Aa

Ký ức nhỏ về chiến tranh

Thứ Ba, 04/05/2021 - 07:00

Ngày đó cuộc sống nghèo nhưng đầy ắp tình nghĩa. Những người ra đi và những người ở lại luôn bịn rịn mỗi khi chia tay nhau.

Chiến tranh in vào ký ức tôi đậm nhất không phải là những lần chạy chí chết để kịp lao xuống hầm trú ẩn mỗi khi có máy bay Mỹ lao đến ném bom Hà Nội, mà lại ở hình ảnh từng đoàn quân cứ nườm nượp đến rồi lại đi khỏi làng tôi mà không bao giờ thấy ai quay lại.

Buổi sáng nào đó khi chúng tôi tỉnh dậy đã thấy đường làng ngõ xóm ngập một mầu áo xanh bộ đội, súng ống, xe pháo, cùng vô số thứ quân trang, quân dụng. Họ dựng lán trại dã chiến, chia nhau vào ở nhờ trong nhà dân, mùi hành mỡ thơm lừng khắp làng trên xóm dưới. Ngoài luyện tập, ngày ngày họ chỉ học cách nguỵ trang, học chính trị, quét sơn đen lên đèn ô tô… Rồi, sau từ một đến hai tháng, mặt mũi ai nấy béo tốt, họ lại ra đi. Vào dịp đó làng tôi luôn như có hội. Những người như bố tôi thì khỏi phải nói, họp hành suốt ngày. Những người như mẹ, chị tôi… tất bật lo toan, cười nói rộn ràng.

Chúng tôi được ăn những thứ chỉ dành cho bộ đội. Chúng tôi được học phòng gian bảo mật, với khẩu hiệu ba không: Không biết, không thấy, không nói. Cảnh giác cao độ với bất cứ kẻ lạ mặt nào, nhất là khi họ hỏi về bộ đội.

Ký ức chiến tranh

Ngày đó cuộc sống nghèo nhưng đầy ắp tình nghĩa. Những người ra đi và những người ở lại luôn bịn rịn mỗi khi chia tay nhau. Toàn trai thanh gái lịch, kẻ đi người ở nhưng hầu như không xảy ra chuyện quan hệ thân xác. Suốt ngần ấy năm, có lẽ phải tới hàng vạn người lính đã ghé qua làng tôi trước khi ra trận, tôi chưa hề gặp lại bất cứ ai. Họ đi và mất hút. Nhiều người, như sau này tôi biết, chết ngay khi chưa vào đến chiến trường.

Ngoài ra, kí ức về chiến tranh còn là hình ảnh và cuộc đời cô út của tôi. Cô đang làm ở phòng lương thực huyện, thì bố tôi, khi đó là bí thư kiêm chủ tịch xã, động viên để cô vào bộ đội. Cô trở thành y tá, vào ra Trường Sơn ba lần, trực tiếp tham dự trận Khe Sanh, trận tổng tiến công năm 1968.

Những lá thư cô gửi về, phải sau mấy tháng mới đến tay bố tôi và ông thường đọc bí mật. Có lẽ vì ông không bao giờ tin em gái mình lại còn có thể sống sót trở về. Tuy thế, ông luôn giục chúng tôi viết thư cho cô.

Một lần tôi đọc trộm thư của cô. Cô kể về trại quân y dã chiến. Xung quanh cô la liệt thương binh. Rừng trơ trụi lá vì thuốc hoá học. Trong đêm cô phải xuống suối cách đó khá xa để lấy nước và bị con lợn lòi đuổi theo, suýt nữa thì nó ngoạm được vào chân cô. Sau khi kể xong, cô bảo bố tôi: “Anh ạ, chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng. Nhưng cứ tình cảnh này thì chắc là em sẽ vĩnh biệt mẹ, anh chị và các cháu mất”. Tôi đã khóc thầm nhiều đêm vì thương cô và cứ trăn trở mãi về những điều cô nói. Tôi chỉ biết thỉnh thoảng tự mình viết cho cô một lá thư, thay cho lời cầu mong cô bình an.

Ký ức chiến tranh

Năm 1971, giữa lúc chúng tôi đang ở nơi sơ tán vì trận lụt kinh hoàng, thì cô và chú rể tôi sau này đột ngột xuất hiện. Tôi vẫn nhớ như in vẻ mặt thẫn thờ của bà nội khi nhìn thấy cô. Bà không tin là thật. Tin làm sao được. Bà tưởng mình nằm mơ. Mãi sau bà mới lao vào ôm cô, khóc to đến nỗi mọi người xung quanh tưởng gia đình tôi có chuyện gì. Tôi thì nép vào khe cửa, sụt sùi lau nước mắt.

Sau này, khi hòa bình trở lại và cô út của tôi đã có một cuộc sống yên ổn, có lần tôi nài cô kể chuyện chiến tranh, thì cô chỉ bảo: “Cô cũng không muốn nhớ lại nữa, kinh khủng lắm”. Nài mãi, cô chỉ nói được đúng một câu: Họ đều còn rất trẻ, vậy mà có trận đánh họ nằm chết như ngả rạ”.

Rồi cứ thế cô ôm mặt khóc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top