Aa

Nhớ anh Thiệp

Chủ Nhật, 04/04/2021 - 07:00

Tôi chợt hiểu, anh đã làm xong nghĩa vụ ở trần gian mà thượng đế giao cho. Và giờ đây anh nhắm mắt thanh thản rũ sạch bụi trần, về cùng đấng tối cao.

Khi đi viết văn tôi mới được gặp anh Thiệp. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng thực sự, tôi đã là người hâm mộ anh từ lâu. Từ khi anh đăng những truyện đầu tiên trên báo Văn Nghệ, đọc là tôi đã mê văn anh ngay. Tôi đọc mọi thứ anh viết với niềm say mê khao khát. Mọi cuốn sách của anh in ra tôi đều mua nhiều bản. Để đọc và đưa cho bạn bè đọc. Tôi hay nói với họ, văn chương tiếng Việt mà không đọc Nguyễn Huy Thiệp còn đọc cái gì?

Tuy nhiên, lúc đó tôi đang mải làm giàu kiếm tiền, đọc chỉ như là một sự giải trí, vốn là một thú vui từ bé của mình. Khi đó, tôi chưa từng có một suy nghĩ mảy may nào là có lúc mình lại gắn với văn nghiệp. Thế rồi số phận đưa đẩy, tôi lại đi viết văn. Thật kỳ lạ. Nhưng cũng chính vì rẽ ngang đi viết văn tôi mới được gặp thần tượng của mình.

Buổi đầu tiên gặp anh ở quán cà phê chỗ phố Hào Nam, là do gã đầu bạc Phạm Xuân Nguyên rủ tới. Chả là hôm ấy tôi tới đưa cho tay này tập bản thảo cuốn sách đầu tiên, nhờ hắn đọc. Tôi với hắn đi làm chầu bia tươi say bí tỉ, để làm quen. Thế rồi có người alo rủ hắn đi xuống Hào Nam nhậu tiếp. Hắn rủ tôi, nói có Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Sinh… và vài người khác tôi không nhớ. Tôi hào hứng đi ngay. Gặp anh Thiệp lần đầu tiên ở đó. Và cả ông nhà thơ bạn tri kỷ của anh, Nguyễn Bảo Sinh nữa.

Nhà văn Nguyễn huy thiệp

Đó là năm 2013. Lúc này thì anh Thiệp hầu như đã không viết gì nữa rồi. Sau này nhiều buổi ngồi uống trà với anh và ông bạn Bảo Sinh của anh ở cà phê Nhân, Hàng Hành. Nghe anh nói chuyện lan man sự đời, nghe bạn bè anh kể, đọc những cái anh mới công bố sau này… tôi hiểu rằng, anh đã làm xong sự nghiệp văn chương của đời mình rồi. Và tôi cũng mới hiểu được rằng, chặng đời đã qua của anh có quá nhiều chông gai sóng gió. Có vinh quang và cũng không thiếu những dập vùi. Tuy nhiên, tôi là một kẻ hậu sinh nên cũng không dám hỏi han gì nhiều. Chỉ thỉnh thoảng lấy tư cách dược sỹ, hỏi han anh về sức khỏe, bệnh tật và các thuốc anh dùng mà thôi.

Trong những buổi ngồi hầu trà anh Thiệp, anh hay nói những điều rất mông lung mà tôi không hiểu mấy. Anh hay nói về đạo. Anh hay nói về Chân, Thiện, Mỹ những điều mà văn học phải hướng tới. Có lúc anh lại bảo, giờ không phải là Mỹ mà phải là Nhẫn, đấy mới là điều người làm văn cần hơn. Ông bạn tri kỷ của anh, nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh thì bảo tôi rằng, ông bạn của ông đang loạn đao pháp vì những bế tắc trong cuộc sống thường nhật mà không ai có thể gánh vác thay cho được. Tôi hiểu. Những gánh nặng đời thường chất lên vai anh Thiệp ở quãng cuối đời quá ư là nan giải.

Tôi đã từng nhiều lần xuống nhà anh, nằm trong một con ngõ ngoằn ngoèo xa tít trong làng Khương Hạ cũ, nay gọi là phố Bùi Xương Trạch. Vào nhà anh phải có trí nhớ phi thường mới đi được tới. Anh bảo tôi, ông cứ lần theo cái bó dây điện to nhất trên đầu là tới. Cơ mà ngõ ngách Hà Nội, chỗ nào chả có những bó dây điện to lủng lẳng trên đầu? Nên hầu như lần nào tôi cũng thuê tay xe ôm đầu ngõ 77, dẫn vào mới xong. Đến nỗi có lần đi cùng với ông Bảo Sinh mà vẫn cứ lạc như thường. Thật là mê hồn trận.

Tôi đã đến và cũng đã vài lần ăn cơm với anh do chị Trang nấu tại nhà. Đến chơi lâu càng hiểu hoàn cảnh của anh. Thấy tiếc. Tiếc bản thân mình thôi, vì lúc tôi bỏ ngang nghề kinh doanh dược phẩm đi viết văn, tôi đang ngập đầu trong biển nợ nần chưa biết bao giờ thoát ra được. Tôi thầm tiếc nuối và cả day dứt nữa. Mình chả có gì nhiều để có thể đỡ đần cho anh bớt vất vả.

Nhưng cuộc đời là vậy. Ông bạn thân của anh, người mà tôi cũng rất yêu quý ngưỡng mộ là nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh hay nói, mỗi người phải vác cái thánh giá của mình, không ai thay thế cho được. Trong văn chương, anh Thiệp đã lập một đỉnh cao chói lọi, nói theo một góc cạnh nào đó, anh ấy đã hiển thánh. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã là một tượng đài của văn chương nước Việt. Vậy thì những gian nan vất vả đời thường của anh cũng như là cái giá của đấng toàn năng bắt anh phải gánh. Bởi hình như có một quy luật là, đời không bao giờ chỉ là được, là sung sướng, là hoa thơm trái ngọt.

nguyễn huy thiệp
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (Ảnh sưu tầm)

Hôm làm lễ tang cho anh, tôi đến và cố nhìn thật kỹ gương mặt anh lần cuối. Ra về tôi cứ suy ngẫm mãi. Gương mặt anh lúc đó hoàn toàn khác lạ so với lúc còn sống. Tôi ngẫm nghĩ bởi trong đời tôi đã chứng kiến nhiều gương mặt người chết rồi. Rất nhiều người khi chết gương mặt vẫn y như lúc sống, có cảm tưởng như họ chỉ đang ngủ một giấc, lát lại dậy mà thôi. Nhưng gương mặt anh Thiệp hôm ấy hoàn toàn khác khi còn sống. Khác hoàn toàn.

Một gương mặt thư giãn nhẹ nhàng không còn những nếp nhăn khắc khổ, không còn những ưu tư dằn vặt. Nhẹ nhõm. Thoát tục. Gương mặt của thần tiên. Tôi chợt hiểu, anh đã làm xong nghĩa vụ ở trần gian mà thượng đế giao cho. Và giờ đây anh nhắm mắt thanh thản rũ sạch bụi trần, về cùng đấng tối cao. Anh đã phiêu diêu nơi cõi niết bàn rồi. Nhưng chúng tôi, những người bạn, những kẻ hậu thế vẫn nhớ anh lắm. Mỗi buổi chiều qua quán cà phê Nhân, Hàng Hành nhìn chỗ anh hay ngồi, lòng day diết làm sao, anh Thiệp ơi…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top