Aa

Ngọn gió ngàn Trường Sơn một thời...

Thứ Sáu, 27/11/2020 - 07:00

Mấy chục năm đã trôi qua, cuốn sổ nhỏ nhoi, đã trở thành kỷ vật đó, vẫn còn. Bài “Lửa đèn” chép tay bằng bút máy Hồng Hà với mực Cửu Long mang vào từ Hà Nội vẫn nguyên dạng dẫu thời gian đã bào mòn nét chữ.

Chỉ là một người yêu thơ Phạm Tiến Duật, nhưng tôi có may mắn được đi qua đường mòn Trường Sơn trong những năm tháng cuối cùng của chiến tranh, được nghe thơ ông từ chiếc đài bán dẫn National chiến lợi phẩm trong phiên gác đêm giữa rừng già miền Đông Nam Bộ, được gặp ông trong những giao tiếp nghề nghiệp, không nhiều, nhưng đủ để cảm nhận về một con người với gia sản thơ đã trở thành huyền thoại. 

Nghĩ gì về sự nghiệp, con người, thân thế, những tột đỉnh vinh quang, những tận cùng khắc khoải của kiếp người, những day dứt trăn trở cùng những bến bờ thăng trầm số phận của ông? Tự nhiên tôi hay nhớ đến cái dáng đi lòng khòng của ông xiêu xiêu, tay toòng teng xâu thuốc nam trong cái ngách nhỏ ngõ Văn Chương, nơi ông trú ngụ những ngày cuối cùng trước khi nhập viện rồi không bao giờ quay trở lại. Chợt nhận ra một Phạm Tiến Duật không hào quang, mà còm cõi, vất vả, đơn độc trong sự gắng gượng cuối cùng chống lại bệnh tật.

Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi, giữa một tượng đài thơ với một con người thực cùng với bao nhiêu hành trang bề bộn của đời sống thường nhật, thì cái gì tạo ra khoảng cách xa vời kia? Hỏi đấy nhưng không bao giờ tìm được câu trả lời.

Dạo tôi vào chiến trường B2 năm 1974, đại đội cao xạ 57 ly của tôi, đa phần đều là lính Hà Nội, nhưng quá nửa là nông dân ngoại thành. Họ ít học, có người cả đời chưa cầm đến một cuốn sách văn học, nhưng kỳ lạ, tất cả đều thuộc ít nhất vài khổ thơ Phạm Tiến Duật. Sách báo hiếm hoi, cánh lính tráng chúng tôi tiếp cận với văn học bằng radio. Không một chương trình văn nghệ nào bị bỏ sót. Và thơ Phạm Tiến Duật là một món ăn tinh thần không thể thiếu. 

Bài “Lửa đèn” dẫu chỉ được đọc vài ba lượt trên sóng nhưng nhiều người thuộc làu làu. Dạo đó tôi cũng đang tập tọng làm thơ nên chết mê chết mệt với bài thơ này. Chỉ số IQ của tôi không được cao, phàm những gì phải cần đến trí nhớ sao chép là tôi mít đặc, thế nên tôi đã huy động cả khẩu đội tập trung đọc lại cho tôi chép vào cuốn sổ nhật ký. Chất giọng ồm ồm của tôi may sao lại hợp với âm hưởng “Lửa đèn” khiến tôi có đất dụng võ. Chỉ cần bập bùng mấy nốt dạo ghi ta là tôi đã có thể hào sảng trình diễn giữa trận địa còn nghi ngút khói giữa hai đợt đánh. Đoạn “đọc” ở trận địa này là nghi lễ theo lệnh của chính trị viên đại đội nhằm động viên tinh thần bộ đội.

Mấy chục năm đã trôi qua, cuốn sổ nhỏ nhoi, đã trở thành kỷ vật đó, vẫn còn. Bài “Lửa đèn” chép tay bằng bút máy Hồng Hà với mực Cửu Long mang vào từ Hà Nội vẫn nguyên dạng dẫu thời gian đã bào mòn nét chữ. Nhiều lần có dịp bên Phạm Tiến Duật, tôi định khoe cái sự sùng bái thần tượng kia, nhưng rồi cứ lần lữa. Ngại thì không, nhưng cũng thấy bất tiện, cái việc chép thơ ấy với nhà thơ khác là những cảm xúc đặc biệt thì với Phạm Tiến Duật, có lẽ nó chỉ có phần nào ý nghĩa bởi chắc chắn chẳng riêng mình tôi, mà hầu như gần trọn vẹn một thế hệ thuộc và chép thơ ông.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng đội thời Đường Trường Sơn.
Đường Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước.

