Lời giải cho bài toán phát triển đô thị Việt Nam trước bối cảnh Covid-19

Lời giải cho bài toán phát triển đô thị Việt Nam trước bối cảnh Covid-19

Thứ Bảy, 07/11/2020 - 06:35

“Một thành phố tốt cần giống như một bữa tiệc vui. Khách khứa nán lại bởi họ cảm thấy thích thú”, KTS. Jan Gehl đã nhận định như vậy trong hành trình nghiên cứu, định nghĩa để góp phần kiến tạo những đô thị vị nhân sinh. Tuy nhiên, trước những diễn biến về đại dịch và biến đổi khí hậu đang diễn ra, một đô thị đáng sống còn phải là một đô thị bền vững, một đô thị đủ linh hoạt để thích ứng, chống chọi trước những bất thường của môi trường tự nhiên và xã hội. 

Đâu là lời giải cho bài toán phát triển đô thị của Việt Nam trước bối cảnh hậu Covid-19, nhân ngày Đô thị Việt Nam (8/11), Cà phê cuối tuần xin giới thiệu bài viết của TS. KTS Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam.


Ecopark, một trong những khu đô thị đáng sống nhất của Việt Nam với quy hoạch bài bản và chất lượng của tư vấn quốc tế. Chủ trì đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết: Nguyễn Đỗ Dũng

Sau hơn 30 năm đổi mới, cùng với quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, tốc độ đô thị hóa của nước ta ngày càng tăng nhanh, hệ thống đô thị quốc gia được quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều đô thị, điểm dân cư nông thôn, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, kết cấu hạ tầng... đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, hoặc cải tạo mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước. 

Năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt trên 40%, với 833 đô thị. Hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, kể cả khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhìn chung, diện mạo kiến trúc, đô thị, nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đô thị tại Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Số lượng các khu đô thị tăng lên nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các khu đô thị vẫn còn thấp, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do rác thải, nước thải chưa được xử lý và tính toán kỹ về mặt quy hoạch...

Thành phố mới Bình Dương - đô thị thông minh tiên phong trong Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương. Chủ trì đồ án quy hoạch chi tiết: GS. Heng Chye Kiang.

Bên cạnh đó, đô thị Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng... Đây là những thách thức lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo đô thị, điều kiện, môi trường sống của người dân và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay.

Trong bối cảnh nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong nền tảng của Quốc gia khởi nghiệp và cuộc sống bình thường mới hậu Covid-19 và những thách thức không nhỏ mà đô thị Việt Nam đang phải đối mặt, một câu hỏi lớn đặt ra là: Lời giải nào cho bài toán phát triển đô thị của Việt Nam? 

ĐÔ THỊ THÔNG MINH: XU HƯỚNG TẤT YẾU

Đô thị thông minh là một khái niệm rộng lớn theo cách hiểu của nhiều người, nhiều quốc gia, nhưng về cơ bản đều đề cập tới việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền đô thị, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đô thị được gọi là thông minh phải dựa trên sự đánh giá mức độ thông minh của cơ sở hạ tầng tác động lên các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, xây dựng, năng lượng, quản trị… Mục tiêu cơ bản của đô thị thông minh là quản lý hiệu quả năng lượng, giảm ô nhiễm, đảm bảo an ninh, hay nâng chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân. Nhưng khó khăn lớn là cần nhiều tiền đầu tư cho hạ tầng công nghệ. Và đó là lý do mà nhiều nơi đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh theo hướng phân đợt, bước đi... hay thông minh theo từng lĩnh vực được ưu tiên lựa chọn… (Ví như quản trị/chính quyền điện tử, giao thông thông minh…).

Cần hiểu rằng mục tiêu cuối cùng không phải là “thông minh”, là sự hiện diện của rất nhiều cảm biến và thiết bị vận hành thông minh trên các đường phố và toà nhà, mà chính là chất lượng cuộc sống đô thị được nâng cao cho người dân. Việc ứng dụng công nghệ là công cụ và việc lập khung quy hoạch tích hợp, bài bản chính là cách thức để được mục tiêu bền vững đó. 

Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc nghiên cứu và triển khai đô thị thông minh. Trong đó, đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Với mục tiêu khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay; giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững và cung cấp nhiều dịch vụ cho đời sống xã hội, người dân. Để xây dựng đô thị thông minh, trong thời gian tới TP.HCM sẽ ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ với bộ máy hành chính (nâng cao công tác quản lý điều hành) mà còn với mọi lĩnh vực đời sống, xã hội liên quan trực tiếp tới người dân, trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu; Xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội; Xây dựng trung tâm điều hành thông minh và an toàn thông tin…

Quy hoạch Khu đô thị sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hay còn được biết đến với tên gọi Thành phố phía Đông hoặc Thành phố Thủ Đức. Thực hiện bởi Liên danh tư vấn Sasaki (Hoa Kỳ) và enCity (Singapore).

Việc quản trị đô thị sẽ dần chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động. Thay vì chỉ phản ứng khi xảy ra sự cố, bức xúc của người dân, chính quyền có thể sử dụng công cụ thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn cùng các công cụ phân tích... để xử lý thông tin, dự báo các vấn đề có thể xảy ra, xây dựng các chiến lược phát triển, kịch bản và giải pháp ứng phó phù hợp

Như vậy, một đô thị thông minh sẽ phản ứng trước thách thức gia tăng dân số tốt hơn so với một đô thị truyền thống. Bằng cách sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, chính quyền các thành phố có thể tiết kiệm ngân sách, cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai.

THÀNH PHỐ ĐÁNG SỐNG - NHÌN TỪ THẾ GIỚI

Theo TS. Dietmar Hahlweg, cựu Thị trưởng thành phố Đức Erlangen đã từng chia sẻ rằng: “Một thành phố đáng sống là nơi tôi có thể có một cuộc sống lành mạnh, có cơ hội di chuyển dễ dàng - đi bộ, đi xe đạp, đi bằng phương tiện giao thông công cộng, hoặc thậm chí bằng xe hơi nếu không có sự lựa chọn nào khác.

Thành phố đáng sống là thành phố cho tất cả mọi người. Điều đó có nghĩa nó cần phải hấp dẫn, thú vị, an toàn cho con em, ông bà, cha mẹ chúng ta, chứ không chỉ dành riêng cho những người đến làm việc, kiếm tiền, sau đó đi và sống đâu đó ở vùng ngoại ô hay những cộng đồng lân cận. Đặc biệt quan trọng là trẻ em và người già cần phải được tiếp cận dễ dàng với không gian xanh, có nơi để vui đùa và gặp gỡ nhau, trò chuyện cùng nhau...”.

Theo hãng tư vấn nhân sự Mercer (doanh nghiệp tư vấn của Vương quốc Anh) và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit, các tiêu chí chất lượng sống phải gồm có những yếu tố như khả năng kinh tế, ổn định chính trị, chăm sóc y tế, môi trường, an ninh an toàn, giáo dục, giao thông…

Thử nhận xét qua một số thành phố đáng sống nổi tiếng trên thế giới sẽ thấy rõ việc các thành phố này đã và đang đáng sống như thế nào. Ví như Vienna (Áo), đây là thành phố từng được tổ chức UNESCO phong tặng danh hiệu Di sản thế giới. Vienna là một thành phố mà lịch sử và hiện đại cùng tồn tại song song. Đến giờ Vienna vẫn giữ được nét quyến rũ vừa hiện đại vừa đầy chất thơ có dòng sông Danube êm đềm chảy qua thành phố và khu rừng Vienna xanh tươi bao bọc.

Tại Zurich, dù được mệnh danh là thủ đô tài chính của Thụy Sĩ song nơi đây lại thu hút nhiều du khách và người yêu nghệ thuật nhờ hệ thống bảo tàng và lễ hội văn hóa độc đáo. Cũng tại đất nước này, thành phố Bern đã có lịch sử phát triển hơn 500 năm, không chỉ được biết đến là thủ đô của Thuỵ Sĩ, mà còn là một trong những thành phố cổ kính và đẹp nhất châu Âu. Du khách đến Berne cảm thấy rất thoải mái đi trên những con phố cổ của thành Bern nơi mà những chiếc xe hơi không được phép qua lại. 

Hay Vancouver, một thành phố lớn thứ ba và cũng là hải cảng lớn của Canada. Vancouver có địa hình phong phú nên sở hữu nhiều thắng cảnh đẹp. Những ngọn núi mang nhiều hình dáng lạ mắt khác nhau, bãi biển thơ mộng, rừng nguyên sinh, thảm cỏ rộng lớn và các con đường dọc theo bờ biển làm cho Vancouver thật sự khác biệt với các thành phố khác.

Còn Dusseldorf không chỉ là trung tâm tài chính lớn thứ hai ở Đức mà còn là được mệnh danh là thành phố mua sắm. Dusseldorf nổi tiếng với dãy phố Konigsallee, nơi tập trung mọi loại nhãn hiệu quần áo thời trang nổi tiếng, các cửa hàng đồ trang sức, nước hoa, đồ gốm sứ cao cấp và đồ cổ. Dusseldorf còn có một vài công viên với những bãi cỏ xanh và cây cổ thụ. Ngay cạnh khu phố cổ là công viên trung tâm Hofgarten, là nơi mọi người đi bộ, thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng.

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, với tầm nhìn là cửa ngõ hàng hải quốc tế, đô thị thông minh, bền vững và đáng sống. Thực hiện bởi Liên danh tư vấn Aecom (Hoa Kỳ) và enCity (Singapore).

KIẾN TẠO ĐÔ THỊ THÔNG MINH VÀ ĐÁNG SỐNG - LỰA CHỌN CỦA VIỆT NAM

Trong dự thảo Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Xây dựng xác định, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh, hiệu quả, có chất lượng; bền vững hơn về môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đảm bảo được an ninh lương thực. Trên cơ sở tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh, đổi mới mô hình phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo Mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững.

Hiện nay trên thế giới có nhiều lý thuyết và quan điểm khác nhau về phát triển đô thị: Thành phố sống tốt, thành phố toàn cầu, thành phố phát triển bền vững, thành phố thông minh hơn… và nhiều cách đánh giá khác nhau. Tuy có nhiều điểm khác biệt, nhưng nhìn chung khi nói đến phát triển đô thị người ta đều luôn đề cập đến một sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội một cách bền vững với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị phải khá giả hơn lên, sống tiện nghi hơn và hạnh phúc hơn.

Những dự án thành công, có sức cạnh tranh cao trên thị trường là những dự án có quy hoạch tốt, đảm bảo hiện thực hoá được những bản vẽ đẹp thành những khu đô thị có sức sống

Việc kiến tạo đô thị thông minh và đáng sống chính là việc tích hợp có tính thời đại giữa hai yếu tố thông minh và đáng sống. Đô thị đó đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề của quá trình phát triển đô thị trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, gắn với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sống của con người. Đây là mô hình phát triển đô thị ở trình độ cao phù hợp với xu hướng chung trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Mô hình đô thị thông minh và đáng sống phát triển theo hướng bền vững là một đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác, đáp ứng cơ bản 10 nhóm tiêu chí đô thị đáng sống với mục tiêu cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả vận hành và các dịch vụ cũng như khả năng cạnh tranh của đô thị, đồng thời đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế, xã hội và môi trường… là cách lựa chọn thông minh và đáng khích lệ hiện nay.

Trong hai giá trị vật chất căn bản tạo dựng chất lượng môi trường sống trong đô thị: Thiên nhiên (địa hình, khí hậu, mặt nước, cây xanh...) và nhân tạo (không gian, kiến trúc, hạ tầng...) của một đô thị, giá trị nhân tạo thường có vị thế chủ động được điều tiết bởi ý thức của con người. Theo đó, việc quy hoạch hệ thống không gian công cộng trong cấu trúc đô thị là một yêu cầu, một nguyên tắc bắt buộc trong quy hoạch tổ chức không gian, nhằm đáp ứng các nhu cầu sống, sinh hoạt, giao lưu... tối thiểu của mọi người dân sống trong đô thị.

