Trải nghiệm

Kỳ IV: Có một “tiểu” Nhật Bản nơi phố núi Pleiku

Trải nghiệm - 06:35, 16/01/2021 G1T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Gia Lai không chỉ ấn tượng với mùa cà phê đỏ mọng trái, những gốc thông già có dáng bon sai hay đồi cỏ hồng ngút mắt,… giữa lòng phố núi Pleiku là một ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo của xứ Mặt trời mọc.

Không giống những ngôi chùa mang đặc trưng Phật giáo Tiểu thừa, chùa Minh Thành có sự pha trộn cả kiến trúc chùa Trung Quốc, đền Nhật Bản và ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo các nước theo dòng Đại thừa như Thái Lan. Xây dựng từ năm 1964 bởi hòa thượng Thích Giác Đạo, được trùng tu, tôn tạo suốt hơn 10 năm qua, hiện chùa Minh Thành không chỉ là nơi các phật tử chiêm bái, lễ Phật mà còn thu hút rất đông du khách đến thăm và vãn cảnh. 

Trên ngọn đồi giữa lòng phố núi Pleiku, chùa Minh Thành là quần thể kiến trúc độc đáo, nổi bật với ngôi chánh điện cao 16m… 
… được trang trí bởi nhiều họa tiết cùng các linh vật như rồng, phượng và mây nơi diềm mái, đầu đao.

Quần thể kiến trúc chùa Minh Thành được bố trí theo hình thức đơn giản của mandala. Một vòng tròn tượng trưng cho đóa hoa sen nở trọn và là căn bản của vũ trụ luận Mật giáo, chánh điện với hai tầng, cao 16m ở giữa. Tầng dưới gọi là Đại Bi đường, nơi tôn trí tượng Bồ tát Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (nghìn tay nghìn mắt) cao 7,5m. Đại Hùng Bửu điện ở tầng trên, vị trí trung tâm tôn trí Đức Phật Tỳ Lô Giá Na bằng đồng cao 6m, nặng 16 tấn.

Bảo tháp xá lợi của chùa có kiến trúc tựa như ở những ngôi đền của đất nước Mặt trời mọc với 9 tầng, cao 70 m và là một trong những công trình kiến trúc cao nhất Pleiku, nơi có thể nhìn thấy từ nhiều địa điểm khác nhau quanh thành phố…

 

… khiến quần thể chùa Minh Thành trở thành địa điểm du lịch được nhiều du khách chọn làm nơi lưu lại những bức ảnh kỷ niệm, đặc biệt tiểu cảnh và những mái chóp uốn cong màu xanh ngọc.
Tượng Phật A Di Đà chạm trổ tinh xảo bằng đá, cao 7,5 m, nặng 40 tấn tôn trí uy nghiêm giữa hồ Liên Trì, nơi có những hàng liễu rủ xung quanh mặt nước.

Trước sân chùa có bức tượng đá A Di Đà cao 7,5 m, nặng 40 tấn đặt giữa hồ Liên Trì sen hồng nở quanh năm. Trước hồ là lư hương bằng đồng, cao 4 m, nặng hơn 4 tấn và được xem như lư hương đồng lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, bảo tháp của chùa Minh Thành cao 9 tầng, thiết kế ấn tượng với màu sa chu tôn kính của nhà phật. Theo các sư thầy, bảo tháp được xây dựng từ trên đỉnh xuống chân tháp, ngược lại so với cách xây dựng thông thường.

Bên cạnh các họa tiết được xử lý vô cùng tinh xảo từ các vật liệu đá và gỗ, chùa Minh Thành còn có không gian xanh được các nhà tu hành ở đây thiết kế hợp lý với cây xanh và các tiểu cảnh nhằm giảm phần thô cứng của các vật liệu trên. Trong ảnh là tiểu cảnh bên ngôi chánh điện trang trí tượng Phật, hồ nước, cây cảnh, bonsai.
Những cây liễu rũ bên mặt hồ tiểu cảnh khiến nhiều khách du lịch tưởng tượng rằng họ đang lạc giữa một ngôi đền thờ của xứ sở Phù Tang. 
Chánh điện và các tòa tháp trong chùa đều có những mái chóp uốn cong màu xanh ngọc...

Cùng với kiến trúc đặc biệt, chùa Minh Thành được bao bọc bởi một không gian xanh có diện tích khoảng 20.000 mthiết kế hợp lý từ cây cối, hồ nước cùng các tiểu cảnh tạo sự hài hòa, thoáng đãng, nhưng vẫn vẹn nét thanh tịnh nơi cửa phật tôn nghiêm.

…một lối kiến trúc giống các ngôi đền ở Nhật Bản.
Với hai gam màu chủ đạo là đỏ và xanh ngọc bích khiến ngôi chùa nổi bật cả một góc trời và gần đây trở thành điểm đến của các bạn trẻ, vãn cảnh chùa và tranh thủ "check-in" trong một không gian tựa như vừa có chuyến du lịch đến xứ Phù Tang.

Nếu từng ngất ngây với Phượng Hoàng Cổ Trấn hay những ngôi đền trên đất nước Nhật Bản, bạn hãy thử vãn cảnh chùa Minh Thành vào một chiều vàng nhạt nơi phố núi mờ sương để cảm nhận một sự bình an cho tâm hồn trong tiếng chuông chùa văng vẳng xa xăm.

Bạn đang đọc bài viết Kỳ IV: Có một “tiểu” Nhật Bản nơi phố núi Pleiku tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục