Aa

Phó Chủ tịch VARs: Có 3 nguyên nhân khiến bất động sản Long Thành luôn "sốt"

Thứ Năm, 05/11/2020 - 06:00

Bất chấp kinh tế khó khăn do dịch bệnh, giá đất Long Thành luôn "sốt" trong một thời gian dài nhờ sức nóng từ sân bay Long Thành cũng như xu hướng dịch chuyển vùng ven và sự khan hiếm của nguồn cung.

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều xáo trộn đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Nhiều thị trường ở các thành phố lớn ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lượng giao dịch. Tuy nhiên, trái ngược với tình hình chung, trong nhiều tháng qua, thị trường bất động sản Long Thành (Đồng Nai) ghi nhận mức giá khá ổn định. Thậm chí, các thống kê cho thấy, bất động sản Long Thành còn sốt hơn trước đó. 

Để giải đáp cho câu hỏi: Tại sao thị trường này vẫn có sức nóng như vậy? Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs).

PV: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Long Thành vẫn được đánh giá là một điểm nóng tại thị trường phía Nam và nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Vậy đâu là lý do khiến bất động sản Long Thành duy trì được sức hút ấy, thưa ông? 

Ông Nguyễn Văn Đính: Kể từ khi dự án xây dựng sân bay Long Thành chính thức được phê duyệt thì thị trường bất động sản ở khu vực này đã trở nên rất sôi động. So với năm 2019 thì giá đất đã tăng rất cao. Cho đến thời điểm cuối năm 2019, giá đất tại khu vực Long Thành dao động từ 15 - 30 triệu đồng/m2, tăng so với năm 2018 (8 - 15 triệu đồng/m2).

Bước sang năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, giá đất ở Long Thành vẫn tăng mạnh khoảng 20% so với năm 2019. Đặc biệt, khu vực trung tâm Long Thành, giá đất không thua kém giá đất tại TP.HCM. Đơn cử như trung tâm chợ mới có giá từ 60 - 80 triệu đồng/m2, khu đường D3 có giá lên đến 100 triệu đồng/m2…

Có 3 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. 

Thứ nhất là mọi hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng địa phương đều làm biến động tăng giá bất động sản. Trong khi ở Long Thành đầu tư xây dựng sân bay kèm theo hàng hoạt trục giao thông kết nối sân bay với các khu vực đô thị, kinh tế khác, chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế mạnh ở khu vực này.

Thứ hai là việc phát triển cảng hàng không quốc tế sẽ dẫn đến phát triển các dự án - thành phần để hỗ trợ hoạt động hàng không như kho, bãi, dịch vụ và đô thị vệ tinh… làm tăng nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu đầu tư…

Thứ ba là sự khan hiếm nguồn cung tại TP.HCM đã tạo làn sóng dịch chuyển hoạt động đầu tư từ thành phố này đến những khu vực vùng ven hấp dẫn như Long Thành.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs)

PV: Thưa ông, việc phê duyệt đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối các tỉnh thành với TP.HCM được thông qua có tác động như thế nào đến bất động sản Long Thành?

Ông Nguyễn Văn Đính: Việc đầu tư sân bay Long Thành và TP.HCM đề xuất phát triển Thành phố Đông Sài Gòn cộng với hàng loạt cầu đường kết nối không gian phát triển các tỉnh Miền Đông Nam Bộ với TP.HCM đã tạo nên làn sóng thực sự sôi động cho thị trường bất động sản các tỉnh phía Nam trong thời gian qua.

Song tôi cho rằng, Long Thành sôi động không chỉ đến từ việc đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, mà còn bởi vì việc TP.HCM đề xuất mô hình thành phố kinh tế phía Đông - TP. Thủ Đức. Theo nội dung đề xuất, TP. Thủ Đức sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế, công nghệ cao và đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với vì vọng khu vực này sẽ tạo ra 15 - 20% GDP cho TP.HCM. Như vậy, tại đây chỉ đầu tư phát triển các dự án có chức năng nêu trên mà không phát triển thêm các dự án có chức năng đô thị - nhà ở.

