Aa

Nhân đầu năm mới: Thuận và nghịch

Thứ Ba, 05/01/2021 - 07:00

Cứ tưởng bấy lâu chỉ mình cả nghĩ, mới nhức nhối muốn nói với mọi người về những lời thuận, nghịch ở đời. Hóa ra cổ nhân đã có sẵn bài học thâm thúy nhường ấy, chẳng thêm bớt được gì nữa.

Chuyện lưu lại rằng:

Một ông vua trẻ, sau ngày đăng quang kế vị bèn cho vời các quan lớn bé - những kẻ hưởng bổng lộc để phò vua trị nước - vào cung, chỉ hỏi đúng một câu: “Hãy nói suy nghĩ của ngươi về triều đại Tiên đế” (Vua cha). Đa số các quan đều ra vẻ cung kính dùng những từ hay ho nhất hết lời ca ngợi. Nào là vua sáng; nào là bậc thánh đế 500 năm mới xuất hiện một lần; nào là thiên hạ thịnh trị thái bình; nào là ơn vua thấm nhuần từng nhành cây ngọn cỏ v.v... Nhà vua trẻ nghe đến chán cả tai những lời tung hô, nịnh bợ mà ngài biết tất cả đều là dối trá. Ôi, sao cái lũ quan thối tha này ở đâu ra mà thời nào cũng nhiều như ruồi nhặng vậy. Chúng chỉ giỏi vơ vét cho đầy túi tham, coi lương dân như cỏ rác, chả may gặp buổi gian khó khiến xã tắc nghiêng ngửa chúng cũng mặc kệ! Bao nhiêu triều đại suy tàn cũng vì cái lũ ấy. Giết chúng thì bẩn tay mà để chúng thì u uế thể diện quốc gia. 

Chu Văn An, một trung thần trong lịch sử nước Việt.

Vị vua trẻ trong lòng buồn bã vô hạn, nhưng cố gắng giấu đi. Chả lẽ làm vua là cứ phải ngày ngày ngồi nghe lũ sâu dân mọt nước này tâu bẩm hay sao? Ngài cố nén xuống những tiếng thở dài.

Mãi mới có một ông quan nhỏ bước từ phía dưới lên, quỳ xuống trước mặt vị vua trẻ, tâu rằng.

- Thần bạo gan nói điều này. Tiên đế quả là bậc vua anh minh nhưng còn có chỗ kém cỏi. Đó là ngài chỉ thích nghe những lời thuận tai. Vì thế mà bản triều ta có vô số kẻ vô hạnh, bất tài lại cứ vinh thân phì gia. Đó là vì họ biết tìm những lời nịnh hót làm vừa lòng tiên đế. Thực ra đó là bọn báo hại cơm dân lộc nước.

Vị vua trẻ như bị kim chọc vào tai, mặt hơi biến sắc trong khi các vị quan lớn bé đều im phăng phắc.

- Trẫm hỏi ngươi: Khi nói những điều ấy ngươi có hình dung trước kết cục không?

- Thần có thể phải chết.

- Tại sao biết chết mà vẫn làm?

- Bởi vì thà chết còn hơn đắc tội với non sông, xã tắc.

Vị vua trẻ quát to:

- Nói láo!

Đồng loạt các quan lớn bé đều quỳ xuống, có kẻ sụt sịt khóc, đồng thanh xin vua trị tội tên tiểu quan hỗn láo. Nhà vua càng giận tím mặt.

- Là ta bảo lũ các ngươi ấy! Nếu ta cần các ngươi chỉ để nghe những lời thuận tai thì làm sao bằng ta nuôi một lũ vẹt dạy cho đúng một câu “Nhà vua anh minh”. Còn ngươi - Vua chỉ vào ông quan dám nói ngược lại - Ta dám chắc nếu muốn ngươi còn nói hay hơn lũ vô dụng kia. Vì lẽ gì ngươi không làm như họ? Vì lẽ gì khi biết chết mà không tránh? Vì lẽ gì?

Chỉ có thể vì tấm lòng ngươi luôn hướng về xã tắc, coi xã tắc là trọng, làm sao một kẻ tiểu nhân gian nịnh, làm sao một kẻ chỉ vì túi cơm giá áo mà suốt đời ra luồn vào cúi săn đón ý bề trên có được cái tâm lớn nhường ấy. Nói cho thuận tai bề trên, ai chả làm được, cần gì phải đọc, phải học, phải đêm ngày trăn trở. Nhưng chúng nói thuận là để làm những điều đại nghịch vô đạo. Ta chưa thấy triều đình nào hưng thịnh khi một ông vua chỉ quen nghe vuốt ve bằng lời của lũ nói theo. Ta thực may hơn cha ta vì còn có kẻ như người đó.

Cứ tưởng bấy lâu chỉ mình cả nghĩ, mới nhức nhối muốn nói với mọi người về những lời thuận, nghịch ở đời. Hóa ra cổ nhân đã có sẵn bài học thâm thúy nhường ấy, chẳng thêm bớt được gì nữa. Nay chép hầu độc giả thay cho những lời bàn phiếm khó tránh khỏi dông dài theo kiểu múa rìu qua mắt thợ.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top