Trải nghiệm

Kỳ IV: Phố núi chiều lãng đãng mưa bay

Trải nghiệm - 06:30, 28/11/2020 G11T+7 - Phóng sự ảnh: Trọng Chính

Đà Lạt gây ấn tượng như cô nàng đỏng đảnh sáng nắng chiều mưa trong ngày đầu tiên tôi đến xứ này.

Buổi sáng, bình minh còn rót vàng nắng lên những nông trại rau, chói chang như hè buổi ban trưa, thế mà chiều đã mưa tầm tã. Dù ẩm ương thì Đà Lạt vẫn đẹp, chỉ khác là bạn có nhìn ra vẻ đẹp ấy không thôi.

Phố xá chìm trong sương mù, mưa bụi khiến Đà Lạt cuối chiều càng trở nên lãng mạn, nhất là khi ngang qua mấy quán cà phê cuối đường Trương Công Định, nơi những ca từ cứ da diết: “Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa/ Người lưa thưa chìm dưới sương mù” hay “Từng đôi đi trên phố vắng/ Bước chân êm giữa không gian”.

Đà Lạt có nhiều con dốc gây thương nhớ như dốc nhỏ trên phố Nguyễn Văn Trỗi trong ảnh, nơi cơn mưa chiều còn loáng nước làm màu bích họa và các bậc tam cấp trở nên huyền ảo, thôi thúc người ta khám phá…
…tiếp tục du ngoạn trong chiều mưa âm ỉ, dốc Trương Công Định nay đã thành “phố Tây” lại là nơi của những quán cà phê được yêu thích của du khách khi lên thăm xứ sương mù...

Mưa Đà Lạt làm dậy mùi lá thông, mùi đất đỏ nồng nàn, mùi của quang gánh hàng rong lầm lũi trong những ngõ phố. Người Đà Lạt không vội vã, mở ô bước đi lầm lũi trong cơn mưa chiều khiến lữ khách ngang qua tự nhiên theo bước chân cùng họ.

Trên những con dốc quanh co, lối đi trở nên bóng loáng nước, huyền ảo và thôi thúc người ta khám phá. Xuất phát từ địa hình mấp mô, không bằng phẳng, Đà Lạt là xứ sở của những con dốc có cả trăm năm tuổi mà chiều rộng vẫn như thuở ban đầu. Đó là lối đi hẹp, một nửa lát đá dành cho người đi bộ, nửa còn lại tráng xi măng dành cho người đi xe máy.

Quán cà phê phố núi luôn có những góc nhỏ lặng lẽ và ở đó, người ta có thể ngược miền ký ức, ghép nối những hoài niệm.
Góc phố Trương Công Định và Phan Đình Phùng với dốc Nguyệt Vọng Lầu nổi tiếng, nơi nổi bật bởi gam màu đỏ tươi, trẻ trung…
Chỉ cần tranh thủ khi cơn mưa tạnh là có ngay khuôn hình ảo diệu với những khung cửa sổ màu vàng mộng mơ. Đây cũng chính là một địa điểm check-in có tiếng của những du khách trẻ.

Lang thang nơi dốc phố, tôi có cảm giác như lạc vào mê cung bởi ở đó có thật nhiều ngã rẽ. Thoát khỏi mê cung ấy, du khách sẽ bắt gặp nếp nhà nhuốm màu thời gian của ông Bùi Công Danh nằm ở cuối con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Văn Trỗi. Trong căn nhà hơn trăm năm tuổi vẫn giữ nguyên nét kiến trúc xưa phố núi, người “muôn năm cũ” như ông Danh kể cho tôi nghe những ký ức về Đà Lạt chưa xa của mình.

Khi đã mỏi chân, ghé đoạn cuối dốc Trương Công Định, nơi nay đã trở thành “phố Tây”, là những quán cà phê vẫn mang nét đặc trưng rất riêng của Đà Lạt. Mỗi quán có một cách bài trí không gian khác nhau nhưng đều “dụ dỗ” người ta về với những dư âm xa vắng. Trong tiếng nhạc du dương một cuối chiều sống chậm, tôi ngồi đó ngắm những con phố ướt mưa và “lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ”.

Lần theo con ngõ nhỏ ướt nước mưa, tôi bắt gặp nếp nhà nhuốm màu thời gian của ông Bùi Công Danh nằm ở cuối đường. Đó là một ngôi nhà xưa cũ của Đà Lạt, hơn trăm năm tuổi và vẫn giữ nguyên nét kiến trúc xưa phố núi.
Những chuyến bus mang màu xanh đặc trưng của Đà Lạt xuất phát từ Thành phố đến hàng loạt các điểm đến vùng ven.
Chợ Đà Lạt, một điểm đến quen thuộc với người dân và khách du lịch, nơi có một Đà Lạt đời thường với bắp cải tím ngắt và màu hoa atiso của của người phụ nữ bán hàng dân tộc Cill...
… và nhiều điểm check-in nổi tiếng quanh chợ như góc “Hong Kong bên hông chợ Đà Lạt”.
Bức tường vàng “huyền thoại” ở Đà Lạt, nơi có góc "sống ảo" lấy cảm hứng từ phiên bản gốc Tiệm bánh Cối xay gió là điểm đến hấp dẫn du khách lên phố núi. Những ngày gần đây, khi tiệm bánh có bức tường vàng này đăng thông báo ngưng hoạt động, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ sự tiếc nuối. Nơi đây sẽ chỉ còn trong ký ức với những ai đã may mắn kịp ghi lại cho mình những khuôn hình rực rỡ, hoài niệm.


Bạn đang đọc bài viết Kỳ IV: Phố núi chiều lãng đãng mưa bay tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục