Aa

Phượng hồng "bung lụa" giữa Hà thành

Thứ Sáu, 12/06/2020 - 10:25

Giữa nắng hè chói chang, Hà Nội bỗng bừng lên rực rỡ. Tưởng như chỉ cần một tà áo trắng, một chiếc giỏ xe… là ta lại được trở về với hồn nhiên tuổi học trò. Và lòng bỗng rung lên: Phượng ơi!

Phượng hồng

Cái thuở học trò lưu luyến ấy, ai chẳng nhớ bài hát Phượng hồng của nhạc sĩ Vũ Hoàng, phổ thơ Đỗ Trung Quân:

"Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng,

Em chở mùa hè của tôi đi đâu,

Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18,

Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.

Mối tình đầu của tôi

Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp,

Là áo ai bay trắng cả giấc mơ

Là bài thơ còn hoài trong vở,

Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.

Cánh phượng hồng ngẩn ngơ,

Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây,

Và mùa sau biết có còn gặp lại,

Ngày khai trường áo lụa gió thu bay.

Mối tình đầu của tôi

Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi,

Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu,

Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ..."

Nắng hè rực rỡ

Cây phượng, hay còn gọi là phượng vĩ, vì tàu lá kép của nó giống như đuôi chim phượng (có người gọi là xoan tây, còn trong Nam gọi là bông điệp), nguồn gốc từ Madagascar, một đảo quốc ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển Đông Nam châu Phi. 

Ở Việt Nam, phượng được người Pháp mang vào trồng từ cuối thế kỷ 19, ban đầu ở các thành phố cảng như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn. Đến nay, phượng được trồng ở khắp nơi trên đất nước ta, bởi phượng dễ trồng, không kén đất, chịu được cả khô hạn và đất mặn. Ở thành phố, phượng là cây bóng mát và tạo cảnh quan đô thị, thường được trồng ngoài đường, trong công viên, sân trường, bệnh viện…

Hoa phượng thường mọc thành chùm. Những chùm hoa lại mọc ken dày trên cành và nhiều khi, vào lúc nở rộ, hoa phủ kín tán cây một màu đỏ như tấm lụa bung xòe rực rỡ… Mỗi bông hoa thường có 4 cánh với cuống hoa dài xòe rộng hình cánh bướm màu đỏ tươi hay đỏ cam. Đặc biệt, cánh hoa thứ năm mọc thẳng, lớn hơn 4 cánh kia và thường lốm đốm màu trắng - vàng hoặc cam - vàng, cũng có khi là màu trắng - đỏ. Chính điều đó làm cho từng chùm hoa phượng, từng bông hoa phượng hay thậm chí từng cánh phượng cứ bay bay như cánh bướm, cùng với tàu lá chấp chới đuôi chim làm cả vòm hoa luôn xao động…

Đẹp đến từng cánh lá

Phượng đẹp từ dáng cây đến từng chiếc lá. Theo các tài liệu khoa học, cây phượng cao từ 10 - 15m, có cây cao đến 20m, tán tỏa rộng nên rất thích hợp làm cây bóng mát. 

Phượng có lá phức lông chim kép mọc đối xứng hai bên: Mỗi lá dài khoảng 30 - 50cm và có từ 20 đến 40 cặp lá chét sơ cấp hay lá chét lông chim lớn, và mỗi lá chét lông chim lớn lại được chia tiếp thành 10 - 20 cặp lá chét thứ cấp hay lá chét con. Các tàu lá giống như lông chim và có màu lục sáng. Chính điều đó làm cho tán phượng râm nhưng không tối, tỏa bóng mát nhưng không rậm rạp. 

Giữa trưa hè chói chang, chỉ cần một làn gió nhẹ cũng đủ làm những tàu lá gợn sóng lăn tăn, xao động cả nền trời xanh. Thường đến cuối thu đầu đông thì phượng trút lá. Một cơn gió đổi mùa, muôn vàn những chiếc lá vàng li ti như lá me bay bay trong gió, rắc đầy mái tóc, trải vàng sân trường…

Không biết phượng đẹp từ hoa hay ở lá...

Cành phượng thướt tha

Phượng phân cành nhánh nhiều. Cành phượng lại thường mọc nghiêng hay ngang ra làm cho tán xòe rộng. Và đặc biệt, phượng có nhiều cành mảnh mai buông xuống thướt tha như tà áo dài nữ sinh, trông như những nét chỉ thêu hay mềm mại như nét vẽ trên tranh lụa, rất nên thơ…

Phượng thường ra hoa từ cuối tháng 4, nở rộ vào tháng 5, tháng 6 và có khi kéo dài đến tháng 7. Trên một cây, trên một cành hay thậm chí trên một chùm hoa thường có rất nhiều nụ rải ra nhiều thế hệ. Chính vì vậy mà nhiều khi cành cây vẫn còn bung hoa đỏ nhưng lại đã có cả trái non màu cốm pha ngọc bích hay trái phượng già từ mùa trước buông dài như thanh bảo kiếm. 

Hoa phượng có màu đỏ cờ đặc trưng. Nắng càng chói chang, phượng càng rực rỡ. Và, cái màu đỏ ấy cứ đỏ mãi trên sắc hoa cho đến lúc trút cánh vẫn còn nhuộm đỏ mặt đường…

Trên một cây phượng nhiều khi có cả nụ, cả hoa, quả già và quả non...
Cánh phượng cả đến khi trút xuống vẫn nhuộm đỏ mặt đường

Phượng đẹp Công viên Thống Nhất

Phượng thường được trồng trên đường phố, trong trường học hay khuôn viên các công sở, bệnh viện. Vì thế, Công viên Thống Nhất (Hà Nội) cũng không thể thiếu phượng. Trong công viên, phượng được trồng thành vườn phía đường Đại Cồ Việt, trong khu vực trung tâm và rải rác khắp công viên. 

