Aa

Phú Thọ xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai

Thứ Hai, 08/01/2024 - 05:35

Nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện bởi đây được xác định là công cụ đắc lực nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư...

Tăng tốc để đạt mục tiêu

Sau một thời gian triển khai, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án, đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 675/UBND-NNTN ngày 7/3/2023 về “Điều chỉnh tiến độ thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính” theo Kế hoạch số 4451/KH-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2021 của UBND tỉnh Phú Thọ.

Phú Thọ xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai- Ảnh 1.

Đơn vị chuyên môn thực hiện công tác đo đạc, thiết lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính tại xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng.

Để thực hiện Đề án, các ngành chuyên môn, các địa phương đã nhanh chóng, nỗ lực nhập cuộc triển khai phù hợp với nhiệm vụ, tình hình thực tế. Đồng chí Quách Văn Chiến- Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo quan điểm, mục tiêu chỉ đạo của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Hướng dẫn số 2803/HD-TNMT ngày 13/10/2021 hướng dẫn cụ thể về trình tự các bước thực hiện, các nội dung về chuyên môn để các huyện thực hiện. Sở đã phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức thực hiện, đánh giá, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Đối với nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, Sở cũng đã tích cực triển khai trên cơ sở kết quả đo đạc, hoàn thiện hồ sơ địa chính của cấp huyện.

Tại các địa phương, công tác kê khai, đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, hoàn thiện hồ sơ địa chính... phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được quan tâm, nỗ lực thực hiện với phương châm đảm bảo tiến hành dứt điểm từng xã, thị trấn đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật theo quy định, tiến độ kế hoạch, nguồn thông tin có độ chính xác cao nhất. Các huyện, thành, thị đã xây dựng, ban hành kế hoạch; thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính cấp huyện, cấp xã để kịp thời triển khai; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân; phổ biến những quy định cụ thể đến người sử dụng đất, đảm bảo đồng thuận, nhất quán, phối hợp nhịp nhàng trong quá trình thực hiện.

Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 84 xã của 10 huyện, thành, thị đã tổ chức xây dựng thiết kế kỹ thuật - dự toán; phê duyệt tổ chức đo đạc bản đồ địa chính được 60 xã, đạt 50,8% số xã cần đo đạc, trong đó đã có 47 xã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính với diện tích 33.604ha. Trong xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lập, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 75 xã, thị trấn của bốn huyện, đồng thời phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thuê hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành cơ sở dữ liệu giai đoạn 2023-2025.

Nỗ lực số hóa dữ liệu đất đai

Việc tập trung trí tuệ, nguồn lực, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Đồng hành cùng các địa phương trong quá trình thực hiện Đề án, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tế như ban hành Văn bản số 2541/TNMT-QLĐĐ ngày 22/9/2023 hướng dẫn cấp huyện.

Phú Thọ xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai- Ảnh 2.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Ba rà soát kế hoạch triển khai thực hiện của đơn vị đo đạc, lập bản đồ địa chính.

Trong đó đưa ra 28 trường hợp khó khăn, vướng mắc thường gặp trong thực hiện để các đơn vị tư vấn, phòng, đơn vị chuyên môn, UBND cấp xã nghiên cứu, áp dụng, đảm bảo đo đạc thửa đất, kê khai, đăng ký đất đai theo mục đích, hiện trạng người dân đang sử dụng, đến năm 2025, tất cả các thửa đất phải được đăng ký đất đai và ghi vào sổ địa chính làm cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Quang, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh sẽ kết nối với dữ liệu dân cư, xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ tốt công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về đất đai. Từ khi triển khai thực hiện, những kết quả bước đầu của Đề án đã và đang tạo cơ sở pháp lý, cung cấp các thông tin có liên quan, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Để công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thực hiện đảm bảo mục tiêu, Sở sẽ tăng cường theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ phát sinh. Đồng thời, đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường bố trí kinh phí cho cấp huyện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.

Các huyện, thành, thị tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân, doanh nghiệp vào cuộc để thực hiện tốt công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến để người dân, doanh nghiệp, chủ sử dụng đất nhận thức đúng, đủ, chủ động phối hợp trong việc kê khai, đăng ký đất đai. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đo đạc lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, các huyện, thành, thị chú trọng lựa chọn đơn vị thi công đo đạc, tư vấn có đủ năng lực; bố trí cán bộ cấp huyện, cấp xã phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đo đạc thực địa, lập hồ sơ kê khai... Các địa phương cần bố trí đủ kinh phí từ nguồn thu đất của cấp huyện để thực hiện các nhiệm vụ; rà soát những đơn vị hành chính cấp xã sẽ sắp xếp, sáp nhập tới đây để đưa ra giải pháp triển khai thực hiện phù hợp.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top