Aa

NĂM: Trong căn phòng một người bại liệt

Thứ Ba, 04/02/2020 - 06:30

Qua giọng nói của bà tôi, tôi đã lưu giữ trọn vẹn những gì đã qua đời sống này ở làng quê của tôi. Một đời sống mà chẳng bao giờ mất đi như ta tưởng. Một đời sống làm chúng ta hình dung đầy đủ hơn về vũ trụ.

Năm tôi lên tám tuổi thì bà nội ốm và nằm liệt giường suốt bốn năm cho tới khi chết. Bốn năm đó, chân tay bà tôi bất động. Nhưng đầu óc bà hoàn toàn minh mẫn. Bà tôi nằm trong một căn phòng có mái gác bằng tre. Cạnh giường bà là một cửa sổ nhỏ mở sang vườn hàng xóm. Một chiếc ghế kê ở đuôi giường để bà đi đại, tiểu tiện. Một chiếc ghế kê gần đầu giường dành cho khách khứa đến chơi.

Lúc đầu, bà tôi còn để tóc dài. Mỗi lúc gội đầu cho bà, mẹ tôi để đầu bà sát mép giường và thả cho mái tóc chảy xuống đầy chiếc chậu thau đồng. Nhiều lần, bà bảo mẹ tôi cắt tóc cho bà. Mẹ tôi không nghe. Nhưng bà hay đau đầu và bị chấy đốt. Và bố tôi quyết định cắt tóc bà. Bố tôi gói tóc bà vào một tấm vải sạch và ra một gò đất ngoài cánh đồng mai táng mái tóc ấy.

Trong những năm tháng nằm bất động, bà tôi - một người đàn bà nông dân không biết chữ - bắt đầu tự ý thức về mình. Trước đó, một người như bà không mảy may ý thức về mình. 

Ý thức về bản thân mình của bà tôi không phải do học vấn dẫn dắt, mà ý thức đó sinh ra từ sự biến mất của rất nhiều các hoạt động sống trước đó. Sự biến mất này đẩy con người ta vào một tâm lý hoảng loạn và đánh mất khả năng kiểm soát chính mình. Và thật kỳ lạ, trong những ngày đó, bà tôi rất muốn được nhìn thấy gương mặt mình. Tôi cầm một chiếc gương bé bằng bàn tay giơ lên cho bà tôi soi. Bà tôi nhìn vào gương giống như một con bồ câu soi mình trong chậu nước. Tôi thấy bà tôi thích thú và kinh hãi. Tôi chắc chắn một điều: Bà tôi - một người bại liệt - với bà tôi - người trong gương - không hề quen biết nhau. Bà tôi không mảy may công nhận mình trong cái bản sao ở không gian phẳng của mặt gương. Bà tôi đã đúng. Ðiều này gần giống một đứa trẻ lên hai gần như không thể xác nhận được nó khi nó nhìn ảnh nó hoặc nhìn nó trong gương. Nó chỉ có thể xác nhận lần thứ nhất hết sức mơ hồ khi trên tay nó cầm một cái kẹo hoặc một thứ đồ chơi quen thuộc. Và nó sẽ xác nhận nó rõ hơn khi một người là mẹ hoặc cha nó xuất hiện trước nó và cất tiếng nói.

Bà tôi đã cố định nghĩa mình bằng dụng cụ - chiếc gương. Và tất nhiên, nó không mang lại kết quả gì. Tôi đã thử nghiệm các định nghĩa cái mà mình đinh ninh là biết quá rõ ràng - chính bản thân mình. Và khi tôi nhìn tôi trong gương, tôi hoàn toàn hoang mang. Sự hoang mang này mỗi lúc một tăng khi tôi cố thử lại nhiều lần nữa. Cũng như các hoạ sỹ vẽ chân dung chính họ. Và rất ít người thành công khi thực hiện định nghĩa chính bản thân bằng hội hoạ. Việc đầu tiên họ phải tìm một số nét để làm giống mặt họ. Những nét giống này chỉ là những ký hiệu đơn giản. Nếu hoạ sỹ tập trung quá nhiều những ký hiệu này và lấy đó làm mục đích, thì khi anh ta kết thúc bức chân dung tự hoạ, anh ta đã cắt đứt mọi quan hệ sống còn giữa anh ta và tác phẩm.

