Aa

Nhà thơ làm báo

Thứ Sáu, 08/01/2021 - 07:00

Ánh rạng rỡ kia tôi biết, là niềm vui của một người làm nghề, yêu nghề đón nhận thành quả từ chính tình yêu sâu thẳm của mình.

Cái ý nghĩ nhà thơ làm báo bất ngờ nảy ra khi tôi bắt đầu ngồi vào bàn viết chân dung nhà thơ Nguyễn Thành Phong. Ừ nhỉ, có thế thật. Không ít nhà văn làm báo nhưng rõ ràng các nhà thơ xứ ta mới là những người làm báo giỏi, thậm chí họ chiếm tỷ lệ cao trong việc làm lãnh đạo các tòa soạn báo. Làm báo hiển nhiên là một công việc khó khăn đòi hỏi sự năng động nhạy bén cả ở lĩnh vực chữ nghĩa cùng nhãn quan thế sự và quan trọng là đầu óc phải tỉnh táo tuyệt đối. Đấy cứ bảo nhà thơ tinh những người lơ ngơ, hồn vía để trên mây nữa đi. Đừng có đùa, họ hơn đứt cánh nhà văn ở sự tỉnh táo biết mình biết người này.

Báo chí là nơi thử sức và nếu nói một cách công bằng thì đây chính là mảnh đất duy dưỡng cho văn chương một cách hiệu quả nhất. Thì đấy, mấy trăm tờ báo, tạp chí của cả nước kể cả là những nơi thuần về khoa học, kỹ thuật hay chính trị thì vẫn dành ra một khoảnh cho văn chương. Chưa kể là những tờ báo chuyên về văn nghệ. Nhà văn hay nhà thơ trước khi thành danh để độc lập viết sách thì đều có tác phẩm đăng tải trên báo chí. Bởi thế dù làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng số lượng các nhà văn, nhà thơ làm báo vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Trong số này các nhà thơ lại là người vượt trội. Tôi biết Nguyễn Thành Phong từ chính việc làm báo này.

Quãng những năm giữa thập kỷ 90 thế kỷ trước, giới văn nghệ hân hoan đón chào một tờ báo mới tưng bừng ngay từ khi nó xuất hiện. Tờ “Văn nghệ Trẻ”. Tôi nhớ khi đó những người viết văn trẻ trong một hội nghị lớn đã gây áp lực để các nhà lãnh đạo văn nghệ phải cho thành lập tờ báo này. Trước nguyện vọng chính đáng đó, tờ “Văn nghệ Trẻ” được hiểu là phụ bản của tờ báo văn chương chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam (báo Văn nghệ) chính thức được thành lập.

Rất nhiều nhà văn có uy tín được điều về tòa soạn. Trong số đó, Nguyễn Thành Phong là một nhà thơ trẻ và là một nhà báo chuyên nghiệp được giao trọng trách làm Trưởng ban, nghĩa là dù không chính danh nhưng ai cũng hiểu vị nhà thơ này chính là “Tổng biên tập” của diễn đàn văn trẻ đó. Ngay khi ra đời, tờ “Văn nghệ Trẻ” đã thực sự trở thành một mảnh đất văn chương uy tín thu hút giới sáng tác đăng tải tác phẩm.

Nếu tính trong mặt bằng các tờ báo văn nghệ hoặc có chuyên mục văn nghệ thì “Văn nghệ Trẻ” là một diễn đàn văn chương sang trọng. Được đăng tải tác phẩm ở đó đã là một sự đảm bảo về văn nghiệp cho bất cứ tác giả nào. Có được điều ấy không thể không công nhận tài làm báo của nhà thơ Nguyễn Thành Phong. “Văn nghệ Trẻ” ngay từ những số đầu tiên đã thu hút được sự quan tâm của toàn bộ văn giới.

Thời điểm ấy cánh chúng tôi đều ở tầm trên dưới 40 tuổi và đã có những thành tựu nhất định. “Văn nghệ Trẻ” là một địa điểm thú vị của cánh sáng tác trong đó có những nhà văn đàn anh nổi tiếng như Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh…tham gia. Không chỉ làm báo, chúng tôi còn hướng sang những lĩnh vực sáng tác khác như điện ảnh, truyền hình, sân khấu.

Dưới sự chỉ dẫn của một nhà biên kịch nổi tiếng, tôi cùng Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Quang Thiều, Trung Trung Đỉnh tiếp thụ kiến thức, kỹ thuật sáng tác kịch bản. Nhiều kịch bản thời đó ra đời ở lò đào tạo “Văn nghệ Trẻ” và trong nhóm chúng tôi sau này đều trở thành những biên kịch hoặc chuyên nghiệp hoặc tay ngang đầy uy tín.

Nguyễn Thành Phong trẻ nhất nhóm là chủ nhà đứng ra đăng cai lò đào tạo và chế tác kịch bản. Nghĩ lại dạo đó thật vui. Cứ hết giờ làm việc, chúng tôi rời nhiệm sở của mình chuyển về tụ tập ở trụ sở báo, 17 phố Trần Quốc Toản. Bia rươu, đồ nhắm được chuẩn bị và cả nhóm vừa nhậu vừa tiến hành xây dựng kịch bản một cách rôm rả. Chủ nhà Nguyễn Thành Phong lo việc bếp núc. Đây cũng là một năng khiếu một sở trường của vị nhà thơ trẻ.