Đặc biệt, phượng được trồng quanh hồ Bảy Mẫu khá nhiều. Phượng in bóng với nhịp cầu hồng dẫn vào đảo Thống Nhất. Còn phía đường Lê Duẩn, lối cổng vào Quán Gió lại có cây phượng cổ dáng rất đẹp ngả xuống mặt hồ rất sai hoa, năm nào cũng thu hút rất nhiều người đến chụp ảnh.

Cây phượng già lối cổng vào Quán Gió phía đường Lê Duẩn thu hút nhiều người check-in

Phượng buông đỏ hồ Trúc Bạch, Hồ Tây…

Những địa danh gắn liền với lịch sử Hà thành đều được trồng rất nhiều phượng.

Phượng trồng kín mé đường Thanh Niên phía hồ Trúc Bạch, vòng theo đường Trúc Bạch, Trấn Vũ với những cây phượng cổ xen lẫn hàng phượng tơ mới lớn. Phía đường Trấn Vũ, nơi công viên nho nhỏ có cây phượng cổ thụ năm nào cũng sai hoa, cành buông xuống mặt hồ rất nên thơ, là điểm check-in ưa thích của những người yêu cánh phượng hồng.

Hàng phượng bên hồ Trúc Bạch phía đường Thanh Niên

Hàng phượng phía phố Trúc Bạch và Trấn Vũ

Cây phượng cổ thụ ở vườn hoa phố Trấn Vũ thu hút nhiều người đến chụp ảnh.

Phượng được trồng rất nhiều quanh Hồ Tây. Hồ Tây rộng là thế mà phía đường nào cũng gần như kín phượng. Phượng trồng khắp đường Lạc Long Quân. Những cây phượng cổ thụ xum xuê khu vực Phủ Tây Hồ. Phượng phủ kín các con đường ven hồ mới kè…

Phượng là giống cây ưa nắng. Nắng càng chói chang, phượng càng rực rỡ. Chính vì thế, mặt hồ chang chang nắng không bị che khuất là điều kiện lý tưởng cho phượng. Dưới ánh nắng ban mai hay ánh chiều tà, sắc đỏ của hoa quyện với màu xanh lục của tàu lá được phản chiếu “mặt gương Tây Hồ” càng làm cho cảnh sắc thêm lung linh huyền ảo…

Phượng lung linh mặt gương Tây Hồ...

Các cung đường hoa phượng

Ở Hà Nội, có cả những tuyến đường trồng “chuyên đề” phượng như dọc sông Tô Lịch, các con đường Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng, các khu đô thị mới… mà năm nay lác đác đã có hoa.

Nghe nói Hà Nội đang lắp đặt đường ống gom nước thải sông Tô Lịch. Tôi khấp khởi mừng thầm và ước ao đến một ngày dòng Tô trong xanh soi bóng hàng phượng đỏ chảy hiền hòa giữa chốn kinh kỳ thấp thoáng bóng những con thuyền trong ca dao:

Nước sông Tô vừa trong vừa mát

Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh

Dừng chèo muốn tỏ tâm tình

Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu…

Mong chóng đến ngày "nước sông Tô vừa trong vừa mát"...

Phượng thắm Bờ Hồ

Phượng để lại nhiều ấn tượng. Thành phố Hải Phòng được gọi là Thành phố hoa phượng đỏ. Và một tà áo dài tha thướt, chiếc nón bài thơ bên dáng phượng hồng đầu cầu Trường Tiền đủ làm nên xứ Huế mộng mơ…

Ở Hà Nội, phượng thắm sắc Bờ Hồ. Nếu Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước thì Hồ Hoàn Kiếm là hơi hội tụ hồn thiêng sông núi, là viên ngọc bích lung linh suốt bốn mùa hoa lá. Và trong Hà Nội mười hai mùa hoa ấy, không thể thiếu hoa phượng rực rỡ dưới nắng hè soi bóng Tháp Rùa, hòa với sắc đỏ cầu Thê Húc càng làm cho viên ngọc thêm lung linh.

Phượng soi bóng Hồ Gươm

Một thời áo trắng…

Hoa phượng thường được gắn với tuổi học trò, bởi phượng nở hoa vào đúng tháng 5 - tháng của mùa thi, để rồi sau đó là kỳ nghỉ hè, thích đấy và cũng da diết nhớ…

Ai chẳng có một thuở học trò hồn nhiên, trong trắng. Và rồi, ai chẳng phải đến một mùa hè bỗng nhói lòng khi viết cho nhau những dòng lưu bút, bỗng ngẩn ngơ giã từ tuổi thơ vô tư và trong sáng… Để rồi, cánh phượng hồng ép trong trang sổ trở thành nỗi nhớ da diết về “thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu”…

Để rồi, phượng hồng vô tình trở thành chứng nhân của sự giã từ, của chia ly, và cũng là biểu tượng của tuổi học trò.

Để rồi, dẫu có phải chia tay cái thủa ban đầu lưu luyến ấy, thì mỗi khi hè đến, các thiếu nữ với tà áo trắng thướt tha lại tìm về trang vở dưới bóng phượng hồng để được sống lại một thời nữ sinh áo trắng…

Sống lại một thời nữ sinh áo trắng...

Màu đỏ là màu nóng. Nhưng có điều kỳ lạ, cái sắc đỏ của hoa phượng không hề làm cho nắng hè nóng hơn mà lại làm dịu bớt trong ta cái khắc khoải, cồn cào nỗi nhớ về một thuở học trò…

... Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại

Nắng ngập đường một vạt tóc nào xa...

                                                    (Phượng hồng)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top