Bà tôi đã thất bại trong việc kiếm tìm hình ảnh của mình trong chiếc gương. Ngay sau đó, dù chỉ là vô thức, bà tôi đã kiếm tìm sự hiện hữu. Không! Nói đúng là sự tồn tại của bà tôi. Bởi thế, bà tôi bắt đầu nói lan man đủ thứ chuyện từ sáng tới khi đi ngủ. Bà tôi không còn cảm giác gì với cơ thể bại liệt của mình. 

Nỗi sợ hãi không xác định được sự tồn tại của mình bằng những cảm nhận của thân xác khiến bà tôi phải dùng giọng nói đã trở thành tấm gương để bà tôi soi ký ức và ý thức sống của bà. Bà tôi nhận thấy sự hiển thị của mình trong giọng nói. Sự tồn tại này bây giờ lại đồng nghĩa với chân dung của bà tôi. Sự tồn tại ấy - chân dung ấy đã hiện lên bằng tiếng nói của bà tôi. Và chân dung của bà tôi được xây dựng lên bằng tiếng nói của người, đã tồn tại trong tôi mọi chiều của không gian, thời gian và ở mọi tầng suy ngẫm của tôi.

Sau khi bà tôi mất đã nhiều năm, tôi vẫn có những buổi tối đứng im lặng trong căn phòng bà tôi nằm trước kia. Mọi đồ đạc đã thay đổi. Nghĩa là, mọi liên hệ mang tính chất giữa tôi và bà tôi và những phụ vật khác mang tính điều kiện đã bị xoá nhoà hoàn toàn. Nhưng tôi vẫn thấy bà tôi hiện hữu. Hiện hữu này không phải là hiện thực của thể xác mà là hiện thực của tinh thần bà tôi. Hiện thực của thể xác là một hiện thực bất động của đời sống. Nó giống như một cái chết được băng hoá. Còn hiện thực của tinh thần thì luôn chuyển động và sinh nở, và biến ảo. Và nó luôn tìm cách trở lại điểm đầu tiên của nó.

Những câu chuyện được bà tôi kể liên miên trên giường bệnh trong suốt bốn năm lại không chỉ kể về bà tôi mà còn kể về những câu chuyện ám ảnh và trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến đời sống tinh thần của người. Bà tôi không hề có ý mù mờ hoá quá khứ của mình. Ngược lại, bà tôi đã dựng lên một cách sống động nhất lịch sử của mình. Hiện thực này, theo tôi, nó giống như hiện thực của một bài thơ.

Năm 1995, tại một lớp tiếng Anh năm cuối cùng của đại học Huế, tôi cùng hai nhà thơ Mỹ đã dự lớp học này. Một sinh viên hỏi tôi thơ xuất hiện khi nào. Tôi đã lấy một ví dụ: Tôi đặt một viên phấn lên bàn và bảo họ hãy nhìn viên phấn. Sau đó tôi lấy một viên phấn khác đè gẫy viên phấn kia. Tôi nói với họ rằng tất cả những gì họ thấy đó là lịch sử.

Sau đó tôi cất viên phấn đi và bảo họ hãy nhìn vào nơi có viên phấn để trước đó và nhớ lại. Nhớ gì cũng được. Và sự nhớ này không bao giờ có thứ tự. Nó luôn luôn có một sự kiện vô can chen vào. Lúc này văn xuôi xuất hiện.

Cuối cùng tôi nói họ hãy nhắm mắt lại và nhìn vào nơi đã có viên phấn từ năm đến mười phút. Bạn hãy thực hiện một ví dụ tương tự và bạn thấy mọi việc xảy ra trong cái nhìn ấy thật kỳ lạ. Bạn không thể nào đoán trước được. Mỗi lần nhắm mắt và nhìn khác nhau thì mọi việc đều xảy ra khác nhau. Mặc dù sự kiện của viên phấn không thay đổi. Chỉ lúc này, thơ ca mới có khả năng xuất hiện.

Tất nhiên, ví dụ trên là một ví dụ nhỏ và đôi lúc nó trở nên thô thiển. Nhưng không ai có thể chối cãi được là có một hiện thực của viên phấn và những sự kiện liên quan đến nó ở trong cái nhìn thứ ba kia.

