Aa

Người soát vé trên chuyến tàu tuổi thơ

Thứ Sáu, 05/03/2021 - 07:00

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” giành được Giải thưởng Văn học ASEAN 2010. Nguyễn Nhật Ánh hiện ra trong trẻo với nụ cười nhân hậu, tay cầm tập vé là cuốn sách phát cho các hành khách lên con tàu trở về tuổi thơ...

Đã từ lâu, tôi rất muốn viết về Nguyễn Nhật Ánh nhưng cứ mãi lần lữa. Anh có lẽ là nhà văn duy nhất ở Việt Nam viết chuyên về thiếu nhi và kỳ lạ thay cũng chỉ có anh là nhà văn duy nhất sống được bằng nghề viết văn. Không những thế lại sống một cách sung túc, giàu có bằng chính chữ nghĩa của mình. Một tỷ phú thực thụ bằng việc viết sách.

Lý do của việc cứ lần lữa viết chân dung anh bởi tôi cố cắt nghĩa tại sao các độc giả nhí lại mê mẩn truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Vì sao mà mỗi cuốn sách mới của anh in ra lại là một sự kiện nóng hổi? Nhìn hàng người rồng rắn xếp hàng mua bản in có tác giả ký trực tiếp ngày ra mắt sách, tôi càng thấy như có một sự kỳ bí nào đó trong những con chữ của Nguyễn Nhật Ánh. Đến mức tôi phải cố gắng bỏ nhiều thời gian để đọc những cuốn truyện anh ký tặng tôi và các con gái hòng tìm ra lời giải đáp. Thú thực đọc một số cuốn gây bão với vài trăm ngàn bản in của Nguyễn Nhật Ánh xong, tôi càng mù mờ lý do. 

Với bản thân tôi, nói một cách trung thực, dù yêu quý anh, dù tôn trọng các độc giả coi Nguyễn Nhật Ánh là thần tượng, trong đó có các con tôi, thì tôi cũng phải thú nhận rằng với cái thằng tôi ngổ ngáo có một tuổi thơ biến động, thăng trầm và hiện tại là một tâm hồn đã quắt héo già nua, thứ văn chương của anh, tôi không thể tiếp thụ nổi. Sự hồn nhiên, những diễn biến tâm lý, một thế giới nhân vật cùng một đời sống trong trẻo như ở một cõi sống khác của Nguyễn Nhật Ánh dựng lên trong những cuốn truyện khác biệt hoàn toàn với những gì tôi có. Đó có thể là lý do chăng?

Tôi quen Nguyễn Nhật Ánh và trở thành bạn bè cũng như phần lớn những quan hệ khác đều có xuất phát điểm từ văn chương. Năm 1995, tôi có viết một cuốn sách thiếu nhi tham dự cuộc vận động sáng tác của Nhà xuất bản Kim Đồng. Khi “Đợi mặt trời” của tôi nhận giải A và được chọn là cuốn đầu tiên của “Tủ sách vàng” thì tôi được gặp Nguyễn Nhật Ánh.

Trước đấy tôi cũng đã có đọc một vài cuốn của anh nhưng không mấy ấn tượng. Cũng phải thôi, anh chuyên viết cho đối tượng trẻ thơ còn tôi thì ham hố những gì bạo liệt, dữ dội trong cả viết và đọc. Văn thì thế nhưng con người Nguyễn Nhật Ánh lại khiến tôi mê mẩn. Gương mặt sáng bừng như trẻ thơ, giọng nói nhỏ nhẹ nhưng sắc sảo, hài hước, đặc biệt là cách uống rượu nhiệt tình và rất quyến rũ làm mê sảng bạn nhậu. Khi say, Nguyễn Nhật Ánh cũng quậy phá tưng bừng hệt như mấy thằng tôi bất hảo. 