Khi TP. Thủ Đức được xây dựng xong sẽ thu hút hàng triệu lao động là chuyên gia, chuyên viên, kỹ thuật cao. Đây là những đối tượng có thu nhập cao và đòi hỏi chất lượng về chỗ ở rất cao. Vậy bài toán phải tạo ra nhiều khu đô thị năng động, thông minh, chất lượng sẽ là ở đâu? Trong bối cảnh, TP. Thủ Đức không phát triển thêm nhà ở, trung tâm TP.HCM thì cạn kiệt quỹ đất…? Câu trả lời chỉ có thể là ở những địa phương liền kế với Thủ Đức, đó là Bình Dương, Đồng Nai…

Những địa phương này vừa giao thoa, vừa kết nối vùng thuận lợi với Thủ Đức. Trong đó Long Thành (Đồng Nai) được hưởng lợi không nhỏ từ việc phát triển TP. Thủ Đức và các kết nối hạ tầng giao thông. Những khu đô thị chất lượng, những thành phố vệ tinh được đầu tư xây dựng tại Long Thành chắc chắn sẽ tạo sức hút mạnh cho các nhà đầu tư.

Trong nhiều tháng qua, thị trường bất động sản Long Thành (Đồng Nai) ghi nhận mức giá khá ổn định.

PV: Mặc dù hấp dẫn nhưng Long Thành thời gian qua cũng chứng kiến không ít cơn sốt nóng, thổi giá. Ông có lời khuyên nào với các nhà đầu tư cá nhân khi rót vốn vào khu vực này?

Ông Nguyễn Văn Đính: Tiềm năng và cơ hội đã rõ nhưng các nhà đầu tư cũng phải nhận thức rõ một số vấn đề, nếu không sẽ nhận quả đắng thay vì hiệu quả khi đầu tư vào những khu vực trên.

Đối với khu vực Long Thành, việc đầu tư xây dựng sân bay quốc tế thường sẽ hạn chế phát triển thành phố, mà chỉ có thể phát triển một số dự án đô thị để đáp ứng lao động làm việc tại sân bay.

Các dự án xung quanh khu vực sân bay chủ yếu là công nghiệp, kho bãi và dịch vụ khách sạn, lưu trú. Mọi công trình xung quanh đều có thể bị hạn chế chiều cao vì phải đảm bảo tầm nhìn cho máy bay lên xuống.

Do vậy, việc mua bán đất tràn lan xung quanh khu vực sân bay có thể gặp phải trường hợp quy hoạch không phù hợp mục tiêu đầu tư, dễ bị thu hồi. Do vậy, các nhà đầu tư cần tham khảo thông tin quy hoạch đầy đủ. Chỉ nên đầu tư và các dự án đô thị đã được phê duyệt đúng quy định. Đối với khu vực các quận nằm trong TP. Thủ Đức sau này cần chú ý đến quy hoạch. Chỉ đầu tư vào những dự án đã được phê duyệt.

Ngoài ra, giá chung cư tại địa bàn đang bị đẩy lên cao tại một số dự án. Do đó khách hàng và nhà đầu tư nên cẩn trọng xem xét mức độ hợp lý về giá khi quyết định mua chung cư tại các khu vực này.

Khu vực phía Nam nói chung, Long Thành nói riêng đang xuất hiện nhiều dự án siêu đô thị thương mại giải trí hiện đại.

PV: Thưa ông, khu vực phía Nam nói chung, Long Thành nói riêng đang xuất hiện nhiều dự án siêu đô thị thương mại giải trí hiện đại. Theo ông, đây có phải là xu hướng mới của thị trường bất động sản trong giai đoạn 2021 - 2025? Xu hướng này sẽ đem lại cơ hội đầu tư ra sao?

Ông Nguyễn Văn Đính: Địa phương nào có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh thì sẽ là khu vực tiềm năng để đầu tư. Kéo theo đó, hành vi mua nhà, mua sắm, giải trí của khách hàng cũng đang thay đổi rất gấp, sẽ tạo ra nhiều điểm sáng cho bất động sản, đó là việc hình thành các đô thị thương mại giải trí hiện đại. 

Những đô thị này không chỉ thúc đẩy ngành thương mại, dịch vụ mà còn nối dài thêm “cánh tay” thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Và dĩ nhiên, trong tương lai, những đô thị có hạ tầng kết nối thuận tiện là điểm mấu chốt mang lại sức hấp dẫn và tiềm năng gia tăng giá trị sinh lợi cho nhà đầu tư cao hơn hẳn những dự nhỏ lẻ, không quy hoạch đồng bộ. 

Giai đoạn 2021 - 2025, khi dịch qua đi, kinh tế phục hồi, bất động sản sẽ bật trở lại rất nhanh, đặc biệt là những khu vực đã có quy hoạch, hạ tầng đồng bộ và những sản phẩm mới sẽ được đón nhận tốt hơn. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top