Có lần tôi đã hỏi Phạm Tiến Duật về kinh nghiệm viết lách vào lúc tôi đã có một vài tác phẩm, được chơi với thần tượng của mình. Phạm Tiến Duật nhún vai không trả lời ngay, ông ngước cặp mắt nhìn lên bầu trời trong sân khu nhà 51 Trần Hưng Đạo bị che khuất bởi vô số tán cây cổ thụ, không buồn bã, ánh mắt chỉ thoáng sẫm lại rất nhanh rồi lắc đầu. Mãi sau ông mới rủ rỉ buông ra một câu đầy ám dụ: “Cứ sống đi, Tiến ạ…”. Cũng có lần mượn men rượu, tôi lấy tư cách độc giả hâm mộ yêu cầu ông giải thích về sự đứt đoạn sáng tác thơ của ông giữa hai thời kỳ, nhất là việc ông bỏ dở chừng trường ca “Những vùng rừng không dân” mà tôi rất thích. Lần này cũng vậy, Phạm Tiến Duật trả lời như tự thán: “Ít người hiểu Duật lắm”. 

Ai cũng biết ông có những nỗi buồn riêng, chuyện gia đình và những công lênh nghề nghiệp, nhưng tôi hiểu, ông là người đa cảm nhưng không bi luỵ. Nói vậy là ông muốn tránh đi những phiền toái luôn rình rập ngáng trở cuộc sống những người nổi tiếng như ông. Càng về sau này tôi càng ngạc nhiên về sự lận đận của ông trên đường đời.

Dạo còn làm Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ, có lần ông mời tôi về làm biên tập văn xuôi cho ông. Mời đấy nhưng ngay lập tức, ông đã thở dài: “Nói vậy thôi, chẳng ai chịu về chỗ tôi cả, ít tiền lắm”. Nhiều người luôn ái ngại cho ông luôn chậm trễ trong thời cuộc, lộc lá chia chác chẳng được nhiều. Cái chức vụ tổng biên tập kia thực chất là cái ghế trống chẳng ai muốn làm, ông phải đành nhận. 

Còn một vài chức vụ khác nữa, như phó ban đối ngoại Hội nhà văn chẳng hạn, thì cũng là hữu danh vô thực. Phạm Tiến Duật biết nhưng ông bình thản sống, dưòng như thơ ca với ông mới là quan trọng. Với vật chất cũng vậy, tôi có cảm giác ông nghèo khó nhưng không bao giờ túng quẫn. 

Ông có thể viết một bài báo, nói chuyện thơ hoặc làm MC dẫn chương trình để kiếm những đồng nhuận bút ít ỏi một cách vui vẻ. Những tài thơ hiếm hoi như ông lẽ ra không phải chịu cảnh chật chội thiệt thòi như mấy căn nhà ông từng được ở. Nhiều người bảo ông dại, nhiều người khác lại bảo ông khôn, nhưng ít người biết chuyện đất cát nhà cửa với ông chẳng bao giờ quan trọng. 

Khi khu đô thị Mỗ Lao ở Hà Đông do một nhóm Việt kiều đầu tư có phân lô bán, Phạm Tiến Duật chơi thân với Đỗ Quân, Tổng Giám đốc của TSQ là chủ đầu tư khu đô thị này. Vị doanh nghiệp yêu thơ kia có nhã ý mời ông cùng một vài thi hữu khác đăng ký mua với giá ưu đãi. Lợi nhuận nhìn thấy ngay được, chỉ cần đăng ký, nộp ít tiền ban đầu rồi đợi giá đất lên là sang nhượng hợp pháp, tiền tỉ thì chưa dám nhưng lời ròng tiền trăm tiền triệu là rõ như ban ngày. Ông cười hề hề: “Đất cát gì, chết đi cũng chỉ hai mét là hết”. Những năm cuối đời, Phạm Tiến Duật không có chỗ để ở, ông tá túc tại nhà một người bạn ở ngõ Văn Chương.