Tôi có kinh nghiệm trong cách nhìn nhận người say nên chẳng mấy khó khăn để hiểu Nguyễn Nhật Ánh là người như thế nào, dù chỉ mới sơ sơ gặp gỡ ở vài ba cuộc nhậu. Đó hiển nhiên là một con người tốt. Và quả thực chúng tôi trở thành bạn bè thâm giao ngay từ những lần gặp gỡ đó cho đến tận hôm nay mấy chục năm trời.

Sau này Nguyễn Nhật Ánh mới cho tôi biết anh đã rất thích thú khi đọc “Đợi mặt trời” và chính anh là một trong những giám khảo bỏ phiếu cho cuốn sách của tôi đoạt giải dù có những phản ứng ngay từ trong nội bộ ban biên tập của nhà xuất bản.

Chơi với Nguyễn Nhật Ánh, tôi nhận ra anh có những phẩm chất rất đặc biệt, khác hẳn với lũ nhà văn nhuôm nham chúng tôi. Nhà văn đa phần xộc xệch và thường phá bỏ mọi khuôn phép nhưng với anh, không khó để nhận ra sự mực thước và quy củ như một viên chức mẫn cán. Chết cười, đến tận lúc này tôi vẫn không biết, không hỏi anh từng làm việc ở đâu? Nghề gì với anh là chính. Nhà báo, biên tập viên xuất bản hay lãnh đạo. Chỉ biết anh có cái quán nhậu khá nổi tiếng mang cái tên dễ thương Đo Đo ở một hẻm phố gần trung tâm TP.HCM. Nguyễn Nhật Ánh viết theo giờ và nhậu theo lịch hẹn trước. Thường thì anh luôn tắt máy. Đấy là những lúc Nguyễn Nhật Ánh làm việc theo một thói quen cố định.

Tuyển tập sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (Ảnh sưu tầm)

Khi đã ngồi bên bàn viết là lúc anh loại bỏ mọi thứ xung quanh. Không gì có thể tác động nổi vào anh những lúc như thế. Chỉ khi nghỉ ngơi và hết giờ quy định để viết, Nguyễn Nhật Ánh mới mở điện thoại để xem những cuộc gọi nhỡ. Tôi biết điều này vì những lần tôi gọi anh tắt máy đều được anh gọi lại. Tiến ở đâu? Đấy là anh hỏi để xem nếu tôi vào thành phố thì dù ở đâu anh cũng sẽ đến gặp. Có lần tôi vào Sài Gòn, ngồi ở một quán nhậu và gọi bạn bè đến. Nguyễn Nhật Ánh nói đang ốm. Tưởng anh không đến nhưng chỉ lát sau anh đi taxi qua, ho sù sụ, ôm bạn một cái, không uống rồi ra về luôn. Khi ra Hà Nội lần nào cũng vậy, Nguyễn Nhật Ánh không thiếu bất cứ một lời mời những ai trong “định chế” bạn bè của anh. Sự chu đáo đến tận cùng.

Viết đến đây, tôi chợt nhận thấy, thì ra bao lâu nay tình bạn của tôi và Nguyễn Nhật Ánh hoàn toàn được tính bằng những cuộc nhậu. Anh chân tình, thương bạn bè bằng những hành động cụ thể dù là nhỏ nhất. Tôi đã rất cảm kích và mến phục Nguyễn Nhật Ánh khi anh thuê xe taxi chở lỉnh kỉnh từ chai rượu đến đồ ăn thức uống chuẩn bị sẵn để đón tôi đến thăm một bạn nhà văn ở xa thành phố, tận Củ Chi. "Làm mồi sẵn cho thằng chả đỡ cực phải vất vả lo tiếp bạn trong khi đang hạn". Anh nói thế. Lại có lần Nguyễn Nhật Ánh cùng tôi và nhà thơ Nguyễn Trọng Tín chờ bằng được nhà báo Lê Hoàng, lúc đó là Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trước cửa tòa soạn đến 3h sáng chỉ để "thằng Tiến" uống một chung rượu với Lê Hoàng rồi về. Một con người chỉn chu như anh nhưng cũng sẵn sàng phá cách vì bạn thâu đêm suốt sáng.

