹp hơn, cộng sinh thân thiện với cảnh quan. Công trình phải thích hợp với lối sống của những người ở đấy.

Nhưng muốn biết một công trình hạnh phúc không, phải sống mới biết. Ví dụ như tôi lấy một cô vợ vì ban đầu thấy hay. Nhưng muốn biết gia đình có hạnh phúc không thì phải sống lâu dài mới rõ.

Hạnh phúc còn thể hiện ở sự “ngạc nhiên bền vững, không chỉ là sốc tức thời”. Điển hình như thiết kế Chùa Một Cột. Đến bây giờ, không ai có thể bác bỏ được biểu tượng này. Đó còn là sự ngạc nhiên chậm trong quá trình dài. Các thế hệ tiếp nối, bồi bổ thêm cho tác phẩm. Công trình có sự kiểm nghiệm, cộng đồng cư dân tiếp nhận. Thời gian, văn hóa, lối sống cộng đồng của những con người đó hội tụ ở nơi đây. Đấy, KTS hạnh phúc là làm ra công trình mang đến ngạc nhiên bền vững như vậy, đến các thế hệ sau vẫn tiếp tục, không ngừng ngạc nhiên.

Sau quá trình tổng kết, chúng tôi rút ra: “Công trình hạnh phúc là tạo ra sự ngạc nhiên bền vững. Đó là ngạc nhiên chậm, ngạc nhiên hạnh phúc”.

PV: Còn yếu tố người sử dụng hạnh phúc thì sao, thưa anh?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Khi KTS hạnh phúc, công trình hạnh phúc thì tất yếu người sử dụng hạnh phúc. Ở công trình đó, họ thấy có ký ức, hiện tại và tương lai. Họ thấy vừa mới, vừa lạ, vừa quen, vừa khơi dậy cảm xúc hướng thượng. Cũng nơi ấy, họ đối thoại với đồng loại, với thiên nhiên. Người sử dụng hạnh phúc không chỉ là người dân, còn là chủ đầu tư, nhà quản lý. Bởi chủ đầu tư có chủ đích tạo ra công trình hạnh phúc thì rõ ràng họ cũng là người hạnh phúc.

PV: Trong tương lai, để tiếp tục theo đuổi kiến trúc hạnh phúc, để triết lý độc đáo lan tỏa, dự định của anh là gì?

KTS. Hoàng Thúc Hào: Những công trình như Hồ Gươm, Hoàng thành, trường học, hay nhà ở,… sẽ góp phần làm ra bản sắc Hà Nội. Nhiều công trình ngạc nhiên bền vững cùng tạo ra mã gene quy hoạch của vùng đấy. Mã gene cũng có quá trình, gắn liền với thiên nhiên, phong tục tập quán, lối sống nơi đó.

Mã gen của Hà Nội là gì? Tôi thấy chẳng có thủ đô nào lại nhiều làng và mặt nước trong đô thị như Hà Nội. Thủ đô có Hoàng thành Thăng Long, các làng nghề. Hà Nội bắt buộc phải có những công trình đối thoại với lịch sử, văn hóa, khung cảnh thiên nhiên, mới tạo ra mã gene của chính nó.

Thế nhưng, nhiều khu đô thị mới hiện nay được biến thành Băng Cốc. Chúng ta nên làm gì? Biến những làng xưa như thế nào cho đúng Hà Nội? Tại sao không thiết kế nhà cao tầng thành làng theo chiều đứng, rất Hà Nội? Đó chính là mã gene. Trong 2 - 3 năm tới, chúng tôi sẽ giải mã gene quy hoạch Hà Nội, Hội An, Huế… Đây là bước tiếp theo khẳng định kiến trúc hạnh phúc vì con người, vì văn hóa.

Chúng tôi sẽ không dùng hoàn toàn công trình của mình phân tích, mà đúc kết từ nhiều công trình của KTS khác nữa. Bởi một mã gene phải được tạo nên từ hàng nghìn kiến trúc sư. Riêng chúng tôi không thể làm hết được. Vì sáng tạo là vô tận!

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện! Chúc anh và các cộng sự thành công trong góp phần giải mã hệ thống gene kiến trúc, quy hoạch vùng miền!



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top