Trong căn phòng của bà tôi vào những buổi tối ấy, lúc đầu tôi tưởng là tôi nghe thấy tiếng bà tôi và tiếng của toàn bộ những nhân vật mà khi sống bà tôi đã kể. Nhưng sau đó tôi phát hiện ra đó là toàn bộ đời sống của bà tôi và những mối liên hệ đến bà tôi. Ðời sống ấy dựng bằng âm thanh. Văn bản của một tác phẩm giống như một cuộn băng lưu giữ những âm thanh của đời sống. Ý kiến này khó thuyết phục nhiều người nhưng trong chính lúc này, trong bạn đang vang lên những âm thanh ấy và nó không rời bỏ bạn. Và khi bạn đọc xong một bài thơ (cả trong im lặng) thì âm thanh đã rời bỏ bài thơ đó. Nó bước vào cuộc sống bạn và vang lên ở một không gian khác.

Tôi đã từng nhìn một bức ảnh của một người họ hàng di cư vào Sài Gòn năm 1954. Bức ảnh được chụp với một công nghệ chụp ảnh hiện đại. Nhưng tôi không làm sao lập được mối quan hệ với người họ hàng kia. Năm 1980, tôi vào Sài Gòn công tác. Tôi tìm đến nhà người họ hàng ấy. Người đó đã mất. Anh con trai cả của ông bật ghi âm cho tôi nghe giọng nói của ông. Trong băng, ông kể về quê quán ông với những kỷ niệm. Tôi đã nghe cuốn băng ấy nhiều lần. Và toàn bộ lịch sử về ông được sống dậy. Cao hơn cả lịch sử ấy là số phận ông. Số phận của một đời sống đã xoá hết mọi dấu vết của hình thức. Nó tồn tại trong mọi chiều không gian. Nó giống như âm thanh nổi của các máy hát điện tử bây giờ. 

Tất nhiên chỉ là giống như thôi. Và tấm ảnh của ông lúc đó đối với tôi như một cái xác được nhập hồn. Giọng nói của bà tôi như giọng nói của người họ hàng đã tạo dựng những mối liên hệ bí ẩn giữa họ và tôi. Giọng nói của họ vang lên dù không có một thông tin hay nội dung cụ thể nào, thì nó vẫn luôn như một quá khứ của đời sống vụt hiện. Khoảnh khắc của sự vụt hiện ấy dù chỉ loé lên như một tia chớp thì nó cũng phô bày trước chúng ta một đời sống tươi ròng, thở hổn hển, mà chúng ta tưởng nó đã vĩnh viễn mất đi. 

Không gian chúng ta đang tồn tại bằng hình thể, ở đó như đêm tối dày đặc mà ta không nhìn thấy gì. Và khoảnh khắc của ánh sáng, của tia chớp làm cho chúng ta thấy toàn bộ đời sống và phong cảnh quanh ta. Nỗi cô đơn của ta trong đêm tối đã có nơi nương tựa và nó nhận ra con đường của nó.

Charles Simic (nhà thơ Mỹ) viết: "Mục đích của bài thơ là cố gắng lưu giữ lại cho người đọc cái khoảnh khắc của đời sống mà họ không bao giờ tìm lại được nếu không có thơ".

Người ta hỏi Joseph Brodsky (giải Nobel Văn học năm 1987) rằng: Bằng cách gì mà con người của một triệu năm sau hiểu được đời sống của chúng ta bây giờ? Ông đã trả lời: Bằng những bài thơ của chúng ta, ngoài ra không còn gì nữa.

Ðúng vậy. Những thành tựu khoa học, những chủ nghĩa, những mối bất hoà xã hội… trở nên ngớ ngẩn và vô nghĩa đối với con người của triệu năm sau. Nhưng linh hồn thì mãi mãi vẫn thế. Một bài thơ dù thế nào cũng phải mang tinh thần tôn giáo. Tinh thần của tôn giáo luôn luôn thuộc về vũ trụ và mang tính vũ trụ. Những gì mang phẩm tính ấy đều có mẫu số chung. Vũ trụ đã quy chúng ta về một mà nhiều khi chúng ta không biết.

Và một buổi tối khác lại đến. Tôi ở trong căn phòng bà tôi đã nằm suốt bốn năm bất động trên giường. Những âm thanh mơ hồ nào đấy trong căn phòng lại mang đến gợi mở về một hình thức nào đó của vật chất đã mất. Tôi cảm thấy tôi đang lướt qua những khoảng tối trong nhà. Tôi ngửi thấy mùi trầu, mùi dầu cao Con hổ bà tôi vẫn thường dùng. Tôi thấy cả một con chấy đang cố lẩn vào đám tóc bạc và dày của bà tôi. 