Khi “Tủ sách vàng” của Nhà xuất bản Kim Đồng ra đời, Nguyễn Nhật Ánh cho ra mắt bộ sách “Kính Vạn Hoa” nổi tiếng. Một xê ri sách thiếu nhi khiến độc giả nhí mê mẩn dài tới 54 tập. Từ chất liệu bộ sách này đã có 3 phần phim truyện được Đài truyền hình TP.HCM dàn dựng phát sóng. 

Nguyễn Nhật Ánh khởi đầu sự nghiệp bằng thơ nhưng có lẽ anh cũng như không ít nhà văn khác sớm nhận ra thơ chỉ là những xúc cảm ban đầu của nghiệp văn. Cuốn văn xuôi đầu tiên của anh viết về đề tài bóng đá “Trước vòng chung kết”. Có lẽ nhờ tình yêu bóng đá này mà độc giả biết đến một bình luận viên bóng đá với cái tên sến sẩm rất kiếm hiệp Hồng Kông: Chu Đình Ngạn. Sách nối sách trong hơn ba thập kỷ qua, Nguyễn Nhật Ánh cho ra đời cả trăm truyện dài với hàng chục triệu bản in. Một con số khổng lồ. Cuốn nào cũng nổi tiếng, tái bản nhiều lần. Liệu có bao nhiêu người biết bài hát “Cô gái đến từ hôm qua” của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh được làm ra từ cảm hứng của cuốn sách cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” lại có một số phận khác. Bộ phim nhựa cũng cùng tên được các nhà làm phim chuyển thể từ tác phẩm lãng mạn này.


Tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh lớn đến mức khi tôi mang cuốn sách anh ký tặng về cho con gái đầu, giờ đã là một cô giáo và người mẹ hai con khi cháu còn học lớp 9 khiến nó thắc mắc. Nó không tin bố nó, một nhà văn hạng bét, lại là bạn của nhà văn lừng danh Nguyễn Nhật Ánh. Tôi cảm thấy hơi tủi thân nên phải đưa con đến một cuộc ký sách của anh để nó chứng kiến điều đó là sự thật. 

Thề, tôi không hề nói quá, sau kiểm chứng ấy, con gái tôi có nể bố hơn đến mấy phần. Và nó đã chịu đọc truyện của bố viết. Điều mà trước đó nó hoàn toàn không có ý định. Những cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh thật sự có tầm ảnh hưởng lớn tới một lượng đông đảo thiếu nhi cả nước nhiều thế hệ. Tôi nghĩ Nhà nước nên có một giải thưởng riêng cho Nguyễn Nhật Ánh về những gì anh làm được qua tác phẩm của mình trong lĩnh vực giáo dục công dân, đào luyện nhân cách và truyền cảm làm đẹp tâm hồn trẻ thơ

Không quá đắm đuối vào facebook, không mất nhiều thời gian với mạng mọt, nhưng cũng không vì thế mà Nguyễn Nhật Ánh thờ ơ với thời cuộc. Biết tôi hay đi miền núi với trẻ nhỏ, những năm gần đây, lần ra sách nào, Nguyễn Nhật Ánh cũng ký tặng vài chục cuốn, cẩn thận gửi bưu điện cho tôi bán kiểu như đấu giá lấy tiền thêm thắt tặng cho các cháu. 

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là cuốn truyện dài xuất sắc giành về cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2010. Nguyễn Nhật Ánh, trước mắt tôi, hiện ra trong trẻo với nụ cười nhân hậu, tay cầm tập vé là những cuốn sách phát cho các hành khách lên con tàu trở về với tuổi thơ đẹp đẽ trong lành. 

Người soát vé trên chuyến tàu tuổi thơ Nguyễn Nhật Ánh mới đáng yêu làm sao!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top