Aa

Quản lý phát triển đô thị: Cần bảo đảm bền vững theo mạng lưới

Thứ Sáu, 10/11/2023 - 06:10

Theo lãnh đạo Cục Phát triển đô thị, thời gian tới, Việt Nam cầm tập trung phân loại, quản lý phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ về mạng lưới và phù hợp vùng miền.

​Nhấn mạnh đô thị hóa là xu hướng phát triển tất yếu, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để các địa phương đẩy mạnh phát triển đô thị xanh, bền vưng; trong đó chú trọng một số thể chế về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng bảo đảm bền vững theo mạng lưới.

Hợp tác chặt chẽ

Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Lê Hoàng Trung, phát triển đô thị Xanh trong bối cảnh hiện nay không chỉ có vai trò là không gian sống chất lượng cao, mà còn là không gian đổi mới sáng tạo; tạo ra những giá trị thặng dư, góp phần quan trọng trong giải quyết vấn đề tăng trưởng chung của quốc gia, của xã hội cũng như vấn đề phát triển bền vững của đô thị.

Vì thế, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã dành sự quan tâm đặc biệt cho mục tiêu phát triển đô thị. Minh chứng là trong năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh đô thị hóa là tất yếu, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Cùng với đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 để cụ thể hóa các nhiệm vụ của Nghị quyết số 06 và phân công trách nhiệm cho các bên liên quan, gồm bộ ngành Trung ương, chính quyền đô thị địa phương và các cơ quan, tổ chức.

“Có thể nói, nhiệm vụ phát triển đô thị mà Nghị quyết số 06 và Nghị quyết số 148/NQ-CP đưa ra là những trọng trách hết sức to lớn, nhưng cũng đồng thời là cơ hội mở ra thời cơ mới cho sự phát triển của đô thị Việt Nam,” ông Trung chia sẻ.

Trên tinh thần đó, theo ông Trung, thời gian tới, Việt Nam cần phải có sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, giữa các bên hữu quan.

Ở góc độ các bộ, ngành, việc tiếp tục phối hợp xây dựng, hoàn thiện các thể chế hữu quan và quan tâm hướng dẫn địa phương thực hiện là điều kiện quan trọng để giúp địa phương có hành lang pháp lý phù hợp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Chú trọng một số thể chế về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong đó, các địa phương cần chú trọng một số thể chế về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn; thúc đẩy xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng; đảm bảo nguồn lực cho các mục tiêu an sinh xã hội, nhà ở xã hội, cải tạo chỉnh trang đô thị...

Về phía chính quyền đô thị, ông Trung đề xuất thời gian tới cần hoàn thiện, phủ kín quy hoạch đô thị; lập chương trình phát triển đô thị, cải tạo chỉnh trang; đầu tư, thực hiện kế hoạch hình thành các đô thị mới; khắc phục các tiêu chuẩn phân loại đô thị còn thiếu; đầu tư, phát triển các chỉ tiêu cơ bản về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đầu tư khắc phục các vấn đề năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, ngập lụt, sạt lở.

Ngoài ra, cộng đồng - đối tượng hưởng thụ các thành quả của đô thị hay gánh chịu hệ lụy của quá trình phát triển đô thị (nếu có) cũng cần nêu cao vai trò trách nhiệm của mình đối với ngôi nhà chung đô thị.

“Sự quan tâm của cả cộng đồng đối với không gian sống đô thị không chỉ thông qua việc đóng góp các ý tưởng, sáng kiến xây dựng thành phố, mà còn tham gia sâu hơn, trực tiếp hơn, thường xuyên hơn vào quá trình xây dựng thể chế, pháp luật, các chương trình, chính sách, kế hoạch hành động tại địa phương,” ông Trung lưu ý.

Phát triển đô thị đồng bệ về mạng lưới

Trong bài tham luận tại Diễn đàn “Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023” diễn ra vào ngày 8/11, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái cũng nêu ra 5 chính sách trong quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Theo đó, chính sách thứ nhất mà ông Thái đề cập tới là phân loại, quản lý phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ về mạng lưới và phù hợp vùng miền. Chính sách này quy định các tiêu chuẩn chất lượng sống tại đô thị; phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền.

Chính sách 2 về quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị hiện đại, xanh, thông minh, hướng tới phát triển bền vững. Cụ thể là bảo đảm kết hợp đồng bộ, hài hoà giữa phát triển đô thị mới với cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển đô thị, phát triển đô thị có quy hoạch, kế hoạch, định hướng hiện đại, đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai dịch bệnh.

Phát triển hệ thống hạ tầng đô thị cần đồng bộ, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Thứ ba là chính sách về quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu (trong đó tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý phát triển và cung cấp dịch vụ hạ tầng đô thị nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển đa dạng không gian công cộng đô thị).

“Chính sách tư là về quản lý phát triển không gian ngầm đô thị với mục tiêu thúc đẩy phát triển, khai thác sử dụng không gian ngầm đô thị hiệu quả, bền vững, góp phần đa dạng hóa không gian phát triển của đô thị,” ông Thái nói.

Cuối cùng là chính sách về tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị. Trọng đó quy định chuẩn hóa năng lực nghiệp vụ quản lý phát triển đô thị gắn với tăng cường phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm chính quyền địa phương và vai trò của cộng đồng trong quản lý phát triển đô thị.

Trên phương diện đối tác, tại diễn đàn, Giám đốc Quốc gia AFD tại Việt Nam - ông Herve Conan cũng nhấn mạnh AFD đã hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Phát triển đô thị về các công cụ đo lường khả năng chống chịu phục hồi đô thị và tăng trưởng xanh.

Thời gian tới, AFD sẽ tiếp tục cùng với Bộ Xây dựng, hỗ trợ các bên liên quan tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực đô thị ở Việt Nam. Hiện tại, AFD đang làm việc với gần 15 tỉnh, thành trong các giai đoạn của một dự án đầu tư hỗ trợ phát triển đô thị.

Bà Naomi Hoogervorst, chuyên gia cao cấp của UN-Habitat cũng cho rằng để hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), các thành phố cần sự hỗ trợ từ quốc gia để cải thiện khung pháp lý, thu thập và truy cập dữ liệu, nguồn tài chính và xây dựng năng lực… Quy hoạch, phát triển và quản trị đô thị phải tạo điều kiện thuận lợi cho các hành động đa cấp nhằm đẩy nhanh việc thực hiện SDG.

Trên cơ sở đó, bà Naomi Hoogervorst nhấn mạnh chính quyền trung ương và địa phương có thể tích hợp việc điều chỉnh các mục tiêu định tính và chỉ số định lượng của SDG vào các tài liệu quy hoạch quốc gia và địa phương; đóng vai trò là bộ phận chính của Khung giám sát và đánh giá việc thực hiện quy hoạch đô thị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top