Hơn thế nữa, tôi thấy đời sống của bà tôi sau khi chết mà có lúc tôi gọi đó là tương lai của những kết thúc. Một đời sống mà nó không làm tôi ngưỡng vọng như con chiên ngưỡng vọng Chúa. Nó giải toả những đau đớn về tinh thần. Nó lập lại quan hệ của bà tôi với tôi - một quan hệ chứa đầy ý nghĩa của bản chất đời sống. Tôi không yêu bà tôi hơn bố tôi, hơn mẹ tôi (người con dâu hiếu thảo một cách kỳ lạ của bà tôi) và hơn cô ruột tôi. 

Nhưng bố tôi, mẹ tôi, cô tôi không bao giờ thấy bà tôi sau khi chết như tôi thấy. Bởi vì họ đang giữ mối quan hệ với bà tôi bằng những kinh nghiệm. Còn tôi giữ bà tôi bằng trí tưởng tượng vô cùng hoang dại, và bằng những cơn mơ bất tận, đầy nhạc tính bởi sự va chạm của những đồ vật quen biết và gắn bó trong tuổi thơ của tôi.

Có một lần tôi đã nói rằng, bà tôi - một nông dân không biết chữ - là nhà văn đầu tiên và vĩ đại của tuổi thơ tôi. Khi bà tôi chưa bị bại liệt, có một số câu chuyện bà kể cho tôi nghe, tôi không có được ấn tượng dữ dội như khi bà tôi nằm bất động trên giường. Bởi khi nằm bất động trên giường, bà tôi mất đi toàn bộ cảm giác về thể xác mình, nhiều lúc bà không tin mình hiển thị trước mọi người. Bà tôi hoảng sợ với cảm giác mình đã trở thành vô hình. 

Cùng lúc đó, nhà cửa, đường sá, cánh đồng, dòng sông, trâu bò và những người thân quen, những thứ mà trước đó ngày ngày bà tôi tiếp xúc, trò chuyện và chứng kiến đang có nguy cơ biến mất (không gặp lại) vĩnh viễn. Trong trạng thái sợ hãi ấy, giọng nói bà tôi cất lên. Giọng nói được cất lên không phải với ý thức là để lưu giữ những điều kia, mà cất lên như một lời kêu cứu trong phút giây tuyệt vọng nhất, rằng toàn bộ con người mình sẽ bị huỷ hoại. 

Chính vì trạng thái đó mà những gì bà tôi hỏi, bà tôi kể hiện lên trong một hình ảnh, một sức sống, một khát vọng cuồng dại giống như cơn hoả hoạn khổng lồ. Qua giọng kể của bà tôi, một đời sống khác của những gì tôi đã từng biết hiện lên. Khi còn nhỏ, đời sống khác ấy ám ảnh tôi và đôi lúc nó làm tôi sợ hãi, nhưng sau sự sợ hãi ấy tôi lại khát khao được nhìn thấy, được ở giữa đời sống khác ấy. 

Còn khi tôi lớn lên, đời sống khác ấy đặt trước tôi một câu hỏi và tôi đi tìm câu trả lời đến kiệt sức mà chưa thấy, hoặc nó chỉ lướt qua như một giấc ngủ trong lúc tôi đang điều khiển xe máy trên đường. Nó lướt qua nhanh đến mức tôi khó lòng thuyết phục nổi rằng mình đã ngủ. Một giấc ngủ sâu, dài nhất và giải toả toàn bộ mệt mỏi trong phần đời tôi đã sống. Nhưng nó lại đặt tôi sang một nhận biết khác. 

Và, qua chính giọng nói ấy của bà tôi, tôi đã lưu giữ trọn vẹn những gì đã qua đời sống này ở làng quê của tôi. Một đời sống mà chẳng bao giờ mất đi như ta tưởng. Một đời sống làm chúng ta hình dung đầy đủ hơn về vũ trụ. Một đời sống đã hoá giải dục vọng của chúng ta. Nó đôi lúc mang đến cho tôi một cảm giác nếu tôi chém vào không gian một nhát dao thì ở đó một cái cây trong suốt bị đổ gục, một ngón tay trong suốt bị đứt lìa... 

Và kỳ diệu hơn, là trong thế giới trong suốt, hay trong cõi hư vô làm ta có thể chết vì khiếp sợ lại hiện lên một phong cảnh đầy đủ nhất. Phong cảnh ấy, đối với tôi, nó là một cõi. Cái cõi ta vừa làm đầy nó vừa không chiếm lấy dù chỉ là một điểm nhỏ nhất, mà chỉ có trí tưởng tượng kỳ diệu mới có thể lờ mờ nhận ra. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top