Aa

“Nhóm bất động sản tăng trưởng âm, hồi phục yếu”

Thứ Hai, 13/11/2023 - 06:10

Theo SSI Research, hồi phục yếu và hiện hữu nhiều rủi ro, nhóm BĐS chịu áp lực bán và giảm mạnh hơn cả trong tháng 10. Bước sang tháng 11, dự kiến sự biến động của TTCK sẽ khá rộng và theo hướng tích cực hơn.

Các nhóm ngành tiêu dùng và công nghiệp lớn tiếp tục giảm

Tại báo cáo chiến lược tháng 11/2023, SSI Research cho biết kết quả kinh doanh quý III/2023 của các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận tốc độ suy giảm lợi nhuận thu hẹp.

Mặc dù tín hiệu phục hồi vẫn khá mờ nhạt khi lợi nhuận giảm trở lại 3,5% so với quý II/2023 (dữ liệu cập nhật ngày 1/11), tuy nhiên xu hướng ổn định được ghi nhận khi tổng doanh thu toàn thị trường giảm nhẹ 0,6% so với cùng kỳ và giảm 0,1% so với quý trước, chỉ giảm 8,8% so với mức đỉnh vào quý IV/2022 và vẫn cao hơn đáng kể giai đoạn trước 2022.

Tổng lợi nhuận sau thuế giảm 5% so với cùng kỳ sau khi liên tục ghi nhận mức giảm mạnh hai chữ số trong 3 quý trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, động lực tăng trưởng chính của thị trường đến từ sự trở lại của các nhóm ngành: Dầu khí tăng 828% so với cùng kỳ; ngành tài nguyên cơ bản có sự phục hồi mạnh sau khi giá các loại hàng hóa điều chỉnh đáng kể từ mức đỉnh của quý II/2022, với mức tăng 166%; ngành dịch vụ tài chính có quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, với mức tăng 138% so với cùng kỳ.

Ngược lại, các nhóm ngành tiêu dùng tiếp tục giảm khi cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đều chưa được cải thiện. Các ngành bán lẻ, hàng cá nhân và gia dụng, ô tô và phụ tùng, thực phẩm và đồ uống giảm quý thứ 4 liên tiếp. Trong khi đó, ngành hóa chất ghi nhận mức giảm mạnh nhất so cùng kỳ với 70,3%.

Ngành ngân hàng giảm 1,4% so với cùng kỳ. Các ngành công nghiệp lớn như bất động sản, điện nước và xăng dầu khí đốt, hàng và dịch vụ công nghiệp tiếp tục giảm khi hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng yếu, mức giảm lần lượt là 32,4%, 40,5% và 11,3%.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp đầu ngành bất động sản ghi nhận lợi nhuận đi xuống như VHM (-26,4% do doanh thu tài chính sụt giảm so với nền cao năm ngoái), KBC (-99%), KDH (-39%), PDR (-86%), IDC (-68%), NVL (-42%). Một số ít doanh nghiệp có tăng trưởng tốt như VRE (+66%), SSH (+608%), NLG (+39%), AGG (+89%).

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI đánh giá, nhìn chung KQKD của các doanh nghiệp niêm yết trong quý III thấp hơn so với kỳ vọng. Sự phục hồi diễn ra không đồng đều ở các nhóm ngành khác nhau. Tuy nhiên, với nền so sánh thấp ở quý IV/2022 (lợi nhuận giảm 33,5% so với cùng kỳ), nhóm nghiên cứu kỳ vọng lợi nhuận của thị trường sẽ tăng trưởng dương trở lại.

​ Nguồn: SSI Research

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục lùi sâu trong tháng 10 trước tác động từ một số yếu tố chính. Một là do sự đi xuống của TTCK Mỹ cùng nhiều TTCK khác trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ chạm mốc cao lịch sử 16 năm. Hai là trong nước, tâm lý nhà đầu tư suy yếu trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh cùng áp lực bán kỹ thuật ở một số cổ phiếu trụ cột đầu ngành. Và ba là một số cổ phiếu công bố kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng.

