Aa

“Phía Đông Thủ đô là \'điểm nóng\' của thị trường bất động sản 2021“

An Vũ (thực hiện)
An Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 18/01/2021 - 06:00

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, phía Đông Hà Nội với bệ đỡ từ việc triển khai loạt dự án hạ tầng tỷ đô, các dự án BĐS đã hoàn thiện đưa khu vực này trở thành “điểm nóng” năm 2021.

Thị trường bất động sản phía Đông Hà Nội trong thời gian qua khá khởi sắc với sự xuất hiện của nhiều dự án, khu đô thị chất lượng. Số lượng nhà đầu tư quan tâm đến bất động sản phía Đông tăng mạnh. Đặc biệt, người có nhu cầu mua ở thực hoặc đầu tư lâu dài “ăn chắc mặc bền” đang có xu hướng tìm về đây. Để hiểu rõ sức nóng của bất động sản khu vực này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA). 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

PV: Thưa ông, thời gian qua, trong các khu vực quanh nội đô thì thị trường bất động sản phía Đông Hà Nội được nhận định là có nhiều bước chuyển mạnh mẽ cũng như dự đoán là “mảnh đất hái ra tiền”. Ông đánh giá như thế nào về thị trường này?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Thời kỳ 2008, các dự án bất động sản tại Hà Nội phần lớn đều tập trung về phía Tây Thành phố, khi Hà Nội mở rộng, người người đổ xô mua, thậm chí đầu cơ nhà đất tại khu vực này. Tuy nhiên, hiện nay thế cờ gần như đã thay đổi khi bất động sản phía Đông Hà Nội đang ấm dần.

Sự thay đổi này đến từ một trong những lý do quan trọng là việc hạ tầng giao thông, kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu vực này đã thực sự được đầu tư cải thiện. Hà Nội 15 năm trước chưa có cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì và Nhật Tân. Việc tiếp cận từ nội thành sang bên kia sông Hồng phụ thuộc vào 2 cây cầu chính là Thăng Long và Chương Dương. Còn cầu Long Biên chủ yếu phục vụ đường sắt. Do đó, việc đi lại từ nội thành sang các khu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh,… khá khó khăn.

Đến nay, ngoài các cây cầu hiện hữu như Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Thăng Long, Hà Nội sẽ có tổng cộng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong tương lai gần. Gần nhất là 4 cây cầu nghìn tỷ: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở. Cùng với đó, nhiều chủ đầu tư bất động sản bỏ vốn đầu tư hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường được mở rộng và xây mới...

Thị trường bất động sản phía Đông Hà Nội trong thời gian qua khá khởi sắc với sự xuất hiện của nhiều dự án hạ tầng.

Ngoài lợi thế về hạ tầng thì vị trí nằm ở cửa ngõ kinh tế, tiếp giáp dòng sông Hồng… sẽ là những “điểm nhấn” quan trọng tạo nên giá trị của các dự án bất động sản phía Đông. Nếu như 2 - 3 năm trước, nguồn hàng lớn mở bán ở phía Tây thì nay đã có sự dịch chuyển sang phía Đông thành phố, do khu vực này có đại dự án, đại đô thị, cung cấp cho thị trường đến 50% tổng nguồn cung mới. 

Phía Đông cũng sở hữu quỹ đất rộng lớn bởi suốt một khoảng thời gian dài trước đó chưa có nhiều chủ đầu tư chưa để ý đến nên quỹ đất của phía Đông rất lớn nhưng chưa được phát triển. Do đó, đây là một khu vực rất tiềm năng và cũng mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Đặc biệt là sự kết nối với các địa phương phía Bắc, Đông Bắc, các tỉnh có tốc độ phát triển cao, phát triển công nghiệp: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… Chính vì vậy, thị trường bất động sản phía Đông có triển vọng khá tốt. 

Thời gian qua, có nhiều dự án lớn như của Ecopark, Việt Hưng, Vingroup… đã thu hút của nhà đầu tư. Phía Đông vốn đã có bệ đỡ phát triển vẫn là khu vực có nhiều tiềm năng và trong tương lai, có thể bứt phá hơn nữa.

PV: Thưa ông, nếu so sánh với khu vực phía Tây, phía Bắc thì phía Đông có điểm nào nổi trội hơn?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Bất động sản phía Tây hấp dẫn bởi có sự hiện diện của khu công nghệ cao, làng đại học hay các khu đô thị mới hình thành. Quỹ đất tại phía Tây giai đoạn trước đây rất dễ dàng cho các chủ đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng. Mặt khác, lúc đó không ít người dân, nhà đầu tư vẫn bị ảnh hưởng bởi tâm lý, khu vực phía Đông bị cách trở, xa xôi khi họ muốn sang Long Biên, Gia Lâm là phải đi qua cầu, qua sông... Phía Bắc thì chậm phát triển hơn vì hạ tầng giao thông vẫn chưa thuận lợi. 

