Aa

Nhân chuyện Hà Nội loại bỏ cây phong

Chủ Nhật, 18/04/2021 - 07:00

Nay nhân vụ Hà Nội thất bại trong việc thử nghiệm cây phong lá đỏ Canada, tôi kêu gọi những người có trách nhiệm trồng cây ở đô thị, ở các khu du lịch hãy quan tâm đến việc trồng cây sau sau.

Tôi muốn kể cho các bạn nghe về một loại cây khác, thuần Việt, nhưng không khác gì cây phong đến từ đất nước Canada lạnh giá kia. Đó là cây sau sau, một thứ cây mọc nhiều ở các tỉnh miền núi phía bắc nước ta như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh...

Cây sau sau, còn gọi là phong hương, bạch giao, sâu trắng, cây thau...Tên khoa học: Liquidambar formosa. Ngoài nước ta, cây còn phân bố ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.

Lá, quả, nhựa, rễ của cây sau sau đều có thể dùng chữa các chứng bệnh như: phong thấp, đau nhức xương khớp, mẩn ngứa, chảy máu cam, đau răng...

Đặc biệt, lá non của cây sau sau là một món rau tuyệt vời. Ai đã từng ở miền núi phía bắc, đã từng được nếm món trứng kiến hay nhộng ong rừng xào, cuốn lá sau sau nhắm rượu thì hẳn không bao giờ quên được. Vị béo bùi của nhộng ong kiến, hòa quện với vị nhân nhẩn đắng của lá sau sau thành một vị thức ăn đặc biệt, kích thích vị giác tối đa, khiến ta có thể ăn no không chán. 

Cây sau sau (Ảnh: Zing)

Tuy nhiên, tôi không có ý định kể sâu cho các bạn về tác dụng chữa bệnh hay làm thuốc của cây sau sau. Mà tôi muốn lưu ý mọi người về giá trị cảnh quan của nó. Sau sau là một loài thực vật thân gỗ, sống lâu năm. Cây to có thể đến vài người ôm mới xuể. Hồi những năm 80 của thế kỷ trước, có thời gian tôi đã đóng quân ở dưới cánh rừng sau sau cổ thụ nên biết rõ điều này.

Thân cây sau sau rất đẹp, thẳng tắp. Nhưng đẹp nhất là tán lá. Lá chia ba thùy như lá phong. Mùa thu đông, lá từ xanh chuyển sang vàng, đỏ tạo ra một cảnh đẹp mê hồn. Bạn thử tưởng tượng mình đứng dưới một khoảng rừng như vậy, sẽ thấy thế nào. Nhưng khi cây sau sau đồng loạt trổ lá non sau khi trút hết lá cũ cũng là một cảnh đẹp hiếm có: lá sau sau mới ra có màu đỏ, sau chuyển dần sang màu xanh non, ngắm nhìn rất thích mắt: khoảng rừng sau sau như một bức tranh của họa sĩ đang vẽ, nó biến đổi màu hàng giờ, hàng ngay...

Khi Hà Nội chủ trương thử trồng cây phong lá đỏ ở đường Nguyễn Chí Thanh, tôi đã ngạc nhiên tự hỏi, sao không có ai nghĩ đến việc trồng cây sau sau bản địa nước mình, mà đem cái cây xứ lạnh lẽo xa xôi kia về trồng sao mà sống nổi? Tôi cũng lấy làm lạ là, ngày xưa người Pháp định trồng cây gì cho Hà Nội, họ đều trồng thử ở vườn Bách Thảo, theo dõi, nghiên cứu xem có hợp thổ nhưỡng không rồi mới trồng đại trà ra phố. Nay hình như người ta bỏ cái quy trình khoa học kia rồi thì phải. 

Gần đây, có nhiều dịp trở lại miền núi phía bắc, đến nhiều khu di tích lịch sử, khu du lịch...tôi đều hỏi có cây sau sau không? Họ nói là có, nhưng chỉ là cây nhỏ mọc rải rác trên đồi núi. Dĩ nhiên vậy. Bởi sự nghiệp phá rừng tự nhiên của ta đã xong từ lâu. Rừng sau sau cổ thụ tôi từng ở năm xưa đã thành chuyện cổ tích!

Trong những dịp đó, tôi đều cố gắng thuyết phục họ về vẻ đẹp hiếm có, độc đáo của cây sau sau. Và đề nghị họ hãy trồng thành đồi, hay là trồng thành các hàng cây cạnh đường đi cũng được, để tạo điểm nhấn cảnh quan cho nơi đó. Thế nhưng mọi cố gắng của tôi đều vô ích. Mấy năm sau quay lại, các chú nhân viên lại lao vút lên rừng ngắt ít lá sau sau về, khi tôi ngỏ ý muốn ăn món cuốn lá...

Nay nhân vụ Hà Nội thất bại trong việc thử nghiệm cây phong lá đỏ Canada, tôi kêu gọi những người có trách nhiệm trồng cây ở đô thị, ở các khu du lịch hãy quan tâm đến việc trồng cây sau sau. Một thứ cây bản địa đẹp không kém gì cây phong kia, mà chắc chắn là dễ trồng, dễ sống./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top