Nhà thơ, Nhà báo Nguyễn Thành Phong

Bộ kịch bản dài 40 tập đầu tiên về lĩnh vực cảnh sát hình sự được phát sóng trên VTV mở ra một thời kỳ hết sự cấm kị, kiêng khem những vấn đề cuộc sống nhạy cảm trên truyền thông nhất là sóng truyền hình quốc gia. Trong số các văn nhân tụ tập ở trụ sở “Văn nghệ Trẻ” Nguyễn Thành Phong là người rất nhanh nhạy. Vốn sở trường về tư duy làm báo và là người làm thơ sở hữu sự tinh tế cùng những xúc cảm tâm hồn nên Phong sáng tác nhanh và thích ứng với nhiều loại thể. Nguyễn Thành Phong làm thơ từ rất sớm khi anh còn là sinh viên Bách khoa. Từng tham gia nhóm thơ “Vòm cửa xanh” đình đám một dạo. Các thành viên nhóm thơ này sau đấy đều trưởng thành là những nhà văn nhà thơ nổi tiếng đất nước.

Nói về năng khiếu bếp núc của nhà thơ Nguyễn Thành Phong tôi tin chắc sẽ có nhiều người tấm tắc tán thưởng. Phong là người thích nấu nướng thường đảm nhiệm việc nấu ăn ở nhà nhất là những dịp đãi khách. Tôi không ít lần được dự những cuộc nhậu quê kiểng mà Nguyễn Thành Phong làm đầu bếp. Tỷ như đột nhiên nhận được cú điện thoại của nhà thơ Trần Anh Thái gọi gấp gáp. Thái bảo, thằng cháu mang ở quê ra đôi vịt cỏ, đến nhậu đi, có đánh tiết canh. Ai làm? Thì thằng Phong chứ ai, ở nước Việt này nó là thằng đánh tiết canh mả nhất.

Thế là đến. Có lần về quê Nguyễn Thành Phong ở Đông Hưng, Thái Bình tôi được chứng kiến Phong trổ tài chế biến món gỏi sụn nhân dịp gia đình mổ lợn làm tiệc thượng thọ cho bố nhà thơ. Tên là gỏi sụn nhưng kỳ thực đó là món tổng hợp tất cả các bộ phận trên cơ thể con lợn được băm nhỏ rồi bóp tiết sau đó đồ chín. Chao ôi ngon, khoái khẩu chưa từng. Tôi đã đi nhiều vùng quê đất nước nhưng có lẽ chỉ ở Đông Hưng quê Nguyễn Thành Phong mới có món quê dân dã và độc đáo như vậy.

Nguyễn Thành Phong là một người đa tài, phát tiết sớm ở mảng thơ nhưng anh sáng tác được nhiều loại thể và nhiều đề tài. Tập thơ “Nghi lễ ngày ngày” là tác phẩm thơ đầu tay, sau đó là vô số tiểu thuyết là phóng sự là kịch bản và đương nhiên thơ vẫn là chủ đạo. Tôi và bạn bè hay nói đùa sáng tác chỉ là nghiệp vận vào còn làm báo và lãnh đạo báo chí mới là nghề của Nguyễn Thành Phong. Tôi thích nghề báo nhưng không mấy hợp. Không ít lần đi theo Phong làm phỏng vấn nhưng chả tiến bộ được bao nhiêu.

Nhân vật của Nguyễn Thành Phong đa dạng nhưng những bài đinh quan trọng của báo như phỏng vấn các yếu nhân thì Phong trực tiếp làm. Đó là những bài báo mang tính chuyên môn rất cao. Kinh qua nhiều môi trường làm báo, làm xuất bản ở quân đội, công an, văn nghệ, trước khi về hưu cách đây hai năm Nguyễn Thành Phong là Tổng biên tập báo “Lao động- Xã hội”.

Nguyễn Thành Phong rời nhiệm sở về hưu nhưng máu làm báo chưa thể tắt. Phong vẫn tiếp tục làm chuyên mục cho một vài tờ báo. Có kinh nghiệm lãnh đạo báo chí, nhà thơ tổ chức từng nhóm viết. Tôi cũng là người được Phong đặt bài viết chuyên mục thường xuyên. Những người viết cho vị nhà thơ mê làm báo này đều là bạn bè và đấy là những người viết rất có uy tín cùng chung sở thích. Không hề ngạc nhiên khi tôi biết những nhà báo, nhà văn nổi tiếng “ngoan ngoãn” đến hẹn lại nên nộp bài cho Nguyễn Thành Phong không một lời phàn nàn trước sự giục giã đôi khi cực đoan của cựu nhà báo kiêm nhà thơ luôn khó tính với nghề.

Tết rồi, trong một cuộc liên hoan mừng xuân đầu năm của nhóm nhà văn bạn bè cùng gia đình, Nguyễn Thành Phong chìa ra chiếc phong bì đưa công khai trước cả đám bạn cho tôi. Nhuận bút Tết của ông đây, sáu triệu. Cái truyện ngắn và hai tản văn. Riêng cái truyện ngắn tôi quay vòng ở một tờ tạp chí được thêm một triệu, cầm lấy này và mừng tuổi các bà đi. Tôi cười ngoác trước giọng nói có phần kẻ cả của Phong. Thì mừng tuổi. Đưa đẩy mãi rồi chiếc phong bì nhuận bút cũng tẹt hơn một nửa. Lúc ấy tôi bất chợt gặp ánh cười rạng rỡ trong mắt nhà thơ Nguyễn Thành Phong khi anh nhìn tôi phân phát những đồng nhuận bút ít ỏi.

Ánh rạng rỡ kia tôi biết, là niềm vui của một người làm nghề, yêu nghề đón nhận thành quả từ chính tình yêu sâu thẳm của mình. Ôi, Nguyễn Thành Phong!./

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top