Sau một thời gian phát triển quá nóng, thị trường đã bình tĩnh lại và người ta thấy Hà Nội còn nhiều khu vực khác. Các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy khu vực phía Đông cũng có nhiều tiềm năng không kém các khu vực khác, lại rất gần với khu vực trung tâm của Hà Nội, chỉ cách chưa đầy 3km.

Dấu ấn tiên phong của Ecopark đã lan tỏa sức hút cho thị trường bất động sản khu vực này và đặt nền móng cho xu hướng xây dựng đô thị sinh thái.

Như vậy, đến nay sự phát triển của thị trường bất động sản tại phía Đông là điều tất yếu. Khu vực này sẽ còn chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa nhờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung của thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, giai đoạn từ 2016 - 2030 sẽ xây dựng 14 cây cầu mới qua sông Hồng và sông Đuống.

PV: Với quan sát và kinh nghiệm của mình, ông đánh giá như thế nào về các dự án, các khu đô thị mới đang triển khai tại phía Đông so với các khu đô thị đã được đưa vào sử dụng trước đây?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Một vài năm lại đây, các dự án khu đô thị lớn lại đang có xu hướng nở rộ tại khu vực phía đông Hà Nội càng chứng tỏ tiềm năng của khu vực này đã được đánh giá đúng mức. 

Điểm dễ nhìn thấy nhất là các khu đô thị, các dự án đang chuẩn bị xây dựng cũng như đưa vào hoạt động tại phía Đông đó là những dự án đã quan tâm tới khách hàng nhiều hơn, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường bất động sản sau dịch Covid-19, chất lượng, các chính sách sau bán hàng, cách vận hạnh quản lý toà nhà rất được quan tâm.

Cùng với đó, hiện nay, từ việc đầu tư hạ tầng, tiện ích cho các cư dân đến việc quản lý tòa nhà, vật tư thiết bị chi tiết, cụ thể... cũng được các chủ đầu tư cam kết rõ ràng. Có thể nói, giai đoạn hiện nay, chủ đầu tư chỉ có thể tập trung vào phát triển những sản phẩm có chất lượng.

Hiện có nhiều dự án khu đô thị có chất lượng đã được đưa vào vận hành tại phía Đông như dự án Ecopark, Vinhomes Ocean Park,… Các dự án này đều được đầu tư vào phân khúc trung cao cấp trở lên, với quy hoạch và thiết kế hiện đại, đáng sống đã làm thay đổi diện mạo khu vực Đông Nam Hà Nội.

Ví như với khu đô thị Ecopark, chính việc mạnh tay đầu tư cho không gian sống, các tiện ích, dịch vụ đã giúp Ecopark thành công trong việc thu hút nhà đầu tư và người dân. Sau nhiều năm phát triển, Ecopark đã trở thành một biểu tượng, một khái niệm sống mới tại phía Đông - nơi mà cư dân đều có thể cảm nhận và tận hưởng từng phút giây hạnh phúc mỗi ngày.

Ecopark đã trở thành một biểu tượng, một khái niệm sống mới tại phía Đông thủ đô.

PV: Ông có thể đánh giá cụ thể hơn sự xuất hiện của những khu đô thị mới đáng sống này đã thay đổi diện mạo đô thị và mở ra những cơ hội cho thị trường phía Đông như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Như tôi đã nói, các dự án lớn phía Đông như Ecopark, đã được các nhà đầu tư có tầm nhìn và thương hiệu lớn phát triển để đón làn sóng và xu hướng mới của thị trường. 

Họ đã đón trước được nhu cầu nhà ở của người dân cũng như sức hấp dẫn của khu vực này. Nhiều ông lớn cầm trịch thị trường nên việc bất động sản phía Đông trỗi dậy chỉ là vấn đề thời gian.

Khu Đông sẽ là địa bàn hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển nhất nếu xét ở góc độ giá cả và hạ tầng. Nhà đầu tư sẽ luôn chọn đầu tư dự án khu đô thị ở vị trí có thể đi lại và kết nối với trung tâm thành phố thuận tiện. Và nguồn cung nhà ở từ các dự án ở phía Đông đáp ứng được các tiêu chí về vị trí, giao thông cho người dân. Và với quỹ đất còn lớn sẽ rất phù hợp để phát triển những khu đô thị đáng sống theo mô hình xanh, thông minh vừa mang đến diện mạo mới cho đô thị phía Đông, vừa tạo dựng được những không gian sống riêng tư và yên bình bậc nhất cho Thủ đô.

Đặc biệt với định hướng quy hoạch trong tương lại, các đại đô thị sẽ được xây dựng dọc theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (giữa quốc lộ 5 cũ và cao tốc mới), kéo dài từ Hà Nội xuống Hưng Yên. Quy hoạch ấy mang tới sự gia tăng giá trị bất động sản cùng tính thanh khoản rất tốt ở những đô thị mới này, khi nhà đầu tư dễ dàng mua bán hoặc cho thuê nhờ giao thông thuận lợi giữa các thành phố. 

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top