Trải nghiệm

Kỳ III: Dạo chơi trên đồi cỏ hồng và rừng thông xanh

Trải nghiệm - 06:05, 09/01/2021 G1T+7 - Phóng sự ảnh: Trọng Chính

Vốn là vùng đất nổi tiếng với rừng thông cổ thụ có dáng bonsai tuyệt đẹp, Đắk Đoa gần đây lại được du khách ví như “Đà Lạt thứ hai” ở phía bắc Tây Nguyên bởi một “thung lũng cỏ hồng”, ẩn dưới tán thông ở xã Glar.

Loại cỏ dại được người dân địa phương gọi với cái tên lãng mạn "cỏ hồng" cũng bởi màu sắc thay đổi khi mùa mưa dứt khiến thung lũng Glar trở thành điểm đến của du khách. Lại thêm sự thuận lợi về cung đường khi “thung lũng hồng” này chỉ cách thị trấn Đắk Đoa 3km, TP. Pleiku chừng 20km và nằm ngay bên đường 19, nối Tây Nguyên với miền Trung.

Vốn là cỏ lông chim mọc thành cụm, khi trời se lạnh chuyển tiết đông ở Gia Lai thì loại cỏ dại này có màu hồng bắt mắt. Cỏ thường mọc lên vào cuối mùa mưa, khi no nước bắt đầu đội đất mọc lên thành từng chùm, từng cụm trên nền đất đỏ bazan.
Với hơn 300ha, đồi cỏ Glar đặc biệt bởi nằm trên một thảo nguyên rộng lớn phủ đầy thông. Dưới những gốc thông hàng chục năm tuổi, màu của cỏ tương phản với màu xanh lá của thông tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp đầu đông ven phố núi Pleiku.

Phù hợp với vùng đất Tây Nguyên, loài cỏ lông chim này khi mới xuất hiện mọc thành khoảnh, thành đám dưới tán thông sau mùa mưa. Cứ đất trống, rừng thưa là cỏ mọc càng dày, trở thành những thảm êm dịu, mịn như nhung. Khi trời chuyển sang đông ở Gia Lai, loại cỏ dại này bắt đầu chuyển hồng, tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp ven phố núi Pleiku.

Với diện tích trải dài liên hoàn, đến đồi cỏ hồng, mỗi du khách dễ dàng tìm được những không gian dạo chơi, ngắm cảnh hay đạp xe dưới những tán thông xanh mát và con đường đất rực đỏ màu  bazan … 
Thời điểm đẹp nhất của thung lung Glar là khi gió mùa đông về mang theo khí hậu lạnh, thời điểm loài cỏ dại này đồng loạt trổ bông thành những thảm mịn như nhung…
… và đồi cỏ lại nằm cạnh những ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số người Jrai nên du khách đến đây còn có dịp trải nghiệm không gian sinh hoạt, văn hóa … mang đậm bản sắc dân tộc bản địa.

Cỏ hồng sẽ hoang hoải, riêng lẻ nếu không có những tán thông già, dáng bon sai ở Glar tạo điểm nhấn. Không phải đợi đến mùa cỏ hồng, đồi thông Glar đã tuyệt đẹp với những cây thông hơn 40 năm tuổi, cao chỉ tầm dăm ba mét, đâm cành ngang, nhánh dọc tạo dáng bon sai tuyệt đẹp. Với dáng tự nhiên của mình, mỗi cây thông mang một vẻ đẹp riêng trên đồi cỏ Glar.

Chính vì vẻ đẹp tự nhiên độc đáo của những cây thông già, dáng bon sai ở Glar mà khi đến với đồi cỏ, nhiều du khách đều không bỏ lỡ cơ hội để lưu lại những khoảnh khắc đẹp nơi đây.
Đồi cỏ trải dài vô tận được điểm xuyết bởi những tán thông hơn 40 tuổi…
… cao chỉ tầm dăm ba mét, đâm cành ngang, nhánh dọc tạo dáng bon sai tuyệt đẹp.

Bởi rừng thông xanh và thảm cỏ hồng như nhung mịn mà thung lũng Glar trở thành không gian hẹn hò của đôi lứa, phù hợp với các nhóm du khách tìm đến dã ngoại... Hai năm gần đây, có hẳn một “Lễ hội đồi cỏ hồng Glar” do huyện Đăk Đoa phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức. Không chỉ dạo bước nơi đồi cỏ, du khách còn có dịp trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của bà con các dân tộc Bana, Jrai bản địa ở đây.

Bước vào mùa đông, khi những đồi cỏ chuyển màu là thời điểm người dân trong vùng tìm đến xã Glar, dạo chơi trên thảm cỏ mịn và dưới tán rừng thông xanh.
Dù không phải là điểm đến du lịch nổi tiếng, Gia Lai vẫn có “đặc sản” níu chân du khách là “thung lũng cỏ hồng”. Rất nhiều du khách đến để tham quan, "check in" tại đồi cỏ dù chẳng phải thành phố du lịch như Đà Lạt. 

 

Bạn đang đọc bài viết Kỳ III: Dạo chơi trên đồi cỏ hồng và rừng thông xanh tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục