Aa

Nhiều doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức liên quan đến đất đai

Thứ Bảy, 24/04/2021 - 17:00

Theo báo cáo PCI 2020 do VCCI công bố mới đây, vẫn có đến 32% doanh nghiệp được điều tra phải trả chi phí không chính thức liên quan đến đất đai.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam - PCI 2020 do VCCI công bố đã cho thấy các chính sách và việc thừa hành chính sách liên quan đến đất đai tiếp tục là một trong những “trở lực” khá lớn và vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của các địa phương.

 Theo báo cáo PCI 2020 thì tỷ lệ DN cho biết phải trả chi phí không chính thức liên quan đến đất đai vẫn còn cao.
Theo báo cáo PCI 2020 thì tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức liên quan đến đất đai vẫn còn cao. Ảnh: Báo cáo PCI 2020 - VCCI

Báo cáo PCI 2020 đã cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp được điều tra cho biết đang phải trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục về đất đai năm 2020 đã trở lại mức 32% của năm 2017, sau khi tăng lên mức 36% năm 2019.

Cụ thể, qua điều tra PCI cho thấy hiện 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục đất đai bao gồm: Thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định [38%]; cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ [18%]; và thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian [16%].

Nghiên cứu PCI cũng đã chỉ ra đất đai, bên cạnh Thuế và Bảo hiểm xã hội vẫn là một trong những lĩnh vực mà việc cải cách hành chính mặc dù đã có những kết quả tích cực song các doanh nghiệp còn đang gặp phải phiền hà trong thực hiện một số thủ tục nhất định.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính liên quan đến đất đai còn phiền hà vẫn ở mức cao
Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính liên quan đến đất đai còn phiền hà vẫn ở mức cao. Ảnh: Báo cáo PCI 2020 - VCCI.

Một điểm đáng chú ý khác cũng được Báo cáo PCI 2020 nêu lên là dù tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân đồng ý với nhận định “Nguồn lực kinh doanh [hợp đồng, đất đai...] chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen cán bộ chính quyền” đã giảm từ 72,3% năm 2016 xuống còn 57,9% năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân cho biết “sự ưu đãi cho công ty lớn [cả nhà nước và tư nhân] là cản trở đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp” năm 2020 vẫn ở mức 53,9%, chỉ giảm nhẹ so với con số 54,6% năm 2016.

Theo nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, điều này cho thấy chính quyền các địa phương vẫn cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân.

Liên quan đến việc thừa hành các chính sách liên quan đến đất đai của các địa phương, Báo cáo PCI 2020 cũng đã chỉ ra một thực tế là dù đã giảm dần qua các năm nhưng các doanh nghiệp tư nhân được điều tra vẫn cho rằng chính quyền các tỉnh đang có những ưu tiên trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI hơn so với doanh nghiệp tư nhân, những hình thức ưu ái khác trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai...

Cụ thể, theo Báo cáo PCI 2020 các doanh nghiệp cho rằng hiện tượng chính quyền địa phương đang ưu tiên thu hút đầu tư FDI hơn so với thu hút đầu tư tư nhân trong nước trong năm 2020 là 29%.

Đối với bản thân các doanh nghiệp FDI thì điều tra PCI của VCCI cũng cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp FDI đồng ý với nhận định "Việt Nam là điểm đến có rủi ro bị thu hồi mặt bằng sản xuất kinh doanh và rủi ro do bất ổn chính sách, rủi ro bị thu hồi mặt bằng thấp" hiện ở mức 80%. Như vậy, vẫn còn khoảng 20% doanh nghiệp FDI còn lo ngại về rủi ro liên quan đến đất đai tại Việt Nam./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top