Aa

Ngày xưa gần lắm...

Thứ Năm, 03/10/2019 - 07:20

Bây giờ mỏm đồi không còn là rừng đào nữa. Nó như mọi mỏm đồi khác, xác xơ dần. Gần Tết lên đó không nhìn thấy một tấm chăn rực sáng màu hoa đào, mà lổn nhổn như mọi cánh đồi lơ thơ cây khác.

Con đường 6 cũ có đoạn nằm trên đỉnh đèo Pha Đin. Vào cái ngày xưa gần lắm ấy, từ chỗ ngoặt dốc đã nhìn thấy hai cây gạo cổ. Vào mùa, hoa gạo đỏ ối. Như hai chàng trai áo đỏ từ trong bản chạy ra đón khách.

Đối diện với hai cây gạo là đồi nhô ra như mũi thuyền. Phủ cả mỏm đồi là một rừng nhỏ toàn đào là đào. Người trên núi sinh ra như cây, lớn lên như cây, rồi khuất đi. Nhưng cây thì chỉ già đi, thành vườn đào cổ thụ.

Vào những ngày xưa không xa, gần Tết, hoa đào nở sáng cả mỏm đồi. Người bạn tôi kể rằng anh thường lên đó xin một cành đào. Cả đồi chỉ có một túp nhà. Thực ra chủ nhà không phải người gốc Pha Đin, mà là người từ xuôi lên. Hình như người Thái Bình. Có thể là sau kháng chiến, ai đó từ đất Thái Bình ở lại. Có thể không phải thế, mà lên sau. Anh ấy không biết. Chỉ nhớ là lên đó, ới gọi là xin một cành đào. Nói là xin thôi, chứ chủ nhà cũng không cho đó là vườn nhà mình. Xin là như nói lời chào.

Rừng đào có những gốc to. Có những cây nhỏ. Ai thấy cây nào đẹp thì chặt một cành. Không ai đào cả cây, vì như thế mệt lắm. Mà người xin đào cũng ít. Trên đất Tuần Giáo cũng như mọi nơi ở Tây Bắc, trước cửa nhà thường có dăm cây đào. Mang cành vào trong nhà chỉ vài người sống trong phố núi, hoặc trong khu tập thể.

Rồi tự lúc nào không biết, có những người ghé vào hỏi mua cành đào. Chủ nhà ngượng nghịu vì xưa nay có ai lại mua đào. Thích thì cứ chặt cành nào thích. Nhưng người ta hỏi mua là để lấy nhiều. Thì gật đầu thôi.

Những năm sau, người ta hỏi mua cả cây. Đào cả gốc lên chất lên xe tải. Có những người lên nhìn ngắm rồi chọn cây to, cây không biết đã bao tuổi rồi. Ngạc nhiên là họ bỏ công sức đào cả gốc to như thế rồi chất lên xe. Có cây đào to quá, mỗi thùng xe tải chỉ chở được một, hai cây.

Năm này qua năm khác, người ta trả nhiều tiền hơn. Thế là chủ nhà bán. Đào tự mọc. Mùa xuân cắm cành xuống là sống. Gì chứ đào thì đất này không thiếu.

Vài hộ người Mông đến ở. Mỏm đồi đỡ hoang vu hơn. Những người đi xe tải từ xa đến dạy cho những người ở đây điều trước đó họ không biết, là có thể có tiền khi Tết đến bằng cách bán đào.

Rồi anh bạn tôi Tết đến không xin đào nữa. Bởi biết đào bán có tiền, không muốn xin. Tết sau người ta mua nhiều hơn Tết trước. Đào to ít dần. Đào dễ trồng, nhưng để thành đào to thì lâu, mà Tết đến thì nhanh.

Bây giờ mỏm đồi không còn là rừng đào nữa. Nó như mọi mỏm đồi khác, xác xơ dần. Gần Tết lên đó không nhìn thấy một tấm chăn rực sáng màu hoa đào, mà lổn nhổn như mọi cánh đồi lơ thơ cây khác.

