Trải nghiệm

Kỳ I: Đà Lạt lập đông, hoa dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ

Trải nghiệm - 06:32, 07/11/2020 G11T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Tôi đến Đà Lạt những ngày vừa hết mùa mưa cuối tháng 10, đầu tháng 11. Trên đường từ sân bay Liên Khương về thành phố, người tài xế taxi tên Thanh nói rằng, dã quỳ nở là mùa mưa dứt, Đà Lạt chỉ còn mùa Đẹp.

Nằm ở phía nam Tây Nguyên, Đà Lạt là điểm đến chưa bao giờ hết “hot” bởi đó là nơi gắn với những cái tên lãng mạn như thành phố ngàn hoa, xứ sở tình yêu, thành phố mộng mơ…

Lãng du trên xứ sở sương mù, nghe đâu đó tiếng hát về “thành phố buồn nằm nghe khói tỏa”, rồi lang thang trên những đường quanh co, gốc thông già, nắng nhè nhẹ và sương chiều lãng đãng, thật sự làm đắm mê du khách.

Khi mùa mưa đi qua, Đà Lạt bước vào những ngày đẹp nhất với đủ các loài hoa khoe sắc. Đó cũng là lý do mà loạt điểm đến Photo Travel tháng 11 giới thiệu từ kỳ này là một Đà Lạt lập đông, hoa vàng vừa mới nở; mùa của những trái hồng chín đỏ; mê mẩn những quán cà phê xinh xắn nằm núp dốc, hay góc “sống ảo” Kombi Land, một "thế giới xương rồng" giữa Đà Lạt và dốc Nhà Làng, những câu chuyện lý thú về xứ sở ngàn hoa…

Năm nay, hoa nở sớm ở nhiều nơi và Đà Lạt đang khoác lên mình chiếc áo choàng vàng ruộm, sưởi ấm cao nguyên lạnh bởi những cơn gió bất chợt, của ngày lập đông.

Những ngày thời tiết chớm lạnh, khắp núi đồi Đà Lạt bỗng phút chốc bừng sáng bởi sắc hoa dã quỳ.
Khắp mọi nơi, hoa nở vàng ruộm, khiến những bước chân như lạc lối vào chốn thiên đường hoang dại của giã quỳ, dịp cuối năm. 

Trên chuyến xe của anh Thanh, ca từ cứ da diết “Đà Lạt lập đông, hoa vàng vừa mới nở…” như viết riêng cho mùa hoa dã quỳ. Suốt dọc cung đường cao tốc Liên Khương về thành phố là những thảm hoa dã quỳ nở dày và đẹp lướt bên ngoài ô cửa kính, thật không thể hợp hơn cho cảm xúc chuyến xe mang âm hưởng của tông quỳ “vàng”. 

Trong cái se lạnh đầu đông hòa vào sắc vàng tươi của dã quỳ ấy khiến một lữ khách như tôi dù đặt chân đến Đà Lạt lần thứ ba vẫn thấy nao nao trước món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất, còn mình thì may mắn đến đúng thời điểm.

Thời điểm hoa dã quỳ nở đẹp nhất, Đà Lạt như khoác lên chiếc áo choàng vàng rực sưởi ấm cho vùng cao nguyên. Trong ảnh là suối hoa khoe sắc vàng rực trên hàng rào đá của gia đình bà Hồng ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, ngay ven đường từ sân bay Liên Khương về thành phố.

Theo thuyền thuyết, hoa dã quỳ Đà Lạt gắn liền với về câu chuyện tình bi thương của đôi trai gái người dân tộc K’Ho. Còn anh tài xế Thanh thì lại nói với tôi rằng, loài hoa này vốn được người Pháp đưa vào vùng đất cao nguyên này để trồng với mục đích làm phân bón cho các đồn điền cao su, cà phê, chè trong những năm đầu thế kỷ 20. 

Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như cúc quỳ, hướng dương dại, hướng dương Mexico, loài cây thuộc họ cúc này phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tương đối dễ sống và phát triển trong môi trường tự nhiên, loài hoa dại này cứ bắt đầu vào mùa khô Tây Nguyên là bung nở.

Là tháng của những con đường hoa dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ nên Đà Lạt thu hút rất đông du khách tham quan, chụp ảnh với dã quỳ. Từ Nha Trang lên Đà Lạt, Trang Cherry, nữ du khách trong ảnh không bỏ lỡ dịp check in giữa rừng hoa dã quỳ ở đèo Mimosa, cung đường đẹp nhất Đà Lạt…
… và men theo những khúc quanh của con đường đèo là những dải hoa dã quỳ nối tiếp nhau trải dài không dứt. Sắc vàng len lỏi xuống cả rừng thông, có nơi nhuộm thắm cả sườn đồi, rồi chạy dài bất tận theo con đường đèo quanh co.
Một nữ du khách khác tạo dáng bên thảm hoa dã quỳ, vàng rực rỡ trải khắp những con đường thành phố mộng mơ.

Mùa hoa dã quỳ kéo dài khoảng một tháng nhưng nở đẹp nhất trong 2 tuần, khi hoa nở rộ. Bông và cánh nhìn tương đối giống hoa Hướng Dương nhưng nở không to bằng. Vào mùa hoa, từ những con hẻm nhỏ ở các khu dân cư nội ô đến vùng ven đều phủ một lớp áo vàng của loài hoa dại này.

Ngoài ra, còn hàng loạt các địa điểm, cung đường để chiêm ngưỡng hoa dã quỳ như khuôn viên Đại học Đà Lạt, ga Đà Lạt... Còn xa hơn, các tuyến đường ngang qua huyện Đức Trọng trên tuyến Liên Khương - Đà Lạt, sân bay Cam Ly - Vạn Thành - Tà Nung, đồi chè Cầu Đất, đường đi Thung Lũng Vàng và Lang Biang... đều ruộm vàng màu hoa quỳ hoang dã.

Dù không được gieo trồng, chăm bón nhưng đến mùa lại lên, nơi nào có đất trống nơi đó chắc hẳn sẽ có bụi hoa dã quỳ. Dã quỳ nở đẹp nhất vào buổi sáng, khi vươn mình đón ánh nắng ngày đầu đông, trong không gian tĩnh mịch và khí hậu trong lành… 
… làm bất kỳ lữ khách nào cũng muốn trút bỏ mọi muộn phiền, muốn được sống giản dị như loài hoa ấy. 
Mới hôm nào còn là bụi dại ở biệt thự hoang ven đường chúm chím nụ, giờ cúc quỳ đã khoe sắc vàng rực khi mùa mưa dứt. Loài hoa thật đặc biệt, chỉ khép mình quanh năm buồn hiu quạnh, chờ đến lập đông mới bung sắc vàng rực, như mặt trời tỏa nắng giữa mùa đông, sưởi ấm tâm hồn và sưởi ấm cả Đà Lạt.

Năm 2015, để tôn vinh giá trị mà loài hoa mang lại, dã quỳ đã được lựa chọn làm biểu tượng chính trong lễ hội hoa Đà Lạt. Và thế là cứ lập đông, sắc dã quỳ lại làm rạo rực cảm xúc của lữ khách trên những cung đường Đà Lạt. 

Một cảm xúc sống thật chậm cho những ngày cuối năm, khi lòng người bộn bề công việc cũng phải dừng lại, trút bỏ mọi muộn phiền, được sống giản dị như loài hoa ấy trên cung đường ngang qua Đà Lạt.

Bạn đang đọc bài viết Kỳ I: Đà Lạt lập đông, hoa dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục