Aa

Lũy tre làng

Chủ Nhật, 27/12/2020 - 07:00

Chúng ta hăm hở công nghiệp hóa hiện đại hóa làng quê với nhà cao tầng, với bê tông cốt thép, với mái tôn đỏ xanh nhức mắt. Để rồi sau đó, bỗng chúng ta lại thấy tiếc nuối và nhớ nhung cái làng quê êm đềm trong trẻo

Làng tôi xưa vốn có một lũy tre bao quanh. Mà không cứ làng tôi, hình như làng quê nào của vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày xưa cũng vậy, cũng có những lũy tre xanh bao quanh. Chả thế mà có kha khá các nhạc sĩ khi viết về làng quê thường lấy hình ảnh xanh bóng tre cho ca từ của mình. Ví dụ: “Làng tôi xanh bóng tre…”, hay: “Làng tôi sau lũy tre mờ xanh…”, nghe rất thân thương, du dương trầm bổng làm sao.

Có nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, văn hóa Đại Việt đạt đỉnh cao ở thời Lý- Trần, mà nền tảng của nó là văn hóa làng xã. Hồi ấy làng được thiết kế như một mô hình chính quyền nhà nước thu nhỏ. Làng được triều đình trao quyền tự trị khá nhiều. Đóng cánh cổng làng lại, sau lũy tre là công việc của làng chứ không phải việc nước. Nhà nước nhiều khi không can thiệp được vào việc làng. Chả thế mà đã có câu phương ngôn: “Phép vua còn thua lệ làng”! 

Trong làng có ông lý trưởng đứng đầu trông coi mọi việc, có tuần đinh tối đến đóng cổng canh gác bảo vệ làng xóm. Mỗi khi có hiệu lệnh trống chiêng báo hỏa hoạn, cướp bóc là mọi người nhất tề xông ra ứng cứu. Và nhất là làng còn có hội đồng kỳ mục, gồm những bô lão đức cao vọng trọng, lớn tuổi, có uy tín thường họp bàn xét xử mọi việc xảy ra trong làng, cùng lắm mới phải trình lên quan trên. Bởi trong làng đã có hương ước rõ ràng, quy định xử phạt nghiêm minh nếu ai đó vi phạm. 

Cái hương ước này nó là một văn bản dưới luật, kiểu như điều lệ cơ quan hay công ty mà nay chúng ta khá quen thuộc, nhưng tính khả thi của nó cao hơn rất nhiều. Gia đình hoặc cá nhân nào đó trong làng vi phạm sẽ bị hội đồng kỳ mục họp ở đình làng công khai bàn luận và ra lệnh phạt. Lệnh này rất nghiêm, không thực hiện thì chỉ có nước bỏ làng mà đi. Chuyện này bạn nào đã xem vở chèo “Quan âm Thị Kính”, với màn phạt vạ kinh điển “Thị Mầu không chồng mà chửa”, hẳn sẽ rõ…

Lũy tre trồng ở rìa làng xưa thường là loại tre gai, ruột đặc, nhiều cành và nhiều gai nhọn. Nó đóng vai trò như một lớp thành lũy khó vượt qua. Trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông, nhà Trần đã cho tổ chức các làng thành các đồn lũy chiến đấu trải khắp nước. Lệnh vua ban ra cho đến tận các làng: giặc đến là phải đánh. Đánh xong rút vào sau lũy tre cố thủ. Tre gai dày đặc, ngựa Mông Cổ chịu chết không xông qua được. Đốt cũng khó cháy. Xong mùa giặc giã, tre lại nẩy lộc đâm chồi lên xanh mướt mát. 

Lũy tre các làng quê Việt nơi đồng bằng Bắc Bộ cứ hiên ngang tồn tại từ năm này sang năm khác, trải qua chiến tranh và mưa gió bão bùng. Đẻ chồng chất lên nhau. Xúm xít ken dày như bức tường thành bảo vệ vững chắc cho làng quê. Và tạo ra một cảnh quan, một bầu không khí thôn quê yên ả thanh bình trong trẻo đã in sâu vào kỹ ức người dân Việt.

Thế nhưng đến thời gần đây, nhất là từ khi có phong trào hợp tác xã thôn, liên thôn, toàn xã… lũy tre làng nhiều khi lại bị coi như là một cái gì trì trệ bảo thủ. Về tư duy, lúc đó người ta hay gào lên: “Hãy suy nghĩ vượt ra khỏi tầm của lũy tre làng”! Còn người nông dân lúc đó chán ngán cảnh sản xuất đồng ruộng nông nghiệp mà cơm chẳng đủ ăn, họ chỉ mong cho con cháu thoát ly sản xuất, đi công nhân, đi làm cán bộ viên chức…

Miễn sao “thoát khỏi lũy tre làng”! Lũy tre làng ngàn năm đã che chở dân lành, đã bảo vệ xóm làng trước thiên tai địch họa bỗng chốc trở thành một cái gì cũ kỹ, bảo thủ, cản trở sự tiến bộ cần phải hủy bỏ. Và thế là hình như có một phong trào âm thầm và bền bỉ, người ta đã dần đánh tan cái lũy tre ngàn đời kia ở các làng đồng bằng Bắc Bộ! Dịp gần đây với phong trào xây dựng nông thôn mới, người ta thiết kế những con đường chạy vòng quanh làng, thế là những khóm tre cuối cùng của bờ lũy làng xưa hầu như biến mất nốt. 

Gần đây, tôi đã nhiều dịp đi qua những làng quê ấy, thấy bên cạnh những con đường bê tông, nhựa to rộng đẹp đẽ chạy bao quanh làng, còn sót lại vài bụi gốc tre tầng tầng lớp lớp như thế chơ vơ bên lề đường. Thấy trong lòng mình có điều gì như là cảm thán. Lũy tre làng vốn ăn sâu trong tiềm thức, trong ca dao dân ca, trong văn chương thơ phú một thời về làng quê Bắc Bộ đã vĩnh viễn biến mất. Âu cũng là cái giá phải trả của văn minh tiến bộ, của công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tôi đã tự nhủ thầm mình như vậy…

Nhưng mấy hôm nay, trên đường đưa cháu đi chơi, qua những khu nhà biệt thự của giới nhà giàu thủ đô. Những ngôi nhà đẹp đẽ xinh xắn trong những ngôi làng- village, biệt lập. Những ngôi nhà, ngôi làng của ước mơ đời người được sống an bình, thanh thản, trong bầu không khí êm ả trong sạch…Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ, có cái gì sai sai ở đây trong bước đường phát triển mấy chục năm qua của chúng ta sao? Chúng ta đã một thời đả phá lũy tre làng bằng cả tư duy và hành động thực tế. 

Chúng ta hăm hở công nghiệp hóa hiện đại hóa làng quê với nhà cao tầng, với bê tông cốt thép, với mái tôn đỏ xanh nhức mắt. Để rồi sau đó, bỗng chúng ta lại thấy tiếc nuối và nhớ nhung cái làng quê êm đềm trong trẻo sau lũy tre xưa. Những cái làng quê đó chẳng đã làm nên hồn cốt cho dân tộc Việt đó sao?

Ôi, có nhớ tiếc cũng thành chuyện đã xưa rồi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top