Áp lực bán đẩy mạnh trên diện rộng ở tất cả nhóm ngành. Trong đó, những nhóm có tốc độ hồi phục yếu hay hiện hữu nhiều rủi ro như bất động sản, vật liệu, hàng tiêu dùng giảm mạnh hơn cả.

Tại nhóm dầu khí, dù nhận được sự hỗ trợ riêng, nhưng trạng thái cũng không mấy khả quan khi đánh mất động lực tăng từ tháng 9 và cũng đảo chiều giảm sâu trong tháng 10.

VNIndex khép lại tháng 10 ở ngưỡng 1.028,2 điểm, giảm 126 điểm, tương ứng 10,9% so với tháng trước và mất hơn 17,4% từ mức đỉnh ghi nhận vào giữa tháng 9. Chỉ số cũng chỉ còn tăng 2,7% từ đầu năm.

Với nhiều biến số rủi ro khó lường, các nhà đầu tư thu hẹp đáng kể hoạt động giao dịch. Theo đó, GTGD bình quân phiên tháng 10 trên sàn HOSE đạt 14,4 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 39% so với đỉnh thanh khoản thiết lập vào tháng 9 và xấp xỉ mức bình quân 14,9 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng sang tháng thứ 7 liên tiếp với quy mô hơn 2,7 nghìn tỷ đồng; trong đó, giá trị thực hiện qua kênh khớp lệnh chiếm khoảng 4 nghìn tỷ đồng.

Bước qua tuần đầu tháng 11, trên biểu đồ trung hạn, VNIndex có những phản ứng tích cực đầu tiên khi chạm vùng hỗ trợ 1.020. Như vậy, sau chuỗi giảm mạnh vừa qua, chỉ số gần lấy lại cân bằng của nhịp điều chỉnh khi gặp vùng hỗ trợ năm 2023 tại 1.020 - 1.030.

Biến động trong ngắn hạn là cơ hội tích lũy đầu tư

Nhìn vào tình hình vĩ mô tháng 10, các số liệu tiếp tục cho thấy nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi toàn diện. Các động lực tăng trưởng vẫn thiếu vắng sự bứt phá, mặc dù tín hiệu phục hồi nhẹ đã được nhìn thấy ở lĩnh vực chế biến chế tạo và xuất khẩu.

Đầu tư FDI tiếp tục là điểm sáng trong tháng và xuyên suốt 10 tháng đầu năm. Tính đến cuối tháng 10, giải ngân FDI đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ và là con số thực hiện cao nhất 10 tháng trong vòng 5 năm qua. Trong đó chủ yếu dòng vốn chảy vào lĩnh vực chế biến chế tạo (chiếm 82%). Vốn FDI đăng ký mới cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực với mức tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, áp lực cho giải ngân đầu tư công vẫn còn khá lớn trong giai đoạn còn lại của năm tài khóa, khi khối lượng cần giải ngân vào khoảng 300 nghìn tỷ đồng.

Áp lực lạm phát đã hạ nhiệt dần trong khi tỷ giá biến động mạnh trong tháng 10 theo xu hướng quốc tế. Nhóm nghiên cứu đánh giá, áp lực lạm phát không quá đáng lo ngại trong ngắn hạn khi giá lương thực và thực phẩm khó có thể bật tăng nhanh chóng trong bối cảnh tiêu dùng trong nước tương đối yếu.

SSI Reasearch ước tính mức lạm phát trung bình cho năm 2023 sẽ vào khoảng 3,2% và có thể ở mức 3,4% nếu giá dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh tăng trong năm nay, vẫn thấp hơn tương đối so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ.

Với thị trường tiền tệ, tính đến cuối tháng 10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm 2022, tăng nhẹ so với mức 6,9% vào cuối tháng 9. NHNN đang rà soát để xem xét tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng có nhu cầu.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm và hiện tại lãi suất huy động đã về tương đương hoặc thấp hơn giai đoạn 2021. Lãi suất huy động tiếp tục giảm khoảng 30 điểm cơ bản trong tháng 10.

NHNN cho biết mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới giảm khoảng 200 – 220 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 – cao hơn mức mục tiêu giảm khoảng 150 điểm cơ bản cho vay từ phía NHNN.

Lãi suất cho những khoản vay hiện tại có tốc độ giảm chậm hơn do độ trễ với lãi suất huy động. Đáng chú ý, mức lãi suất trung bình (tính chung khoản vay mới và cũ) của một số NHTMCPNN giảm mạnh như VCB (5,94% - giảm 175 điểm cơ bản so với cuối năm 2022) hay BIDV (6,46% - giảm 259 điểm cơ bản).

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Theo nhóm nghiên cứu SSI, dữ liệu của tháng 10 đã cho thấy sự phục hồi nhẹ từ mức đáy nhưng mức quán tính này khó có thể tạo ra nhân tố bất ngờ cho nền kinh tế trong giai đoạn còn lại của năm. Trong khi, Chính phủ hiện đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2023 xuống còn 5% và các biện pháp hỗ trợ sẽ tập trung hơn trong năm 2024.

"Chúng tôi cho rằng thị trường có thể vẫn còn những biến động khó lường trong ngắn hạn với các rủi ro tiềm ẩn như môi trường lãi suất cao ở Mỹ, rủi ro địa chính trị, sự phục hồi yếu của nền kinh tế trong nước.

Các yếu tố định giá hấp dẫn, mặt bằng lãi suất thấp, các chính sách cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được đẩy mạnh qua chính sách tài khóa của Chính phủ sẽ tiếp tục là động lực cho thị trường trong trung và dài hạn", bà Hoàng Việt Phương và nhóm nghiên cứu đánh giá.

Tuy nhiên nhìn về lịch sử, dù do bất cứ yếu tố tác động nào, những nhịp điều chỉnh với biên độ hơn 15% trên VNIndex thường đi kèm nhịp hồi phục mạnh mẽ sau đó và luôn mang lại suất sinh lợi vượt trội.

Nhịp điều chỉnh hiện tại đã khiến VNIndex mất gấn 18% điểm số từ đỉnh ngắn hạn và đưa hệ số định giá P/E và P/B forward về gần các mức thấp nhất trong lịch sử 5 năm là 11 lần và 1,6 lần. Đây là nền tảng định giá tốt giúp thị trường tạo sức bật khi các động lực tăng trưởng cho thị trường phục hồi trở lại.

“Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ ưa chuộng nhóm cổ phiếu có sự phục hồi lợi nhuận vượt trội hơn mặt bằng chung và biến động trong ngắn hạn tiếp tục là cơ hội tích lũy đầu tư ở những cổ phiếu trong nhóm này”, nhóm nghiên cứu dự báo.

Cụ thể hơn, với các chỉ báo, RSI có xu hướng di chuyển từ vùng quá bán qua vùng trung tính, ADX vẫn nằm trong xu hướng giảm. Như vậy, sự ổn định các chỉ báo kỹ thuật sức mạnh chưa đồng nhất, điều này sẽ gây ra những dao động lớn và VNIndex có thể sẽ cần kiểm định quanh vùng hỗ trợ 1.020 trước khi phục hồi hoàn toàn.

SSI Research dự kiến sự biến động của thị trường trong tháng 11 sẽ khá rộng và theo hướng tích cực. Dự kiến biên độ giao động của chỉ số VNIndex trong phạm vi 1.005 -1.145.

Trong kịch bản thị trường chuyển biến tiêu cực hơn dự kiến, nếu chỉ số VNIndex không giữ vững trên vùng 1.000, nhà đầu tư cần quản trị rủi ro chặt chẽ và chờ đợi cơ hội ổn định của thị trường để tham gia trở lại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top