Rồi Phạm Tiến Duật phát hiện ra trọng bệnh. Hai khối u ở phổi phải rất phũ phàng. Ông điều trị một thời gian ngắn rồi xin ra viện. Đấy là do ông sợ bệnh viện. Nghe ai mách bảo, Phạm Tiến Duật lên Lập Thạch, Vĩnh Phúc, cắt thuốc của thầy Quang, một lương y xuất thân bác sĩ quân y, cũng rất đam mê văn chương, từng có truyện ngắn in ở Văn nghệ quân đội. 

Ông rủ tôi đi lên đó cắt thuốc để chữa bệnh gan của tôi. Có bệnh vái tứ phương, tôi bèn hẹn sẽ mang xe đón, nhưng ông gạt đi, bảo không cần phải lãng phí thế, có xe của một người bạn rồi. Tôi không ngờ chuyến đi đó lại là lần cuối cùng tôi được đi cùng ông, được nghe ông nói những câu cuối cùng về văn chương, nói nhiều hơn cả là bệnh tật, ăn bữa cơm cuối cùng và hình ảnh ông xiêu xiêu xách dây thuốc nam trong ngõ hẹp Văn Chương cũng chính là hình ảnh cuối cùng của ông trong tôi.

Khi sức khoẻ của ông đang có cơ tốt lên, tưởng sẽ dần hồi phục, thì căn bệnh quái ác đến ngày tuyên án. Hai khối u ban đầu ở phổi, sau khi uống thuốc đã tan, chỉ còn lại một vệt trắng mờ, đúng như lời thầy thuốc tiên lượng, thì nhiều khối u khác đã lại mọc lan trong phổi, trong não. Bệnh đã đến giai đoạn di căn. 

Mệt, không thể gượng dậy được, cắn răng chịu đựng cơn đau, nhưng Phạm Tiến Duật nhất định không chịu vào bệnh viện. Có vẻ như ông đã biết đến hồi kết của mình. Bạn bè ông phải cương quyết mới đưa được ông vào bệnh viện. Lần này, Viện 108 đã tiếp nhận ông với tất cả sự nhiệt thành tôn vinh một tài năng thơ Trường Sơn. Nhưng tất cả đã muộn...

Phải đến khi ông sắp ra đi, tôi mới mang đến cuốn sổ nhật ký chiến trường chép bài thơ “Lửa đèn” cho ông xem. Trái với hình dung của tôi, ông lặng đi xúc động. Mãi sau ông mới bảo: “Giờ Duật mới biết Tiến cũng yêu thơ”. Tôi khoe mình từng mơ khởi nghiệp bằng thơ với vốn liếng không ít. Trong cuốn sổ đó tôi cũng lưu được ít bài. Ông xem lướt, rồi cũng như trước đây khen truyện ngắn của tôi, ông đọc to lên hai câu: “Mẹ cho tôi tiếng cười/Và tự tôi cho tôi tiếng khóc"… 

Ông nói: "Đây là thơ đấy! Tự cho mình tiếng khóc, hay, đúng cuộc đời là như vậy. Tiến tin Duật đi, hãy dùng hai câu này làm đề từ cho cuốn tiểu thuyết của đời Tiến”. Ông nói một cách đầy say sưa trước mấy người bạn của ông, ngay trong phòng khám của vị lương y già trong khi chờ đến lượt khám.

Tôi biết mình không làm được thơ nhưng làm sao tôi lại dám nghi ngờ lời nói của ông, một người đẫ ở điểm đến cuối cùng. Cũng biết đến bao giờ tôi mới viết được cuốn tiểu thuyết đời của mình. Tôi tin. Tôi tin. Như tất cả mọi người tin vào ông, một con người thơ với tượng đài Trường Sơn sừng sững mãi được lưu giữ trong những tâm hồn. Tin, rất tin dẫu ngọn gió Phạm Tiến Duật đã tắt lặng, ngừng thổi, rời bỏ đại ngàn, lạc vào cõi khác.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top