Aa

Sắc xanh áp đảo nhóm bất động sản trong phiên 12/5, một số mã lớn tiếp tục giảm

Thứ Năm, 13/05/2021 - 06:00

Các chỉ số hồi phục tăng điểm tốt trong phiên 12/5 khi lực cầu dâng cao vào cuối giờ giao dịch. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng biến động tích cực khi sắc xanh áp đảo.

Thị trường chứng khoán phiên 12/5 lại đi theo cách làm bất ngờ nhà đầu tư. Tuy nhiên, khác với phiên trước sự bất ngờ này lại theo chiều hướng tích cực.

Thị trường mở cửa phiên giao dịch với khá nhiều khó khăn khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giằng co rất mạnh, các chỉ số chỉ biến động hẹp quanh mốc tham chiếu. VN-Index trong khoảng thời gian nửa đầu phiên sáng liên tục có những đợt tăng, giảm điểm đan xen. Sau đó, chỉ số này có lúc còn giảm khá sâu.

Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi lực cầu dâng cao ngay sau giờ nghỉ trưa và điều này giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Lực cầu mạnh hơn khi về cuối phiên và điều này giúp nới rộng đà tăng của các chỉ số. Cả 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index gần như đóng cửa ở vùng cao nhất phiên.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính giúp thị trường hưng phấn ở cuối phiên. Các mã như TCB, STB, TPB… đều tăng giá mạnh. STB thậm chí còn được kéo lên mức giá trần 26.350 đồng/cp, TCB tăng 4,8% lên 49.250 đồng/cp, TPB tăng 3,3% lên 22.200 đồng/cp.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như GVR, PVS, PVD, MSN, PNJ, SSI… cũng đồng loạt tăng giá mạnh và góp phần củng cố vững sắc xanh của các chỉ số.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 12/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự tích cực cũng diễn ra khi sắc xanh áp đảo hoàn toàn. Trong đó, các mã thanh khoản cao như FIT, PDR, CRE, CEO, NLG, IDC, DXG, LDG… đồng loạt tăng giá mạnh. FIT tăng 4,9% lên 10.350 đồng/cp, PDR tăng 4,5% lên 72.600 đồng/cp, HQC tăng 3,7% lên 3.600 đồng/cp, CRE tăng 3,4% lên 42.800 đồng/cp, CEO tăng 3,1% lên 9.900 đồng/cp. KBC tăng 1,4% lên 36.400 đồng/cp. KBC vừa thông qua việc vay vốn công ty con là CTCP Tập đoàn đầu tư và Phát triển Hưng Yên nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là khoản vay tín chấp và lãi suất theo thỏa thuận tại từng hợp đồng vay, tiền lãi thanh toán 1 lần khi tất toán các khoản vay. Hạn mức khoản vay là 1.080 tỷ đồng, có thể giải ngân nhiều lần tương ứng với từng hợp đồng vay vốn cụ thể cho đến khi giải ngân hết hạn mức. Thời hạn khoản vay tối đa là 2 năm kể từ khi ban hành nghị quyết.

Ở chiều ngược lại, trong số các mã giảm giá trong nhóm bất động sản có một số mã lớn như VIC hay VHM dù vậy, mức giảm của 2 mã này không lớn. Cổ phiếu có yếu tố thị trường cao như FLC cũng chốt phiên trong sắc đỏ ở mức 11.550 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 12/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

HNX-Index tăng 2,57 điểm (0,92%) lên 282,33 điểm. Toàn sàn có 128 mã tăng, 76 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,4 điểm (0,49%) lên 81,47 điểm.

Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn niêm yết giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với 753 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 21.265 tỷ đồng. FLC vẫn là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 30,5 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 12/5/
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại giao dịch tiêu cực hơn khi đẩy mạnh bán ròng hơn 600 tỷ đồng, trong đó, vẫn có nhiều cái tên thuộc nhóm bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại là NVL, VIC, KBC và VRE. Trong khi đó cũng có đến 5 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại là DXG, KDH, NLG, PDR hay AGG.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường tăng trở lại với thanh khoản khớp lệnh suy giảm so với phiên trước đó cho thấy lực cầu mua lên là không thực sự mạnh, giá tăng một phần đến từ hoạt động tiết cung của nhà đầu tư. Nhìn chung, tâm lý thị trường vẫn còn khá tích cực và diễn biến hai phiên cuối tuần sẽ quyết định xu hướng ngắn hạn sắp tới. Trên góc nhìn kỹ thuật, thị trường tiếp tục biến động trong khoảng giá 1.250-1.286 điểm tương ứng với vùng đỉnh tháng 4/2021 nên xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 được đánh giá là ngang bằng so với khả năng thị trường bước sang sóng điều chỉnh a. Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 13/5, thị trường có thể sẽ giằng co và rung lắc mạnh khi áp lực chốt lời gia tăng trong vùng giá này.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top