Không gian công cộng tiện nghi, sống động và đậm chất văn hoá địa phương được chú trọng trong các đồ án quy hoạch xây dựng mới cũng như cải tạo chỉnh trang. Một dự án được thực hiện bởi enCity.

Thách thức đặt ra là liệu chúng ta còn có khả năng đóng góp một cách khiêm tốn cho sự phát triển của các đô thị. Việc chúng ta cần làm không chỉ mở rộng ranh giới đô thị, tăng số lượng các khu đô thị mới mà còn tiếp tục tạo ra cho người dân một không gian sống có thể thích ứng với những thay đổi về lối sống và những biến đổi về kinh tế. Liệu chúng ta có thể duy trì được toàn vẹn hệ thống không gian công cộng đô thị? Sự sao nhãng tính hiệu quả cũng như năng lực thiết kế, quản lý còn hạn chế... đã tạo cơ hội cho lãng phí đáng kể nguồn tài nguyên đất đai; sự chạy đua về lợi nhuận đã làm cho hệ thống không gian công cộng chỉ mang tính hình thức/hàng mẫu để trình diễn là chính nên chúng rất mờ nhạt, không rõ ràng, thiếu minh bạch và không ổn định dài lâu...

Chất lượng sống và quan điểm bình đẳng sống trong đô thị mang tính nhân văn cao của một một xã hội dân chủ và tiến bộ. Nó thể hiện bản chất của một đô thị vị nhân sinh hay đô thị vì con người là cốt lõi cuối cùng. Mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người trong đô thị như chỗ ở, việc làm, đi lại, học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi... đều cần được quan tâm đầy đủ và bình đẳng. Cùng với xu hướng hội nhập, mở cửa, các đô thị Việt Nam cần được phát triển dựa trên những đặc điểm riêng mang tính đặc thù của điều kiện tự nhiên, cái nền của văn hóa truyền thống, để tạo ra bản sắc nhưng vẫn đủ thông minh, hiện đại, đủ sức cạnh tranh với nhiều đô thị trong nước và khu vực. 

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh như hiện nay, việc xây dựng những khu đô thị thông minh và đáng sống đang là đích đến của các doanh nghiệp phát triển bất động sản chuyên nghiệp. Những dự án thành công, có sức cạnh tranh cao trên thị trường là những dự án có quy hoạch tốt, đảm bảo hiện thực hoá được những bản vẽ đẹp thành những khu đô thị có sức sống. 

Các cư dân hiện đại ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn về không gian sống. Với họ, một ngôi nhà giờ không chỉ đơn thuần để che mưa, che nắng, đó còn phải là nơi có không gian sống chất lượng, nơi mỗi người có thể trải nghiệm những tiện ích, những công nghệ mới. Họ có thể sống chan hoà với thiên nhiên, cỏ cây, và lưu giữ từng khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời. 

Do đó, các chủ đầu tư phải đổi mới cách làm để cho ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của đô thị hiện đại, phù hợp với thu nhập của người dân. Các doanh nghiệp phải chuẩn bị quỹ đất dự án, làm quy hoạch bài bản, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ, pháp lý chỉn chu thì mới có thể huy động vốn từ ngân hàng, từ nhà đầu tư thứ cấp. Trong đó, bản vẽ quy hoạch chi tiết của dự án cần được hiện thực hoá ra các công trình như: Không gian công cộng, vườn hoa, đường dạo… đây vốn là vấn đề gây tranh cãi nhất khi quy hoạch một khu đô thị.

Cùng với việc nguồn cung thiếu hụt như hiện nay, tôi cho rằng, một dự án đô thị thông minh  và đáng sống với quy hoạch bài bản chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của thị trường. Việc các đô thị thông minh đáng sống thành công sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn cho mục tiêu xây dựng hệ thống đô thị Việt Nam theo mô hình mạng lưới xanh, thông minh và bền vững. Từng khu đô thị thông minh và đáng sống mới có thể tạo nên một đô thị lớn thông minh và đáng sống. Điều này còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững và lớn mạnh hơn.

An An 
Lê Quyên
07/11/2020 06:30


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top