Tôi vào cái khóm nhà trên đồi này bởi lời anh bạn kể. Trước cửa nhà chủ cũ, thấy một cây đào to vẫn còn. Chắc chủ nhà để lại giữ nếp xưa. Anh bạn nói chắc còn cây này thôi. Nhưng hai anh em thử đi vào sâu hơn nữa. Thì ra không hẳn thế. Tít bên trong, gặp hai ba gốc đào rất to. Tại sao không bị bán đi thì không rõ.

Ở gần Mộc Châu, có một khu vườn đá toàn đào mọc. Vì mọc từ các kẽ đá, nên cây già mà không lớn. Quanh năm đi qua thì vạt đá ấy cây lơ thơ xanh, chẳng có gì đặc biệt. Nhưng đã hàng trăm lần đi qua đây, tôi biết khi gần Tết, khu đá ấy rực rỡ màu hoa đào. Không có cây nào khác, chỉ là đào. Đẹp đến như thể trong chuyện cổ ngày xưa. Chủ nhà xếp đá thành tường quây khu vườn đào đó lại. Có một cửa vào. Khách qua đường dừng xe đỗ kín cả quãng đường để ngắm. Nếu vào vườn chụp ảnh thì chủ vườn đứng đó thu 10 ngàn đồng cho một lần vào chụp ảnh. Có lẽ tiền cũng khá vì cả ngày có người vào vườn.

Nhưng ở mỏm đồi ngày xưa không xa này là rừng đào, thì không còn cảnh sắc ấy. Tôi cứ nghĩ giá như là đào vẫn còn phủ cả đồi như trước. Rồi cũng thu tiền chụp ảnh, chắc những nhà dân ở đây sẽ chẳng bán dù một cây đào nhỏ.

Tôi ghé vào một, hai nhà dân ở vạt đồi này. Có đứa bé gái đi ra nhìn khách lạ. Người ông nói tiếng Kinh theo kiểu người Mông, cố kể cho tôi chuyện cha của ông từng là xã đội trưởng, chiến đấu chống Pháp nhiều năm, đã mất năm 67 hay 68 gì đó, ông cũng không nhớ chắc. Giờ ông hỏi tôi - vì tôi là người từ Hà Nội lên, lại là nhà báo, nên theo ông là sẽ biết mọi thứ. Ông muốn tôi giúp ông cách gì để Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện cấp cho gia đình tiền chính sách. Ông nói ở huyện, người ta nghe ông kể, muốn cấp tiền nhưng chẳng có giấy tờ gì để xác thực chuyện cha ông bao nhiêu năm chiến đấu.

Đào xưa đã mất dần rồi!

Tôi nghe ông nói và bắt gặp mình đang nghĩ về chuyện: Giá như rừng đào vẫn còn. Giá như khách du lịch lên đây còn thấy rừng đào nở như gấm thêu dịp Tết. Giá như những gia đình như ông đứng ở cổng thu tiền khách vào chụp ảnh. 10 ngàn thì ai cũng thấy quá ít để có một bức ảnh tuyệt đẹp bên gốc đào đang nở hoa.

Giá như thế, chắc người ta không nghĩ đến chuyện xuống huyện hỏi mãi mà chưa ra cách để có một khoản trợ cấp nào đó.

Nhưng giờ thì không còn rừng đào nữa rồi...

Hai cây gạo quá già cũng đã lặng lẽ không ra lá ra hoa nữa. Hai cây đứng bạc trắng. Không còn như hai chàng trai áo đỏ chạy ra ven đường rạng rỡ chào người xa đến. Khách du lịch đi qua, không có gì để họ dừng lại.

Mà lẽ ra thì họ đã không thể cầm lòng đi ngang qua chỗ này. Ngày xưa gần lắm, chỗ này hẳn là đẹp như trong chuyện cổ tích.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top